Ngày 5/6/1911 cách đây 110 năm đã trở thành một dấu mốc đặc biệt quan trọng, không chỉ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, mà còn đối với cả dân tộc Việt Nam. Từ hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, qua 3 châu lục, 4 đại dương, qua gần 30 quốc gia, thành phố, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, đã làm được như điều Người nung nấu: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.
“Phải đi ra nước ngoài xem cho rõ”
Nhiều năm sau này, năm 1965, khi trả lời phỏng vấn của nhà văn Mỹ Anna Lui Strong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lý giải như vậy về nguyên cớ của việc giữa cái khó trăm bề, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - vẫn quyết tìm mọi cách để ra đi bằng được. “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi” - Người chia sẻ.
Một lần khác, khi trả lời một nhà báo Nga, Hồ Chủ tịch cũng đề cập lý do đã thôi thúc Người, giữa tuổi 20, không tiền bạc, không mối quan hệ, vẫn quyết ra nước ngoài, tìm kiếm cho mình, cho đất nước những ý tưởng cứu nước mới mẻ, phù hợp: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong trường học cho người bản xứ dạy người như dạy vẹt, không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rousseou và Montesquier cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”.
Những ngày làm trợ giáo, dạy học tại Trường Dục Thanh, Phan Thiết, có cơ hội đọc những cuốn sách quý, tiếp cận những tư tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp càng khiến người thanh niên - thầy giáo trẻ nhận ra rằng, mong ước ra nước ngoài tìm kiếm con đường cứu nước cho dân tộc, thực sự là mong ước có cơ sở. Rồi những ngày đặt chân lên đất Sài Gòn, trong lúc “lang thang để tìm cách sang phương Tây" - như Người sau này tâm sự, có điều kiện để rồi nhận ra một sự thực chua chát: Sài Gòn - Viễn Đông tráng lệ của thực dân Pháp - nhưng với người dân Việt Nam nô lệ, đây vẫn là thành phố của bất công và nghèo đói, để rồi đau đáu suy ngẫm: “nhưng điều lạ hơn cả là trong bối cảnh như vậy sao dân mình vẫn khổ sở và bị khinh rẻ”.
“Phải làm gì để cứu dân, cứu nước?” càng là câu hỏi thôi thúc, hiện diện thường trực trong tâm trí Người. Rồi câu nói đượm buồn của người cha Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy): “Tìm thăm cha là tốt, nhưng cái cần hơn vẫn là tìm đường cứu dân tộc”... càng khiến chàng thanh niên yêu nước ngày đó quyết tìm mọi cách để biến hoài bão thành hiện thực.
Nói là làm, quyết chí đến cùng. Vượt qua khó khăn, trở ngại trăm bề, ngày 05/6/1911, trên con tàu đô đốc Latouche Treville rời cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) đi Marseille (Pháp), có mặt người phụ bếp trẻ tên Văn Ba. Người phụ bếp ấy chính là chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Ngày 5/6 ấy chính là ngày người thanh niên ấy bắt đầu hành trình đi tìm đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc Việt Nam.
Vượt qua khó khăn, trở ngại trăm bề, ngày 05/6/1911, trên con tàu đô đốc Latouche Treville rời cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) đi Marseille (Pháp), có mặt người phụ bếp trẻ tên Văn Ba. Người phụ bếp ấy chính là chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Ngày 5/6 ấy chính là ngày người thanh niên ấy bắt đầu hành trình đi tìm đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc Việt Nam. |
Ra đi để trở về
Ra đi để trở về - điều đó là thực sự chân xác với hình trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước nơi đất khách quê người của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc. 30 năm ấy, ra đi, tới nhiều vùng đất, nhiều châu lục, và khi trở về, Người đã mang tặng cho Tổ quốc một món quà vô giá: lối thoát cho dân tộc khỏi đêm dài nô lệ, lầm than.
Lối thoát ấy, được Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc lần tìm, đầy bền bỉ, sáng tạo và linh hoạt, trên mỗi chặng dừng chân. Một tháng sau ngày rời Bến cảng Nhà rồng, Nguyễn Tất Thành đặt chân lên đất Pháp. Lần đầu tiên trên mảnh đất được coi là nơi của phồn hoa, ánh sáng, nhưng một con người chịu khó quan sát như Nguyễn Tất Thành đã kịp nhận ra rằng ở nước Pháp cũng có những người nghèo như ở xứ sở của mình. Thực tế đó đã khiến Người không thôi tự hỏi: “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của nước họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta?”.
Hành trình những năm sau đó, từ nước Pháp đến châu Phi, có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha rồi tới Trung Mỹ, Nam Mỹ rồi nước Mỹ… Người cũng chiêm nghiệm thêm được nhiều điều. Đến đâu, Người cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Tại nước Mỹ, Người có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ, vừa đi làm thuê để kiếm sống vừa tìm hiểu đời sống của những người lao động Mỹ. Người đến thăm quận Brooklyn của thành phố New York, đến khu Harlem để tìm hiểu đời sống và cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của những người da đen, Josephine Stenson, một nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ- đã kỳ công tìm lại quyển bút tích ghi cảm nhận của các vị khách khi họ đến tham quan và chiêm ngưỡng bức tượng Nữ thần Tự Do, đã bắt gặp những dòng chữ đầy day dứt của Nguyễn Ái Quốc: "Ánh sáng trên đầu thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp; số phận người phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ phụ nữ được bình đẳng với nam giới?".
Nhưng bước ngoặt lớn nhất, cũng có thể xem là sự “gặt hái” lớn nhất trên hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc là việc đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp - “tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Cùng nhờ việc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Tất Thành đã có cơ hội cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo ra bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Versailles.
Bước ngoặt lớn thứ hai nữa là sự kiện Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển mạnh mẽ. Tại Đại hội lần thứ hai Quốc tế Cộng sản họp năm 1920, bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin được thông qua. Và Nguyễn Tất Thành giờ là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã có cơ hội tiếp cận văn kiện quý giá ấy. “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta” - sau này Người kể lại.
Từ giây phút ấy, từ bản Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Những năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô... Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời…
Khi dự liệu tất cả mọi sự chuẩn bị đã chín muồi, ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc quyết định trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ra đi để trở về, sau 3 thập kỷ bôn ba, Người đã có ngày trở về lịch sử, dân tộc Việt Nam có cơ hội lịch sử để đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc cho chính mình./.
Hà Anh