Hồi năm ngoái, Indonesia đã bị coi là “thủng lưới” đau đớn trong cuộc chiến với Covid-19 lần thứ nhất. Và đến lần “thủng lưới” thứ hai với số lượng ca mắc và tử vong do Covid-19 liên tục vượt… đỉnh, liên tục ở mức cao nhất thế giới, “quốc gia vạn đảo” đã mang đến cho thế giới những bài học đắt giá trong ứng phó với đại dịch.
Hai mùa Covid, hai lần… thủng lưới
Bản tin Covid khu vực Đông Nam Á ngày 27/3/2020, nghĩa là cách đây hơn một năm: “Indonesia ghi nhận ngày đáng buồn nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Theo thông báo của nhà chức trách Indonesia, trong vòng 24h qua, đã có 20 người thiệt mạng vì bệnh Covid-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 78. Indonesia đang trở thành “điểm đen” của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á với các ca lây nhiễm gia tăng mỗi ngày trong khi số lượng và tỷ lệ tử vong đứng đầu khu vực. Một số ý kiến cho rằng, con số người mắc bệnh Covid-19 nói trên có khả năng thấp hơn nhiều so với thực tế do quy mô xét nghiệm hạn chế”.
Hơn một năm sau, theo nhìn nhận đầy chua chát của các nhà quan sát, “đất nước vạn đảo” lại một lần nữa rơi vào thảm cảnh “thủng lưới ngay trên sân nhà”. Trong làn sóng dịch Covid lần thứ ba, với sự xuất hiện liên tiếp của nhiều “quái vật biến thể” mới, hiện tại đang hoành hành ác liệt nhất là biến thể Delta, Indonesia lại “ghi danh” vào danh sách, không những là “tâm dịch” của khu vực mà còn vượt Ấn Độ và Brazil trở thanh “tâm dịch”, “đỉnh dịch” của thế giới. Số ca tử vong trong ngày 19/7 đã ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 1.338 ca. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận hơn 2,9 triệu ca mắc Covid-19, trong đó gần 75.000 người đã tử vong. Do tỷ lệ xét nghiệm và truy vết ở nước này còn thấp, nên giới chuyên gia cho rằng số người mắc và tử vong do Covid-19 trên thực tế còn cao hơn nhiều.
Một chi tiết đáng quan ngại là tỷ lệ quá lớn số trẻ em mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 ở Indonesia. Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, trẻ em chiếm ít nhất 12% số ca mắc Covid-19 ở Indonesia. Chỉ tính từ ngày 28/6 đến ngày 4/7 - thời điểm chưa tới “đỉnh dịch”, Indonesia đã ghi nhận tới 11.872 trẻ mắc Covid-19 và ít nhất 556 trẻ được xác nhận tử vong sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
“Indonesia là tâm dịch Covid-19 của thế giới” - cụm từ mà không một người Indonesia nào muốn nghe tới - thực tế lại liên tục xuất hiện trên trang nhất hàng loạt mặt báo những tuần qua. Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên Indonesia rơi vào thảm kịch Covid tồi tệ. |
Y tế… vỡ trận
Theo nhiều chuyên gia, đối với đất nước 270 triệu dân, địa hình chia cắt với 17.500 hòn đảo, hệ thống y tế yếu kém và nguồn lực hạn chế như Indonesia, với sự gia tăng ca nhiễm không ngừng theo tốc độ… 5 con số ấy dẫn tới một hệ lụy đương nhiên mà tất cả những người Indonesia đều dễ dàng lường trước: sự vỡ trận của hệ thống y tế.
Ngày 13/7 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Sadikin cho biết, tỷ lệ sử dụng giường cho bệnh nhân Covid-19 ở 12 tỉnh của nước này đã vượt quá 70%, còn riêng tại thủ đô Jakarta và một số địa phương, tỷ lệ bệnh nhân lấp đầy các giường bệnh đã hơn 90%. Hơn một chục cơ sở y tế ở Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, đã đầy và không nhận thêm bệnh nhân. Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị cho một kịch bản mà các ca nhiễm có thể tăng 30% trong 2 tuần tới và tăng tốc ở các khu vực khác. Các bước thực hiện bao gồm chuyển đổi nhiều giường bệnh thông thường thành cơ sở điều trị Covid-19. Tuy nhiên, số lượng giường bệnh mới thực sự là… muối bỏ bể so với sự gia tăng ca nhiễm như hiện nay.
Với hệ thống y tế yếu kém và nguồn lực hạn chế như tại Indonesia, khi Covid-19 tấn công thì thảm họa không chỉ là chuyện thiếu giường bệnh. Tổng thư ký Hiệp hội các bệnh viện Indonesia (Persi) Lia Gardenia Partakusuma cho biết, tính đến ngày 28/6 đã có tới 1.031 nhân viên y tế tại nước này tử vong do mắc Covid-19, bao gồm 405 bác sĩ, 328 y tá, 160 nữ hộ sinh, 43 nha sĩ, và 95 nhân viên y tế khác. Khủng hoảng nhân lực y tế, vì thế, hiện như một điều đương nhiên. Nếu như các phòng cấp cứu trước đây tại Indonesia có 3 bác sĩ phụ trách thì nay chỉ còn 1 người. Nhiều bệnh viện đã phải đóng cửa vì… không đủ nhân lực hoạt động.
Indonesia được cho là có năng lực sản xuất 1,5 triệu tấn oxy/năm, tương đương 125.000 tấn/tháng. Thông thường 70% được sử dụng trong ngành công nghiệp và chỉ 30% sử dụng cho các mục đích y tế. Tuy nhiên, khi “sóng thần Covid-19” đổ bộ, những con số này trở nên không thấm vào đâu. Một số bệnh viện đã phải tạm thời đóng cửa phòng cấp cứu do hết nguồn oxy y tế. Nhiều bệnh viện từ chối tiếp nhận điều trị bệnh nhân chỉ vì thiếu oxy. Đã có thông tin cho rằng, từng xảy ra chuyện 60 người thiệt mạng tại một bệnh viện ở thành phố Yogyakarta trên đảo Java do cạn kiệt nguồn oxy. Việc tìm mua nguồn oxy từ nước láng giềng Singapore dường như cũng chỉ như “muối bỏ bể”.
Những bài học quá đắt
“Chúng ta đang ở tình thế rất tồi tệ, có thể gọi dịch bệnh là sóng thần” - có lẽ chẳng riêng gì Aman Pulungan, người đứng đầu hiệp hội bác sĩ nhi của Indonesia, mà hết thảy người Indonesia nào cũng có thể nhận ra điều đó.Nhưng một điều rất lạ, thực tế đang diễn tiến tại đất nước này cho thấy, dường như không có nhiều người dân e dè trước thảm họa đang hiện diện ngay trước mắt mình. Theo ghi nhận gần nhất, ngày 20/7 vừa qua của báo giới, bất chấp các nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 liên tục "lập đỉnh", người dân Indonesia vẫn cầu nguyện bên ngoài các thánh đường cũng như tổ chức các sự kiện truyền thống để kỷ niệm lễ hiến sinh Eid al-Adha.
Không những người lớn lơ là, xem nhẹ cả tính mạng của mình mà xem nhẹ cả tính mạng con trẻ của mình. “Người dân đưa trẻ em đi khắp nơi, nhưng chúng không được đeo khẩu trang" - Aman Pulungan, người đứng đầu hiệp hội bác sĩ nhi của Indonesia buồn bã lý giải về nguyên cớ vì sao tỷ lệ trẻ em tại đất nước vạn đảo nhiễm Covid-19 lại cao đến thế.
Sự chủ quan không chỉ đến từ người dân. Nhà chức trách Indonesia đã cấm tập trung đông người, tổ chức các buổi lễ truyền thống, hiến tế động vật, cũng như khuyến cáo người dân không tụ tập cầu nguyện hoặc thực hành tín ngưỡng. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu người dân cầu nguyện ở nhà thay vì tập trung đông người để giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhưng đó là chuyện của mới đây, những ngày trung tuần tháng 7/2021 khi số ca nhiễm và tử vong liên tục vượt… đỉnh. Còn trước đó, Indonesia bị coi là thiếu cứng rắn trong việc áp đặt giãn cách xã hội và hạn chế đi lại của người dân. Khi tình hình xấu lên tới mức khó kiểm soát, Chính phủ Indonesia mới cho áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp tại Java và Bali từ ngày 3-20/7 và mở rộng sang 15 khu vực khác bên ngoài 2 hòn đảo đông dân này. Một động thái được các chuyên gia thở dài cho rằng đã quá muộn.
Trong vô vàn nguyên do dẫn tới “cơn sóng thần Covid” nhấn chìm Indonesia vào thảm họa suốt hàng tháng qua, còn là câu chuyện tiêm chủng và xét nghiệm. Indonesia bị coi là một trong những quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm thấp nhất trên thế giới. Theo thống kê của trang Our World In Data, tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 của Indonesia là 40/1.000 người, thấp hơn nhiều so với các nước cùng khu vực như Philippines (115/1.000 người) hay Malaysia (373/1.000 người).
Tỷ lệ còn hạn chế người dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng là một vấn đề tại Indonesia. Tháng 1/2021, Indonesia phát động chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 toàn quốc với mục tiêu cung cấp vaccine cho ít nhất 181,5 triệu người (tức khoảng 67% dân số) để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đến ngày 5/7, theo số liệu Bộ Y tế Indonesia, mới có hơn 32,4 triệu người ở Indonesia đã tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên và khoảng 14 triệu người được tiêm đủ 2 mũi. Sự hạn chế trong tỷ lệ tiêm chủng này không chỉ bởi sự thiếu hụt vaccine ngừa Covid-19 mà còn bởi tư tưởng “chống vaccine” hiện diện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông xã hội tại Indonesia bất chấp sự kiểm duyệt của chính phủ và các nền tảng.
Sự xuất hiện của các biến thể như Delta, không phủ nhận cũng là yếu tố làm gia tăng số ca mắc Covid-19 ở Indonesia. Nhưng những bài học đắt giá từ câu chuyện ứng phó với đại dịch, đã, đang chưa được rút ra một cách nghiêm túc mới là “căn bệnh khó chữa” nhất đối với quốc gia vạn đảo./.
Hà Anh