60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển: Huyền thoại có thật của thế kỷ 20

Những con tàu không số bí ẩn với những biến hóa khôn lường thực sự đã là một huyền thoại có thật của thế kỷ 20 khiến thế giới trầm trồ thán phục.

 

Cách đây tròn 6 thập kỷ, Đường Hồ Chí Minh trên biển với những chiến công hiển hách của lực lượng Hải quân và nhân dân các tỉnh duyên hải nơi tuyến đường đi qua, đã đi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích. Những con tàu không số bí ẩn với những biến hóa khôn lường thực sự đã là một huyền thoại có thật của thế kỷ 20 khiến thế giới trầm trồ thán phục.

Từ tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong rất nhiều cuộc hội thảo về con đường huyền thoại này, mới đây nhất là hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng: “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc” vừa được tổ chức tại Hải Phòng ngày 19/10, các nhà nghiên cứu đồng nhất với nhận định rằng Đường Hồ Chí Minh trên biển là một sáng tạo chiến lược, một trong những phát kiến xuất sắc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam. (Ảnh tư liệu)Nói là tầm nhìn chiến lược và phát kiến xuất sắc là bởi, cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời đúng vào thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cũng chính trong thời điểm cam go ấy, đầu năm 1961, Thường trực Quân ủy Trung ương đã xác định: “Muốn đẩy mạnh cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định cần phải kiên quyết chi viện cho miền Nam những thứ mà chiến tranh cần thiết...”. Chi viện bằng cách nào? Đảng ta xác định rõ: nhiệm vụ vận tải đường biển chi viện cho cách mạng miền Nam là nhiệm vụ chiến lược, có tính lâu dài.

Từ sự xác định ấy, tháng 7/1959, cùng với việc tổ chức tuyến chi viện chiến lược trên bộ, với sự ra đời của Đoàn 559 (ngày 19/5/1959), Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu đề án mở tuyến vận chuyển chi viện chiến lược trên Biển Đông.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt mặt đoàn đại biểu cựu chiến binh đường Hồ Chí Minh trên biển nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. (Ảnh: Hoàng Thống Nhất)Sau một thời gian tổ chức chuẩn bị, trinh sát, thử nghiệm đường đi, bến bãi, ngày 23/10/1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759 với mật danh "Đoàn tàu không số" - dấu mốc khởi đầu cho sự hình thành của tuyến vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đoàn vận tải quân sự 759 được đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng. Ngay sau khi ra đời, Đoàn 759 đã xác định phương châm vận chuyển: Kết hợp hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp; lấy hoạt động hợp pháp làm phương thức chủ yếu.

“Bản lĩnh, tài trí tàu không số”

Ngày 1/2/1965, tàu 143 của thuyền trưởng Lê Văn Thêm chở 63 tấn vũ khí cùng 17 người từ Hải Phòng vào khu V. Đêm 15/2/1965, tàu cập bến Vũng Rô (thuộc địa phận huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) an toàn. Gần 4h toàn bộ hàng mới bốc hết, tuy nhiên do trục trặc kỹ thuật, tàu 143 đã không thể rời bến trong đêm. Chữa xong thì trời đã sáng rõ, nên tàu 143 đành ở lại bến. Tuy nhiên, thật không may là ngay sau đó, do cách bến không xa là đồn địch nên dù tàu đã được ngụy trang kỹ lưỡng, vẫn bị phía địch phát hiện, liên tục cho máy bay đánh phá, quyết bắt sống tàu 143 và chiếm vũ khí ta cất giấu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt mặt đoàn đại biểu cựu chiến binh đường Hồ Chí Minh trên biển nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. (Ảnh: Hoàng Thống Nhất)Địch cho huy động cả máy bay, tàu chiến và pháo binh, bộ binh tập trung tấn công Vũng Rô. Lực lượng của ta gồm thủy thủ trên tàu, bộ binh và dân quân du kích kiên cường đánh trả, nhằm bảo vệ đến cùng số vũ khí đã được đưa vào từ miền Bắc. Tuy nhiên, do lực lượng không cân sức, ông Sáu Suyền - chỉ huy tàu 143 đã phải đi tới quyết định cuối cùng: cho nổ 500kg bộc phá đã cài sẵn trong khoang máy để hủy tàu, xóa dấu vết, quyết không để một khẩu súng lọt vào tay địch. Phải mất tới 2 đêm cho bộc phá nổ, con tàu mới chìm hẳn.

Sau sự kiện Vũng Rô, lực lượng hải quân Mỹ và ngụy được tăng cường tối đa cùng hàng loạt kế hoạch phong tỏa vùng biển miền Nam đã cho thấy tác động mạnh mẽ của sự kiện này với chính quyền địch.

Câu chuyện về sự kiện Vũng Rô chỉ là một trong rất nhiều khúc tráng ca cho thấy bản lĩnh, tài trí hơn người của những chiến sĩ đoàn tàu không số - linh hồn của con đường Hồ Chí Minh trên biển - trước những âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù.

Tròn một năm sau khi Đoàn vận tải quân sự 759 ra đời, “đoàn tàu không số” chính thức hoạt động. Đêm 11/10/1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên, số hiệu 41 mang tên “Phương Đông 1” rời bến Đồ Sơn, Hải Phòng chở gần 30 tấn vũ khí đã vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch vào cập bến Vàm Lũng, Cà Mau sáng 19/10/1962 an toàn. Tiếp đó, từ ngày 19/10 đến 14/12/1962, lần lượt 3 chiếc tàu vỏ gỗ số hiệu 54, 42, 55 mang tên “Phương Đông 2”, “Phương Đông 3” và “Phương Đông 4” rời bến Đồ Sơn chở vũ khí vượt qua các khu vực kiểm soát của địch vào cập bến Vàm Lũng, Cà Mau...

Tàu không số trên đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam. (Ảnh tư liệu)Chỉ trong vòng 4 năm (11/1962 - 2/1965), cán bộ, chiến sĩ trên những “con tàu không số” đã tổ chức được 89 chuyến tàu, vận chuyển được 4.920 tấn hàng hóa, vũ khí. 100 tấn vũ khí chở bằng đường biển, trên một con tàu có 10 đến 15 cán bộ, chiến sĩ đi trong 10 ngày, nếu vận chuyển bằng đường bộ thì phải cần 1 tiểu đoàn vận tải cơ giới hoặc 1 sư đoàn bộ binh khuân vác, thời gian mất mấy tháng trời mới đến nơi. Một phép so sánh đơn giản cũng đủ thấy giá trị của những con tàu không số. Nhưng cũng có lẽ chính nhờ vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu “thần tốc”, “đại thần tốc” của Bộ Tư lệnh Chiến dịch lúc bấy giờ.

Điều khiến tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số trở thành huyền thoại còn nằm ở cách thức, phương pháp vận chuyển được nhìn nhận là “độc nhất vô nhị” trong lịch sử chiến tranh thế giới. Tất cả là vận chuyển bằng đường thủy, bằng những loại tàu, thuyền nhỏ bé, thô sơ. Những con tàu này được thiết kế, cải hoán thành tàu có 2 đáy, đặc biệt là phải tạo dáng giống tàu đánh cá của nước ngoài để tránh sự nghi ngờ của địch. Tàu có thể xuất phát từ nhiều bến đi (kể cả ở nước ngoài) và cập nhiều bến đến; dẫn tàu đi trên nhiều tuyến đường khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, vùng biển quốc tế. Mãi đến đầu năm 1964, quân ta mới có thêm 20 tàu trọng tải từ 50 - 150 tấn.

Trong khi địch được trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, tối tân, chúng ta chỉ có những loại tàu thuyền nhỏ bé, thô sơ, sử dụng tàu giả dạng vận tải, tàu đánh cá. Trong quá trình vận chuyển, đơn vị phải chủ động, táo bạo, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng đến bến. Chính vì thế, khác với lệ thường,  “Tàu không số” thường chọn những lúc thời tiết xấu nhất để khởi hành, càng là giông tố, bão bùng, càng là lúc thuận lợi cho những nhiệm vụ bí mật. Tất cả các con tàu của Đoàn 759 đều không sơn số hiệu chính thức của mình, mà mang số hiệu giả nhằm đánh lạc hướng của địch, cái tên tàu không số hay “Đoàn tàu không số” xuất hiện là vì vậy.

Trong trường hợp bị địch phát hiện, phải kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng; nếu cần thì nổ tàu để xóa dấu vết, quyết không để người, tàu, vũ khí, tài liệu rơi vào tay quân thù... Mỗi tàu đều được cài sẵn những khối lớn thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu với các loại kíp nổ tức thì được khởi động bằng tay và bằng điện. Trước khi tàu lên đường, từng người trên tàu không quên lời tuyên thệ: “Sẵn sàng quyết tử hy sinh” và đều được đơn vị tổ chức “Lễ truy điệu sống”.

Và sự hiện hữu của “huyền thoại quân sự có thật”

“Huyền thoại có thật”, “kỳ tích quân sự của thế kỷ” - đó là nhìn nhận đầy thán phục về tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trong 14 năm (1961 - 1975), đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam… giải phóng Trường Sa và một số đảo trên vùng biển miền Trung và Tây Nam Tổ quốc. Những con tàu ấy đã vượt hàng ngàn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi với hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch.

Điều khiến tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số trở thành huyền thoại còn nằm ở cách thức, phương pháp vận chuyển được nhìn nhận là “độc nhất vô nhị” trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Điều quan trọng nhất là đường Hồ Chí Minh trên biển bảo đảm tuyến chi viện chiến lược trên biển nhanh hơn, kịp thời hơn, vũ khí, trang bị đồng bộ, đạt hiệu quả cao và có thể vận chuyển được những loại hàng “đặc biệt”. Nếu như vận chuyển đường bộ phải qua nhiều cung, chặng, dùng lực lượng, phương tiện trong thời gian hàng tháng trời mới đến đích, thì vận chuyển bằng đường biển tuy gian nan, nguy hiểm, nhưng nếu vượt qua sự ngăn chặn của địch thì chỉ khoảng 5 - 6 ngày đã vào tới chiến trường Tây Nam bộ. Sự xuất hiện kịp thời những vũ khí tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã góp phần làm thay đổi cách đánh của quân và dân ta, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, từ đó góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.

 

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận