“Hợp tác toàn cầu trong vấn đề chia sẻ vaccine là lựa chọn duy nhất để chấm dứt đại dịch Covid-19… Chúng ta không thể đánh bại đại dịch bằng cách cạnh tranh, chúng ta không thể” - “thông điệp” thống thiết này đã được người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ rất nhiều lần. Tuy nhiên, cứ nhìn vào những tranh cãi bất tận suốt thời gian qua, dễ thấy, để thông điệp này được tất cả các quốc gia trên hành tinh này lắng nghe và đồng thuận, để mong mỏi “vaccine Covid-19 for all - cho tất cả” thành hiện thực, còn là một hành trình xa ngái.
Một ý tưởng nhân văn
Cụm từ “hợp tác toàn cầu trong vấn đề chia sẻ vaccine” mà ông Tổng Giám đốc WHO nói đến, đến giờ này, nó không chỉ là câu chuyện phân phối, chia sẻ vaccine Covid-19 nữa, mà còn là câu chuyện dỡ bỏ, chia sẻ, nhượng lại quyền sở hữu trí tuệ vaccine Covid-19.
“Chỉ có tạm từ bỏ các biện pháp bảo vệ bản quyền mới chấm dứt được Covid-19” - thực ra trước khi Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai chuyển quan điểm của Tổng thống Mỹ Biden tới báo giới ngày 5/5, ý tưởng này đã nằm trong “bộ đề xuất” mà hai nước Nam Phi và Ấn Độ đưa ra với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 10 năm ngoái. Theo hai quốc gia này, “quyền sở hữu trí tuệ cản trở hoặc có nguy cơ cản trở việc cung cấp kịp thời các sản phẩm y tế với giá phải chăng cho bệnh nhân”; và rằng “nên dỡ bỏ rào cản này đến khi công tác tiêm chủng rộng rãi được thực hiện trên toàn cầu và phần lớn dân số thế giới đều đã miễn dịch”.
Tuy nhiên, lời đề nghị này của Nam Phi và Ấn Độ đã không hề được lắng nghe.
Dù vậy, câu chuyện về vaccine Covid-19 vẫn không ngừng “nóng”. Số liệu từ trang thống kê Our World in Data mới nhất cho thấy, phần lớn trong số 624 triệu người trên toàn thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine sống ở các nước giàu có hơn. Đơn cử như tại châu Phi, các nước châu Phi mới chỉ tiếp cận 1% số liều vaccine được sử dụng trên thế giới. Trong khi đó, số người tử vong vì Covid-19 cũng như các ca nhiễm Covid-19 không ngừng gia tăng với tốc độ kinh hoàng khắp thế giới.
Lời kêu cứu vaccine đang vang vọng khắp toàn cầu. Ý tưởng dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine được đánh giá là đậm tính nhân văn là vì vậy.
Quá nhiều quan ải khó vượt qua
Tuy nhiên, trong thế giới đầy ắp những toan tính như hiện nay, ý tưởng nhân văn ấy, đã không dễ dàng được thực thi. Bước sang năm 2021, khi làn sóng Covid vẫn không ngừng diễn tiến theo chiều hướng phức tạp, trong khi cái gọi là “vaccine for all” dường như vẫn chỉ dừng lại nơi các khẩu hiệu biểu tình của người dân, chỉ một số quốc gia giàu có mới có cơ hội thúc đẩy tiêm chủng cho người dân, thì lúc ấy, nhiều quốc gia, tổ chức trong đó có chính WTO, mới “lần lại” những đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ. “Tân quan tân chính sách”, ngày 11/3, Tân Tổng Giám đốc WTO, Ngozi Okonjo-Iweala, người phụ nữ nổi tiếng với những chính sách mở đường, đã quyết định mở cuộc thảo luận mới xung quanh vấn đề này. Tại cuộc thảo luận này, khoảng 100 quốc gia thành viên WTO đã lên tiếng ủng hộ. Tuy nhiên, theo quy chế của WTO, một quyết sách sẽ chỉ được thực thi khi tất cả các thành viên của WTO đạt được sự đồng thuận. Một khi còn một quốc gia phản đối, quyết sách ấy sẽ chỉ nằm trên giấy. Thế nên, con số hơn 100 quốc gia đồng ý cũng không mang lại kết quả nào.
Giữa tháng 4/2021, một số nhà khoa học đoạt giải Nobel và các cựu nguyên thủ quốc gia đã gửi thư ngỏ cho Tổng thống Joe Biden, trong đó nhấn mạnh: “Từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 là “bước quan trọng và cần thiết để chấm dứt đại dịch”, rằng “từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 sẽ có lợi cho toàn thế giới khi vaccine sẽ được sản xuất hàng loạt với giá thành rẻ hơn”.
Phải đến ngày 5/5 vừa qua, lời đề nghị trong lá thư ngỏ ấy mới được người đứng đầu Nhà Trắng chấp thuận. Cú gật đầu ủng hộ bỏ bản quyền vaccine Covid-19 của Nhà Trắng được nhà lãnh đạo WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi là một “quyết định lịch sử”. Nhờ cú “xoay chiều” của Mỹ, một loạt nước như Pháp, Đức, Canada, Thụy Sĩ, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Nga..., cũng đã phần nào thay đổi góc nhìn, tuyên bố sẵn sàng tham gia thảo luận.
Tuy nhiên, như đã nói, theo quy chế của WTO, quyết định nào của tổ chức này cần phải nhận được sự đồng thuận của tất cả 164 quốc gia thành viên. Sẵn sàng tham gia thảo luận không đồng nghĩa với việc sẽ đạt được đồng thuận. Lý lẽ của phe phản đối thì có nhiều. Đức - quốc gia có hãng vaccine BioNTech lập luận rằng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ “là nguồn gốc của đổi mới và phải tiếp tục duy trì trong tương lai” và “yếu tố hạn chế đối với việc sản xuất vaccine là năng lực sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng cao, chứ không phải bằng sáng chế”. Các hãng dược phẩm thì có lẽ càng quá rõ bởi chẳng ai “cho không biếu không” nhất là khi bản quyền sáng chế vaccine không hề là chuyện đơn giản. Nói bóng bẩy như Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp dược phẩm Mỹ (PhRMA) thì “quyết định của Mỹ có thể làm suy yếu thêm các chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng và khuyến khích gia tăng vaccine giả”.
“Suy yếu thêm các chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng” - hoàn toàn có thể được suy luận với câu chuyện suy giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Mà rõ ràng, cả doanh nghiệp hay chính phủ, không phải ai cũng đủ quyết tâm từ bỏ lợi ích của mình, vì người khác, quốc gia khác.
Giữa tháng 4/2021, một số nhà khoa học đoạt giải Nobel và các cựu nguyên thủ quốc gia đã gửi thư ngỏ cho Tổng thống Joe Biden, trong đó nhấn mạnh: “Từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 là “bước quan trọng và cần thiết để chấm dứt đại dịch”, rằng “từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 sẽ có lợi cho toàn thế giới khivaccine sẽ được sản xuất hàng loạt với giá thành rẻ hơn”.
|
Mong manh lựa chọn duy nhất để chấm dứt đại dịch
“Chúng ta không thể đánh bại đại dịch bằng cách cạnh tranh” - Tổng Giám đốc WHO đã thốt lên đầy cảm thán, nhưng thực sự câu nói ấy được bao nhiêu quốc gia, bao nhiêu doanh nghiệp lắng nghe?
“Hợp tác toàn cầu trong vấn đề chia sẻ vaccine là lựa chọn duy nhất để chấm dứt đại dịch Covid-19…” - thông điệp ấy của nhà lãnh đạo WHO là chân xác nhưng đã được bao nhiêu quốc gia thấu hiểu và đồng thuận? Trong khi những câu hỏi ấy còn bị bỏ ngỏ, trong khi để đạt được sự đồng thuận WTO sẽ phải trải qua rất, rất nhiều vòng đàm phán nữa, mà thời hạn khả quan nhất, sớm nhất như lời bà Ngozi Okonjo-Iweala, là tháng 12/2021, thì con số ca nhiễm Covid-19, tới làn sóng thứ 4, như khẳng định của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn là “cao không thể chấp nhận được”.
Theo số liệu mới nhất ngày 12/5 được ghi nhận bởi trang thống kê worldometer.info, dù số ca mắc mới trung bình tại Mỹ được cho là giảm xuống thấp nhất từ tháng 9/2020, chỉ trong ngày 12/5, toàn cầu đã vượt ngưỡng 160 triệu ca mắc Covid thêm trên 12.500 ca tử vong vì Covid-19, trong đó riêng Ấn Độ là 4.200 ca, một kỷ lục mới.
Thế nên, như một nhà quan sát đã thốt lên đầy chua chát và đau xót “người chờ chết, WTO chờ họp”. Trong lúc các nhà lãnh đạo, các thiết chế còn bận tranh cãi, thì ngoài kia, những mạng người vẫn đang ngã xuống vì Covid-19 - những sự ra đi mà biết đâu sẽ hoàn toàn có thể tránh hoặc giảm thiểu, nếu chúng ta làm được điều như Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ từng nói: “Tất cả đều chung sống trong một thế giới kết nối. Và vì vậy, các quốc gia có trách nhiệm đối với nhau”, chia sẻ với nhau, mọi điều, không vụ lợi.
Thế nên, nói hành trình “vaccine Covid-19 for all” hay “tiếp cận công bằng vaccine Covid-19” vẫn còn xa ngái là vì vậy. Con số chỉ 0,3% liều vaccine Covid-19 đã được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, chiếm 9% dân số thế giới, có lẽ đủ để chúng ta thấy những thông điệp mà người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới đưa ra thực sự đáng suy ngẫm./.
Hà Anh