Chủ tịch Hồ Chí Minh và 'Ngày hội non sông đầu tiên'

Ngày 6/1/1946 người dân Việt được hòa mình trong 'Ngày hội non sông', nơi họ lần đầu tiên được thực hiện quyền làm chủ, thực hiện quyền công dân của mình.

 

“Làm thế nào để quyền lực Nhà nước đích thực thuộc về nhân dân” - nếu không phải từ nỗi trăn trở thường trực, những nỗ lực bền bỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày ấy - hẳn sẽ rất khó để có ngày 6/1/1946 - ngày người dân Việt được hòa mình trong cuộc Tổng tuyển cử mà với họ, đó thực sự đã là “Ngày hội non sông”, nơi họ lần đầu tiên được thực hiện quyền làm chủ, thực hiện quyền công dân của mình.

Khẩn trương, kỹ lưỡng, quyết liệt “chuẩn bị sẵn sàng việc khai Quốc hội”

Đó thực sự là tâm thế của Người đứng đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những ngày đầu nước nhà vừa tuyên bố độc lập. Ngày 3/9/1945, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, trong đó, có việc phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Người nói: "Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ phải có tổ chức càng sớm càng hay, cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…” .

Và Người đã hết sức khẩn trương, quyết liệt cho mục tiêu ấy. Hàng loạt sắc lệnh đã được liên tiếp ban hành để có thể nhanh chóng biến ước muốn về Tổng tuyển cử đầu tiên của người dân Việt Nam độc lập trở thành hiện thực.

Số báo đặc biệt của Quốc hội ra ngày Tổng tuyển cử. (Ảnh tư liệu)

Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử. Sắc lệnh ghi rõ: "Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17/8/1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”. Ngày 20/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chuẩn bị đệ trình Quốc hội. Ủy ban gồm bảy vị do Người làm Trưởng ban. Ngày 26/9/1945, Bác ký Sắc lệnh số 39, về việc lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử, gồm 9 vị. Cũng ngay trong tháng 9, ngày 29/9/1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 51-SL. Ngày 16/10/1945, Bác chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ thông qua Sắc lệnh số 51 về thể lệ Tổng tuyển cử, ấn định ngày Tổng tuyển cử là ngày 23/12/1945 và thông qua số lượng đại biểu cho từng địa phương. Ngày 2/12/1945, Người ký Sắc lệnh số 71 và số 72, bổ sung thêm một số điểm về thể lệ Tổng tuyển cử; bổ sung thêm một số đại biểu tỉnh, thành phố đã được ấn định theo Sắc lệnh số 51. Ngày 4/12/1945, trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Người đề nghị chọn thêm một số thân sĩ để mời ra ứng cử.

Tuy nhiên, với nhãn quan tinh tường, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thấu, lường hết được tình hình khó khăn, nhất là sự cản trở của Việt Nam Quốc dân Đảng nhằm giữ một số ghế chủ chốt trong Chính phủ. Từ sự lường trước ấy, dù Sắc lệnh số 51 đã ấn định ngày 23/12/1945 sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử trong toàn quốc, nhưng sau đó, trong phiên họp của hội đồng Chính phủ ngày 16/11/1945, Người đã đề nghị hoãn ngày Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946 với mong muốn để cho công tác chuẩn bị bầu cử được chu đáo hơn.

:  Sắc lệnh số 14 - sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia)

Cùng với đó, trước những hành động xâm lược của thực dân Pháp ở Nam bộ, Nam Trung bộ và sự chống phá điên cuồng của Việt Cách và Việt Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta một mặt kiên quyết đấu tranh vạch trần và chống lại những hành động phá hoại của kẻ thù, mặt khác thực hiện sách lược nhân nhượng, hoà giải để “tỏ rõ cái tư cách xứng đáng của những người công dân nước Việt Nam và ý chí đoàn kết không chia rẽ" của toàn thể quốc dân. Ngày 24/12/1945, đại biểu của Việt Minh, Việt Quốc, Việt Cách đã có cuộc gặp gỡ, cùng ký vào bản Biện pháp đoàn kết gồm 14 điều chính và 4 điều phụ, trong đó nhấn mạnh tới việc: Độc lập là trên hết, kêu gọi đoàn kết, đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội, kháng chiến và đình chỉ hết thảy những việc công kích nhau bằng ngôn luận và hành động.

Cũng từ chủ trương ấy, ngày 1/1/1946, Chính phủ lâm thời đã cải tổ, mở rộng thành phần Chính phủ liên hiệp lâm thời, để Nguyễn Hải Thần đại diện Việt Cách giữ chức Phó Chủ tịch, và Trương Đình Tri, đại diện Việt Quốc giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế. Chính phủ liên hiệp lâm thời cũng đã ra Tuyên bố nhấn mạnh tới việc: "Làm sao cho cuộc toàn dân tuyển cử được thành công mỹ mãn và chuẩn bị sẵn sàng việc khai Quốc hội".

“Ngày mai vui sướng” đưa “quốc dân ta lên con đường mới mẻ”

Sau tất cả những chuẩn bị kỹ càng, ngày 31/12/1945, trên báo Cứu quốc, số 130, Người quyết định viết bài báo “Ý nghĩa Tổng tuyển cử”, nhấn mạnh rất rõ tới toàn dân: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà… Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái. Hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.

Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960. (Ảnh: TL)

Một ngày trước khi cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành, sau khi chủ trì phiên họp của Chính phủ, kiểm tra lần cuối những công việc chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, nhận thấy mọi sự đã chín muồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”.

Phải là những người đi qua đêm trường nô lệ, đi qua những ngày tháng đất nước chìm trong u ám của nạn đói, nạn mù chữ mới thấy hết giá trị của những khát khao “Ngày mai” ấy. Với mỗi người dân, không gì hơn là từ kiếp người dân nô lệ, ngày mai, sẽ là ngày “hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”, hưởng dụng quyền dân chủ của mình.

Tưng bừng Ngày hội non sông đầu tiên

Sau những chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, quyết liệt, ngày 6/1/1946, người dân nước Việt lần đầu tiên, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.

Cử tri bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 06/01/1946. (Ảnh: TL)

Sáng ngày 6/1/1946, theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thành thị, xóm thôn, đâu đâu cũng rực rỡ cờ, đèn và hoa. Nhân dân không phân biệt giàu, nghèo, già, trẻ, gái, trai nô nức đi tới các nơi bỏ phiếu”. Ở cả 71 tỉnh, thành trong cả nước, có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau. Ra ứng cử ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất 98,4%.

Sáng hôm đó, Báo Quốc hội số đặc biệt đã trân trọng đăng trên trang nhất ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với bút tích của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”.

Đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân Việt Nam nô nức đi bỏ phiếu với tất cả niềm vui sướng, nỗi háo hức vô bờ. Vui sướng, háo hức, không thể nào quên… cũng là điều dễ hiểu bởi đó là lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam được tham gia bầu cử với một thể thức dân chủ. Nhiều đảng phái, tổ chức phản động ra sức phá hoại, ngăn cản. Như trong ký ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Cho tới hôm qua (ngày 5/1- PV), vì những lá phiếu này, máu vẫn phải đổ. Bốn mươi hai cán bộ đã hy sinh tại miền Nam trong công tác vận động tổng tuyển cử”. Còn tại Nam bộ và miền Nam Trung bộ, trong ký ức của Đại tướng: “Cuộc tuyển cử diễn ra dưới bom phá, bom lửa và đạn liên thanh của quân thù (…) Một số đồng bào ở Tân An, Khánh Hòa bị thương và bị chết vì máy bay địch ném bom vào nơi bỏ phiếu”.

Nhưng tất cả không cản nổi “làn sóng” cử tri tham gia cuộc Tổng tuyển cử. Sáng ngày 6/1/1946, cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau. Ra ứng cử ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất 98,4%.

Nói về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/01/1946 trong “Hồi ký Đại biểu Quốc hội khóa I”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Với sự kiện trọng đại này, dân tộc Việt Nam ta sau khi là dân tộc đầu tiên ở Đông Nam Á làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công, trở thành dân tộc đầu tiên thiết lập được Nhà nước có chế độ chính trị với hình thức dân chủ cao nhất là phổ thông đầu phiếu. Không phải ngẫu nhiên mà vinh quang này thuộc về dân tộc Việt Nam ta, một dân tộc mãi mãi gắn liền với tên tuổi người con vĩ đại của mình: Chủ tịch Hồ Chí Minh”./.

Hà Anh

 

 

 

 

           

 

Bình luận

    Chưa có bình luận