Trẻ em (cùng với phụ nữ) là những đối tượng dễ tổn thương. Vì thế, khi đại dịch Covid-19 như con sóng thần càn quét khắp các quốc gia thì trẻ em là những người chịu nhiều hệ lụy tiêu cực nhất. Sự tổn thương mà các em phải chịu đựng, tựa như những thanh âm cầu cứu bức thiết, đang khát khao mong chờ sự hồi đáp, xoa dịu, bù đắp.
Từ câu chuyện “Số trẻ em bị ngược đãi tăng kỷ lục trong đại dịch ở Nhật Bản”
2.172 trẻ em dưới 18 tuổi bị ngược đãi chỉ trong năm 2020, trong số này, tổng cộng 1.775 em (tức hơn 80%) bị ngược đãi thân thể, 300 em bị lạm dụng tình dục, 53 em bị bạo hành về mặt tâm lý hoặc ngôn từ, và 44 em bị bỏ rơi. 106.000 trường hợp bị tình nghi bạo hành trẻ em, tăng hơn 8% chỉ sau 1 năm, lần đầu tiên vượt qua mức 100.000 em kể từ khi các số liệu được ghi nhận năm 2004, trong đó 61 em đã tử vong. Trong số các trường hợp tử vong, 21 em liên quan đến các vụ tự tử - sát hại trong gia đình, 11 em hoặc bị giết hoặc bị bỏ rơi ngay sau khi sinh, 14 em bị sát hại và 8 trường hợp bị tấn công dã man… Đó chỉ là một số trong rất nhiều những con số gây chấn động lương tri mà Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã thống kê và công khai trước dư luận hồi tháng 3/2021. Điều đáng nói là, theo Giám đốc Hiệp hội Ngăn chặn ngược đãi và bỏ rơi trẻ em, bà Tetsuro Tsuzaki, dịch Covid-19 đã khiến các nhân viên bảo trợ khó đến thăm các gia đình có những trường hợp nghi là ngược đãi trẻ em và rằng, báo tình hình liên quan đến ngược đãi trẻ em sẽ còn tồi tệ hơn khi ngày càng nhiều gia đình trở nên cô lập và phải đối mặt với những khó khăn tài chính do dịch.
“Chúng ta cũng cần bảo đảm rằng mọi trẻ em đều có khởi đầu tốt nhất có thể trong cuộc sống và các phương tiện để phát triển tiềm năng. Bằng cách bảo đảm rằng những trẻ em dễ bị tổn thương nhất được bảo vệ, chúng ta có thể phá vỡ chu kỳ đau khổ giữa các thế hệ”.
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet
|
Nhưng đáng buồn hơn nữa, đó không chỉ là câu chuyện tại Nhật Bản. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trong cuộc khảo sát tác động của dịch Covid-19 đối với mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội hồi tháng 8/2020 đã chỉ rõ: Dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn các hoạt động phòng, chống bạo hành tại gia đình, đã đẩy trẻ em tại hơn 100 nước đối mặt với nguy cơ dễ bị ngược đãi và bạo hành. Theo UNICEF, tại 104 trong tổng số 136 nước tham gia khảo sát đã ghi nhận tình trạng gián đoạn hoặc ngừng các dịch vụ, trong đó có quản lý, đến thăm trẻ em và phụ nữ có nguy cơ bị bạo hành. Không dừng lại ở đó, theo Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore, việc đóng cửa các trường học và các biện pháp hạn chế đi lại đã làm tăng thời gian trẻ em phải ở nhà với những đối tượng bạo hành. Trong khi đó, đại dịch đang khiến nỗ lực bảo trợ trẻ em gặp khó khăn hơn, cũng như đẩy những người làm công tác bảo trợ xã hội đứng trước rủi ro có thể lây nhiễm bệnh. Hậu quả của việc gián đoạn hoặc ngưng trệ các dịch vụ bảo trợ khiến trẻ em trở thành những đối tượng bơ vơ, không biết nương tựa vào đâu.
Đến cuộc khủng hoảng học tập của trẻ em toàn cầu
Có đến cả hàng năm qua, kể từ khi có đại dịch, Philippines ra quy định trẻ em dưới 15 tuổi chỉ được phép chơi trong khuôn viên gia đình nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Tất cả các trường học đóng cửa, mọi hoạt động học tập, nếu có, chỉ diễn ra qua hình thức trực tuyến. Nhưng cái sự học online này, tại nhiều vùng nghèo khó, kém phát triển ở một nước Đông Nam Á không quá dư dả như Philippines cũng “chẳng đâu vào đâu” khi nhiều học sinh ở Philippines không có máy tính hoặc internet ở nhà. Báo giới của Philippines chua chát gọi đó là “cuộc khủng hoảng học tập” của trẻ nhỏ nước này.
Nhưng, chua chát nữa là với một làn sóng dịch mang tính toàn cầu và kéo dài như Covid-19, “cuộc khủng hoảng học tập” đã không chỉ hoành hành tại Philippines. Theo ước tính của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), tính đến tháng 3/2021, đã có khoảng 1,6 tỷ học sinh tại hơn 190 quốc gia đã buộc phải nghỉ học khi dịch bệnh lên đến đỉnh điểm và “cuộc khủng hoảng học tập” đã thực sự diễn ra trên quy mô toàn cầu. Trẻ em ở các nước càng nghèo đói, càng kém phát triển, sự khủng hoảng càng nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, điều đáng quan ngại là cuộc khủng hoảng này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài cho cả một thế hệ, thậm chí tạo ra bất bình đẳng và để lại những hậu quả dài lâu cho cả cá nhân và xã hội. UNESCO thì ước tính rằng sẽ có khoảng 24 triệu trẻ em bỏ học, và nếu như các quốc gia không coi giáo dục như một trong những trụ cột cần phục hồi sau đại dịch thì sẽ càng đào sâu tình trạng bất bình đẳng, nạn nghèo đói và sự chia cắt trong xã hội.
Những thanh âm cần được hồi đáp
Không chỉ là bạo hành, không chỉ là khủng hoảng học tập, trẻ em thời đại dịch trên khắp toàn cầu còn phải chịu nhiều hệ lụy khác: chuyện đại dịch khiến tỷ lệ trẻ em phải điều trị tâm lý ngày càng nhiều; chuyện trẻ em bị gián đoạn bởi cả những chương trình cơ bản như tiêm chủng vaccine, chuyện trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng trong đại dịch Covid-19 toàn cầu… Ngoài ra, sự gián đoạn trong bao phủ y tế dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cũng báo động về tình trạng này: “Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng. Những tác động kinh tế của một cuộc suy thoái kéo dài và sắp xảy ra sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đến trẻ em”.
Ảnh hưởng nặng nề và toàn diện ấy là rõ ràng, vấn đề cấp bách hiện nay: nhân loại phải làm gì trước nỗi đau, trước những sự kêu cứu ấy? Trong bối cảnh đại dịch phủ khắp như hiện nay, theo các nhà quan sát, đó thực sự là thách thức quá lớn. Nhưng dù là thách thức như thế nào, nói như bà Henrietta Fore: “Thách thức ở đây là một cơ hội lịch sử để xây dựng các hệ thống mạnh mẽ hơn hỗ trợ tất cả trẻ em và thanh thiếu niên, dù họ sống ở đâu”. Và rằng, theo bà, “Quyền trẻ em cũng phải là trung tâm của các chiến lược và kế hoạch ứng phó”. Đồng tình với điều này, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet cũng lên tiếng chỉ rõ: “Chúng ta cũng cần bảo đảm rằng mọi trẻ em đều có một khởi đầu tốt nhất có thể trong cuộc sống và các phương tiện để phát triển tiềm năng. Bằng cách bảo đảm rằng những trẻ em dễ bị tổn thương nhất được bảo vệ, chúng ta có thể phá vỡ chu kỳ đau khổ giữa các thế hệ”.
Nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Điều cấp thiết nhất lúc này sẽ là làm như thế nào. Nhiều đại biểu tham gia cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và đoàn kết để tránh tình trạng đẩy lùi các bước tiến trong việc thực hiện quyền trẻ em. Các đại biểu cũng khuyến nghị rằng các kế hoạch phục hồi sau Covid-19 cần đặt trẻ em vào trung tâm của mọi hệ thống - đó phải chăng là một gợi ý đáng để chúng ta, những người lớn đang nắm trong tay khả năng có thể giúp đỡ, cải thiện cuộc khủng hoảng mà các em đang phải hứng chịu - đưa ra câu trả lời./.
Hà Anh