Dịch chồng dịch: Không ai muốn trả giá đắt

WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, đồng nghĩa với việc dịch chồng dịch đã hiện hữu tại nhiều vùng trên thế giới.

 

“Tôi đã quyết định tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu hiện nay là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng mà quốc tế lo ngại” - tuyên bố của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng quyết định của WHO tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc dịch chồng dịch đã là thực tế hiện hữu tại nhiều vùng trên thế giới. Một cái giá sẽ rất đắt, nếu quốc gia nào thờ ơ, chủ quan với thực tế này.

Bệnh đậu mùa khỉ - tình trạng khẩn cấp y tế công cộng mà quốc tế lo ngại

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 23/7 đã ra tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, mức cảnh báo cao nhất tổ chức này có thể đưa ra. Trước đó, WHO đã triệu tập ủy ban khẩn cấp của họ để xác định mức độ đe dọa mà bệnh đậu mùa khỉ hiện đang gây ra cho cộng đồng quốc tế.

Nhân viên y tế hỗ trợ người dân tại điểm tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ ở New York, Mỹ ngày 14/7/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo WHO, việc ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nghĩa là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này là một “sự kiện bất thường”, có thể lan sang nhiều quốc gia hơn. Trong nhìn nhận của WHO, sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là mối đe dọa đủ lớn đối với sức khỏe toàn cầu và cần có một phản ứng quốc tế mang tính phối hợp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan xa hơn và ngăn chặn nó leo thang thành đại dịch.

Không phải ngẫu nhiên mà WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch bệnh này. Theo báo cáo của WHO, sự gia tăng số ca mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận từ đầu tháng 5 bên ngoài các quốc gia Trung và Tây Phi, nơi bệnh này đã từng là dịch. Vào thời điểm cuộc họp đầu tiên của Ủy ban khẩn cấp IHR về đậu mùa khỉ được triệu tập (25/6), số ca đậu mùa khỉ toàn cầu là 3.040 trường hợp, trải rộng khắp 34 quốc gia và gần một tháng sau, theo số liệu mới nhất được WHO công bố ngày 23/7, số ca bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu hiện nay đã vượt lên hơn 16.000, ghi nhận ở 75 quốc gia. Các quốc gia có nhiều ca bệnh nhất thế giới là Tây Ban Nha (3.125), Mỹ (2.890), Đức (2.268), Anh (2.208), Pháp (1.567). “Chúng ta có một đợt bùng phát lan nhanh khắp thế giới, thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng ta hiểu quá ít” - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận.

WHO cũng lo ngại về số ca bệnh có thể “ẩn mình” ở nhiều nước, do năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ toàn cầu còn rất hạn chế.

Bàn tay của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Covid-19: Vẫn chưa hề biến mất

"Chúng ta đang chứng kiến một làn sóng Covid-19 dữ dội hơn nhiều quét qua châu Âu một lần nữa. Và chúng ta sẽ chứng kiến nó xảy ra ở những nơi khác, và hiện tại đã diễn ra ở Đông Nam Á và ở khu vực đông Địa Trung Hải" - ông Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 6/7. Cũng theo số liệu được WHO đưa ra hồi đầu tháng 7/2022, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã tăng 30% trong hai tuần qua, với các biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 đang thúc đẩy ca nhiễm gia tăng ở châu Âu và Mỹ. Một dòng phụ mới của biến thể phụ BA2.75 cũng được cho là đã được phát hiện ở Ấn Độ.

Thế giới, đặc biệt là châu Âu đã, đang phải trả giá cho suy nghĩ vội vàng rằng Covid-19 sẽ biến mất, rằng không còn cần thiết phải đeo khẩu trang, rằng cứ mặc sức đến các tụ điểm đông người…

Nhưng không, Covid-19 đã cho thấy nó vẫn ở đó, virus vẫn biến đổi và gây hại không ngừng. Thậm chí, nghiên cứu mới còn chỉ ra rằng biến chủng phụ BA.4  và BA.5 của Omicron có thể lây nhiễm và khả năng né tránh miễn dịch còn tốt hơn các chủng trước đó. Chỉ tính riêng tại châu Âu trong vòng 6 tuần gần đây, số ca nhiễm đã tăng gấp 3 lần, với gần 3 triệu trường hợp - chiếm một nửa số ca toàn cầu, ít nhất 3.000 người chết vì Covid-19 mỗi tuần.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh tư liệu: THX/TTXVN)

Thế giới, đặc biệt là châu Âu đã, đang phải trả giá cho suy nghĩ vội vàng rằng Covid-19 sẽ biến mất, rằng không còn cần thiết phải đeo khẩu trang, rằng cứ mặc sức đến các tụ điểm đông người…

Dịch chồng dịch - nhiều quốc gia vào cuộc

Không phải là Mỹ hay một quốc gia châu Âu mà là Malaysia - quốc gia tận Đông Nam Á đã là một trong những quốc gia xăng xái nhất trong việc ứng phó với nguy cơ dịch chồng dịch. Trước đó, ngày 6/7, Malaysia đã xác nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này. Số ca mắc Covid-19 tại Malaysia cũng có xu hướng gia tăng trở lại. Theo đó, Malaysia sẽ không áp dụng lệnh kiểm soát đi lại (MCO) hoặc đóng cửa biên giới nhằm đối phó với sự gia tăng số ca mắc Covid-19 và nguy cơ lây lan của bệnh đậu mùa khỉ. Cụ thể, du khách không phải công dân đến từ các quốc gia bị ảnh hưởng vì bệnh đậu mùa khỉ sẽ nhận được thông báo hằng ngày về việc theo dõi các triệu chứng của bệnh. Công dân Malaysia trở về từ các quốc gia có các ca nhiễm đậu mùa khỉ cũng được khuyến cáo theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày. Một số nước như Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Canada... cũng đã đặt mua vaccine và triển khai cho nhân viên y tế và những người bị phơi nhiễm đậu mùa khỉ…

Tuy nhiên, số quốc gia xăng xái tích cực và chủ động như Malaysia không nhiều. Đó cũng lý do vì sao WHO đã, đang nhấn mạnh tới việc các quốc gia lập kế hoạch ứng phó cho từng mức độ bùng phát, kiện toàn hệ thống sàng lọc phát hiện ca bệnh, giám sát dịch tễ, cách ly kiểm dịch, đào tạo nhân lực để sẵn sàng cho các chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm... bên cạnh đó là việc truyền thông cho cộng đồng và bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh nặng (người suy giảm miễn dịch, trẻ em và thai phụ). WHO cũng đề nghị các quốc gia có năng lực sản xuất thiết bị chẩn đoán, vaccine và thuốc điều trị san sẻ nguồn lực, hỗ trợ các quốc gia khác “dựa trên nhu cầu sức khỏe cộng đồng, sự đoàn kết”.

"Với những công cụ chúng ta có hiện nay, chúng ta có thể kiểm soát dịch bệnh bùng phát và ngăn chặn sự lây nhiễm" - Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ ấy như thế nào, có kịp thời và hiệu quả hay không còn là câu chuyện nhận thức về mối nguy hiểm dịch chồng dịch của mỗi quốc gia. Chỉ biết rằng, ai thờ ơ, ai do dự, chậm chân trong cuộc chiến này, rất có thể sẽ phải trả những cái giá rất đắt, bằng cả sinh mạng và kinh tế./.

Hà Anh

Từ 1/1/2022 đến ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO. Ngày 23/7/2022, Tổng Giám đốc WHO công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng; nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao; còn nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận