Chính trường Anh, những cú 'thay vai chớp nhoáng' và câu chuyện lòng tin

Sau quyết định bổ nhiệm của Vua Charles III, nước Anh lại có một Thủ tướng mới.

 

Ngày 25/10, sau quyết định bổ nhiệm của Vua Charles III, nước Anh lại có một Thủ tướng mới. 5 đời thủ tướng, 5 “cú thay vai” chớp nhoáng chỉ trong vòng 6 năm kể từ ngày quyết định Brexit, không ai có thể ngờ nước Anh lại rơi vào sự hỗn loạn và suy giảm lòng tin đến thế.

6 năm, 5 lần thay thủ tướng

Không ai có thể khẳng định 100% rằng quyết định Brexit (Anh rời EU) 6 năm về trước có thực sự là nguyên nhân cốt yếu hay không nhưng quả thực, đúng từ thời khắc năm 2016 đó đến nay, nước Anh, trong đó chính trường và nền kinh tế, đã liên tiếp chứng kiến quá nhiều những đổi thay đầy bất ổn.

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu tại Số 10 phố Downing ở London ngày 25/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chỉ trong 6 năm, nước Anh đã trải qua tới 5 đời thủ tướng: ông David Cameron, bà Theresa May, ông Boris Johnson, bà Liz Truss và giờ đây là ông Rishi Sunak. Trong đó có những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” tại nước Anh như câu chuyện bà Liz Truss chỉ tại vị trong vòng vỏn vẹn 6 tuần lễ. Ông Rishi Sunaklà thủ tướng thứ 3 của Anh trong năm nay và là thứ 5 trong sáu năm qua. Và 3 vị thủ tướng buộc phải từ nhiệm trước ông Rishi Sunak: bà Theresa May, ông Boris Johnson, bà Liz Truss, mỗi người đã phải rời khỏi số 10 phố Downing bởi một trong những cuộc khủng hoảng mà nước Anh đã, đang phải đối mặt: Bà Theresa May - Brexit, ông Boris Johnson - Covid-19 và bà Liz Truss- lạm phát. Chưa hết, chỉ tính từ tháng 7/2022, chỉ trong vòng 3 tháng, chính trường Anh đã có tới 4 bộ trưởng tài chính. Bộ trưởng Nội vụ từ chức chỉ sau 43 ngày tại nhiệm. Một t lệ “đáng nhớ” nếu biết rằng trước đó, cũng chính nước Anh, trong khoảng thời gian 31 năm, chỉ có 4 chính trị gia thay phiên nhau đảm nhiệm trọng trách thủ tướng: bà Margaret Thatcher, ông John Major, ông Tony Blair và ông Gordon Brown.

Song song với đó, thực trạng của nền kinh tế vốn từng được xếp hàng thứ 6 thế giới cũng đáng quan ngại không kém. Lạm phát tăng cao (đạt mức 10,1% vào tháng 7, cao kỷ lục trong vòng 40 năm), thâm hụt thương mại lớn và phục hồi kinh tế yếu hơn mong đợi từ sau đại dịch Covid-19. Chứng khoán lao dốc, đồng bảng Anh suy sụp, chính phủ tiền nhiệm của ông Rishi Sunakđã phải đi vay với lãi suất cao.

Song hành cùng câu chuyện bất ổn, như một lẽ đương nhiên là sự sụt giảm của lòng tin. Theo các cuộc thăm dò, hiện chưa đến 40% người dân Anh tin tưởng vào chính phủ so với mức 50% vào năm 2010. Đảng Bảo thủ - đảng cầm quyền hiện nay tại Anh có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2019.

Thủ tướng Anh Liz Truss (trong ảnh) thông báo từ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ sau 6 tuần tại vị. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Trên bình diện quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's mới đây cũng đã hạ triển vọng dài hạn nợ công của Vương quốc Anh từ "ổn định" xuống "tiêu cực", trong bối cảnh bất ổn chính trị, tăng trưởng yếu hơn và lạm phát cao.

Sự bất ổn về chính trị, khủng hoảng về kinh tế là hai “vấn nạn” lớn nhất mà thế giới đang nhìn về nước Anh với nỗi ái ngại. “Tôi sẽ không phản ứng hay can dự vào đời sống chính trị của Anh, nhưng hy vọng nước này một lần nữa có thể nhanh chóng ổn định và tiến lên càng nhanh càng tốt. Điều đó tốt cho chúng tôi và tốt cho châu Âu” - đó là nhìn nhận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước những thay đổi chóng vánh thời gian qua của chính trường nước láng giềng. Thủ tướng Ireland Micheál Martin thì cho rằng: “Sự ổn định là rất quan trọng và chúng tôi muốn Chính phủ Anh có thể lựa chọn người kế nhiệm càng nhanh càng tốt trong bối cảnh đang diễn ra một cuộc xung đột lớn trên lục địa ở châu Âu”. Còn chính một người Anh, Giáo sư Tony Travers - Đại học Kinh tế London thì thừa nhận: "Tôi nghĩ rằng đây là tình huống chưa từng có tiền lệ, nền chính trị và kinh tế Anh cũng từng có những biến động, giống như nhiều nước khác. Đôi khi là do một cuộc khủng hoảng kinh tế, đã từng có khủng hoảng đồng bảng Anh trong những năm qua, cũng từng có vấn đề về chính trị. Nhưng cả hai đến cùng một lúc như thế này, khi mà khủng hoảng chính trị kéo theo khủng hoảng tài chính và chính phủ phải tự giải cứu như hiện nay thì tôi cho là chưa từng có trước đây".

Sự kỳ vọng mang tên “Rishi giàu có”

Tháng 7/2022, quá nhiều vụ bê bối trong suốt 3 năm cầm quyền như vi phạm quy định phòng dịch Covid-19, việc phá vỡ các quy tắc chính trị Anh… đã là những nguyên nhân cốt yếu khiến ông Boris Johnson buộc phải tuyên bố từ chức.

Ông Rishi Sunak đã chính thức trở thành thủ tướng thứ 57 của nước Anh sau khi diện kiến Vua Charles III tại Cung điện Buckingham. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Tháng 10/2022, người kế nhiệm của ông, bà Liz Truss đã buộc phải tuyên bố từ chức chỉ sau 6 tuần tại vị vì “không tìm được lối ra cho cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc của nước Anh”. Đưa ra kế hoạch “ngân sách nhỏ” theo đó chính phủ sẽ cắt giảm thuế trị giá lên tới 45 tỷ bảng nhưng lại không đưa ra được kế hoạch chi tiết để bù đắp phần thâm hụt thu ngân sách do giảm thuế, gây mất niềm tin của các nhà đầu tư. Đồng bảng Anh lao dốc và thị trường tài chính chao đảo với làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt, gây nên cuộc khủng hoảng thanh khoản tại các quỹ hưu trí của Anh, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp bằng chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 65 tỷ bảng. Tất cả đã khiến bà Truss, sau khi buộc phải sa thải những đồng minh thân cận nhất, rốt cuộc cũng phải cay đắng nói lời từ nhiệm khi tỷ lệ ủng hộ bà đã giảm xuống mức cực thấp (10%), trong khi tỷ lệ không ủng hộ lên tới 80%. Bản thân bà Liz Truss, khi phát biểu trên đài BBC đã thừa nhận: “Tôi thực sự muốn nhận trách nhiệm và nói xin lỗi về những sai lầm đã gây ra. Tôi đã muốn hành động nhưng là để giúp mọi người về hóa đơn năng lượng của họ nhằm đối phó với vấn đề thuế cao, nhưng chúng tôi đã đi quá xa và quá nhanh”. Tỷ lệ 80% không ủng hộ dành cho bà Truss cũng là mức độ tín nhiệm thấp nhất so với bất kỳ thủ tướng Anh nào kể từ đầu những năm 1990, là minh chứng cho thấy sự bất ổn chưa từng có của chính trường Anh.

Cũng bởi những thất bại liên tiếp của những người tiền nhiệm, sự bất ổn chưa từng có ấy của nền kinh tế cũng như chính trường Anh, mọi sự kỳ vọng đang dồn lên vai tân chủ nhân của số 10 phố Dowing.

“Rishi Rich” (Rishi giàu có) là “biệt danh” mà truyền thông Anh và thế giới dành cho tân Thủ tướng của nước Anh. Theo thông tin từ reutershay hệ thống xếp hạng người giàu của báo Sunday Timesvừa công bố hồi tháng 5/2022, ông Rishi Sunak, vợ là bà Akshata Murthy là hai trong số những người giàu nhất nước Anh, với tổng tài sản lên tới 730 triệu bảng Anh. Ông Sunak được xem là chính trị gia cấp cao đầu tiên có mặt trong danh sách này của Sunday Times kể từ năm 1989.

Không chỉ là một “Rishi Rich”, con đường hoan lộ của ông Rishi Sunak cũng hanh thông hơn người. Sự nghiệp chính trị của ông được xem là khởi đầu từ năm 2015 khi trở thành thành viên Quốc hội Anh với tư cách là nghị sĩ khu vực Richmond ở Yorkshire.Chỉ hai năm sau, tháng 7/2019, ông được Thủ tướng Boris Johnson bổ nhiệm làm Thứ trưởng Tài chính và là thành viên của Hội đồng Cơ mật Anh. Gần một năm sau đó, trong cuộc cải tổ nội các vào tháng 2/2020, ông Sunak được thăng chức thành Bộ trưởng Tài chính và trở thành một trong những chính trị gia quyền lực nhất trong nền chính trị Anh khi mới 39 tuổi. Và giờ đây ở tuổi 42, ông là chính trị gia hiếm hoi thuộc thế hệ Millennial (sinh từ năm 1980) đảm nhiệm chức vụ này mà không thông qua một cuộc tổng tuyển cử.

Ông Boris Johnson đã phải lựa chọn từ bỏ tái tranh cử. (Ảnh: Getty)

Người Anh dường như đang kỳ vọng, những gì ông Rishi Sunak sẽ làm cho nước Anh cũng sẽ mau mắn, hanh thông như con đường hoan lệ hay kinh doanh của ông. Bản thân ông Sunak dường như cũng hiểu rõ nước Anh đang cần nhất điều gì nên bấy lâu đã luôn giăng cao khẩu hiệu tranh cử "Chúng ta cần khôi phục lòng tin và tái thiết nền kinh tế".

Nhưng khôi phục được lòng tin hay không, tái thiết được nền kinh tế Anh, “dẫn dắt nước Anh đến một tương lai mạnh mẽ và thịnh vượng hơn” được hay không và bằng cách nào, lại là bài toán không hề đơn giản đối với ông Rishi Sunak cùng nội các của ông lúc này. Bởi nói như bà Liz Truss, không phải bây giờ mà “Nước Anh đã bị kìm hãm quá lâu bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp”. Bản thân bà Liz Truss đã thất bại thảm hại trong nỗ lực kéo nước Anh ra khỏi sự kìm hãm quá lâu ấy bằng động thái “quá xa và quá nhanh".

“Dẫn dắt nước Anh đến một tương lai mạnh mẽ và thịnh vượng hơn” đang là sứ mệnh rất khó nhằn với bất cứ chính trị gia Anh quốc nào trên chiếc ghế đang quá “nóng” này, không chỉ riêng ông Rishi Sunak và mọi sự kỳ vọng, theo đó cũng rất đỗi mong manh. Nhưng thực sự, thời điểm này, điều duy nhất mà người Anh có thể làm, có lẽ vẫn chỉ là câu chuyện “nuôi hy vọng” về những điều tốt đẹp phía trước, rằng biết đâu đó, với tài năng và sự may mắn, chính trị gia trẻ tuổi, tài cao và rất đỗi phong độ “Rishi Rich” sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho nền chính trị đất nước sau thời gian trượt dài trong các cuộc khủng hoảng./.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận