Đó là mong muốn, quyết tâm của ông Csaba Korosi - tân Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ), trong tuyên bố nhậm chức diễn ra chỉ 1 ngày trước phiên khai mạc kỳ họp ĐHĐ LHQ khóa 77 - sự kiện thường niên lớn nhất của tổ chức này vừa diễn ra tại New York (Mỹ) ngày 13/9.
Nhiều hoạt động quan trọng được đón đợi
Trước đó, cuối tháng 8/2022, LHQ đã ra thông báo về trọng tâm của kỳ họp ĐHĐ khóa 77. Theo đó, điểm nhấn quan trọng của sự kiện là tuần lễ cấp cao sẽ diễn ra từ ngày 20/9/2022 với sự tham dự của hàng trăm nguyên thủ và lãnh đạo từ các nước trên khắp thế giới. Ngoài tuần lễ cấp cao, 3 hội nghị quan trọng diễn ra trong kỳ họp ĐHĐ khóa 77 năm nay sẽ tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, các mục tiêu phát triển bền vững và quyền của người thiểu số. Trong đó, hội nghị thượng đỉnh giáo dục sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 1 - 19/9, ngay trước thềm tuần lễ cấp cao. Dự kiến, đây sẽ là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách cùng đại diện giới trẻ trên toàn thế giới chung tay kêu gọi xã hội hãy ủng hộ chuyển đổi giáo dục theo hướng tích cực trên toàn thế giới; để các trường học thực sự là nơi mọi học sinh đều được tạo cơ hội, công bằng, an toàn và lành mạnh, nơi các em được học tập cả kỹ năng sống, làm việc và hướng tới phát triển bền vững cũng như được cập nhật các phương pháp học trên nền tảng kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, hội nghị về các mục tiêu phát triển bền vững (tên chính thức là SDG Moment - thời khắc của Các Mục tiêu Phát triển Bền vững) khai mạc ngày 19/9. Đây là cơ hội các nước cùng nhau tập trung tìm kiếm giải pháp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững theo chương trình nghị sự 2030 của LHQ. Ngoài ra, Hội nghị quyền của người thiểu số sẽ bắt đầu ngày 21/9, trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao, nhân kỷ niệm 30 năm Tuyên bố của LHQ về quyền của người thiểu số chính thức có hiệu lực.
Đặc biệt, kỳ họp khóa 77 năm nay sẽ có Tuần lễ các mục tiêu toàn cầu được tổ chức kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến từ ngày 16 - 25/9 nhằm mục tiêu thúc đẩy các mục tiêu chung của thế giới.
Duy trì hòa bình, an ninh, cải thiện nhân quyền và hướng tới phát triển bền vững
Đó là quyết tâm đồng thời cũng là trọng tâm của chương trình nghị sự nhiệm kỳ này mà tân Chủ tịch ĐHĐ Csaba Korosi đã hé lộ trong lễ tuyên thệ nhậm chức diễn ra ngày 12/9.
Trong bài phát biểu của mình, ông Csaba Korosi khẳng định tất cả các cơ quan của LHQ, trong đó có ĐHĐ, phải tiếp tục cải tổ và chuyển đổi để tăng cường hợp tác hiệu quả hơn nữa. Ông cho biết sẽ theo đuổi một chương trình nghị sự gắn với ba trụ cột lớn của LHQ là duy trì hòa bình, an ninh, cải thiện nhân quyền và hướng tới phát triển bền vững. Ông Korosi cũng nhấn mạnh rằng để làm được như vậy, các nước phải hỗ trợ lẫn nhau, nếu không tất cả sẽ cùng thất bại.
Tân Chủ tịch ĐHĐ LHQ cũng cho thấy sự quyết liệt khi ngay lập tức đã nêu lên các mục tiêu ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình, bao gồm: giữ vững các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, đạt được những tiến bộ đáng kể và có thể định lượng được trong tiến trình chuyển đổi sang phát triển bền vững, hướng đến các giải pháp hệ thống tích hợp, nâng cao vai trò của khoa học trong việc ra quyết định và tăng cường đoàn kết.
Tân Chủ tịch ĐHĐ LHQ cũng khiến dư luận đặc biệt chú ý khi cho biết ông cam kết sẽ nỗ lực kết nối và hướng các hoạt động của cơ quan lớn nhất của LHQ gồm 193 nước thành viên tới những thay đổi thực sự mang lại tầm ảnh hưởng. Tất nhiên, với kinh nghiệm dạn dày của một người từng nhiều năm làm ngoại giao quốc tế (ông Csaba Korosi từng là Đại sứ Hungary tại Hy Lạp từ năm 2002 - 2006, đại diện thường trực của Hungary tại LHQ từ năm 2010 - 2014), tân Chủ tịch ĐHĐ LHQ hiểu rất rõ rằng, để có được “những thay đổi thực sự mang tầm ảnh hưởng” ấy là không dễ. Nhất là trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự phân chia địa chính trị ngày càng rộng; Đại dịch vẫn tiếp tục tàn phá toàn cầu; Tình trạng mất an ninh lương thực, giá năng lượng tăng cao, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát…
Dấu ấn và nỗ lực của Việt Nam tại LHQ
Cách đây hơn 3 tháng, ngày 7/6/2022, Đại hội đồng LHQ đã họp bầu các chức danh Chủ tịch và các Phó Chủ tịch ĐHĐ LHQ khoá 77, nhiệm kỳ 2022 -2023. Việt Nam đã được bầu là một trong những Phó Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ đảm nhiệm vị trí này trong 1 năm kể từ ngày 13/9/2022.
Điều đáng nói, như chia sẻ của ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao “có thể hiểu là tất cả 193 quốc gia thành viên đã ủng hộ Việt Nam và các nước khác với vai trò này. Đối với Việt Nam, đây là thể hiện sự ủng hộ tương đối nhất quán của các nước thành viên LHQ”. Rõ ràng, việc Việt Nam được LHQ bầu chọn là một trong những Phó Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 77 cho thấy vai trò và vị trí ngày càng giàu sức ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như trong “ngôi nhà chung” LHQ.
Trước đó, uy tín và vị thế của Việt Nam được tạo dựng trong một thời gian dài, đặc biệt là thông qua hai năm Việt Nam đảm nhiệm rất thành công vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việt Nam cũng đang là thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế; thành viên của Hội đồng chấp hành tổ chức Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế; thành viên của Hội đồng chấp hành UNESCO; thành viên của Hội đồng khai thác của Tổ chức Bưu chính thế giới. Điều này thể hiện sự tín nhiệm của các nước đối với Việt Nam rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực.
Như khẳng định của ông Đỗ Hùng Việt ĐHĐ LHQ là cơ quan có tính đại diện cao nhất của LHQ với sự tham gia của 193 quốc gia thành viên. Chính vì vậy, đây là nơi thể hiện ưu tiên, quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. ĐHĐ cũng là cơ quan hoạch định chính sách rất quan trọng của LHQ nhằm khẳng định, thực hiện vai trò trung tâm của LHQ trong quản trị toàn cầu, trong xử lý các thách thức chung mà cộng đồng quốc tế đang gặp phải hiện nay. Việc Việt Nam trúng cử vị trí này có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là khi năm nay chúng ta kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam trở thành thành viên của LHQ (1977 - 2022).
Mới đây, ngày 19/8, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ - đã có buổi làm việc với Chủ tịch ĐHĐ LHQ Khóa 77 Csaba Korosi để trao đổi về các trọng tâm công tác của ĐHĐ LHQ trong thời gian tới cũng như các ưu tiên, quan tâm của Việt Nam. Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực đóng góp vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế về các vấn đề hòa bình, an ninh, đẩy mạnh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ và cùng các nước thành viên LHQ thúc đẩy triển khai nhiều tiến trình quan trọng đã được Tổng Thư ký LHQ đề xuất trong Báo cáo chương trình nghị sự chung.
Sau niềm vui là trách nhiệm, tâm huyết với cương vị mới. Việt Nam xác định mục tiêu là tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, sâu rộng và toàn diện tại các diễn đàn LHQ đối với các vấn đề toàn cầu. Và mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam như chia sẻ của tân Chủ tịch ĐHĐ LHQ Khóa 77 cho thấy niềm tin của LHQ, của cộng đồng quốc tế về nỗ lực, quyết tâm ấy của Việt Nam./.
"Chúng ta phải cố gắng hết sức để duy trì và bảo vệ các giá trị và nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Phải cẩn trọng trong những thời điểm hỗn loạn và bất trắc nhất này. Chúng ta phải áp dụng một cách tiếp cận phòng ngừa"
Chủ tịch ĐHĐ LHQ Csaba Korosi
|
Hà Anh