Châu Âu: Mùa Giáng sinh bất ổn

Giáng sinh cận kề, nhưng nhiều người dân châu Âu đang đối diện với nhiều âu lo khi lạm phát không ngừng leo thang và khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng

 

Chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến ngày lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, việc giá cả, phí sinh hoạt đắt đỏ thắt chặt chi tiêu người tiêu dùng, khủng hoảng năng lượng vẫn tiếp diễn tồi tệ phải suy tính tới việc tắt bớt từng chiếc bóng đèn để tiết kiệm điện… đã đưa người dân châu Ấu đến mùa Giáng sinh 2022 với rất ít niềm vui, nếu không muốn nói là đầy ắp những bất ổn, âu lo.

Khi kinh tế châu Âu bên “bờ vực suy thoái”

Cách đây hơn một tháng, ngày 23/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực về châu Âu đã lên tiếng cảnh báo tăng trưởng sụt giảm ở nhiều nước châu Âu hiện nay có thể sẽ dẫn đến "suy thoái sâu hơn" trên toàn châu lục. "Triển vọng kinh tế châu Âu trở nên u ám hơn, khi tốc độ tăng trưởng ngày một chậm lại và lạm phát tiếp tục tăng", báo cáo của IMF nêu rõ. “Nguy cơ lớn nhất trước mắt là sự gián đoạn nguồn cung năng lượng trong mùa Đông lạnh giá có thể dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt, thiếu lương thực và gây ra những tổn thương kinh tế sâu sắc hơn” - IMF cũng chỉ ra nguyên nhân cụ thể. Đó là, theo dự báo của IMF, nhìn chung, các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu sẽ tăng trưởng chậm lại xuống mức 0,6% vào năm 2023. Tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi - không bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và các nước liên quan xung đột tại Ukraine, cũng sẽ chậm lại ở mức 1,7%. Nền kinh tế đầu tàu của châu Âu là Đức sẽ giảm 0,3% trong năm 2023 do phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga, trong khi kinh tế Italia sẽ giảm 0,2% vào năm tới.

Người dân châu Âu đang đón mùa giáng sinh 2022 với nhiều âu lo khi lạm phát không ngừng leo thang và khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng. (Ảnh: Reuters)

Sau đó một tháng, ngày 28/11, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde cho biết lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn tiếp tục ở mức cao kỷ lục và vẫn chưa đạt đỉnh. Nếu hồi tháng 9, lạm phát tại Khu vực Eurozone khi tăng lên mức 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái đã được xem là mức cao nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào sử dụng năm 1999, thì sang tháng 10, khu vực này đã ghi nhận lạm phát tăng kỷ lục lên mức 10,7%. Trong đó, giá năng lượng vẫn tiếp tục leo cao, như trong tháng 10 tại các nước Eurozone đã tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi giá thực phẩm tăng 13,1%. Lạm phát lõi, không bao gồm nhiên liệu cũng tăng lên 5%, từ mức 4,8% trong tháng 9.

Theo IMF, những gói hỗ trợ mới mà các chính phủ châu Âu đưa ra chỉ bù đắp được phần nào những căng thẳng gây ra bởi tình trạng lạm phát kéo dài cũng như việc giá năng lượng không ngừng tăng vọt. ECB đã kiềm chế lạm phát bằng một loạt đợt tăng lãi suất, theo đó nâng lãi suất chủ chốt thêm 2% kể từ tháng 7/2022 nhưng theo Chủ tịch ECB, “vẫn cần phải tăng nhiều hơn nữa để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%”. Rõ ràng, dù nhiều biện pháp mạnh đã được đưa ra, mọi sự tồi tệ với nền kinh tế các nước châu Âu vẫn chưa hẹn ngày kết thúc. Trong báo cáo mới nhất, giới chức EU dự báo, lạm phát năm 2022 trên toàn khu vực liên minh châu Âu dự kiến đạt mức 9,3%, trong khi đó, lạm phát tại đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 8,5%. Những dự báo tồi tệ và hiển hiện đến mức, chính phủ các quốc gia châu Âu hiện đều đã khẩn trương chuẩn bị những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra trong thời gian tới.

Biểu tình tại Paris, Pháp ngày 18/10/2022. (Ảnh: Reuters)Bất ổn và căng thẳng

Quay cuồng suốt năm với giá sinh hoạt tăng chóng mặt mỗi ngày, lạm phát tăng cao nhưng đồng lương không thay đổi, những món ăn truyền thống đơn giản như khoai tây chiên giờ phải đổi thành… khoai tây luộc chỉ để tiết kiệm tiền và khí đốt… đã đẩy người dân châu Âu vào những mệt mỏi, bức bối chưa từng có.

Cũng bởi sự bức bối ấy, những tháng cuối năm 2022, khi mùa Giáng sinh và đón năm mới cận kề, những tưởng chỉ là lúc của những lễ hộimua sắmtưng bừng thì năm nay, lại rơi vào những bất ổn chưa từng có. Từ tháng 9, 10, hàng loạt cuộc đình công và biểu tình lan rộng trên khắp lục địa già. Tại Pháp, Anh, Đức, Hungary, Séc, Bỉ, Rumani… các cuộc biểu đình, đình công đồng loạt lan rộng. Công nhân, tài xế, phi công… tại các quốc gia này liên tục bày tỏ sự giận dữ trước thực tế giá cả sinh hoạt tăng quá cao, đòi tăng lương và yêu cầu phúc lợi xã hội lớn. “Tôi ở đây vì tình trạng lạm phát quá cao ở Pháp và châu Âu. Điều cần thiết là người lao động, trong đó có tôi, phải được bồi thường và hỗ trợ. Chúng tôi cần được tăng lương. Vì giá năng lượng bùng nổ, giá thực phẩm leo cao. Bao giờ chúng tôi mới thoát được tình cảnh này với tốc độ lạm phát hiện nay? Tôi muốn mọi người đối thoại để giải quyết vấn đề. Đơn giản là cuộc sống của mọi người cần được cải thiện. Chỉ đơn giản như vậy”, một người biểu tình tại Pháp bức xúc. Còn một công nhân đường sắt tại Anh bày tỏ sự phẫn nộ: “Tiền lương không tăng, trong khi giá các mặt hàng leo thang chóng mặt. Trung bình mọi người đã mất khoảng 10% sức mua. Lương càng thấp, mọi người rõ ràng sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi trả tiền thuê nhà và các nhu cầu thiết yếu khác".

Hơn 70.000 người biểu tình tại thủ đô Praha (CH Czech) vào đầu tháng 9 phản đối chính phủ để lạm phát và giá nhiên liệu leo thang. (Ảnh: AL MAYADEEN)

Với họ, việc các chính phủ đã phân bổ khoản cứu trợ năng lượng khổng lồ 576 tỷ euro (hơn 566 tỷ USD) cho các hộ gia đình và doanh nghiệp kể từ tháng 9 năm 2021 là không đủ. Với nhiều người dân châu Âu hiện nay, đổ ra đường biểu tình, bày tỏ sự phẫn nộ dường như là giải pháp duy nhất để họ thoát khỏi những bí bách hiện nay. “Hiện tại, mọi người bắt buộc phải sử dụng đến chiến thuật gây áp lực để được tăng lương”, ông Rachid Ouchem - một bác sĩ trong số hơn 100.000 người tham gia các cuộc tuần hành phản đối ở nhiều thành phố của Pháp hồi tháng 10 cho biết.

Giới chuyên gia như Giáo sư Naomi Hossain tại ĐH Washington (Mỹ) - chuyên nghiên cứu về các cuộc biểu tình và bạo loạn nhận định “mùa đông sắp tới nhiều khả năng bất ổn xã hội sẽ tràn ngập khắp châu Âu”. Theo bà, người dân châu Âu sẽ còn biểu tình chừng nào họ “cảm thấy nhu cầu năng lượng được đáp ứng. Còn ông Torbjorn Soltvedt, nhà phân tích tại Verisk Maplecroft, còn lo ngại, “nếu chúng ta gặp phải sự gián đoạn bất ngờ đối với nguồn cung cấp khí đốt từ châu Âu vào mùa đông này, chúng ta có thể sẽ chứng kiến bất ổn, rủi ro và tình trạng mất ổn định của chính phủ gia tăng hơn nữa”. Còn theo Thống đốc bang Bavaria, ông Markus Soder- các cuộc khủng hoảng có thể khiến chủ nghĩa cực đoan gia tăng, đòi hỏi các đảng chính trị hợp tác nhiều hơn nữa để ngăn chặn. Theo ông, hiện những nỗi sợ hãi và một tương lai không chắc chắn là những yếu tố kích động những kẻ cực đoan.

Chợ Giáng sinh ở Vienna, Áo (Ảnh: KT)

Tuy nhiên, điều đáng buồn như ông Torbjorn Soltvedt cảnh báo, “không có cách khắc phục nhanh chóng nào cho cuộc khủng hoảng năng lượng”. Đáng lo ngại hơn nữa, theo các chuyên gia, sự thất vọng của người dân đối với các chính phủ ngày càng tăng có thể sẽ gây bất ổn chính trị trên phạm vi rộng.

Giáng sinh, năm mới đã cận kề, nhưng hiện tại, phía trước nhiều người dân châu Âu, sẽ không phải là những bữa tiệc cuối năm tưng bừng, những lễ hội mua sắm cuồng nhiệt… mà rất có thể là bữa ăn chỉ có món khoai tây luộc, những căn phòng, con đường phải bớt đi từng chiếc đèn chiếu sáng… Mùa Giáng sinh 2022 vì thế hẳn sẽ không thể được rộn ràng, lung linh như thường thấy, nếu không muốn nói là đầy những bức bối, âu lo…./.

Giới chức EU dự báo, lạm phát năm 2022 trên toàn khu vực liên minh châu Âu dự kiến đạt mức 9,3%, trong khi đó, lạm phát tại đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 8,5%. Những dự báo tồi tệ và hiển hiện đến mức, chính phủ các quốc gia châu Âu hiện đều đã khẩn trương chuẩn bị những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra trong thời gian tới.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận