Không còn là nguy cơ, xung đột kéo dài đã khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Ukraine ngày càng trở nên đáng quan ngại. Đến mức lãnh đạo cao cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải lên tiếng mà rằng, mọi con số đã công bố chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”.
“Bỏ lại hết, chẳng còn gì”
“Tôi đã bỏ lại hết: nhà, xe, tiền bạc tích cóp cả đời. Giờ chúng tôi chẳng còn gì” - đó là chia sẻ đầy nghẹn ngào của người đàn ông đã 60 tuổi tên Amir khi buộc phải vội vã lên xe lửa tháo chạy khỏi Ukraine hồi cuối tháng 2/2022. Còn Misha, cư dân tại thành phố Kharkiv, khi được hỏi về hành trình di chuyển với hàng đống quần áo, hành lý trên xe thì trả lời đầy chán nản, lo âu: “Chúng tôi đang đi về phía tây, chưa biết là sẽ đi đâu”.
Điều đáng buồn là cảnh ngộ của ông Amir, của Misha chỉ là một vài cảnh ngộ bi ai tại Ukraine những tháng ngày này. Đáng buồn hơn, kể từ ngày 24/2/2022 khi tiếng súng giao tranh bắt đầu vang lên ở quốc gia này, con số những cảnh ngộ như ông Amir, Misha đã không ngừng gia tăng. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) ngày 16/4, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, khoảng 7,1 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa.
Đáng chú ý là chỉ cách đó 12 ngày, số người tị nạn Ukraine rời khỏi nước này, theo Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) là 4,2 triệu người và cách đây khoảng 1 tháng, con số này mới chỉ dừng lại ở 2,2 triệu người. Như nhìn nhận của UNHCR, đó là tốc độ di cư nhanh chưa từng thấy và với tốc độ và quy mô như hiện tại, làn sóng di cư rời khỏi Ukraine hoàn toàn có thể trở thành “cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất thế kỷ này”.
"Tôi đã làm việc trong nhiều trường hợp khẩn cấp về người tị nạn gần 40 năm, nhưng hiếm khi tôi thấy một cuộc di cư nhanh như lần này", Filippo Grandi, Cao ủy phụ trách người tị nạn LHQ từng thốt lên. Nên nhớ, đỉnh điểm số di cư khỏi Syria hồi năm 2013 mới có 1 triệu người, còn khủng hoảng Ukraine lần này, chỉ trong 7 ngày đầu chiến sự đã có không dưới 1 triệu người phải bỏ nhà đi lánh nạn.
Điều đáng quan ngại hơn là phụ nữ và trẻ em chiếm đến 90% trong số những người đã phải tháo chạy khỏi Ukraine. Điều này, dẫn đến nhiều hệ lụy khác, như cảnh báo của LHQ, những đối tượng di cư yếu thế này đang phải đối mặt với vô số nguy cơ khôn lường như nạn buôn người, bóc lột, lạm dụng tình dục…
Nhu cầu nhân đạo tăng lên từng phút
Trước những con số ngày càng tồi tệ, trong cuộc họp báo diễn ra hôm 23/3, ông Michael Ryan - Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO cho biết, ông chưa từng ghi nhận nhu cầu nhân đạo phức tạp trong cuộc khủng hoảng phát triển nhanh chóng đến vậy và cần phải có sự hỗ trợ lớn hơn nữa cho Ukraine trong những tuần tới. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thuộc LHQ thì lên tiếng khẳng định: "Nhu cầu nhân đạo đang tăng lên từng phút khi ngày càng có nhiều người chạy trốn khỏi cuộc giao tranh ở Ukraine".
Tuy nhiên, việc tìm lối thoát cho nhu cầu nhân đạo gia tăng nhanh chóng và phức tạp như vậy không hề đơn giản. Cách đây chưa lâu, bà Ylva Johansson, Ủy viên của Liên minh châu Âu (EU) về các vấn đề nội vụ, đã cảnh báo cuộc khủng hoảng người tị nạn Ukraine là “thách thức lớn” đối với khối này.
Nhưng tính chất nhân đạo cấp bách của tình hình, nhất là tình trạng bạo lực tại Ukraine đã lên tới mức báo động, nguy cơ trẻ em tại đây đang đối mặt với nạn đói (một nửa trong tổng số 3,2 triệu trẻ em ở Ukraine không có đủ lương thực tối thiểu để tồn tại); nước sinh hoạt, các dịch vụ vệ sinh tối thiểu, lương thực và đồ chăm sóc y tế đều trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng… đã khiến việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo này ngày càng trở nên cấp bách.
Trong loạt động thái mới nhất nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc hủng hoảng nhân đạo tại Ukraine, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 19/4 đã kêu gọi tìm kiếm giải pháp nhân đạo trước mắt để hỗ trợ những người dân nước này. Trước đó, trong 1 tuyên bố ngày 17/4, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ cung cấp thêm 50 triệu euro viện trợ nhân đạo cho những người chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine. Theo đó, phần lớn số tiền trên (khoảng 45 triệu euro), sẽ được chi cho các chương trình nhân đạo ở Ukraine và 5 triệu euro còn lại dành cho các chương trình ở quốc gia láng giềng Moldova, một trong những nước nghèo nhất châu Âu và đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người sơ tán từ Ukraine sau khi xảy ra xung đột cuối tháng 2 vừa qua. Phát biểu với báo giới ngày 12/4, ông Balazs Ujvari, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) về viện trợ nhân đạo và quản lý khủng hoảng cho biết EU đang thiết lập một trung trung tâm nhân đạo ở Moldova cho người tị nạn Ukraine. Ngày 9/4, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen thông báo, sự kiện gây quỹ tại Ba Lan nhằm hỗ trợ người dân Ukraine bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine đã nhận được cam kết hỗ trợ quyên góp, vay và trợ cấp từ cộng đồng quốc tế lên tới 10,1 tỷ euro.
Cũng theo chương trình gây quỹ này, các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân đã cam kết hỗ trợ 4,1 tỷ euro, phần lớn sẽ được phân phối qua chính phủ Ukraine và LHQ. Các thể chế tài chính của EU cũng sẽ cung cấp các khoản cho vay và trợ cấp 5 tỷ euro, nhằm hỗ trợ về nhà ở, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho những người tị nạn Ukraine tới các quốc gia EU.
EU cũng đã có những biện pháp nhằm đối phó như quyết định miễn thị thực, cho phép những người tị nạn có thể sống và làm việc tại bất cứ quốc gia thành viên nào trong thời gian 3 năm. Bản thân nhiều quốc gia EU cũng đã có những biện pháp hỗ trợ riêng như thiết lập các trung tâm tiếp nhận dọc biên giới với Ukraine để hỗ trợ người tị nạn về thức ăn, chỗ ở và y tế; mở lại các trại tị nạn…
Không chỉ là chuyện gây quỹ cung cấp ủng hộ về vật chất, ngày 11/4, Giám đốc Tổ chức Phụ nữ của LHQ Sima Bahous cũng kêu gọi cần có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở Ukraine, như cần tiến hành điều tra độc lập, làm rõ những thông tin này.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những biện pháp tạm thời. Hệ lụy từ cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ này đã không chỉ dừng lại ở chuyện thiếu ăn thiếu mặc, là chuyện họ sẽ tìm công ăn việc làm như thế nào, sẽ tìm nơi nào để ở khi mà nhà của họ đã bị phá hủy… mà còn vô vàn những hệ lụy xã hội, tinh thần không thể đo đếm hết như câu chuyện thất học, thiếu hụt các chăm sóc tối thiểu, nguy cơ trẻ em/phụ nữ bị bạo lực, cưỡng bức, bị lọt vào tầm ngắm của các băng nhóm buôn người…
Thế nên, như lời kêu gọi của Giám đốc các chương trình khẩn cấp của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Manuel Fontaine, giải pháp tốt nhất là: chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Trong phiên họp mới đây nhất ngày 19/4, phát biểu trực tuyến trước HĐBA từ Hungary, Phó Cao ủy LHQ về người tị nạn Kelly T. Clements kêu gọi HĐBA bỏ qua những bất đồng để tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Thế nhưng tới thời điểm này, mọi việc vẫn chỉ đang dừng lại ở kêu gọi và mong muốn. Nên nhớ, cho đến nay, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, HĐBA LHQ đã tiến hành 15 cuộc họp và Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu 3 lần về vấn đề Ukraine và chưa đạt được kết quả khả quan nào./.
Hệ lụy từ cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ tại Ukraine đã không chỉ dừng lại ở chuyện thiếu ăn thiếu mặc, là chuyện họ sẽ tìm công ăn việc làm như thế nào, sẽ tìm nơi nào để ở khi mà nhà của họ đã bị phá hủy… mà còn vô vàn những những vấn đề về xã hội, tinh thần không thể đo đếm hết. |
Hà Anh