Nắng nóng đã ảnh hưởng tiêu cực tới mọi hoạt động kinh tế xã hội của các nước châu Âu

Nắng nóng đã ảnh hưởng tiêu cực tới mọi hoạt động kinh tế xã hội của các nước châu Âu.

 

"Đây không còn là mùa hè. Nó giống như địa ngục và sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho sự sống của con người nếu chúng ta tiếp tục không hành động vì khí hậu” - bình luận của nữ nghị sĩ Melanie Vogel thuộc Đảng Xanh (Pháp) trên Twitter vào ngày 16/7 có lẽ là nhìn nhận chân xác nhất về những gì thế giới đang phải gánh chịu trong những ngày hè đổ lửa này.

“Những ngày tận thế”

Nữ nghị sĩ Melanie Vogel đã không hề quá lời. Đúng như dự báo hồi đầu năm của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương (NOAA) của Mỹ, rằng khí hậu toàn cầu có thể “nóng kỷ lục” vào năm 2022 và đây sẽ là năm có nhiệt độ cao thứ 10 trong lịch sử, từ tháng 4 đến nay, nhiều quốc gia từ Á sang Âu đã phải oằn mình chống chọi với nắng nóng kỷ lục.

Một phụ nữ giơ thiết bị đo nhiệt độ báo 44,4 độ C ngoài trời ở Seville, miền nam Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)Với châu Âu, mùa hè 2002 thực sự là mùa hè quá “nóng” trên nhiều tầng ý nghĩa. Suốt khoảng hơn 2 tuần qua, kể từ ngày 12, 13/7 đến nay, nhiều quốc gia châu Âu, đặc biệt là các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp, Anh... đã phải trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt mà nhiều nhà khí tượng học gọi là “ngày tận thế”. Văn phòng khí tượng quốc gia Anh (Met Office) cho biết trưa 19/7 (giờ địa phương), nhiệt độ tại sân bay quốc tế London Heathrow lên tới 40,2 độ C, nhiều nơi lên tới 42 độ C khiến Anh trở thành quốc gia nóng hơn Jamaica và Maldives. Tây Ban Nha cũng đã trải qua gần một tuần nắng nóng với nhiệt độ có lúc lên tới 45,7 độ C. Theo Cơ quan khí tượng Pháp, nhiệt độ tại các thành phố phía Nam, nhất là Nimes và Béziers, có thời điểm đã đạt mức cao kỷ lục của tháng 7 trong lịch sử với nền nhiệt lên đến 40,4 độ C. Thậm chí nhiệt độ khu vực rừng Landes, thuộc vùng Aquitaine, Tây Nam nước Pháp, được ghi nhận lên tới 42 độ C. Tại Bồ Đào Nha, Viện nghiên cứu Biển và khí quyển (IPMA) của nước này thống kê, 13 vùng đã đạt đến mức nhiệt độ cao chưa từng thấy, với kỷ lục nhiệt độ 46,3 độ C được ghi nhận ở thị trấn miền trung Lousã.

Nắng nóng đã ảnh hưởng tiêu cực tới mọi hoạt động kinh tế xã hội của các nước châu Âu. Tại Anh, Hệ thống đường sắt (Network Rail) đã đưa ra cảnh báo hạn chế đi lại do các tuyến đường sắt bị chậm, hủy chuyến hoặc thay đổi thời gian do đường ray bị cong vênh và hệ thống đường dây điện của các tuyến đường sắt trên cao bị hỏng vì nắng nóng. Sân bay Luton ngày 18/7 đã phải dừng hoạt động trong vài giờ để sửa chữa một đoạn đường băng bị chảy nhựa. Nhiệt độ cao, gió mạnh và hạn hán đã góp thổi bùng các đám cháy rừng trên khắp châu Âu. Chỉ tính đến ngày 16/7, đã có ít nhất 250.000ha rừng đã bị thiêu rụi ở Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Italy và Hy Lạp, gấp 2,5 lần so với cùng thời điểm năm ngoái.

Người dân làm mát tại đài phun nước ở thủ đô Paris, ngày 18/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhưng tổn thất về sinh mạng mới là nhức nhối nhất cho dù nhiều quốc gia châu Âu đã ngay lập tức phát cảnh báo đỏ về nắng nóng tại nhiều khu vực, khuyến cáo người dân cảnh giác, theo dõi dự báo nắng nóng và hạn chế ra ngoài trời, tuy nhiên số người dân châu Âu, vốn quen với khí hậu ôn hòa, tử vong vì nắng nóng không ngừng tăng lên. Cơ quan y tế Bồ Đào Nha cho biết, từ ngày 7/7 đến 13/7, nước này đã ghi nhận 238 trường hợp tử vong do nắng nóng. Tại Tây Ban Nha, tới ngày 15/7, ít nhất 360 người được cho là đã chết khi nhiệt độ vượt qua ngưỡng 40 độ C.

Nắng nóng, cháy rừng, người chết, hoạt động kinh tế - xã hội, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn… chừng ấy vẫn chưa hết sức “nóng” của mùa hè 2002 mà châu Âu đang phải đối mặt. Hệ lụy của cuộc xung đột Nga - Ukraine đang đẩy nền kinh tế các quốc gia châu lục vào những khủng hoảng chưa từng có, trong đó đáng quan ngại nhất là tỷ lệ lạm phát tăng cao kỷ lục trong vòng 40, 50 năm qua. Mới đây nhất, sự vụ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 hay còn gọi là  “Vụ tuabin khí Dòng chảy phương Bắc 1” - con đường huyết mạch quan trọng đưa khí đốt từ Nga đến châu Âu tạm ngưng, xảy đến đúng thời điểm nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng khí đốt của châu Âu lên cao chưa từng có, đã đẩy bóng ma của một cuộc khủng hoảng năng lượng càng cận kề đe dọa lục địa già.

Cảnh sát giúp lính canh bên ngoài Cung điện Buckingham uống nước. (Ảnh: dailymail)Với nhiều quốc gia châu Á, nắng nóng kỷ lục cũng không buông tha. Ngay từ hồi tháng 4, nắng nóng cực đoan đã đến rất sớm và rất khắc nghiệt, hoành hành ở nhiều vùng tại Ấn Độ và Pakistan khi nhiệt độ nhiều nơi đã vượt ngưỡng 40 độ C, thậm chí tới mức 44 độ cho tới Chủ nhật. Nhà chức trách đã phải nâng cảnh báo về khí hậu, cháy rừng, thiếu điện nước. Tại Trung Quốc, cả tháng qua người dân phải chống chọi với cái nóng kỷ lục kéo dài. Nhiệt độ 40 độ C, thậm chí ngoài mặt đường nhựa nhiệt độ lên tới 50 - 60 độ C không còn là chuyện hiếm. Nắng nóng làm tan chảy mái nhà, đường sá, người dân phải tránh nóng trong các cơ sở ngầm dưới lòng đất. Nhật Bản cũng trải qua đợt nắng nóng kỷ lục trong vòng 150 năm qua. Nhiệt độ ở trung tâm thủ đô Tokyo dao động từ 35- 40,2 độ C - chưa từng có vào tháng 6 hàng năm.

"Sẽ chấm hết nếu chúng ta tiếp tục không hành động vì khí hậu”

Nữ nghị sĩ Melanie Vogel đã chỉ đích danh cội nguồn của căn bệnh biến đổi khi hậu mà loài người đã phải gánh chịu dai dẳng suốt nhiều năm qua. Từ cách đây 10 năm, 20 năm, nhiều châu lục cũng đã trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục gay gắt không kém, số lượng người tử vong vì nắng nóng như tại châu Âu năm 2003 đã lên tới 70.000 người, gấp 20 lần số người chết trong vụ tấn công ngày 11/9. Các nhà khoa học khí hậu đã từng nhiều lần cảnh báo, nếu không cắt giảm mạnh mẽ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ còn diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn nữa, đe dọa cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn và làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất lương thực. Liên hiệp quốc (LHQ) cũng nhiều lần cảnh báo, tình trạng biến đổi khí hậu có thể làm giảm khoảng 30% năng suất cây trồng toàn cầu trong khi nhu cầu lương thực được dự báo sẽ tăng 50% trong những thập kỷ tới. Chủ tịch Nhóm công tác 1 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Giám đốc nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Khoa học khí hậu Paris Saclay, Valérie Masson-Delmotte, cũng từng chỉ rõ: “Những hiện tượng mà chúng ta đang trải qua hôm nay là tiền đề cho những sự kiện sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn trong tương lai. Đây là những hậu quả trực tiếp từ hoạt động của con người, dẫn đến sự tích nhiệt trong hệ thống khí hậu”.

Bảng điện tử trên một chiếc xe buýt ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, hiển thị nhiệt độ ngoài trời lên đến 49 độ C ngày 15/7. (Ảnh: Reuters)

Tất cả những điều đó ai cũng biết, ai cũng lắng nghe. Rất nhiều cuộc hội đàm, hội thảo ở đủ mọi quy mô, về biến đổi khí hậu đã được tổ chức. Mới đây nhất, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại thành phố Glasgow (Scotland, Anh), các nhà lãnh đạo các quốc gia đã tham gia các cuộc đàm phán về khí hậu với mục tiêu cố gắng duy trì triển vọng hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Rất nhiều lời hứa, cam kết được đưa ra, nhưng cho đến nay, thực thi được hay không, thực thi đến đâu, các quốc gia từ bỏ lợi ích riêng của mình đến đâu cho lợi ích chung thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác, câu chuyện đến nay vẫn còn phải chờ đợi…

Cháy rừng do nắng nóng ở Guadapero của Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)Trong bài báo xuất bản ngày 19/7 mới đây, tờ iNews lựa chọn bản đồ nhiệt của Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Anh (Met Office) làm ảnh trên trang nhất, cùng với tuyên bố "Trái Đất đang gửi một lời cảnh báo". Trái Đất đã nhiều lần giận dữ cảnh báo bằng những hiện tượng thời tiết cực đoan, khắc nghiệt và sau mỗi trận cuồng phong ấy, nhưng thẳng thắn mà nói con người đang phớt lờ hay thất hứa với chính những cam hết của mình… Như thừa nhận chua chát của Thái tử Anh Charles: "Những cam kết về Net Zero chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này, khi chúng ta đang chứng kiến nhiệt độ kỷ lục đáng báo động ở cả Anh và châu Âu"./.

Trái Đất đã nhiều lần giận dữ cảnh báo bằng những hiện tượng thời tiết cực đoan, khắc nghiệt và sau mỗi trận cuồng phong ấy, nhưng thẳng thắn mà nói con người đang phớt lờ hay thất hứa với chính những cam hết của mình…

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận