Pompeii - tái sinh 'Thành phố chết'

Cũng từ sự tái sinh 'Thành phố chết' ấy, sức sống, sức hấp dẫn của di tích đã biến Pompeii thành điểm đến vô cùng hấp dẫn.

 

Pompeii - địa danh có tên gọi “thành phố chết”, từng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 1997, là một điểm đến cực hấp dẫn với những tín đồ mê khám phá khắp thế giới. Nơi từng được mệnh danh là chốn ăn chơi xa hoa bậc nhất thời La Mã cổ đại giờ đây lại thu hút sự quan tâm của công chúng với “Dự án Pompeii Vĩ đại” (Pompeii Great Project).

Từ một Pompeii hào nhoáng, xa hoa 2.000 năm trước

Theo các tài liệu khảo cổ học, hơn 2.000 năm trước, Pompeii là một thành bang La Mã, nằm trong vùng Campania, thuộc địa giới công xã Pompeii, miền nam Italy. Thành phố này, cũng như các thị trấn và các vùng đất nông nghiệp của nó, nằm xung quanh chân núi lửa Vesuvius.

Pompeii phồn vinh và xa hoa bậc nhất nước Italy thời La Mã cổ đại. (Ảnh: The Guardian)Pompeii thời kỳ đó được cho là được biết đến nhiều bởi đó là thành phố sầm uất thời đế quốc La Mã cực thịnh, không những cực nổi tiếng với sản phẩm dầu ô liu, nho mà còn là nơi tụ hội, sinh sống cũng như chốn ăn chơi, hưởng thụ thuộc hàng xa xỉ thời bấy giờ của 10 bộ lạc lớn thuộc hàng quý tộc, thương gia giàu có. Nhiều công trình khảo cổ cho rằng, thành cổ Pompeii có diện tích 1,8km2 với khoảng 20.000 dân. Tường thành được xây dựng bằng đá bao dài 4,8km và có 7 cửa thành với 14 lầu tháp hoành tráng; 4 con phố lớn rải đá cắt ngang, dọc tạo thành 9 khu vực. Phía Tây Nam thành phố có một quảng trường hình chữ nhật. Ở ngã tư các phố lớn đều có máy nước bằng đá cao gần 1m, dài khoảng 2m để cung cấp nước cho thị dân. Di tích khảo cổ cho thấy thời đó Pompeii có khoảng hơn 100 quán rượu trong khi thành phố chỉ có 20.000 người. Di tích khảo cổ cũng cho thấy thành phố này có tới 3 nhà tắm công cộng quy mô lớn, chia thành hai khu nam và nữ, được thiết kế rất cầu kỳ. Tất cả các phòng đều có hệ thống sưởi bằng hơi nước nóng dẫn qua những đường ống bằng gốm sứ. Sự cầu kỳ là để nhằm phô diễn quyền lực và sự giàu có của chủ nhân, bởi theo các tài liệu khảo cổ, thời đó, tại Pompeii, mọi giao dịch làm ăn kinh doanh, gặp gỡ đàm đạo đều diễn ra trong các… phòng tắm này. Người Pompeii còn xây dựng hai rạp hát, sân thể thao. Rạp hát lớn nhất nằm ở phía Đông Nam thành phố được xây năm 70 trước Công nguyên có sức chứa 2 vạn người. Sân thể thao có bể bơi đặt ở giữa là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động kinh tế, chính trị và tôn giáo của toàn thành phố Pompeii.

Những di tích khảo cổ được tìm thấy trên những bức bích họa trên tường các cửa hàng, nhà xưởng, cộng với việc phát hiện những khu nhà như nhà nghỉ phần nào cho thấy mức độ ăn chơi hưởng thụ thậm chí tới mức sa đọa của tầng lớp giàu có ở đó thời bấy giờ.

Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có hai mặt, xã hội càng giàu có càng có sự phân tầng, phân cấp. Theo nhiều tài liệu, ở Pompeii, người giàu thì hưởng thụ ngất giời với châm ngôn theo kiểu “hãy tận hưởng cuộc sống đi, ngày mai khó mà đoán trước" thì tầng lớp nô lệ ở đây lại phải lao động nặng nhọc, hứng chịu sự ngược đãi vô cùng khủng khiếp, thậm chí nhiều khi còn bị biến thành trò mua vui của các ông chủ.

Pompeii vì thế, đã là thành phố của xa hoa, mỹ lệ nhưng cũng là nơi chất chứa tận cùng khổ đau, uất hận. Hai thứ tương phản ấy xoa trộn vào nhau, làm nên một “Pompeii - thành phổ tửu sắc” thật sự khác biệt trong lịch sử nhân loại.

Phục hồi Pompeii. (Ảnh: T.L)Đến số phận “Thành phố chết” sau cơn thịnh nộ của Vesuvius

Có những điều như một sự báo trước của số phận mà không ai có thể lý giải được. Không biết bởi lý do gì, hàng nghìn dân cư tuyền những người giàu có, quyền lực ở Pompeii lại chọn cho mình cuộc sống sát sườn ngọn núi lửa hùng vĩ Vesuvius. Chắc có lẽ bởi họ tin lời các nhà địa lý cho rằng Vesuvius, sau bao nhiêu năm đã ngừng hoạt động, đã ngủ yên suốt hơn 800 năm, đã trở nên hoàn toàn vô hại. Rồi thêm nữa, theo các nhà khoa học, Pompeii được hưởng lợi bởi núi lửa Vesuvius, bởi lớp đất tại vùng vịnh Naples do núi lửa Vesuvius bồi đắp rất giàu các dưỡng chất Nitơ, Photpho, Kali, tốt cho những rặng nho vốn là “đặc sản” của thành phố này…

Nhưng có ai mà ngờ… Vesuvius bỗng có một ngày lại trỗi dậy với cơn thịnh nộ khủng khiếp chưa từng có. Chuyện được cho là xảy ra vào một ngày thuộc năm 79 trước Công Nguyên (ngày phun trào chính xác của núi Vesuvius hoàn toàn chưa được xác định), ngọn núi lửa Vesuvius bất ngờ phun trào đã tạo ra một đám mây đá, tro và khí núi lửa cao tới 33km cùng với một số lượng dung nham cực lớn trùm lên thành phố Pompeii và những thành phố xung quanh. Theo ước tính, núi lửa Vesuvius đã phun ra đến 1,5 triệu tấn dung nham mỗi giây, có nhiệt độ lên đến gần 1.000 độ C. Có ít nhất hơn 16.000 người dân Pompeii (con số này có tài liệu cho là đến 40.000 người) đã bị vùi dưới tro bụi và dung nham của núi lửa. Toàn bộ Pompeii bị phá hủy hoàn toàn. Pompeii phồn hoa bỗng chốc trở thành… thành phố chết.

Không ai hiểu lý do vì sao thảm họa lại xảy ra. Nhiều giả thuyết sau này đã được nhiều thế hệ sau đưa ra, như do gió vào ngày hôm đó đã bất ngờ thổi theo một hướng khác, rất không may… Có giả thuyết mang màu sắc duy tâm lại cho rằng “thần núi lửa” nổi giận bởi “chướng tai gai mắt” trước những trò ăn chơi hưởng thụ xa hoa, những chèn ép phi nhân tính với nô lệ ở thành phố này… Nhưng giả thuyết cho đến nay vẫn chỉ là giả thuyết, tất cả vẫn trong màn bí ẩn.

Gian nan hành trình bảo tồn và tái sinh một di sản vĩ đại

Sau thảm họa đó, tất cả đã theo sau tiếng nổ mà vùi lấp xuống dưới lớp hoang tàn. Mãi đến tận thế kỷ XVIII, sau những phát hiện mang tính nhỏ lẻ, những tàn tích của Pompeii mới bắt đầu được khai quật. Năm 1808 - 1815, một học giả người Pháp đã chỉ đạo công tác khai quật thành phố chết Pompeii. Năm 1890, nhà khảo cổ học Usepi - Fuaurouli chính thức tiến hành việc khai quật một cách quy mô, hệ thống. Về sau này, cho tới tận ngày nay, Pompeii còn trải qua rất nhiều lần khai quật và đến nay, thành cổ Pompeii có khoảng 3/5 diện tích được khai quật. Như lần khai quật vào năm 2000, rất nhiều thi thể được được tìm thấy với đủ mọi tư thế. Họ bị đông cứng ngay tức khắc bởi nham thạch, nên thi thể được bảo quản gần như nguyên vẹn theo thời gian. Một cuộc khai quật hồi tháng 2/2021 tìm thấy một thứ được xem là cỗ xe nghi lễ lớn bốn bánh, với các bộ phận bằng sắt, đồ trang trí bằng đồng và thiếc và cả ba bộ xương ngựa, trong đó có một con ngựa được đóng cương. Thời điểm đó, các nhà khảo cổ đã trầm trồ mà rằng cỗ xe là "một phát hiện độc nhất vô nhị, được bảo quản trong tình trạng tuyệt vời và không có vật tương tự ở Italy".

Phục hồi Pompeii. (Ảnh: T.L)

Cũng từ sự khai quật ấy, sức sống, sức hấp dẫn của di tích đã biến Pompeii thành điểm đến vô cùng hấp dẫn. Địa danh này từng thu hút khoảng 3 triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Năm 1997, UNESCO đã công nhận Pompeii là Di sản văn hóa thế giới. Thành phố này cũng trở thành bối cảnh cho nhiều cuốn sách, bộ phim, chương trình âm nhạc nổi tiếng.

Các di vật khi được khai quật do bị vùi sâu, dường như vẫn còn nguyên vẹn theo thời gian, tuy nhiên, đáng tiếc là sau khi đã được khai quật, Pompeii đồng thời cũng phải đối mặt với tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 7/2008, chính phủ Italy đã ban bố "tình trạng khẩn cấp" đối với Pompeii đồng thời cho rằng khu di tích này đã rơi vào tình trạng hư hại nghiêm trọng. Theo thống kê của chính phủ nước này, trong giai đoạn từ tháng 9/2003 -  2/2010, tổng cộng đã xảy ra 16 vụ sập di tích ở Pompeii. Năm 2020, trước rất nhiều sức ép, Chính phủ Italy cho biết sẽ thành lập một đội đặc nhiệm nhằm bảo vệ thành phố cổ Pompeii. Tuy nhiên, công tác duy tu, bảo tồn nơi đây vẫn khiến dư luận hết sức quan ngại. UNESCO từng lên tiếng cảnh báo Pompeii có ''nguy cơ sụp đổ toàn bộ'' và sẽ mất quy chế di sản thế giới nếu như Italy không có những biện pháp khẩn cấp và hữu hiệu. UNESCO từng ước tính cần có 335 triệu USD cho công việc bảo tồn cần thiết ở Pompeii.

Không thể chờ đợi, Liên minh châu Âu (EU) đã vào cuộc. Năm 2012, “Dự án Pompeii Vĩ đại” (Grande Progetto Pompei- Pompeii Great Project) với khoản viện trợ khoảng 120-140 triệu USD từ quỹ của EU đã được khối này khởi xướng.

Cho tới nay, mọi sự vẫn còn dang dở nhưng theo ghi nhận của báo chí, dưới sự điều hành của Gabriel Zuchtriegel - Tổng Giám đốc Công viên Khảo cổ Pompeii - công nghệ đang được áp dụng triệt để để hòng phục dựng được một phần nào đó của Pompeii và hạn chế được tác động tiêu cực từ thời gian và khí hậu khắc nghiệt đối với di tích.

Hành trình phục chế còn lắm nỗi gian nan, nhưng những người đang góp phần vào Đại dự án cũng như nhân loại vẫn kỳ vọng Pompeii - “thành phố chết” - một kỳ quan di sản sẽ dần dần được tái sinh… ./.

Cũng từ sự khai quật ấy, sức sống, sức hấp dẫn của di tích đã biến Pompeii thành điểm đến vô cùng hấp dẫn. Địa danh này từng thu hút khoảng 3 triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Năm 1997, UNESCO đã công nhận Pompeii là Di sản văn hóa thế giới. Thành phố này cũng trở thành bối cảnh cho nhiều cuốn sách, bộ phim, chương trình âm nhạc nổi tiếng.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận