'Cái ôm đầu tiên' hay chuyện về 'liều doping đặc biệt' trong cuộc chiến chống Covid

Bức ảnh mang tựa đề 'Cái ôm đầu tiên' - Giải thưởng Ảnh Báo chí thế giới 2021 là một trong những 'liều doping đặc biệt' tiếp sức 'cuộc chiến' chống Covid-19.

 

Chưa bao giờ nhân loại lại rơi vào những tháng ngày bĩ cực đến thế khi một năm rưỡi đằng đẵng đã trôi qua, “bóng ma” Covid-19 không những chẳng biến mất mà vẫn tiếp tục bành trướng, phủ màn đen u ám khổng lồ lên khắp các châu lục. Nhưng trong những tháng ngày u ám ấy, thật may mắn, vẫn có những “liều doping đặc biệt” tiếp sức, giúp nhân loại bền chí hơn trong “cuộc chiến” gian nan này.

Liều “doping đặc biệt” ấy chính là tình người, là lòng trắc ẩn, là sự sẻ chia. Việc bức ảnh mang tựa đề “Cái ôm đầu tiên” được lựa chọn trao giải cao nhất Giải thưởng Ảnh Báo chí thế giới năm nay là một trong những khẳng định về liều doping ấy.

Bức ảnh “The First Embrace” đoạt giải ảnh báo chí thế giới 2021. (Ảnh: KT) “The First Embrace” - thắp lửa tình yêu, hy vọng

“Tôi đọc được sự tổn thương, những người yêu quý, sự mất mát và chia ly, sự tàn lụi, nhưng quan trọng là cả sự sống, tất cả được gói ghém trong một bức ảnh. Điều trân quý nhất là từ những tổn thương, mất mát và chia ly ấy, nhưng nếu nhìn vào bức ảnh đủ lâu, bạn sẽ thấy đôi cánh, đó chính là biểu tượng của sự bay bổng, của tình yêu và hy vọng" - ông Kevin WY Lee, thành viên ban giám khảo Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới 2021 lý giải lý do vì sao bức ảnh mang tựa đề “The First Embrace” - “Cái ôm đầu tiên” được lựa chọn trao giải thưởng cao nhất.

Nhưng những nhận xét của giám khảo Kevin WY Lee dường như vẫn chưa đủ để nói hết được những cảm xúc đặc biệt từ bức ảnh tuyệt vời ấy của nhiếp ảnh gia người Đan Mạch Mads Nissen. Đặc biệt ngay từ cách Mads Nissen lựa chọn tên gọi cho bức ảnh. Để diễn tả bức ảnh, hoàn toàn có thể gọi bằng một cụm từ khác, “coronavirus hug” chẳng hạn, nhưng Mads Nissen đã chọn “The First Embrace”. “Embrace” - trong tiếng Anh được diễn giải là “closely in one's arms, especially as a sign of affection, willingly and enthusiastically” (tạm dịch: ôm ai đó trong vòng tay, xiết chặt, gần gụi, bao bọc, xúc cảm, ấm áp). Việc “The First Embrace” - “Cái ôm đầu tiên” từng được lựa chọn là tên gọi của chiến dịch chăm sóc trẻ sơ sinh do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động - cũng đủ để cho thấy những cảm xúc tình người đong đầy.

Và thực sự, khi nhìn vào khoảnh khắc mà Mads Nissen đã bắt trọn: cụ bà 85 tuổi Rosa Luiza Lunardi nằm gọn trong vòng tay ôm của nữ y tá trong viện dưỡng lão tại Brazil sau nhiều tháng bị cách ly vì Covid-19, thấy rõ sự ấm áp ấy, sự chia sẻ, đồng cảm ấy. Tại Brazil những ngày cao điểm chống dịch Covid-19, các cơ sở chăm sóc đã đóng cửa không cho du khách đến thăm do hậu quả của đại dịch Covid-19, hàng triệu người Brazil lớn tuổi, do đó trong nhiều tháng liền, đã không được tiếp xúc với người thân, mới thấy hết giá trị của cái ôm với một người già như cụ Rosa Luiza Lunardi.

Đặc biệt, tấm vải nhựa vốn được sử dụng cách ly giữa hai người nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm, trong khoảnh khắc Mads Nissen giơ máy lên, lại khiến người xem ảnh liên tưởng tới đôi cánh. Niềm hy vọng, sự bay bổng và sự sẻ chia trong niềm đau thương giữa đại dịch, được toát lên, cũng từ hình ảnh đôi cánh đó. Như chính trải lòng của Nissen, “với tôi, đây là một câu chuyện về hy vọng và tình yêu trong những thời điểm khó khăn nhất”.

Cô giáo Maura Silva và những học trò của mình. (Ảnh: KT)Bức ảnh lần đầu được đăng trên nhật báo Politiken của Đan Mạch, nơi tác giả Nissen đang làm việc, đã thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng và khi tham dự Giải thưởng Ảnh Báo chí thế giới năm nay, “The First Embrace” ngay lập tức được lựa chọn để tôn vinh vào hạng mục trao giải cao nhất từ 74.470 bức ảnh tham dự giải của 4.315 tác giả trên khắp thế giới.

Bức ảnh “The First Embrace” của của nhiếp ảnh gia người Đan Mạch Mads Nissen được lựa chọn trao giải thưởng cao nhất từ 74.470 bức ảnh tham dự Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới 2021 của 4.315 tác giả trên khắp thế giới.

Khi “tình người ở lại”

“Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại”. Chiêm nghiệm ấy của nhà vật lý, hóa học thiên tài người Anh Michael Faraday hoàn toàn chính xác trong “cuộc chiến chống Covid-19”. Gần hai năm đằng đẵng trong cuộc chiến chống dịch bệnh khốc liệt nhất kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay, người dân trên khắp toàn cầu đều hiểu rõ, nói đúng hơn là thấm thía hơn bao giờ hết giá trị của tình người.

Chẳng phải đến tận bây giờ, chẳng phải riêng Mads Nissen, câu chuyện về những cái ôm yêu thương trong đại dịch đã được truyền thông thế giới ghi nhận trong nhiều câu chuyện đầy xúc cảm. Chẳng đâu xa, cũng ngay tại quốc gia Nam Mỹ Brazil, độc giả đã từng không cầm được nước mắt trước câu chuyện cô Maura Silva, một giáo viên tiểu học ở thành phố Rio de Janeiro, trong những ngày nhà trường phải đóng cửa và phải tổ chức học trực tuyến vì dịch Covid-19, tình yêu với học trò đã giúp cô nhận ra rằng: với các em nhỏ, việc gặp gỡ thầy cô qua màn hình máy tính dường như là chưa đủ, các em còn cần nhiều hơn những động viên và chia sẻ từ thầy cô để đi qua những ngày khó khăn, để vượt qua nỗi buồn bực bế tắc trong cảnh buộc phải cách ly tại nhà.

Trong thảm cảnh dịch bệnh, những câu chuyện đầy ắp tình yêu thương ấy thắp cho nhân loại ngọn lửa của niềm hy vọng. Chừng nào “những cái ôm đầu tiên” còn được thực hiện và lan tỏa, chừng ấy, nhân loại còn có thêm sức mạnh, niềm tin trong cuộc chiến này.

Vì lẽ đó, cô Maura Silva đã vụt lên ý tưởng “cái ôm động viên”, rằng đó sẽ là liều thuốc vô cùng quý giá xoa dịu mọi lo lắng và cô đơn của cô cậu học trò nhỏ, cũng chính là để làm vơi bớt nỗi nhớ học trò đang cồn cào trong mỗi trái tim người làm thầy, làm cô như cô. “Cái ôm động viên” của cô Mauro Silva là việc cô tự chế một “bộ đồ ôm”, được làm bằng nhựa với khẩu trang tùy chỉnh. Với bộ đồ đặc biệt này, cô có thể ôm trọn những học sinh thương yêu của mình mà vẫn đảm bảo an toàn cho bọn trẻ và cho cả chính cô. Từ cái ôm ấy, tình yêu thương, sự chia sẻ, động viên đã được lan truyền, đầy tinh tế và xúc cảm.

Cụ bà người Bỉ Suzanne Hoylaerts. (Ảnh: KT)Hay hồi tháng 4/2020, một câu chuyện được đăng tải trên báo chí Bỉ đã khiến nhiều người không nén nổi xúc động. Chuyện rằng cụ bà Suzanne Hoylaerts, 90 tuổi, sống tại thị trấn Binkom, thuộc khu đô thị Lubbeek, Bỉ, khi chẳng may mắc Covid-19, đến khi bệnh tình trở nặng, cần dùng máy trợ thở, bà Suzanne đã nói với các bác sĩ: “Tôi không muốn dùng máy trợ thở. Hãy dành nó cho những bệnh nhân ít tuổi hơn tôi”. Trước đó, cụ bà Suzanne Hoylaerts nói với con gái: “Con đừng khóc. Con đã làm tất cả những gì có thể rồi”. Bà đã mất ngay sau đó, nhưng thực sự, đúng như lời bà từng nói: “Tôi đã sống một cuộc đời tốt đẹp”. Người phụ nữ ấy đã sống một cuộc đời thực sự tốt đẹp.

Còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện thấm đẫm nhân văn, tình người trong đại dịch. Những con số thương vong khủng khiếp vẫn đang xuất hiện nối tiếp, liên tục tại Ấn Độ, Lào, Campuchia… cho thấy bóng ma Covid-19 vẫn sẽ còn phủ đen khắp toàn cầu. Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 sẽ còn vô cùng cam go… Nhưng trong khó khăn, thảm cảnh, những câu chuyện đầy ắp tình yêu thương ấy thắp cho nhân loại ngọn lửa của niềm hy vọng. Chừng nào “những cái ôm đầu tiên” còn được thực hiện và lan tỏa, chừng ấy, nhân loại còn có thêm sức mạnh, niềm tin trong cuộc chiến này./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận