Kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Cho một khúc khải hoàn ca

Khúc khải hoàn ca đã vang lên trên mảnh đất Thủ đô sau bao gian khó, cả máu và nước mắt...

 

“Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi/ Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca” - khúc khải hoàn ca mà nhà thơ Tạ Hữu Yên nhắc đến trong vần thơ nổi tiếng ấy chính là cuộc trở về lịch sử cách đây 68 năm của những người lính Thủ đô. Nhưng để có được ngày trở về mang đậm tính khải hoàn ấy, là cả một hành trình đầy gian nan, hiểm nguy của quân dân Hà Nội. 

80 ngày đêm và những âm mưu đen tối

Chiều ngày 07/5/1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Quân đội nhân dân Việt Nam đã hiên ngang tung bay trên nóc hầm De Castries, đánh dấu thắng lợi của Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nỗ lực chiến tranh của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương nói chung, ở Việt Nam nói riêng đã thất bại hoàn toàn. Hiệp định Geneva về Đông Dương đình chỉ chiến sự ở Việt Nam theo đó đã được ký kết, Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ 3 nước Đông Dương. Tuy nhiên, mọi sự không dừng lại ở đó. Hiệp định Geneva buộc quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc, nhưng theo quy định, Hà Nội và một số khu vực khác của miền Bắc trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội Liên hiệp Pháp với thời gian là 80 ngày. Và tận dụng khoảng thời gian này, tâm thế của những kẻ thất bại đã khiến thực dân Pháp, với sự tiếp tay của Mỹ, đã dấy lên những mưu đồ đen tối.

Lực lượng bộ binh Pháp lặng lẽ rút qua phố Hàng Đào lên cầu Long Biên để xuống Hải Phòng, chiều 9/10/1954. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Trong 80 ngày Hà Nội vẫn nằm trong vùng tập kết (được cho là bắt đầu từ ngày 21/7/1954), phía Pháp phải chịu trách nhiệm tạo mọi điều kiện cho phía Việt Nam tiếp quản Hà Nội… Nhưng, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã không thực thi ngay những cam kết ấy. Trong suốt 80 ngày ấy, chúng âm mưu gây khó khăn toàn diện cho công cuộc tiếp quản Hà Nội, cố tình tìm mọi cách làm rối loạn trung tâm đầu não chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa - xã hội với nhiều hoạt động phá hoại diễn ra liên tiếp… Thực dân Pháp thậm chí còn tìm cách di chuyển kho tàng, máy móc, vật liệu, trang thiết bị, thuốc men, tài liệu quý ra khỏi thành phố, hạn chế, ngừng cung cấp than, hòng làm mạng lưới dịch vụ công cộng, hoạt động sinh hoạt của nhân dân trong thành phố gặp khó khăn, sản xuất đình đốn, âm mưu biến Hà Nội thành một thành phố chết trước khi lực lượng cách mạng Việt Nam tiếp quản thành phố.

Chưa hết, bộ máy tuyên truyền của địch ra sức tập trung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, rằng “Việt Minh sẽ đưa công chức đi tẩy não, bắt ngụy binh đi cải tạo; học sinh, sinh viên không được đi học; tư sản, tiểu thương không được buôn bán”. Chúng còn tổ chức các “đội hành động bí mật”, sử dụng bọn côn đồ tay sai phá phách, cướp bóc, tống tiền làm rối loạn trật tự, trị an… Thậm chí chúng sử dụng bọn lưu manh, các phần tử thoái hóa trà trộn trong dân tung tin đồn nhảm, gây sự nghi kỵ lẫn nhau, phá hoại khối đại đoàn kết; dùng thủ đoạn mờ ám trong trao trả tù binh…

Những âm mưu đen tối đã khiến cho công cuộc tiếp quản Thủ đô của chính quyền cách mạng thêm phần gian nan. Nhất là trong bối cảnh cơ sở cách mạng ở một số nơi tại Hà Nội còn mỏng và yếu; chính quyền cơ sở chưa được thiết lập; đoàn thể quần chúng phát triển không đều…

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính đọc diễn văn khai mạc trong ngày Ủy ban Quân chính ra mắt nhân dân Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội (tháng 10/1954). (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Chuẩn bị kỹ càng, hợp lực cho “cuộc phản công”

Nhưng tinh thần của Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn đó, cổ vũ quân dân Hà Nội vững vàng, bình tĩnh để chuẩn bị tâm thế, lực lượng cho một cuộc chiến đấu tiếp theo, để Hà Nội thực sự trở thành Thủ đô của cách mạng.

Đầu tháng 8/1954, tại một địa điểm trên đất Phú Xuyên, huyện Thường Tín (thuộc tỉnh Hà Đông cũ), Thành ủy Hà Nội họp bàn, quyết định những chủ trương công tác lớn về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Với chủ trương: lấy ngoại thành làm bàn đạp để tiếp quản nội thành, cũng thời điểm đó, Ban Cán sự ngoại thành được thành lập trên cơ sở hợp nhất các ban cán sự phía Bắc và phía Nam. Lực lượng tự vệ được thành lập ở 110 trên tổng số 136 thôn ở ngoại thành, với 1.976 đội viên là cơ sở vững chắc để tiến tới thực hiện tiếp quản Thủ đô.

Để hỗ trợ cho Hà Nội, ngày 6/9/1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô. Một số cán bộ dày dạn kinh nghiệm như: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu về trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp quản Hà Nội. Hội đồng Chính phủ ban hành một nghị quyết về tiếp quản Hà Nội. Hàng trăm cán bộ được bồi dưỡng cấp tốc về công tác tiếp quản từ các lớp học ở Việt Bắc, Liên khu 3 được đưa về tăng cường cho bộ máy tiếp quản Hà Nội.

Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 Quân Tiên phong tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)Ngày 17/9/1954, Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban quân chính Hà Nội, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.

Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304 cùng nhiều đơn vị công an được giao nhiệm vụ vào tiếp quản Thủ đô. Tháng 8/1954, Trung ương Đảng, Chính phủ chủ trương thành lập Đại đoàn 350 và đưa Đại đoàn này về Thủ đô làm nhiệm vụ. Dù bộn bề công việc, ngày 19/9/1954 tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thu xếp gặp và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô của Đại đoàn Quân Tiên Phong là rất quan trọng và vinh dự.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308 - Sư đoàn Quân Tiên phong), Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, tại Lễ chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng Hà Nội, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15h ngày 10/10/1954. (Nguồn: Tư liệu/TTXVN)“Hôm nay về lại đây Hà Nội/giàn giụa vui lên ướt mắt cười”

Từ những bước chuẩn bị kỹ càng ấy, quân dân Hà Nội vững vàng, tự tin cho cuộc trở về lịch sử.

Trước sức mạnh đấu tranh của quân và dân Hà Nội, cuối tháng 9/1954, Bộ Chỉ huy quân chiếm đóng Pháp chấp nhận rút khỏi Thành phố đúng thời hạn. Ngày 8/10/1954, Ban Tiếp nhận Quân sự của ta triển khai ở 6 khu vực nội thành và huyện Gia Lâm, tiếp nhận bàn giao cơ quan và các vị trí quân sự. Bộ đội ta tiến vào Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Nhật Tân và bố trí canh gác cùng lính Pháp ở những vị trí cần thiết. Lực lượng tự vệ nhà máy cùng nhiều công nhân đến canh gác bảo vệ các nhà máy, xí nghiệp của mình. Trên các đường phố, cờ đỏ sao vàng, cổng chào và khẩu hiệu xuất hiện, hoan nghênh bộ đội và chính quyền cách mạng trở về Thủ đô. Địch rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. Đến 16 giờ ngày 9/10/1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang Gia Lâm.

Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Đại đoàn 308, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào nội thành Hà Nội. Đoàn xe đầu tiên do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính dẫn đầu đi qua phố Hàng Đường, Hàng Đào và trung tâm thành phố.

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên Phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)15 giờ ngày 10/10/1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước… Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng không xiết kể !...” - thư Người viết.

Gương mặt rạng rỡ của các chiến sĩ Đại đoàn 308 Quân Tiên phong (nay là Sư đoàn 308) về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. (Nguồn: Tư liệu/TTXVN)

Còn nhà thơ Tố Hữu, chứng kiến thời khắc ấy đã xúc động: “Giữa Thủ đô/Cụ Hồ về/ Bộ đội/Tiến vào năm cửa ô/ Về đến đây rồi, Hà Nội ơi/ Người đi kháng chiến tám năm trời/ Hôm nay về lại đây Hà Nội/ giàn giụa vui lên ướt mắt cười”. Khúc khải hoàn ca đã vang lên trên mảnh đất Thủ đô sau bao gian khó, cả máu và nước mắt./.

Những âm mưu đen tối của thực dân Pháp đã khiến cho công cuộc tiếp quản Thủ đô của chính quyền cách mạng thêm phần gian nan.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận