Tái mở cửa du lịch quốc tế: Nhọc nhằn hành trình 'phá băng'

'Phá băng' ngành du lịch sau Covid đang là thông điệp, là mệnh lệnh mà hầu hết các quốc gia buộc phải hướng tới những ngày này, tựa như lẽ tự nhiên 'phải sống'.

 

“Phá băng” ngành du lịch sau Covid đang là thông điệp, đúng hơn là “mệnh lệnh” mà hầu hết các quốc gia buộc phải hướng tới những ngày này, tựa như lẽ tự nhiên “phải sống”, phải tìm ra phương cách để tồn tại sau chuỗi ngày quá dài buộc phải “ngủ đông”, “đóng băng” bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đó là một hành trình không đơn giản.

Từ những bước đi thử nghiệm linh hoạt và sáng tạo

Không khó để hiểu được vì sao Thái Lan lại nóng lòng đến thế trong câu chuyện “phá băng” ngành du lịch sau những ảnh hưởng tồi tệ do đại dịch Covid-19. Được mệnh danh là một trong những “cường quốc về du lịch”, du lịch từ lâu đã là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Thái Lan, đóng góp tới 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Thái Lan đón tiếp gần 40 triệu lượt khách quốc tế, mang lại nguồn thu 60 tỷ đô la.

Tham vọng của ngành du lịch Thái Lan không dễ thực hiện. (Ảnh: Bloomberg)

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 đã buộc quốc gia Đông Nam Á này đóng cửa biên giới với hầu hết khách quốc tế và đến nay, sau tới 4 làn sóng tấn công kinh hoàng tựa như “sóng thần” của Covid-19, đã, đang đẩy nền kinh tế Thái Lan nói chung, ngành du lịch Thái Lan nói riêng vào thảm cảnh tồi tệ chưa từng có. Kinh tế Thái Lan đã suy giảm 5 quý liên tiếp, và xu hướng này có thể tiếp diễn trong quý 2/2021. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã lên tới con số 758.000 trong quý 1/2021 năm nay, tương đương tỷ lệ 1,96% - là mức thất nghiệp cao nhất ở Thái Lan kể từ quý 1/2009. Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) cho rằng, ngành du lịch của nước này có thể phải mất 5 năm nữa mới hồi phục hoàn toàn hay nói cách khác, khó có thể trở lại trạng thái bình thường trước năm 2026.

Nhưng khó không có nghĩa là không thể. Càng không thể nhắm mắt nhìn tỷ lệ thất nghiệp và nền kinh tế suy giảm như tụt dốc không phanh. Không phải đến tận bây giờ, mà ngay từ tháng 5/2020, sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ nhất, Thái Lan đã thử nghiệm những sáng kiến kích cầu du lịch, đơn cử như chiến dịch "We Love Thailand" (Chúng tôi yêu Thái Lan). Càng trong khó khăn, ngành du lịch Thái Lan càng nỗ lực để đề ra liên tiếp các sáng kiến khác nhau hòng cứu vãn tình thế. Hồi đầu tháng 2/2021, Thái Lan đã khiến du khách khắp nơi khá ngạc nhiên và tò mò với cái gọi là “sáng kiến “cách ly villa” (hay còn gọi là cách ly nghỉ dưỡng), trước mắt dành cho phân khúc khách nghỉ dưỡng cao cấp.

Theo đó, các nhóm khách quốc tế giàu có có thể đến Thái Lan để tham gia các chương trình cách ly tại khu nghỉ dưỡng, sân golf hoặc các khu vui chơi giới hạn người tham gia. 5 ngày đầu trong thời gian cách ly, các du khách buộc phải ở trong phòng của mình, được theo dõi, chăm sóc bởi các nhân viên y tế và định kỳ xét nghiệm theo quy định. Những ngày sau đó, du khách có thể đi lại, trải nghiệm các dịch vụ nghỉ dưỡng và sau 14 ngày có thể đi du lịch tới nơi họ muốn. Cùng với “cách ly villa”, ngành du lịch Thái Lan còn có sáng kiến “cách ly trên du thuyền”. Theo đó, du khách có xét nghiệm âm tính với Covid-19 (khi đến sân bay) sẽ lên du thuyền cách bờ biển khoảng 10km ở Phuket. Sau khi kết thúc thời gian cách ly, nếu đủ điều kiện, du khách sẽ được tiếp tục được du lịch tại Phuket.

Tây Ban Nha đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhưng vẫn cẩn trọng trước nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát. (Ảnh: AP)

Phuket - địa danh du lịch hàng đầu của Thái Lan cũng là tên gọi của chương trình kích cầu du lịch, mở cửa trở lại cho khách du lịch quốc tế đã được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mà không cần cách ly bắt đầu từ ngày 1/7/2021 mang tên “Phuket sandbox” (Hộp cát Phuket). Chương trình này đòi hỏi tiêu chuẩn cao, không có ca nhiễm nào ở Phuket trước ngày 1/7/2021. Theo đó, mỗi du khách phải có bảo hiểm Covid-19 ít nhất 10.000 USD và đặt phòng tại các khách sạn được chính quyền Thái Lan chứng nhận an toàn. Du khách sẽ được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay và ở yên trong khách sạn cho đến khi có kết quả. Nếu âm tính, họ có thể thoải mái đi tất cả địa điểm ở Phuket. Nếu “Phuket sandbox” thành công thì sẽ có thêm các "sandbox" khác như Koh Samui, Koh Phangan và Koh Tao từ ngày 15/7.

Chưa hết, từ tháng 4/2021, Hội đồng Du lịch Thái Lan kêu gọi Chính phủ nước này khởi động kế hoạch “bong bóng du lịch” với các quốc gia. Theo đó, những người đã tiêm hai mũi vaccine ngừa Covid-19 sẽ nhận được một giấy chứng nhận mà sẽ được coi là "hộ chiếu vaccine " để mang theo mọi lúc mọi nơi.

Bali - điểm đến hàng đầu của “quốc gia vạn đảo” Indonesia. (ảnh: KT)

Cũng như Thái Lan, Bali - điểm đến hàng đầu của “quốc gia vạn đảo” Indonesia - là nơi vốn “sống bằng du lịch”. Thế nên, cũng như láng giềng, những người làm du lịch của Indonesia, của Bali cũng nóng lòng tìm mọi kế sách để “vượt bão”. Theo đó, du khách đến với Indonesia, đặc biệt là đến với điểm đến hàng đầu của nước này như Bali và Bintan sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 miễn phí.

Nước Nga, đất nước của rất nhiều danh lam thắng cảnh cũng không nằm ngoài xu hướng. Mới đây nhất, hồi đầu tháng 6/2021, phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg, Thư ký báo chí của Tổng thống Putin cho biết sáng kiến “du lịch vaccine” có thể sẽ được triển khai ở Nga trong 1 hoặc 2 tháng tới. Theo đó, du khách tới Nga hoàn toàn có cơ hội được tiêm vaccine miễn phí…

Cuộc chiến chống Covid-19 nói chung, hành trình “phá băng” của ngành du lịch toàn cầu còn lắm nỗi gian nan. Nhưng, hãy cứ tin, ánh sáng nhất định sẽ lấp lánh cuối đường hầm… khi vaccine và thuốc trị Covid-19 đến được với người dân toàn cầu.

Gian nan hành trình “mở cửa trên “lớp băng mỏng”

Đó là cách nói đầy ẩn ý của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong câu chuyện châu Âu đang nới lỏng các biện pháp hạn chế để chuẩn bị cho mùa du lịch cao điểm hè 2021. Theo cảnh báo của “người đàn bà thép”, châu Âu thực chất vẫn đang di chuyển trên “lớp băng mỏng” mà sự mong manh ấy đã hiển hiện trước mắt bởi sự xuất hiện, lây lan ngày càng nhanh, ngày càng tỏ rõ độ nguy hiểm của loại biến thể mới mang tên Delta, thậm chí đã xuất thêm cái gọi là “biến thể của biến thể” Delta Plus đang bắt đầu lan rộng ở một số quốc gia bao gồm Anh, Mỹ và Ấn Độ.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 25/6 cho biết: "Delta hiện là biến thể lây truyền mạnh nhất, đã xuất hiện ở ít nhất 85 quốc gia và đang lây lan nhanh chóng trong nhóm người chưa tiêm chủng vaccine Covid-19". Còn theo Cơ quan giải trình tự bộ gien Covid-19 của chính phủ Ấn Độ, biến thể Delta Plus có một số đặc điểm đáng lo ngại như: tăng khả năng lây nhiễm, liên kết mạnh hơn với các thụ thể của tế bào phổi và khả năng làm giảm phản ứng kháng thể. Và theo dự báo đầy quan ngại của các chuyên gia, không có gì đảm bảo, sau hàng loạt các biến thể, virus SARS-CoV-2 sẽ dừng lại sự biến hóa khôn lường của nó, và mối nguy hiểm, theo đó, cũng chưa thể dừng lại….

Chính vì “bóng ma” biến thể ấy, mà theo những tin tức mới nhất, kế hoạch mở cửa du lịch đầy tham vọng của Bali một lần nữa phải tạm hoãn khi số ca bệnh Covid-19 đã tăng trên khắp Indonesia trong những tuần gần đây. Riêng số ca bệnh ở đảo Bali tăng gấp 4 lần trong tháng qua, lên khoảng 200 ca mỗi ngày. Mới đây nhất, ngày 26/6/2021, New Zealand đã phải khẩn cấp dừng "bong bóng du lịch" với Australia. Theo đó, hành lang đi lại không cần cách ly giữa New Zealand và Australia đã bị tạm đình chỉ từ tối 26/6 sau khi số ca nhiễm Covid-19 tại Sydney tăng vọt... Cũng vì sự lan rộng đáng quan ngại của biến thể Delta, hàng loạt quốc gia buộc phải thực hiện tái phong tỏa nghiêm ngặt, đơn cử như nước Anh phải trì hoãn nới lỏng hạn chế Covid-19 vốn được lên kế hoạch kết thúc vào ngày 21/6/2021…

            Dù thế nào cũng phải sống, cũng không thể chết chìm bởi ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch. Nhưng, lời nhắc nhở của Bộ trưởng Y tế Pháp: “Chúng ta đang trong quá trình đè bẹp đại dịch, chúng ta không thể để biến thể Delta giành thế thượng phong dẫn tới một làn sóng dịch nữa” - hẳn cũng không thể bỏ qua. Phát triển, vực dậy nền kinh tế là quan trọng, nhưng bảo toàn sinh mạng người dân toàn cầu trong đại dịch còn quan trọng hơn hết thảy. Và vì thế, cuộc chiến chống Covid-19 nói chung, hành trình “phá băng” của ngành du lịch toàn cầu còn lắm nỗi gian nan. Nhưng, hãy cứ tin, ánh sáng nhất định sẽ lấp lánh cuối đường hầm… Khi vaccine và thuốc trị Covid-19 đến được với người dân toàn cầu, khi sự chia sẻ ấm áp được lan tỏa, thì lúc ấy, niềm vui, hạnh phúc sẽ đến với tất cả./.

Cũng như láng giềng, những người làm du lịch của Indonesia, của Bali cũng nóng lòng tìm mọi kế sách để “vượt bão”. Theo đó, du khách đến với Indonesia, đặc biệt là đến với điểm đến hàng đầu của nước này như Bali và Bintan sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 miễn phí.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận