Ứng biến với 'cuộc sống bình thường mới': Sự lựa chọn không thể khác

Con người không thể kỳ vọng vào thế giới "không Covid-19" và sẽ phải chuẩn bị để sống chung với virus lâu dài và ứng biến với 'một cuộc sống bình thường mới'…

 

Con người không thể kỳ vọng vào thế giới "không Covid-19"; tất cả sẽ phải chuẩn bị để sống chung với virus "lâu dài hoặc mãi mãivà ứng biến với “một cuộc sống bình thường mới”… đó là nhìn nhận chung của các chuyên gia cũng như của hết thảy các quốc gia sau những trải nghiệm hơn 2 năm khủng khiếp đối mặt với Covid-19. Muốn tồn tại và bước tiếp, thế giới không còn cách nào khác là chấp nhận, xem đó là một thực tế “không thể khác” và phải tìm cách thích ứng.

Cú “quay đầu” của Singapore hay sự thay đổi trong quan điểm về chiến lược "Zero Covid-19"

Trong các quốc gia trên thế giới, Singapore được xem là quốc gia đi tiên phong trong việc áp dụng chiến lược "Zero Covid-19" (triệt tiêu hay quét sạch Covid-19) tức dùng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, đẩy số ca Covid-19 xuống bằng 0. Bên cạnh việc đẩy nhanh hết tốc lực tỷ lệ tiêm chủng (cho đến tháng 8/2021, Singapore đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với 70% dân số đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 và 79% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine), Singapore chủ trương thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, thực hiện sàng lọc và truy vết lịch sử tiếp xúc quyết liệt tận gốc.

Singapore đã phải chuyển hướng chiến lược “Zero COVID-19. (Ảnh: Strait Times)

Tuy nhiên, đến nay, với sự bùng phát quá mạnh của biến chủng Delta, quốc gia luôn được xem đi đầu với những giải pháp chống dịch độc đáo và hiệu quả này lại một lần nữa “chuyển hướng trong chính chiến lược đối phó với dịch Covid-19của mình. Từ chỗ cương quyết “truy đuổi” và diệt tận gốc virus, bước sang tháng 8/2021, Thủ tướng Lý Hiển Long khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi tuyên bố Singapore “sẽ sống chung với virus". “Không còn khả năng đưa số ca nhiễm Covid-19 xuống 0 nữa, dù cho chúng ta có phong tỏa một thời gian dài. Vì vậy, phải chuẩn bị cho viễn cảnh Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm, hay thủy đậu”- Thủ tướng Lý Hiển Long lý giải “cú quay đầu” 180 độ này với dân chúng. Người đứng đầu Chính phủ đảo quốc sư tử cũng không quên nhấn mạnh cho công chúng rõ, sự thay đổi chiến lược này không phải là do Chính phủ bó tay, mà là bước chuyển hướng mang tính chiến lược trong chiến thuật đối phó với “giặc Covid-19” để có thể gặt hái được chiến thắng cuối cùng. Giới khoa học Singapore cũng ngay lập tức lên tiếng ủng hộ sự chuyển hướng trong chiến lược chống dịch của Chính phủ. "Chúng ta cần học cách sống chung với Covid-19, bảo vệ người dễ tổn thương, triển khai dịch vụ y tế công cộng, đảm bảo tiêm chủng, chẩn đoán và điều trị thích hợp" - Giáo sư chuyên ngành bệnh truyền nhiễm Paul Tambyah của Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore (NUH) chia sẻ quan điểm.

Hướng đi mới của Singapore cũng ngay lập tức nhận được không ít sự tán đồng từ nhiều quốc gia trong bối cảnh chiến lược "Zero Covid-19" với những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Đơn cử như nước láng giềng Malaysia. Trong những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9 vừa qua, cũng như truyền thông Singapore, truyền thông Malaysia đã bắt đầu gọi Covid-19 là bệnh đặc hữu (endemic) thay vì pandemic (đại dịch), như một cách “tuyên truyền dạo đầu” để người dânchuẩn bị tâm lý rằng sẽ phải sống chung với nó lâu dài. Tân Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngay trong hai tuần đầu tiên tại vị đã liên tục nhấn mạnh với dân chúng một thực tế rằng các biến thể Covid-19 lưu hành rộng rãi có nghĩa là Covid-19 sẽ tồn tại ngay cả với tỷ lệ tiêm chủng cao, rằng Covid-19 giờ sẽ trở thành bệnh đặc hữu (endemic), rằng việc cần làm ngay và cần làm nhất lúc này là tiêm chủng cho toàn bộ dân số trưởng thành để sớm mở cửa lại du lịch theo mô hình "hộp cát" của Phuket (Thái Lan), mở cửa trở lại nền kinh tế (dự định vào vào cuối tháng 10) chứ không phải là việc ngồi đo đếm cá ca nhiễm. Tân Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cũng liên tục nói về sự cần thiết của các kế hoạch dài hạn để ứng phó Covid-19, rằng khả năng miễn dịch cộng đồng là không thể, rằng đã đến lúc cần phải chấp nhận một thực tế rằng mặc dù chúng ta đã kiểm soát được đại dịch này, nhưng sẽ có lúc Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu và như vậy, sẽ phải thực hiện các bước để sống chung với virus, trong đó có việc toàn dân được tiêm chủng đầy đủ.

Sự thất bại của hai quốc gia cũng được xem là đi đầu và quyết liệt, bền bỉ nhất trong việc áp dụng chiến lược "Zero Covid-19": New Zealand và Australia cũng đang đẩy chiến lược này vào thế đầy áp lực. Sự bùng phát của biến chủng Delta vào trung tuần tháng 8/2021 đã khiến dư luận nước này e ngại về phương pháp khóa sổ nhanh Covid-19vốn từng được chính họ ngợi ca trước đó. Việc Thủ tướng Ardern gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 để ngăn chặn dịch hồi cuối tháng 8/2021 càng khiến các phe phái đối lập và cả những người dân nước này bức bối và cho rằng những biện pháp nghiêm ngặt đó đang kìm hãm nền kinh tế. Tại Australia, tình thế cũng tương tự. Việc chiến lược “Zero Covid-19” dù được áp dụng quyết liệt, các thành phố lớn nhất nước này dù liên tục bị phong tỏa nhiều tuần nhưng các ca mắc Covid-19 vẫn tiếp tục tăng đã khiến dân chúng nước này vốn đang bức bối vì dịch bệnh càng trở nên bức bối hơn bao giờ hết. Những thông tin về việc Trung Quốc đã phải đánh đổi kinh tế với một cái giá đắt như thế nào (hầu hết các tổ chức đều cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2021) để đổi lấy một chiến lược “Zero Covid-19” được đánh giá là thành công cũng là một minh chứng khiến các quốc gia phải e ngại, phân vân, nghi hoặc về “Zero Covid-19”.

Có nhiều cách để có được trạng thái “bình thường mới” và “sống chung với Covid-19” nhưng theo quan điểm chung nhất, bên cạnh việc bắt buộc đeo khẩu trang, thường xuyên xét nghiệm và tiếp tục giãn cách xã hội (một cách hạn chế) thì không gì khác là tăng tỷ lệ tiêm chủng.

 

Hành trình không dễ dàng nhưng là sự lựa chọn không thể khác

Delta đã khiến đại dịch Covid-19, từ làn sóng lần thứ 3 trong năm tồn tại thứ 2, đã khiến mọi chiến lược đối phó với dịch ở hầu hết các quốc gia, ngay cảở những cường quốc giàu có, dư thừa tiềm lực về mọi mặt như Mỹ, châu Âu đều trở nên bối rối, liên tục phải thay đổi, nếu không muốn nói là bấn loạn. 

Nhưng điều đáng quan ngại là “quỷ dịch Covid-19” không chỉ có một biến thể khó trị Delta. Mới đây nhất, sự xuất hiện của biến thể có tên gọi Mu cũng khiến giới y khoa không khỏi quan ngại về độ “quái gở, khó lường và lây lan nhanh” không kém của biến thể này. Sự liên tiếp, nối đuôi nhau không ngừng nghỉ của các biến thể virus corona đã khiến đến thời điểm này, sau gần 2 năm vật lộn mệt mỏi, hầu hết các chuyên gia cũng như các chính phủ phải ngậm ngùi thừa nhận rằng rất khó để có thể đạt được trạng thái có tên gọi “Zero Covid-19xóa sạch Covid-19” và cách khả dĩ duy nhất đến thời điểm này là “sống chung với Covid-19” và duy trì trạng thái “bình thường mới”.

Trạng thái “bình thường mới” là cách mà chính quyền các nước mô tả trạng thái một đại dịch chuyển thành một loại bệnh đặc hữu, như cảm cúm hay sốt rét.

“Sống chung với Covid-19” là một chiến lược mà khi đó, người nhiễm bệnh, F0, có thể được điều trị tại nhà, vì vaccineđã làm giảm nhẹ các triệu chứng.Không cần truy vết một cách quyết liệt và cách ly các F1, F2. Người dân tự xét nghiệm tại nhà, tự cách ly nếu nhiễm Covid-19. Thêm vào đó, không cần theo dõi số ca nhiễm bệnh hàng ngày, chỉ cần quan tâm đến số ca bệnh nặng. Đặc biệt là việc dần cho phép tụ tập đông người, mở cửa du lịch, chấm dứt việc ngắt quãng hoạt động kinh doanh.

 

Cả hai cách này, thực sự “nói dễ hơn làm”, nếu không muốn nói là bài toán rất thách thức với nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia chịu nhiều hạn chế về nguồn lực.

Có nhiều cách để có được trạng thái “bình thường mới” và “sống chung với Covid-19”nhưng theo quan điểm chung nhất, bên cạnh việc bắt buộc đeo khẩu trang, thường xuyên xét nghiệm và tiếp tục giãn cách xã hội (một cách hạn chế) thì không gì khác là tăng tỷ lệ tiêm chủng. Chỉ nhìn danh sách những nước đang chọn “sống chung với Covid-19” đều có thể thấy đều là những nước có tỷ lệ tiêm chủng rất cao: 75% dân số Singapore đã tiêm đủ vắc xin ngừa Covid-19. Con số này ở Anh là 61,1%, ở Đức và Ý là hơn 55% và Pháp là 53%. Không chỉ thế, các quốc gia này còn đang lên kế hoạch tiêm mũi thứ ba, bất chấp những phản đối về cái gọi là “vi phạm phạm trù đạo đức”.

Trong khi đó, như thừa nhận của Tổ chức Y tế thế giới, nhiều nơi trên thế giới vẫn đang “khát” vaccine. Chỉ cần một ví dụ cụ thể: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, đến đầu tháng 8 vừa qua, chưa đến 2% trong số 1,3 tỷ người của lục địa này được tiêm chủng. Tiến sĩ Alfred Driwale, một quan chức hàng đầu của chương trình tiêm chủng của Uganda chua chát chia sẻ rằng, nói rằng số lượng liều vaccine nhỏ giọt sẽ không giúp khắc phục được tình hình dịch bệnh. Ở Uganda, thậm chí cả  những người được xem là tuyến đầu như binh lính hay nhân viên y tế đều phải… tranh giành nhau để được tiêm chủng. Thực tế đó khiến số ca bệnh và tử vong không ngừng gia tăng tại châu lục này. Dịch bệnh dai dẳng, đứt gẫy nền kinh tế càng khiến châu Phi vốn đã đói nghèo càng rời vào vực sâu thăm thẳm của đói nghèo…

Hành trình trở về trạng thái “bình thường mới”, “Sống chung với Covid-19”… vì thế thực sự chẳng dễ dàng với cả thế giới…./.

Hà Anh

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận