Tái thiết Ukraine: 'Công cuộc vĩ đại cho tất cả'?

Tái thiết Ukraine là một công cuộc "vĩ đại" và không hề dễ dàng...

 

Hơn nửa thế kỷ sau Thế chiến lần thứ 2, cụm từ “Kế hoạch Marshall” mới “hot” trở lại khi cách đây ít lâu, các quan chức hàng đầu châu Âu hé lộ về cái gọi là kế hoạch tái thiết Ukraine, tương tự như kế hoạch Marshall của Mỹ dành cho châu Âu sau Thế chiến 2. Mới đây nhất, Hội nghị về tái thiết Ukraine cũng đã ra Tuyên bố Lugano với cam kết của 40 quốc gia. Tuy nhiên, chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận, tái thiết Ukraine là một công cuộc "vĩ đại" và không hề dễ dàng.

“Phải làm việc cùng nhau để tái thiết Ukraine"

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhấn mạnh điều này trong một phát biểu hồi trung tuần tháng 5 vừa qua. Theo người đứng đầu chính phủ Đức, hậu quả chiến sự ở Ukraine có thể kéo dài 100 năm và rằng các nước đồng minh cần giúp đỡ Ukraine tái thiết đất nước sau chiến sự.

Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis (phải) bắt tay Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tại Hội nghị phục hồi Ukraine (URC) ở Lugano (Thụy Sĩ), ngày 5/7/2022. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu Werner Hoyer cho biết ông ủng hộ kế hoạch tái thiết dành cho Ukraine tương tự như chương trình Marshall Mỹ sử dụng để tái thiết Tây Âu sau Thế chiến 2, dù theo ông kế hoạch này sẽ tốn nhiều tỷ USD.

Thực ra, từ cách đây gần 3 tháng, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn đang hồi ác liệt, cũng đã có nhiều gợi ý về cái gọi là “Kế hoạch Marshall” cho Ukraine. Đơn cử, phát biểu với báo giới ngày 6/4, Ủy viên Ngân sách châu Âu Johannes Hahn cho rằng, Ukraine sẽ cần một kế hoạch tái thiết sau xung đột và đó sẽ là một mô hình cập nhật của Kế hoạch Marshall dành cho Ukraine. Theo ông, kế hoạch này sẽ giúp Ukraine phục hồi nhanh chóng, thay vì phải mất nhiều thập kỷ, và sẽ giúp Kiev hội nhập nhanh hơn vào Liên minh châu Âu (EU). Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2022 họp tại Davos, Thụy Sĩ ngày 23/5, Chủ tịch WEF Borge Brende nói rằng ông mong muốn thúc đẩy "Kế hoạch Marshall" nhằm tái thiết Ukraine tại Diễn đàn WEF 2022. “Ngay cả khi Nga và Ukraine chưa đạt thỏa thuận tiến tới chấm dứt cuộc xung đột hiện tại, chúng ta vẫn phải nỗ lực tái thiết. Chúng ta cần một Kế hoạch Marshall dành cho Ukraine,” ông Brende nhấn mạnh.

Mới đây nhất, Hội nghị về tái thiết Ukraine tại thành phố Lugano, Thụy Sĩ đã ra Tuyên bố Lugano với 40 quốc gia tham gia ký cam kết hỗ trợ Ukraine phục hồi sau chiến tranh.

Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol, Ukraine. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Thủ tướng Ukraine Shmyhal, kế hoạch phục hồi của Ukraine gồm 3 giai đoạn: Tập trung vào việc sửa chữa những thứ quan trọng đối với cuộc sống thường nhật của người dân như nguồn cung cấp nước (hiện đang được tiến hành); “Phục hồi nhanh” các phần bao gồm nhà ở tạm thời, bệnh viện, và các dự án trường học ngay khi giao tranh kết thúc; Thực hiện dự án nhằm mục đích chuyển đổi đất nước về lâu dài. Theo chương trình này, trong vòng 10 năm, Ukraine dự kiến sẽ triển khai 850 dự án tái thiết và đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hằng năm 7%. Giai đoạn 2023 - 2025 sẽ có 580 dự án được triển khai với chi phí 350 tỷ USD, và 2026 - 2032 là 270 dự án nữa với tổng đầu tư 400 tỷ USD.

 “Công cuộc "vĩ đại" và “nhiệm vụ của "toàn bộ thế giới dân chủ"?

Đó là nhìn nhận của chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về “dự án tái thiết” đất nước ông. "Tái thiết Ukraine không phải là một dự án địa phương, không phải một dự án quốc gia, mà là nhiệm vụ chung của cả thế giới dân chủ, của tất cả các nước cho rằng mình thuộc về thế giới văn minh", ông Zelensky nhấn mạnh.

Đại diện các quốc gia tham dự Hội nghị tái thiết Ukraine ở Lugano, Thụy Sĩ trong các ngày 4 - 5/7. (Ảnh: AFP)Sự thừa nhận của Tổng thống Ukraine là có cơ sở bởi ông thừa hiểu rằng quá trình ấy là vô cùng lâu dài và tốn kém. Tại Hội nghị tái thiết Lugano, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal chia sẻ rằng nước này cần 750 tỷ USD cho kế hoạch phục hồi ba giai đoạn sau khi xung đột với Nga kết thúc. Còn trước đó, Tổ chức Nghiên cứu chính sách kinh tế ước tính chi phí tổng thể để tái thiết Ukraine hiện ở mức 500 - 600 tỷ euro (528 - 633 tỷ USD), gấp hơn 3 lần sản lượng kinh tế hàng năm của nước này giai đoạn trước chiến tranh và con số này sẽ còn tăng lên một khi cuộc xung đột còn chưa kết thúc. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính Ukraine cần khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng để duy trì các dịch vụ thiết yếu cho người dân và giữ cho nền kinh tế không sụp đổ. Chi phí cho việc tái thiết Ukraine cũng đã được thảo luận trong các cuộc họp của LHQ, Ngân hàng Thế giới…. “Việc khôi phục, tái thiết Ukraine sẽ tốn bao nhiêu, con số cụ thể hiện vẫn chưa rõ, nhưng rõ ràng là chúng ta sẽ không nói về con số hàng triệu mà là hàng nghìn tỷ”- Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), ông Werner Hoyer nhấn mạnh.

Đó rõ ràng là một con số không hề nhỏ. Vậy, câu hỏi đang được đặt ra là “tiền đâu để tái thiết Ukraine?”. Về câu hỏi này, cả Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), lẫn Ủy viên Ngân sách châu Âu Johannes Hahn đều cho rằng “châu Âu có trách nhiệm”, kể từ đầu cuộc chiến, Liên minh châu Âu đã huy động khoảng 6,2 tỷ euro hỗ trợ tài chính cho Ukraine, EIB hiện đã chuẩn bị một số khoản hỗ trợ tài chính cho Ukraine, và cũng sẵn sàng chi khoản hỗ trợ khác trị giá 1,5 tỷ euro nếu được Ủy ban châu Âu chấp thuận,  nhưng “nỗ lực tái thiết Ukraine không thể do châu Âu gánh vác mà có lẽ cần có sự tham gia của của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), bao gồm cả Nga”.

Rõ ràng, ngoài châu Âu, nguồn tiền để tái thiết Ukraine vẫn chưa được các tổ chức, quốc gia đề cập một cách rõ ràng, cụ thể. Tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường ngày 30 - 31/5, các nhà lãnh đạo châu Âu từng thể hiện ủng hộ việc thành lập một quỹ quốc tế để tái thiết Ukraine sau chiến tranh. Tuy nhiên, cho tới nay, điều này vẫn chưa được bàn bạc cụ thể. Đề xuất của Tổng thống Zelensky kêu gọi phương Tây sử dụng tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga và các nhà tài phiệt để hỗ trợ chi phí tái thiết Ukraine, ước tính lên tới 500 tỷ USD cho tới nay vẫn dừng lại ở đề xuất. Thế nên, còn cả chặng đường dài để hiện thực hóa “công cuộc vĩ đại” này./. 

Theo Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy, cuộc chiến ở Ukraine đang phá hủy cơ sở hạ tầng, làm gián đoạn hoạt động kinh tế thông thường và khiến khoảng 11 triệu người mất nhà ở, kinh tế Ukraine dự kiến suy thoái 45% trong năm nay. Một bản đồ thiệt hại chi tiết với các vùng lãnh thổ Ukraine cho thấy 167 trường học, 1.402km đường sá, 122 bệnh viện và 7,4 triệu m2 nhà ở đã bị phá hủy riêng ở vùng Kiev vì chiến tranh.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận