Rò rỉ đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc: 'Cú đấm mạnh' vào tình hình Ukraine!

Sự quan ngại của cộng đồng quốc tế là cơ cơ sở khi hơn 6 tháng đã qua, cuộc xung đột Nga - Ukraine ngày càng diễn biến phức tạp với những diễn biến mới.

 

Sự cố rò rỉ khí đốt xảy ra đồng loạt ở hai đường ống Nord Stream từ Nga đến châu Âu dưới biển Baltic không chỉ đang làm bùng nổ những tranh cãi gay gắt về nguyên nhân gây ra sự cố này mà còn được xem là bước leo thang tiếp theo của tình hình ở Ukraine.

“Tình hình đang nghiêm trọng

“Nhà chức trách Đức đánh giá rằng tình hình đang nghiêm trọng” - đó là những gì mà ông Klaus Mueller, người đứng đầu cơ quan điều độ mạng lưới của Đức, viết trên mạng xã hội Twitter ngay sau khi sự cố xảy đến. Còn Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov thì tuyên bố trước báo giới hôm 27/9: "Thông tin các đường ống Dòng chảy phương Bắc rò rỉ là một tin rất đáng lo ngại. Chúng ta đang nói về một số hư hại trong đường ống, vẫn chưa rõ về tính chất hỏng hóc. Đúng là áp suất đã giảm đáng kể”.

Sự việc xảy ra vào tối 26/9 vừa qua khi Văn phòng báo chí công ty Nord Stream AG cho biết, đã ghi nhận áp suất giảm mạnh ở cả 2 nhánh của tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Hai đường ống này chạy song song dưới biển Baltic, nối giữa Nga và châu Âu. Nord Stream 1 được hoàn thành vào năm 2011, vận chuyển hơn 1/3 lượng khí đốt tự nhiên mà Nga xuất khẩu sang châu Âu, khoảng 55 tỷ mét khối mỗi năm. Mới đây, ngày 11/7, tuyến đường ống này đã dừng hoạt động để bảo trì thường niên và thời gian qua, đã vận hành với lượng khí đốt ngày càng giảm trước khi ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn từ tháng 8 vừa qua. Còn đường ống Nord Stream 2 chạy từ St. Petersburg (Nga) tới Đức tháng 9/2021, Nord Stream 2 mới được hoàn thành nhưng cho tới nay vẫn chưa thực sự đi vào hoạt động do bị Chính phủ Đức đình chỉ quy trình phê duyệt ngay trước khi nổ ra chiến tranh giữa Nga với Ukraine.

Tối 26/9 khi sự cố rò rỉ bị phát hiện, phía Đan Mạch đã công bố đoạn video cho thấy vụ rò rỉ khí đã gây ra đám bọt khí có đường kính hơn 1km trên mặt biển. Ngay sau khi tình trạng này diễn ra, nhà chức trách Đan Mạch đã yêu cầu tàu thuyền không đi vào vùng bán kính 5 hải lý từ đảo Borholm - nơi xuất hiện đám bọt khí và thiết lập một vùng nguy hiểm đối với giao thông hàng hải xung quanh Nord Stream 2. Còn theo những hình ảnh và video được công bố sau đó, một khu vực sủi bọt khí khổng lồ trên bề mặt biển Baltic lần lượt xuất hiện vào khoảng 2:03 rạng sáng 26/9 và lúc 19h03 cùng ngày (giờ địa phương) từ 3 lỗ rò rỉ ở các khu kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch ở phía bắc Ba Lan, có đường kính từ 200 - 1.000m.

Tranh cãi dữ dội

Ngày 27/9, Ủy ban châu Âu cho biết còn quá sớm để kết luận về nguyên nhân rò rỉ tại 3 đoạn thuộc 2 đường ống nói trên; đồng thời cũng cho biết đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan và đến nay chưa nhận thấy bất kỳ tác động nào của sự việc đối với an ninh nguồn cung.

Tuy nhiên, các bên liên quan thì dường như đã không bỏ lỡ cơ hội để tung ra những phát ngôn trái chiều. “Vụ rò rỉ khí đốt quy mô lớn của Nord Stream 1 không khác gì cuộc tấn công khủng bố do Nga lên kế hoạch và một hành động gây hấn với Liên minh châu Âu (EU)” - ông Mikhaylo Podolyak, Cố vấn Tổng thống Ukraine viết trên mạng xã hội Twitter. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thì nhận định, những sự cố rò rỉ xảy ra đồng loạt trên 2 đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 là do “hành vi cố ý” chứ “không phải là tai nạn”. Thủ tướng Đan Mạch cũng cho rằng không loại trừ khả năng đã xảy ra phá hoại. "Chúng ta đang nói về ba điểm rò rỉ khá gần nhau. Đó là lý do thật khó có thể nghĩ rằng đây là sự trùng hợp", bà Mette Frederiksen nói.

Về phần nước Nga, phát biểu với báo giới ngày 27/9 về sự cố rò rỉ  xảy ra đồng loạt trên 2 đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov không loại trừ khả năng đây là hậu quả của hành vi "phá hoại" và hiện không thể bỏ qua giả thuyết nào khi chưa có kết quả điều tra. "Đây là một tình huống hư hại chưa từng có cần phải điều tra khẩn cấp. Chúng tôi vô cùng lo ngại về tin tức này", ông Peskov nhấn mạnh thêm. Ông Peskov cũng cho biết Điện Kremlin rất quan tâm đến tình hình này và sẽ triển khai điều tra nhanh chóng vì đây là một vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng của toàn châu lục.

Bọt khí nổi lên trên mặt biển gần Bornholm (Đan Mạch) từ lỗ rò rỉ của đường ống Nord Stream 2. (Ảnh: Reuters)

“Cú đấm mạnh” vào cuộc xung đột Nga - Ukraine

Tuy nhiên, điều mà cộng đồng quốc tế quan ngại nhất lại là câu chuyện sự cố này không chỉ đẩy cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu vào tình thế nan giải tiếp theo mà còn góp phần đẩy cuộc xung đột Nga - Ukraine vào những nấc thang bất ổn mới. Nói như ông Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Ba Lan, trong lễ khởi công đường ống khí đốt mới giữa Na Uy và Ba Lan: "Dù không rõ chuyện gì đã xảy ra, chúng ta thấy đây là hành động phá hoại, liên quan đến bước leo thang tiếp theo của tình hình ở Ukraine".  

Sự quan ngại của cộng đồng quốc tế là cơ cơ sở khi hơn 6 tháng đã qua, cuộc xung đột Nga - Ukraine ngày càng diễn biến phức tạp với những diễn biến mới

Sự quan ngại của cộng đồng quốc tế là cơ cơ sở khi hơn 6 tháng đã qua, cuộc xung đột Nga - Ukraine không những không có dấu hiệu lắng dịu mà ngày càng diễn biến phức tạp với những diễn biến mới, trong đó có việc Nga ban hành sắc lệnh động viên (có hiệu lực ngay trong ngày 21/9 vừa qua). Việc động viên cục bộ cho phép Nga huy động quân dự bị để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine. Trong bài phát biểu toàn quốc ngày 21/9, Tổng thống Putin nhấn mạnh việc động viên một phần là cần thiết, rằng việc huy động quân sự lần này là nhằm bảo vệ Nga và và các vùng lãnh thổ của nước này, cáo buộc phương Tây không muốn hòa bình ở Ukraine, và Nga sẽ sử dụng "sức mạnh của toàn bộ kho vũ khí" nếu phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ phương Tây.

Những người Nga đi vào Gruzia qua cửa khẩu Zemo Larsi/Verkhny Lars ngày 26/9. (Ảnh: Reuters)

Động thái này từ nước Nga ngay lập tức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ nhiều nước. "Rõ ràng đây là điều mà chúng ta nên xem xét rất nghiêm túc. Đây rõ ràng là một sự leo thang" - Thứ trưởng Ngoại giao Anh Gillian Keegan phát biểu. "Việc động viên một phần mà ông Putin tuyên bố là nỗ lực nhằm leo thang hơn nữa chiến sự mà Nga phát động tại Ukraine", Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala cũng đưa ra tuyên bố.

Lệnh động viên cục bộ còn thổi bùng làn sóng tranh cãi tại nhiều nước châu Âu trước dòng người Nga được ghi nhận đông bất thường được cho là rời khỏi nước Nga nhằm né tránh lệnh gọi nhập ngũ những ngày qua. Nhiều nước cho rằng việc tiếp nhận người Nga vì lệnh động viên là trách nhiệm phải làm, số khác coi đây là rủi ro an ninh.

Trong khi những tranh cãi bùng nổ thì đã có những con số lẳng lặng hiện diện: 61.207 người chết, 49.368 người bị thương, hơn 2.000 lính đánh thuê tử vong được cho là bởi cuộc xung đột Ukraine - Nga. Con số đó có thể khác nhau theo nhiều cuộc khảo sát, thống kê, nhưng thương vong là có thật, là không gì bù đắp nổi./.

Sự quan ngại của cộng đồng quốc tế là cơ cơ sở khi hơn 6 tháng đã qua, cuộc xung đột Nga - Ukraine không những không có dấu hiệu lắng dịu mà ngày càng diễn biến phức tạp với những diễn biến mới, trong đó có việc Nga ban hành sắc lệnh động viên (có hiệu lực ngay trong ngày 21/9 vừa qua).

Hà Trang

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận