Nga - Ukraine: Ngày… nhượng bộ còn xa!

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã, đang gây hệ lụy nặng nề không chỉ cho các bên trực tiếp tham chiến mà còn cho cả nền kinh tế toàn cầu

 

Kể từ ngày 24/2/2022 khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine, chiến sự vẫn tiếp diễn hết sức căng thẳng và gây hệ lụy nặng nề không chỉ cho các bên trực tiếp tham chiến mà còn cho nền kinh tế toàn cầu. Và theo phần đa các nhà quan sát, bức tranh kinh tế, thế sự toàn cầu sẽ còn tiếp tục u ám khi ngày hai phía Nga - Ukraine có thể chấp nhận nhượng bộ đàm phán cùng nhau hẳn còn rất xa vời.

Kinh tế toàn cầu bên bờ vực suy thoái

“Thế giới có thể sớm rơi vào tình trạng suy thoái” - với nhiều người, nhận định ấy của ông Pierre-Olivier Gourinchas, cố vấn kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chẳng có gì quá mới mẻ. Đơn giản, bởi chẳng cần là một chuyên gia, chỉ với tư cách một người nội trợ hay sử dụng xe ô tô đi làm hàng ngày, họ cũng đã cảm thận được những tác động tồi tệ xảy đến ngay sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Tờ Economist trong một bài viết xuất bản hồi cuối tháng 6/2002 đã cho biết lạm phát trung bình của các nước giàu đã vượt 9% - tỷ lệ chưa từng có kể từ những năm 1980. Nhưng con số 9% dường như vẫn chưa dừng lại. “Đừng ngạc nhiên nếu lạm phát vẫn bùng lên trong thời gian tới” - tờ Economist nhận định.

Một tòa nhà ở vùng Kiev bị đánh sập hồi tháng 3/2022. (Ảnh: Reuters)Cuộc xung đột đã, đang gây hệ lụy nặng nề không chỉ cho các bên trực tiếp tham chiến mà còn cho cả nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang để lại hậu quả nghiêm trọng. IMF đã hạ thấp triển vọng kinh tế toàn cầu lần thứ tư trong vòng chưa đầy một năm. Cơ quan này dự kiến nền kinh tế ​​tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm so với mức 4,9% mà họ dự báo vào tháng 7/2021, và thấp hơn nhiều so với mức 6,1% của năm 2021. Bên cạnh đó, theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, giá lương thực và năng lượng tăng đã khiến 71 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh đói nghèo chỉ trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột. Trong đó, các nước vùng Balkan và châu Phi hạ Sahara bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc còn dự báo gần 181 triệu người ở 41 quốc gia có thể bị khủng hoảng nạn đói trong năm nay.

Châu Âu - nơi nhiều năm nay phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga sẽ là khu vực rơi vào tình trạng suy thoái sớm nhất và nặng nề nhất. Trong số 17 quốc gia thành viên khối eurozone, có 6 nước đang chìm trong suy thoái kinh tế, bao gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia, Cyprus, Malta và Bồ Đào Nha, trong đó Hy Lạp bị suy thoái nặng nhất khi GDP chỉ còn 6,2%. Italia và Tây Ban Nha, 2 nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư châu Âu tốc độ tăng trưởng chậm đi 0,7% và 0,4% trong quý 2. Nền kinh tế của “người trong cuộc” cũng không khá khẩm hơn. Số liệu sơ bộ được Rosstat - Cơ quan Thống kê Liên bang Nga công bố hồi giữa tháng cho thấy GDP nước này giảm 4% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Ukraine sẽ sụt giảm 45% vào năm 2022. Những thiệt hại về di sản, cơ sở hạ tầng thậm chí cả nguy cơ về thảm họa hạt nhân cũng tồi tệ không kém. Hồi tháng 7, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết tổng số tiền tái thiết sau xung đột sẽ tiêu tốn khoảng 750 tỷ USD và con số này có thể tăng cao hơn.

Lạm phát gia tăng, đặc biệt là từ đầu năm nay, đã khiến cuộc sống của người dân ở Nam Á và Đông Nam Á trở nên khó khăn hơn. (Ảnh: Strait Times) Bên cạnh đó, ngoài lạm phát, hầu hết các nước châu Âu còn đang phải đối phó với tình trạng nợ công leo thang và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu vừa thông báo đạt được mức tăng trưởng 0,3% trong quý 2, trong khi đó, kinh tế Pháp, vốn lớn thứ hai trong khu vực, đã đứng yên trong quý 2 năm nay. Các nhà kinh tế còn cho biết, trong trường hợp Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt thì tác động đối với các nền kinh tế của châu Âu còn tồi tệ hơn nhiều.

Làn sóng di cư khổng lồ và cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ

Nhưng sự mất mát to lớn về sinh mạng và khủng hoảng nhân đạo tồi tệ gây ra bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine mới là điều nhức nhối, xót xa hơn cả. Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) ngày 22/8 cho biết, kể từ ngày 24/2, hơn 5.500 dân thường Ukraine đã được báo cáo là thiệt mạng, gần 7.900 người bị thương và trên thực tế, những con số này chắc chắn còn cao hơn. Con số quân nhân từ cả Nga và Ukraine thiệt mạng bởi cuộc chiến cũng không phải là ít. Tướng Ukraine Valeriy Zaluzhnyi hôm 22/8 cho biết gần 9.000 quân nhân Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, còn tình báo Mỹ ước tính cho đến nay đã có hàng nghìn binh sĩ Nga thiệt mạng và bị thương.

Cuộc chiến Nga - Ukraine còn gây ra làn sóng di cư chưa từng có. Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc cho biết kể từ ngày 24/2, một phần ba số người dân Ukraine - với dân số hơn 41 triệu người đã bị buộc phải rời khỏi nhà và hiện có hơn 6,6 triệu người sơ tán từ Ukraine được ghi nhận trên khắp châu Âu, trong đó, số lượng lớn nhất người tị nạn Ukraine đang ở Cộng hòa Séc, tiếp theo là Ba Lan, Estonia, Litva, Bulgaria và Latvia.

Cơ sở hạ tầng của Ukraine đã bị thiệt hại nặng nề do xung đột. (Ảnh: AP)Cũng theo ước tính của LHQ, xung đột Nga - Ukraine đã làm cho 17,7 triệu người rơi vào hoàn cảnh cần hỗ trợ nhân đạo và trong “mùa đông khắc nghiệt” bởi thiếu khí đốt và tình hình lạm phát tăng cao, thiếu lương thực sắp tới, cơ quan này cảnh báo con số này sẽ còn lớn hơn nhiều. WB dự đoán 55% dân số Ukraine sẽ sống trong cảnh nghèo đói vào cuối năm 2023, tăng đột biến so với tỷ lệ 2,5% trước khi xung đột xảy ra.

Còn viện trợ còn xung đột, còn tổn thất?

Đã sang tháng thứ 7 kể từ khi Nga triển khai hoạt động quân sự tại nước láng giềng, cuộc xung đột giữa hai bên hiện không có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. Giao tranh vẫn tiếp diễn ở phía Đông và phía Nam trong bối cảnh Ukraine cố gắng giành lại các khu vực do Nga kiểm soát. Những diễn biến mới đây nhất, như vụ ám sát nữ nhà báo Darya Dugina - con gái của ông Alexander Dugin, triết gia, chiến lược gia, nhân vật thân cận với Tổng thống Vladimir Putin - càng như “đổ thêm dầu vào lửa” khiến cuộc xung đột đã nóng càng nóng bỏng.

Theo nhiều nhà quan sát, cả Nga và Ukraine đều phải gánh chịu những thiệt hại về người và của, nhưng cả hai bên dường như không sẵn sàng xem xét một lệnh ngừng bắn. “Chiến dịch quân sự đặc biệt này có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm” - ông Konstantin Kalachev, một nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Moscow, dự báo. Tờ Financial Times hôm 21/8 dẫn lời Đại diện thường trực của Nga tại LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ Gennady Gatilov nói rằng, “không có bất kỳ nền tảng thiết thực nào để tổ chức một cuộc hội đàm giữa ông Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin”. Thậm chí, có nhà quan sát còn cho rằng cuộc xung đột còn có nguy cơ trở thành ngòi nổ cho cuộc… Chiến tranh thế giới lần thứ III.

Chiến sự vẫn tiếp diễn. Trong ảnh : Binh sĩ Ukraine di chuyển bằng xe tăng ở khu vực Donbass, ngày 21/6/2022. (Ảnh: AFP)Trong nhìn nhận của nhiều chuyên gia, một trong những giải pháp căn cơ nhất để có thể thúc đẩy cuộc xung đột Nga - Ukraine tới hồi kết không chỉ là nỗ lực để ông Zelensky và Vladimir Putin có với nhau một cuộc hội đàm, một cuộc gặp gỡ, không chỉ là sự tìm kiếm những thỏa thuận chung giữa hai phía mà còn là câu chuyện: còn viện trợ thì còn chiến sự. Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng sự hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây là một trong những lý do thúc đẩy Ukraine rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình với Nga. Hiện, Mỹ đang là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Gần đây nhất vào ngày 19/8, Lầu Năm Góc thông báo gửi lô vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 775 triệu USD để giúp Ukraine mở đợt phản công ở miền Nam. Phía Nhà Trắng cũng cho biết sẽ công bố gói viện trợ an ninh mới trị giá 3 tỷ USD cho Ukraine - khoản viện trợ quân sự lớn nhất cho Kiev kể từ khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự. Các nước phương Tây ủng hộ Ukraine đã cam kết sẽ viện trợ thêm cho Ukraine 1,5 tỷ EUR. Trước đó, Ukraine đã nhận được hàng chục ngàn tấn vũ khí các loại từ phương Tây.

Mong muốn kết thúc chiến tranh nhưng nguồn viện trợ cho cuộc chiến vẫn không ngừng được đổ vào… Chừng nào nghịch lý ấy còn tồn tại thì những người dân thường nơi xung đột sẽ còn phải đối mặt với thiếu thốn và đớn đau… Chừng nào sự nhượng bộ, thiện chí cho nhau còn chưa đạt được, chừng ấy, chiến sự còn tiếp diễn, đau thương, mất mát sẽ vẫn còn nhức nhối…./.

Kể từ ngày 24/2, hơn 5.500 dân thường Ukraine đã thiệt mạng và gần 7.900 người bị thương và trên thực tế, những con số này chắc chắn còn cao hơn. Con số quân nhân từ cả Nga và Ukraine thiệt mạng bởi cuộc chiến cũng không phải là ít.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận