Hội nghị thượng đỉnh G20 - 2022: Mong manh những kỳ vọng

Hội nghị G20 ở Bali 2022 sẽ là một cột mốc quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển bởi các bên sẽ cùng nhau tìm kiếm lối thoát, tránh đói nghèo...

 

Dư luận đang hướng nhiều sự chú ý vào sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/11 tới tại Bali, Indonesia. Tuy nhiên, việc nhiều “hội nghị tiền trạm” mang tầm các Bộ trưởng G20 trước đó diễn ra mà không đạt được kết quả khả quan nào đang khiến những kỳ vọng về sự kiện này trở nên hết sức mong manh.

Từ những tranh cãi về thành phần tham dự

Có lẽ chưa có một Hội nghị cấp cao nào diễn ra gần đây, vấn đề ai tham dự hay không tham dự lại được các bên liên quan quan tâm nhiều như tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này. Trong đó, câu chuyện Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky có tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 hay không “nóng” hơn cả.

Các Bộ trưởng tài chính G20 và Thống đốc ngân hàng trung ương từng gặp nhau ở một hội nghị tại Jakarta, Indonesia hồi tháng 2/2022. (Ảnh: Reuters)Theo AFP, ngày 29/04/2022, nghĩa là nhiều tháng trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đề cập tới vấn đề nóng bỏng này khi cho biết đã mời người đồng nhiệm UkraineVladimir Zelensky cũng như lãnh đạo Nga Vladimir Putin tới dự thượng đỉnh G20 dự trù vào tháng 11/2022. Không nói rõ nhưng nhiều tờ báo cho rằng Indonesia đã mời tổng thống Zelenssky tham dự thượng đỉnh G20 sau khi đã có được thỏa hiệp giữa các nước thành viên trong một cuộc họp tại Bali vốn bị chia rẽ sâu sắc về cuộc xung đột Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, Indonesia được coi cũng phải đối mặt với sức ép gay gắt từ các nước phương Tây nhằm loại Nga khỏi Hội nghị thượng đỉnh G20. Tuy nhiên, Indonesia nhấn mạnh rằng với tư cách chủ nhà, nước này phải có quan điểm trung lập.

Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, phía Nhà Trắng được cho là đã có thông báo riêng với Indonesia rằng Nga không nên được mời tham gia thượng đỉnh G20 năm nay, dù như đã nói ở trên, phía Jakarta nói ông Putin đã nhận lời. "Tổng thống Joe Biden đã công khai phản đối việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20", thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 29/4 cho hay.

"Chúng tôi đã truyền đạt quan điểm bằng cả hình thức công khai và riêng tư rằng chúng tôi không nghĩ Nga nên tham gia”- thư ký báo chí Nhà Trắng nhấn mạnh đồng thời cho biết chưa rõ liệu Tổng thống Mỹ Biden có tham dự hội nghị diễn ra ở đảo Bali của Indonesia vào tháng 11. "Còn 6 tháng nữa nên chúng tôi không biết làm thế nào để dự đoán và cũng không thể dự đoán vào thời điểm này rằng hội nghị sẽ diễn ra như thế nào", bà Jen Psaki nói.

Tới tháng 6/2022, điện Kremlin xác nhận ông Putin sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia. Tuy nhiên, phát ngôn viên Dmitry Peskov hôm 7/10 cho biết hình thức tham gia hội nghị của Tổng thống Putin “vẫn chưa được xác định”.Trong khi đó, hồi tháng 8, Kiev cho biết Tổng thống Zelensky “tin rằng ông ấy nên ở trên lãnh thổ của Ukraine”, nhấn mạnh ông sẽ cân nhắc việc thực hiện chuyến công du đến Indonesia nếu ông Putin tham dự trực tiếp.

Những tranh cãi vẫn tiếp tục, cho tới ngày 7/11, nghĩa là trước một tuần G20 diễn ra tại Bali, trả lời báo chí, Ngoại trưởng Indonesia Retno Masurdi cho biết, nước này vẫn đang đợi xác nhận liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào ngày 15 và 16/11 tới tại Bali hay không. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó cho biết, Ukraine sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, nếu Tổng thống Putin tham dự. Nếu không tới hội nghị, ông Putin sẽ cử một phái đoàn cấp cao của Nga tới tham dự.

Về phần mình, Indonesia, quốc gia lần đầu tiên giữ chức Chủ tịch G20 luôn thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của các nước để nâng cao vị thế quốc tế trong bối cảnh căng thẳng định chính trị gia tăng và cuộc chiến tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Trong tuyên bố xác nhận Tổng thống Nga nhận lời mời, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh ông muốn các quốc gia G20 đoàn kết. "Đừng để xảy ra chia rẽ. Hòa bình và ổn định là chìa khóa cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế thế giới” - Tổng thống Indonesia nhấn mạnh.Đại sứ Indonesia tại Nga Jose Antonio Morato Tavares cho biết, Indonesia sẵn sàng tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị thượng (G20 tại Bali vào tháng 11, rằng "Indonesia rất sẵn lòng thực hiện điều đó (tổ chức cuộc gặp). Chúng tôi không cam kết cuộc gặp sẽ giải quyết được vấn đề nào đó ngay lập tức, nhưng hành động giao tiếp đơn giản (giữa các nhà lãnh đạo) với nhau có thể giúp thúc đẩy tiến trình thảo luận".

Đại sứ Indonesia tại UAE cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Vladimir Zelensky dẽ dự hội nghị G20. (Ảnh: Fox News)

G20 là diễn đàn quốc tế chính thức dành cho các nguyên thủ và thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU). G20 được thành lập vào năm 1999 với mục đích thảo luận về những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy các chính sách liên quan đến việc ổn định tình hình tài chính quốc tế cũng như định hướng phát triển cho nền kinh tế toàn cầu. G20 đã mở rộng chương trình nghị sự của mình từ năm 2008, không chỉ có các nguyên thủ quốc gia mà các bộ trưởng tài chính, bộ trưởng ngoại giao của các nước thành viên cũng gặp gỡ định kỳ, trao đổi và tham gia thảo luận tại hội nghị. Toàn bộ nhóm này chiếm 80% GDP của thế giới, 75% thương mại quốc tế và 60% dân số thế giới.

Quá nhiều thách thức

"G20 không phải là một diễn đàn chính trị. Đây là diễn đàn về kinh tế và phát triển", tổng thống Indonesia chia sẻ với báo giới. Tuy nhiên, không phải là một diễn đàn chính trị nhưng chính trị phủ bóng lên G20, ảnh hưởng tới toàn bộ tiến trình, nội dung cũng như chính kết quả của Hội nghị này. Có thể thấy rõ điều này từ hàng loạt sự kiện “tiền trạm” cho thượng đỉnh G20 diễn ra trước đó.

Ngày 13/10/2022, Hội nghị lãnh đạo tài chính G20 tại Washington đã tiến hành các cuộc thảo luận trong không khí chia rẽ, giữa bối cảnh các nước thành viên đều đang nằm dưới “cái bóng” của nhiều cuộc khủng hoảng, từ cuộc xung đột ở Ukraine cho tới suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng vọt và biến đổi khí hậu.  Chưa kể, cuộc chiến tranh Ukraine còn khiến sự chia rẽ này trở nên sâu sắc hơn nhiều khi đang tồn tại nhiều nhóm, giữa một bên là Nga với điểm tựa là Trung Quốc và bên kia là Mỹ và các đồng minh phương Tây. Phần còn lại của G20 rơi vào thế kẹt. Đó cũng lý do vì sao Hội nghị này đã kết thúc mà không ra được thông cáo chung. Ngày kết thúc Hội nghị này, phát biểu trước báo giới, bà Sri Mulyani Indrawati - Bộ trưởng Tài chính Indonesia, nước hiện là Chủ tịch G20, khẳng định tất cả các nước thành viên nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải tiếp tục duy trì G20 như một diễn đàn kinh tế hàng đầu để hợp tác. Tuy nhiên, bà thừa nhận nhóm này đang đối mặt với nhiều thách thức và mỗi nước đều có những quan điểm riêng trong bối cảnh xung đột địa chính trị gia tăng đang làm xấu thêm tình hình kinh tế thế giới.

Trước đó hơn một tháng, Hội nghị Cuộc họp các quan chức cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới về khí hậu tại Bali ngày 31/8 đã kết thúc mà không ra được tuyên bố chung. Trước khi cuộc họp diễn ra, nước Chủ tịch đã cảnh báo các nền kinh tế hàng đầu cần chung tay hành động để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu nếu không muốn Trái đất trở thành vùng “hoang mạc”, rằng biến đổi khí hậu sẽ không chỉ quét sạch tất cả các tiến bộ mà loài người đạt được trong nhiều thập niên qua mà còn đẩy nhân loại đến một điểm giới hạn về môi trường mà ở đó không có tương lai nào bền vững, rằng các vấn đề môi trường toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu” và các quốc gia không thể tự mình giải quyết các vấn đề đó.

“Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”; “tình hình thế giới thực sự đang rất khó khăn, chúng ta cần hợp tác để thực hiện các cam kết vì hoà bình và nhân loại. Thế giới đang chờ đợi các nhà lãnh đạo G20 thể hiện vai trò lãnh đạo vì hoà bình, nhân loại và thịnh vượng”; “Hội nghị G20 ở Bali 2022 sẽ là một cột mốc quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển bởi các bên sẽ cùng nhau tìm kiếm lối thoát, tránh để các nước nghèo bị đẩy vào cảnh bần cùng và cái bẫy của nạn đói”…, đó là vài ba trong rất thiều kỳ vọng đang được nước chủ nhà Indondessia đặt vào Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới. Tuy nhiên, kỳ vọng ấy xem ra rất đỗi mong manh một khi bài toán lợi ích vẫn được các nền kinh tế đưa lên làm đầu. Những thách thức lớn ấy có lẽ cũng là lý do khiến một số nguồn tin nhận định rằng, một thông cáo chung khó có thể được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh lần này, thay vào đó có thể là Tuyên bố của các nhà lãnh đạo. Hội nghị G20 sẽ là cuộc tụ họp đầu tiên của lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự" ở Ukraine vào cuối tháng 2 - xem ra mong manh những hy vọng!./.

Nguyễn Hà

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận