Niềm đam mê đặc biệt của người hai lần đắc cử Tổng thống Pháp

Ngoài văn chương, kịch, tổng thống Macron còn là một tay chơi đàn dương cầm có hạng, đã từng đoạt giải ba trong một cuộc thi của Nhạc viện Amiens quê hương...

 

Cuộc hôn nhân “như trong phim” với người vợ hơn mình tới 24 tuổi không phải là điều đặc biệt duy nhất mà báo giới thường đề cập khi nói về Emmanuel Macron - người vừa một lần nữa chiến thắng “kỳ phùng địch thủ” Le Pen, trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử và đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai sau 20 năm.

Từ đam mê đọc sách

Cách đây gần 5 năm, ngày 10/10/2017, tại Hội chợ sách Frankfurt (Đức), Tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp thời điểm đó Emmanuel Macron đã gặp gỡ và ký trao bản quyền xuất bản cuốn sách nổi tiếng mới nhất của ông có tên "Cách mạng - Revolution" cho các đơn vị xuất bản thuộc 20 quốc gia trên thế giới, trong đó châu Á có Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc. Trước đó, cuốn sách vốn được ông Emmanuel Macron viết như một dạng tự truyện để hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2016 đã được xếp vào hàng best-seller, là một trong những quyển sách bán chạy nhất nước Pháp trong năm 2016.

Tổng thống Emmanuel Macron  thời niên thiếu mê kịch nghệ. (Ảnh: Sky News)Tổng thống Barack Obama từng nhận xét sau khi đọc xong Cách mạng - Revolution: "Emmauel Macron đã đứng lên đấu tranh cho các giá trị của tự do. Ông ấy đã truyền cảm hứng cho sự hy vọng của mọi người về tự do, chứ không phải là nỗi sợ hãi của họ. Macron là biểu tượng mới ủng hộ mạnh mẽ các tư tưởng về dân chủ, tự do, chống lại các chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bạo lực và chống nhập cư...".

Ngoài văn chương, kịch, theo báo chí Pháp, tổng thống Emmanuel Macron còn là một tay chơi đàn dương cầm có hạng, đã từng đoạt giải ba trong một cuộc thi của Nhạc viện Amiens quê hương ông. Ngoài ra, ông cũng là một fan của dòng nhạc opera và cực kỳ thích khiêu vũ.

Tranh cử bằng… văn chương

Theo các nhà phê bình, điều khiến "Cách mạng - Revolution" của một chính trị gia như Emmauel Macron trở nên hấp dẫn trong cảm nhận của độc giả là bởi tác phẩm đã vượt qua ranh giới của một ấn phẩm xuất bản với mục đích hỗ trợ chiến dịch tranh cử. Vốn kiến thức phong phú, khả năng viết lách linh hoạt đã giúp chính khách trẻ tuổi biến hóa khéo léo trên các trang viết của mình, biến một cuốn sách tưởng chừng như chỉ để vận động chính trị khô khan trở thành một tác phẩm giàu tính văn chương đúng nghĩa và giàu sức hấp dẫn. Tranh cử bằng văn chương, trong lịch sử chính trường Pháp và thế giới, không có nhiều và Emmanuel Macron đã là một trong số rất hiếm hoi đó.

Cuốn sách có lời đề tặng của Tổng thống Macron.

Nhưng "Cách mạng - Revolution" không phải là sự kiện đầu tiên cho thấy một Emmanuel Macron cực kỳ đam mê với sách. Ngay khi còn là một cậu thiếu niên, Emmanuel Macron đã được cho là “có rất nhiều sách, luôn đam mê đọc sách và cực kỳ thích viết lách”. Điều này được hé lộ bởi chính người vợ, từng là… cô giáo dạy Văn của Emmanuel Macron, bà Brigitte Trogneux. Theo bà Trogneux, một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến Macron là bà ngoại của ông - cũng là một giáo viên. Chính bà là người truyền cho ông những tư tưởng cánh tả và đam mê đọc sách.

Cũng theo bà Trogneux, không chỉ ham mê sách, ham mê viết sách, Emmanuel Macron còn mê diễn kịch và cả viết kịch. Bà Brigitte Trogneux- hồi năm 1993 đang là giáo viên dạy diễn xuất tại trường phổ thông La Providence Jesuit, thành phố Amiens, miền Bắc nước Pháp, còn Emmanuel Macron mới là cậu bé 15 tuổi mê kịch nghệ nhớ lại: "Tôi nhớ rất rõ vở kịch ấy. Sự thể hiện trên sân khấu của anh ấy thật đáng kinh ngạc". Trong trí nhớ của bà Trogneux, đó là một Emmanuel Macron ngời sáng, đầy say mê trên sân khấu, với cậu, sân khấu lúc ấy tựa như “thánh đường”, nơi cậu trải nghiệm từng phút giây được hóa thân vào các lớp diễn, vào từng câu thoại.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev ngày 8/2/2022. (Ảnh: AP)Chủ nhân Điện Elysee

Cũng chính niềm đam mê viết lách, đam mê kịch đã là tác nhân khiến họ ngày càng trở thành một đôi, gắn bó khăng khít. Những ngày đó, họ thường cùng nhau tập kịch và sửa kịch bản đến khuya. “Bạn biết không, cái ngày mà chúng viết kịch cùng nhau, tôi cảm thấy như tôi đang làm việc với thiên tài Mozart! - bà Trogneux chia sẻ. Còn bản thân Macron cũng nhiều lần chia sẻ về chuyện tình của mình: “Vào mọi ngày thứ sáu, trong nhiều tháng, chúng tôi dành nhiều giờ để xây dựng các vở kịch. Khi một vở kịch được viết xong, chúng tôi quyết định cùng dựng nó. Chúng tôi trò chuyện về mọi thứ. Việc viết kịch chỉ là cái cớ để chúng tôi bên nhau. Tôi cảm thấy chúng tôi luôn luôn hiểu nhau”.

Văn chương, kịch nghệ… dường như đã mang đến cho Emmanuel Macron hai thứ quan trọng nhất trong cuộc đời: sự nghiệp và hôn nhân. Thói quen đọc sách, mê sách từ nhỏ đã là một trong những phương thức hiệu quả giúp cậu bé Emmanuel Macron du nạp, tích lũy kiến thức một cách hết sức tự nhiên và hiệu quả. Và cũng chính vốn kiến thức dạn dày ấy đã giúp chính trị gia Macron tự tin mở rộng được các mối quan hệ xã hội từ rất sớm và từ đó, bước chân và thành đạt trong nghiệp chính trị từ khi còn rất trẻ (24 tuổi, Emmanuel Macron đã có chân trong Đảng Xã hội).

Tổng thống Emmanuel Macron và vợ- bà Brigitte Trogneux. (Ảnh: Daily Express)

Năm 2014, khi Emmanuel Macron mới chỉ là Bộ trưởng Kinh tế trong nội các của Thủ tướng Manuel Valls, tờ Le Nouvel Observateur đã không tiếc mỹ từ khi gọi ông là “Thần đồng của Điện Elysee”, xem ông là “một cái đầu hoàn hảo” còn tờ Le Monde thì cũng không kém khi gọi ông là “Mozart của Điện Elysee”. Còn trước đó nữa, năm 2007, khi Emmanuel Macron còn là một đảng viên rất trẻ của Đảng Xã hội, Jacques Attali - một chuyên gia kinh tế đã chỉ vào Emmanuel Macron mà nói với François Hollande - vị tổng thống Pháp tương lai: “một nhân vật đa tài như thế trong chính phủ thì “họa hoằn lắm 10 năm mới có một người”.

Và đến hôm nay, khi chính trị gia trẻ này hai lần cán đích ngoạn mục vào vị trí chủ nhân Điện Elysee, câu nói của Jacques Attali đã thành sự thật./.

Tổng thống Emmanuel Macron ngày thắng cử. (Ảnh: AP)

Có một chi tiết rất đặc biệt là ông Macron và vợ rất mê ẩm thực Việt Nam. Một chương trình truyền hình của Bỉ từng cho biết niềm đam mê với ẩm thực Việt Nam của Tổng thống Macron đến vào năm 1998 khi ông đến Việt Nam du lịch thời còn là sinh viên và cho tới nay ông thường duy trì thói quen dùng món ăn Việt Nam vào tất cả thứ Tư trong tuần. Tổng thống Pháp rất thích món gỏi cuốn tôm, còn bà Trogneux thì mê món nem rán.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận