Tiếng súng nơi trường học hay nỗi bất an thơ trẻ sau đại dịch

Những đứa trẻ cầm súng giết người và nhiều trẻ em rơi vào nỗi bất an, khủng hoảng tâm lý sau đại dịch Covid-19 là thực trạng xót xa tại nước Mỹ.

 

Trên 200 vụ xả súng chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm qua có lẽ là kỷ lục mà nước Mỹ chẳng lấy gì làm tự hào. Ngoài căn nguyên dai dẳng là cung cách quản lý súng đạn chứa đựng nhiều mâu thuẫn trong nội tại nước Mỹ, thì thực trạng nhiều trẻ em tại Mỹ rơi vào nỗi bất an, khủng hoảng tâm lý sau đại dịch Covid-19 cũng là một nguyên do xót xa.

Từ những nỗi xót xa con trẻ

Vụ xả súng tại một trường tiểu học ở Uvalde (bang Texas, Mỹ) vào ngày 24/5 vừa qua đã là vụ xả súng trường học thứ 27 trong năm nay. Cho tới nay, ít nhất 21 trẻ em và 2 người lớn đã thiệt mạng trong vụ xả súng này. Có quá nhiều sự đau đớn trong vụ thảm sát này. Đó là việc phần đa nạn nhân của vụ xả súng đẫm máu này là trẻ em. Các em đã ra đi vĩnh viễn khi đang vui chơi, học tập tại trường học - môi trường tưởng như an toàn hơn hết thảy.

Đó còn là việc nghi phạm Salvador Ramos, mới chỉ 18 tuổi, lứa tuổi mới chỉ học làm một công dân đã lạnh lùng, tự mình, không cần bất kỳ sự trợ giúp nào, chủ đích dí súng giết chết người bà của mình. 

 Khủng hoảng tâm lý trẻ em sau đại dịch là thực tế tại nhiều nước. (Ảnh: AP)

Nỗi đau trong lòng nước Mỹ còn chưa hết. Bởi đây không phải là vụ xả súng đẫm máu duy nhất trong tháng 5 này. Chỉ cách đó 10 ngày, một kẻ tấn công đã bắn chết 10 người tại cửa hàng tạp hóa ở Buffalo, New York. Và kẻ tấn công ấy cũng là một thiếu niên mới tròn 18 tuổi. Cũng giống nghi phạm ở Texas, hung thủ ở Buffalo dù mới chỉ 18 tuổi nhưng đã hành động đơn độc, không cần bất cứ sự đồng hành nào, đồng thời tự trang bị rất kỹ càng trước khi thực hiện vụ nổ súng, sử dụng súng trường, mang máy quay và mặc trang phục kiểu quân đội cùng áo giáp toàn thân. Nếu Salvador Ramos khiến chúng ta rùng mình khi lẳng lặng, thản nhiên bóp cò vào bà ngoại của mình cùng hàng loạt em nhỏ thì tội phạm 18 tuổi này khi thực hiện tội ác còn mang theo camera, đeo trên người để… phát trực tiếp vụ tấn công trên Twitch - một trong những nền tảng livestream (phát trực tiếp) thuộc sở hữu của Amazon, rất nổi tiếng với các tay game.

Những câu chuyện về những đứa trẻ cầm súng giết người như thế không phải là ít, chỉ riêng tại nước Mỹ, chỉ tính riêng trong khoảng thời gian 1, 2 năm trở lại đây. Như câu chuyện hãng tin AP đã đưa ngày 30/11/2021, Ethan Crumbley, 15 tuổi, đã nổ súng giết chết 4 bạn học, làm 6 bạn khác và 1 giáo viên bị thương tại Trường trung học Oxford, cách thành phố Detroit, bang Michigan khoảng 50km về phía bắc. Theo các nhà điều tra, Ethan đã cầm súng đi ra từ nhà vệ sinh rồi bắn vào các học sinh trên hành lang. Thiếu niên này bị buộc tội như một người trưởng thành với các tội danh giết người, khủng bố và các tội khác. Có lẽ không quá lời khi nói rằng, sự vô cảm và lạnh lùng ở những đứa trẻ cầm súng giết người đã đến mức tột đỉnh.

Báo động về khủng hoảng tâm lý

Trở lại câu chuyện đau xót của cậu bé 15 tuổi Ethan Crumbley. Theo báo chí Mỹ, trước khi vụ xả súng xảy đến chỉ một ngày, giáo viên đã liên lạc với mẹ của Ethan sau khi phát hiện em đang tìm mua đạn trên điện thoại. Trước đó nữa, giáo viên phát hiện một bức vẽ trên bàn học của Ethan, trong đó vẽ một khẩu súng chĩa vào dòng chữ "Những suy nghĩ sẽ không dừng lại. Hãy giúp tôi". Ethan cũng đã vẽ một viên đạn cùng dòng chữ "Máu ở khắp nơi". Trên bàn học của cậu bé còn có những dòng chữ khác như "Cuộc đời tôi thật vô dụng", "Thế giới đã chết"… Những dòng chữ đầy sắc màu bi quan, tuyệt vọng, chán chường. Dường như trong cậu bé, đã có một cuộc khủng hoảng tâm lý kéo dài.

Các phụ huynh lo lắng tụ tập khi nghe tin vụ xả súng tại Trường tiểu học Robb ở Texas vào ngày 24/5. (Ảnh: Reuters)Những đứa trẻ như thế tại nước Mỹ, trong và sau đại dịch Covid-19 không hề là thiểu số. Theo Hãng thông tấn Mỹ AP, tình trạng trẻ em Mỹ mắc chứng lo âu, trầm cảm đã gia tăng từ vài năm nay nhưng những căng thẳng, bất an trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến tình hình thêm trầm trọng. Việc các em không có cơ hội nói chuyện, trao đổi với các chuyên gia tâm lý và không được tham gia các hoạt động ở trường bởi dịch càng làm mọi sự thêm trầm trọng. Số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, đầu năm 2021, số ca trẻ em gái phải cấp cứu vì các vấn đề tâm lý, thậm chí tìm đến tự tử, tăng 51%, trong khi số trẻ em trai tăng 4% so với 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Ở những khu vực người dân có thu nhập thấp, không có điều kiện kết nối Internet, tình hình khủng hoảng còn tồi tệ hơn nữa.

Không chỉ tại nước Mỹ, câu chuyện khủng hoảng tâm lý trẻ em sau đại dịch xảy đến tại rất nhiều quốc gia. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trong một báo cáo hồi năm 2021 đã cảnh báo rằng Covid-19 có thể sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em và thanh thiếu niên trong nhiều năm tới. UNICEF nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên cũng như các bậc cha mẹ và người chăm sóc.

Tuy nhiên, UNICEF cũng lưu ý rằng: Đại dịch có thể chỉ cho thấy phần nổi của tảng băng chìm về sức khỏe tâm thần - một tảng băng mà họ cho rằng đã không được chú ý trong một thời gian quá dài.

Phần chìm của tảng băng ấy chính là sự quan tâm, chăm sóc, gần gũi, chia sẻ về mặt tinh thần của gia đình người thân, cụ thể là cha mẹ với con cái. Mà điều này hình như nhiều gia đình đã, đang lãng quên. Với nhiều gia đình tại các nước giàu có như ở Mỹ, họ dường như phó thác con cái cho các chuyên gia tâm lý, bỏ mặc con trong thế giới giải trí công nghệ vốn chứa đựng quá nhiều nguy cơ khó lường… Trở lại câu chuyện của cậu bé người Mỹ 15 tuổi Ethan Crumbley thấy rõ điều này. Khi giáo viên nói với cha mẹ em về chuyện em mua đạn online, bà Jennifer Crumbley đã nhắn tin cho con với nội dung: "Mẹ không giận con. Nhưng con phải biết cách để không bị giáo viên bắt chứ". Bố mẹ Ethan Crumbley cũng không hỏi em về khẩu súng hay kiểm tra cặp của em. Khẩu súng Ethan Crumbley gây án đã được cất trong một ngăn tủ không khóa trong phòng của ông bà Crumbley. Và khi vụ xả súng xảy ra, bố mẹ cậu bé đã rời khỏi nhà ngay sau vụ xả súng vì muốn đảm bảo… an toàn cho bản thân.

Mọi tội ác đều không thể biện minh. Nhưng trong những câu chuyện như của Ethan Crumbley, rõ ràng về phần lương tâm, không thể phủ nhận được rằng bởi những ông bố bà mẹ thờ ơ, thiếu quan tâm đến con cái đến mức ấy, sự khủng hoảng tâm lý rồi tội ác xảy đến như một lẽ đương nhiên.

Nghi phạm Ethan Crumbley trong ảnh công bố ngày 1/12. (Ảnh: Cảnh sát hạt Oakland)Không chỉ là câu chuyện của Ethan Crumbley. Dư luận thế giới hẳn sẽ không khỏi bàng hoàng khi nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng các thanh niên da trắng coi những vụ xả súng trước đó là… cảm hứng gây án đang gia tăng ở Mỹ. Thậm chí, nguy hiểm hơn nữa, như nhìn nhận của Adam Lankford, giáo sư tội phạm học tại Đại học Alabama, những kẻ xả súng không tự nghĩ ra kịch bản mà đang học hỏi lẫn nhau. Còn theo phân tích của The Violence Project, tổ chức theo dõi các vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ, các vụ gây án có động cơ thù ghét chủng tộc và tìm kiếm sự nổi tiếng đã tăng nhanh chóng từ năm 2015. Xả súng giết người theo cảm hứng, theo… trend, để nổi tiếng… những điều không chỉ phi nhân tính và còn bệnh hoạn đến mức không tưởng xảy đến là do đâu nếu không phải là sự thiếu hụt về tình cảm, sự bất an, chông chênh về tâm lý của con trẻ.

Sau vụ xả súng hôm 24/5, Nhà Trắng đã treo cờ rủ.

Phó Tổng thống Mỹ Harris lên tiếng: "Mỗi khi một bi kịch như thế này xảy ra, trái tim chúng tôi tan nát nhưng trái tim tan vỡ của chúng tôi chẳng là gì so với trái tim tan vỡ của những gia đình đó. Tuy nhiên, nó vẫn tiếp tục xảy ra". Và rằng, theo bà: “Thế là quá đủ. Là một quốc gia, chúng ta phải có can đảm hành động để đảm bảo không có điều gì tương tự xảy ra nữa".

Còn trong bài phát biểu dài 7 phút tại phòng Roosevelt ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố “đến lúc biến nỗi đau thành hành động”.

Tuy nhiên, biến “nỗi đau thành hành động” như thế nào cho hiệu quả, làm thế nào để có thể chấm dứt được “thứ bạo lực vô nghĩa ấy” để “những điều tương tự không xảy ra nữa” thực sự không dễ dàng. Ngoài trách nhiệm của chính quyền, nó còn là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình./.

Không chỉ tại nước Mỹ, câu chuyện khủng hoảng tâm lý trẻ em sau đại dịch xảy đến tại rất nhiều quốc gia. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trong một báo cáo hồi năm 2021 đã cảnh báo rằng Covid-19 có thể sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em và thanh thiếu niên trong nhiều năm tới. UNICEF nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên cũng như các bậc cha mẹ và người chăm sóc.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận