WHO: Ngổn ngang trăm mối

Chính đại dịch Covid-19 lại là cái cớ để Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rơi vào ngổn ngang trăm mối, trong đó gay gắt nhất là câu chuyện buộc phải cải tổ.

 

Đại dịch Covid-19 là lúc những thiết chế y tế hàng đầu như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải chứng tỏ vai trò, vị thế của mình, như lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “phải là "trái tim, la bàn" trong vấn đề sức khỏe toàn cầu cũng như phải đủ sức mạnh, đủ linh hoạt trong thời kỳ khủng hoảng, để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp”. Tuy nhiên, cũng chính đại dịch Covid-19 lại là cái cớ để WHO rơi vào ngổn ngang trăm mối, trong đó gay gắt nhất là câu chuyện buộc phải cải tổ và những chỉ trích bởi quá chậm trễ trong việc tìm ra nguyên nhân của đại dịch Covid-19.

“Phản ứng quá chậm chạp và khó hiểu trong đại dịch Covid”

Đó là chỉ trích gay gắt và chung nhất về Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thời gian qua. Đơn cử như Báo cáo của Ủy ban Quốc tế về Chuẩn bị và Ứng phó Đại dịch được đem ra tranh luận tại kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới vào ngày 24/5/2021 vừa qua đã thẳng thừng liệt kê ra các sai lầm của WHO trong cách đối phó Covid-19. Báo cáo chỉ ra rằng, WHO lẽ ra phải tuyên bố đợt bùng phát nCoV ở Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp quốc tế sớm hơn thay vì đợi đến ngày 30/1. Ủy ban Khẩn cấp của WHO đã phạm sai lầm khi không khuyến nghị hạn chế đi lại và điều đó đã khiến các nước không thể hành động nhanh. Chưa hết, Báo cáo cũng phê phán rằng do sự chậm trễ, thiếu linh hoạt của WHO, nhiều quốc gia đã không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ cho đến khi WHO cuối cùng mô tả Covid-19 là đại dịch vào ngày 11/3. Cựu tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf - thành viên của Ủy ban Quốc tế về Chuẩn bị và Ứng phó Đại dịch - còn “bồi thêm”: “Nếu WHO bớt đi vô số những sai lầm, lỗ hổng, có sự chuẩn bị và không ứng phó chậm trễ, chúng ta lẽ ra đã có thể ngăn chặn được tình trạng hiện giờ”. Cũng theo nhiều chỉ trích, sự chậm trễ của WHO trong giai đoạn đầu dịch Covid-19 đã phải đánh đổi hậu quả bằng ít nhất 3,3 triệu sinh mạng cho tới nay, cùng một nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá nặng nề.

Đã từng có hơn 750.000 chữ ký gửi đến LHQ yêu cầu Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức. (Ảnh: KT)

Trước đó, nhiều quốc gia không phải không tìm thấy những điểm chung trong “cơn bão” phê phán mà ông Donald Trump - thời điểm đó còn là Tổng thống Mỹ đổ lên WHO. Trong một phát biểu tại Nhà Trắng hồi tháng 4/2020, ông Donald Trump đã công kích mạnh mẽ WHO, dọa sẽ cắt tiền tài trợ vì cho rằng tổ chức này "nghiêng về phía Trung Quốc, cung cấp thông tin sai lệch về dịch Covid-19". Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Tara Aso thời điểm đó cũng đã từng bóng gió rằng “mọi người bắt đầu gọi WHO là "Tổ chức Y tế Trung Quốc".

Cũng liên quan tới đại dịch Covid, WHO còn nhận nhiều ì xèo chung quanh cái gọi là “sáng kiến COVAX”. Sáng kiến COVAX ra đời dưới sự dẫn dắt của WHO, Liên minh Vaccine và Tiêm chủng Toàn cầu GAVI, cùng Liên minh Đổi mới Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI). Mục tiêu của COVAX là đạt những thỏa thuận mua vaccine Covid-19 số lượng lớn từ các công ty dược phẩm, đồng thời nhận vaccine quyên góp của các nước giàu, những quốc gia nghèo hơn có thể nhận vaccine miễn phí từ chương trình. Tuy nhiên, tiến trình này được cho là khá chậm chạp và rằng WHO và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên đối thoại với các chính phủ và các nhà sản xuất thuốc để đạt được thỏa thuận về cấp phép tự nguyện và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine.

“Phải độc lập hơn nữa”

Từ những chỉ trích ấy, WHO đứng trước những, hối thúc đòi hỏi phải cấp bách cải tổ từ đại diện các nước thành viên. Trong đó, yêu cầu chung nhất, cấp bách nhất là WHO phải củng cố tính độc lập - vốn bị cho là đã mai một đi nhiều. Đặc biệt tính độc lập hơn trong việc điều tra và đưa ra cảnh báo về các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng. Tháng 10/2020, Liên minh châu Âu (EU) đã có bản dự thảo đề xuất cải tổ WHO, yêu cầu WHO áp dụng các biện pháp nhằm tăng "tính minh bạch về sự tuân thủ của mỗi quốc gia" đối với các quy định y tế quốc tế. Các quốc gia cũng đề cập tới việc phải "xây dựng WHO vững mạnh hơn, vì một tương lai mạnh khỏe hơn, an toàn hơn và công bằng hơn cho tất cả mọi người".

Nhiều nhà hoạch định chính sách và Tổ chức Y tế thế giới được cho là đã ra quyết định chậm trễ trong giai đoạn đầu dịch Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Trong nhìn nhận của Pháp và Đức - hai “anh tài” tầm cỡ ở châu Âu, WHO cần phải được cải tổ mạnh mẽ, rằng nhiệm vụ của WHO, bao gồm ngăn chặn bùng phát dịch bệnh trên toàn thế giới và giúp các chính phủ giải quyết dịch bệnh, đã không nhận được đủ hỗ trợ về nguồn lực tài chính và quyền lực pháp lý. Tuy nhiên, “không chỉ trong thời kỳ đại dịch hiện nay, rõ ràng WHO đã thiếu một phần khả năng để thực hiện ủy thác này" - hai quốc gia này nhận định. Cũng liên quan tới tài liệu chung được lưu hành trong giới ngoại giao liên quan đến đàm phán cải tổ WHO, tài liệu được cho là xuất phát từ quan điểm của Đức, Pháp cũng cho rằng: “Các chuyên gia của WHO sẽ có thể “điều tra độc lập và đánh giá các đợt bùng phát tiềm tàng càng sớm càng tốt”.

Ngân sách thiếu hụt tới 70%

Thực tế ảm đạm này đang xảy đến với WHO. Không e ngại, không giấu giếm, một cách công khai tại kỳ họp thường niên Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết định của WHO ngày 24/5, ông Mike Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO đã hé lộ một thực tế “đắng lòng” là WHO hiện nay đang chịu sự thiếu hụt ngân sách tới 70%, và rằng với sự thiếu hụt ấy, “WHO không thể duy trì các hoạt động cốt lõi dành cho những ưu tiên khẩn cấp”, rằng “WHO đang phải đối mặt mối nguy hiểm thực sự cận kề”, “việc thiếu hụt ngân sách có nguy cơ làm tê liệt khả năng của WHO trong việc hỗ trợ nhanh chóng và linh hoạt cho các quốc gia, đồng thời đang gây hậu quả cho các hoạt động hiện tại”.

Cũng liên quan tới đại dịch Covid-19, WHO còn nhận nhiều ì xèo chung quanh cái gọi là “sáng kiến COVAX”.

Từ chia sẻ của ông Mike Ryan, nhìn lại câu chuyện “WHO sống nhờ vào đâu?”, nhân loại mới giật mình nhớ ra rằng bấy lâu nay, “WHO sống được” là nhờ vào hai nguồn chính: phí thành viên và các khoản đóng góp tự nguyện. Phí thành viên là khoản tiền được các quốc gia, vùng lãnh thổ đóng góp để trở thành thành viên của WHO, chiếm chưa đầy 1/4 nguồn thu của tổ chức này. Bên cạnh đó, khoản đóng góp từ các nước thành viên và đối tác là chiếm hơn 3/4 ngân sách của WHO. Chiếm tới 3/4 ngân sách, nên lẽ đương nhiên, vai trò và thái độ của các nước đóng góp chủ đạo là hết sức quan trọng. Trong đó, một lẽ đương nhiên nữa, Mỹ là cái tên buộc phải được nhắc đến trong câu chuyện đóng góp ngân sách. Mỹ bấy lâu nay luôn là nhà tài trợ đơn lẻ lớn nhất của WHO, thậm chí còn tuyên bố có kế hoạch rút khỏi WHO vào tháng 7/2020. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức hồi tháng 1/2021, ông Joe Biden đã viết một bức thư cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres, trong đó tuyên bố sẽ quay trở lại tham gia và tài trợ cho WHO, rằng Mỹ sẽ tiếp tục “tham gia thường xuyên” với WHO và sẽ “hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với tổ chức”. Lãnh đạo WTO đã từng coi tuyên bố đó là một “sự kiện tốt lành” đối với tổ chức này.

Dù vậy đến nay, sự tốt lành ấy dường như không mấy lan tỏa được tới tổng hành dinh của WHO. Bằng chứng là tại kỳ họp thường niên ngày 24/5 vừa qua, WHO vẫn ca lại “bài ca thiếu ngân sách”, thậm chí là thiếu trầm trọng (lên tới 70%), không thể duy trì được những nhiệm vụ cốt lõi. Trong đó, riêng nhiệm vụ “nóng bỏng” nhất - chống Covid-19, WHO cho biết đang cần tới 1,96 tỷ USD.

 “Cải tổ hay là chết?” - đó dường như đang là cụm từ mà WHO buộc phải đối mặt và phải tìm ra câu trả lời trong tương lai gần, nếu WHO muốn duy trì vị thế và vai trò trung tâm trong việc xử lý các vấn đề sức khỏe toàn cầu./.

Nếu WHO bớt đi vô số những sai lầm, lỗ hổng, có sự chuẩn bị và không ứng phó chậm trễ, chúng ta lẽ ra đã có thể ngăn chặn được tình trạng hiện giờ. Sự chậm trễ của WHO trong giai đoạn đầu dịch Covid-19 đã phải đánh đổi hậu quả bằng ít nhất 3,3 triệu sinh mạng cho tới nay, cùng một nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá nặng nề.

Hà Trang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận