Thế giới vượt mốc 8 tỷ người: Âu lo còn đó…

Thế giới đông đúc hơn phản ánh sự tiến bộ trong phát triển loài người, nhưng thêm người là thêm áp lực cho thiên nhiên, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ tài nguyên

 

“Đây là dịp để tôn vinh sự đa dạng của chúng ta, đồng thời ghi nhận những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế, sức khỏe, giúp kéo dài tuổi thọ và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ em” - Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres gọi đó là những niềm vui trước sự kiện dân số thế giới đạt mốc 8 tỷ người ngày 15/11 vừa qua. Nhưng, người đứng đầu ngôi nhà chung toàn cầu cũng không quên nhắc nhở rằng, đi kèm với một thế giới ngày càng đông đúc, chật chội hơn sẽ là không ít những thách thức, thậm chí là những khủng hoảng, xung đột không dễ giải quyết.

Từ nỗi lo cạn kiệt tài nguyên

Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết con số 8 tỷ có nghĩa là 1 tỷ người đã được thêm vào dân số toàn cầu chỉ sau 12 năm. Nhưng tất cả sẽ không dừng lại ở đó. LHQ dự báo dân số thế giới sẽ vẫn tiếp tục tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030, trước khi lên 9,7 tỷ người vào năm 2050 và thực sự đạt đỉnh khoảng 10,4 tỷ người vào năm 2080. Theo báo cáo về triển vọng dân số thế giới năm 2022, dân số thế giới được dự báo sẽ đạt mức cao nhất, khoảng 10,4 tỷ người vào những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100.

Một phụ nữ di cư đang chuẩn bị đồ ăn cho gia đình ở Burkina Faso. (Ảnh: UN)Theo các chuyên gia, thế giới đông đúc hơn phản ánh sự đa dạng và những tiến bộ đã đạt được trong phát triển loài người, nhưng thêm người là thêm áp lực cho thiên nhiên, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ tài nguyên của con người. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên cung cấp thức ăn, nước uống hay năng lượng sẽ ngày càng khan hiếm khi con người tiếp tục tiêu thụ một cách thiếu bền vững. Theo thống kê của giới khoa học, trong khoảng 50 năm trở lại đây, dân số thế giới tăng gấp đôi, kinh tế thế giới đã tăng gần gấp 4 lần và thương mại toàn cầu đã tăng tới 10 lần. Nhưng đi kèm với đó, thiên nhiên đang bị tàn phá với “tốc độ hủy diệt”.

Các chuyên gia cho biết áp lực về tài nguyên đặc biệt khó khăn ở các quốc gia châu Phi, nơi dân số dự kiến ​​sẽ bùng nổ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Giám đốc Quỹ Dân số LHQ, bà Natalia Kanem lại bày tỏ quan điểm: “Một số bày tỏ lo ngại rằng thế giới của chúng ta đang quá đông dân số. Song, tôi muốn nói rõ ràng rằng lượng dân số tuyệt đối không phải là lý do để sợ hãi”. Điều mà bà Natalia Kanem ám chỉ cũng chính là điều mà nhiều chuyên gia đang lo ngại: vấn đề lớn hơn là việc những người giàu tiêu thụ quá nhiều tài nguyên. Bà Poonam Muttreja, Giám đốc điều hành của Tổ chức Dân số Ấn Độ, cho biết: “Một phần nhỏ người dân trên thế giới đang sử dụng hầu hết các nguồn tài nguyên của Trái Đất và tạo ra phần lớn lượng khí thải nhà kính”. Theo bà, trong 25 năm qua, 10% dân số giàu nhất toàn cầu chịu trách nhiệm cho hơn một nửa tổng lượng khí thải gây ô nhiễm.

“Dân số không phải là vấn đề, cách chúng ta tiêu dùng mới là vấn đề, do đó, hãy thay đổi cách thức tiêu dùng của chúng ta” - nhìn nhận ấy của ông Charles Kenny, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington, Mỹ - không phải không có lý trước nỗi âu lo tài nguyên của thế giới khi chạm mốc 8 tỷ người.

Người dân đưa tay nhận bánh mì ở Kabul, Afghanistan, ngày 31/1/2022. (Ảnh: REUTERS)Đến bài toán an ninh lương thực và biến đổi khí hậu

Theo Quỹ Dân số thế giới (UNFPA) của Liên Hợp Quốc (LHQ), dân số 8 tỷ là nguồn lực to lớn để cùng thực hiện những mục tiêu đã đề ra về phát triển con người, bởi đây là nguồn lao động dồi dào và quý báu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công lao động xã hội…

Nhưng chừng ấy mới là một mặt của tấm huy chương. Theo Tiến sĩ Srinath Reddy, Chủ tịch Quỹ Y tế công cộng Ấn Độ: “Có một áp lực lớn hơn đối với môi trường, làm gia tăng những thách thức đối với an ninh lương thực cũng như biến đổi khí hậu…”. Trong đó, an ninh lương thực có thể xem là mối lo hàng đầu.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới(WFP), năm 2022 là một năm khủng khiếp đối với lương thực thế giới, khi biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và xung đột làm gia tăng đói nghèo và đẩy giá lương thực tăng cao. Hồi tháng 5/2022, ông David Beasley, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới, từng than thở: "Hiện có 325 triệu người trên khắp thế giới đang tiến đến bờ vực của nạn đói. Hơn 800 triệu người đi ngủ mỗi đêm với cái bụng đói. Nạn đói đang tấn công 43 quốc gia. Và nạn đói sẽ dẫn đến bất ổn cũng như tình trạng di cư ồ ạt".

Đến tháng 11 này, khi đại dịch Covid-19 chưa thực sự qua đi, biến đổi khí hậu vẫn như “lửa cháy sau lưng”, những xung đột như Nga- Ukraine chưa chấm dứt và dân số đã vượt qua mốc 8 tỷ người, thì có lẽ mọi sự sẽ còn tồi tệ hơn những gì ông Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới từng than thở. Bài toán lương thực cho một thế giới 8 tỷ dân vào tháng 11/2022 và dự đoán sẽ đạt 10 tỷ vào năm 2050, thực sự rất khó giải.

Một khu chợ ở Kolkata, Ấn Độ. Liên Hiệp Quốc dự đoán Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023. (Ảnh: CNN)Bài toán ấy sẽ còn khó giải hơn nếu biết rằng an ninh lương thực từ lâu đã là khái niệm song hành với biến đổi khí hậu, hai yếu tố luôn luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau. LHQ dự đoán rằng, hoạt động sản xuất lương thực từ thực vật và động vật sẽ cần tăng 70% vào năm 2050 so với năm 2009 để đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng. Tuy nhiên phương thức sản xuất lương thực hiện tại đã bị cho là gây ra gần một phần ba lượng khí thải carbon, cũng như 90% nạn phá rừng trên toàn thế giới. Cần phải làm như thế nào để làm tăng sản lượng lương thực đủ cung cấp cho dân số toàn cầu mà không làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái môi trường và khủng hoảng khí hậu?- đó thực sự là câu hỏi chưa thể có ngay câu trả lời thoả đáng. Như lời WFP, thì: “không có viên đạn ma thuật nào cho mục tiêu này. Thay vào đó, nhân loại cần một cuộc đại tu ở mọi bước của chuỗi sản xuất thực phẩm, từ thời điểm hạt giống được gieo vào đất cho đến khi thực phẩm được đưa đến bàn ăn”. Một nghiên cứu đăng tải trên trang National Geographic đưa ra 3 “chìa khóa” để mở cánh cửa an ninh lương thực cho toàn cầu trong tương lai, cùng với việc chỉ ra giải pháp canh tác hiệu quả hơn và thay đổi khẩu phần ăncũng chỉ ra rất rõ: Cần ngừng mở rộng diện tích nông nghiệp gây hại đến hệ sinh thái, bởi thực tế cho thấy, trong suốt chiều dài lịch sử, khi nào cần sản xuất thêm lương thực con người sẽ chặt phá rừng hoặc cày xới đồng cỏ để xây thêm trang trại. Chúng ta đã dọn sạch một khu vực rộng gần bằng Nam Mỹ để trồng trọ, rào một khu vực đất có diện tích gần bằng châu Phi để chăn nuôi gia súc. Để tránh phá vỡ sự cân bằng sinh thái do dân số tăng, ngừng phá rừng phải là ưu tiên hàng đầu.

Ở góc nhìn khái quát hơn, ông Qu Dongyu, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết xung đột sẽ vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc khủng hoảng lương thực, do đó vấn đề quan trọng là phải đạt được hòa bình, giải quyết khủng hoảng khí hậu và xây dựng khả năng phục hồi ở mọi nơi. “Các tổn thất về con người, xã hội và kinh tế của xung đột luôn luôn rất lớn. Hòa bình là điều kiện tiên quyết cho khả năng phục hồi của các hệ thống nông sản quốc gia và quốc tế” - ông Qu Dongyu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế những cuộc xung đột, bởi nhiều lý do, vẫn không ngừng xảy đến tại nhiều khu vực trên thế giới, sau hai cuộc thế chiến, máu người dân vô tội vẫn đổ xuống bởi súng đạn… thì xem chừng, bài toán an ninh lương thực và biến đổi khí hậu rất khó giải. Có lẽ mỗi thành viên trong hành tinh vừa qua mốc 8 tỷ con người phải suy ngẫm trước câu hỏi mà đương kim Tổng Thư ký LHQ đưa ra: Bạn đã làm gì cho thế giới và hành tinh của chúng ta khi bạn có cơ hội?./.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận