TikTok: Nỗi âu lo của nước Mỹ

Mạng xã hội TikTok đã là nỗi âu lo không thể giấu kín của nước Mỹ.

 

Mới ra mắt từ năm 2016, vỏn vẹn 6 năm tuổi, nhưng mạng xã hội TikTok đã là nỗi âu lo không thể giấu kín của nước Mỹ. Chỉ trong năm 2022 này, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), ông Christopher Wray, đã ít nhất hai lần bày tỏ sự quan ngại rằng “TikTok đã trở thành mối nguy với an ninh quốc gia”.

Quá nhiều mối lo

Tại buổi nói chuyện tại Đại học Michigan ngày 2/12 mới đây, người đứng đầu cơ quan điều tra Mỹ đã bày tỏ nỗi quan ngại không giấu giếm rằng, các hoạt động của TikTok tại Mỹ đã, đang gây rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ. Cụ thể, Giám đốc FBI chỉ ra rằng các rủi ro bao gồm "khả năng Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng (TikTok) để kiểm soát việc thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng hoặc kiểm soát thuật toán đề xuất, vốn có thể được sử dụng cho các hoạt động gây ảnh hưởng đến người dùng". Ông cũng cho rằng Bắc Kinh cũng có thể sử dụng ứng dụng này để "kiểm soát phần mềm trên hàng triệu thiết bị", tạo cơ hội để khống chế về mặt kỹ thuật đối với các thiết bị đó.

Biểu tượng ứng dụng truyền thông xã hội TikTok trên màn hình điện thoại tại Arlington, Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đây là lần thứ 2 trong năm 2022, người đứng đầu cơ quan điều tra Mỹ bày tỏ mối quan ngại về TikTok. Cách đó non tháng, ngày 15/11, trong cuộc điều trần trước Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện liên quan các mối đe doạ toàn cầu, Giám đốc FBI cho biết: "Chúng tôi có các quan ngại về an ninh quốc gia đối với TikTok. Điều này bao gồm khả năng ứng dụng có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng cũng như các thuật toán có khả năng được sử dụng trong những hoạt động gây ảnh hưởng hoặc cơ hội xâm nhập thiết bị cá nhân".

Điều đáng nói, đây không phải là những lần đầu tiên nước Mỹ buộc phải bày tỏ sự lo ngại về TikTok. “TikTok có thực sự là một mối đe dọa an ninh của Mỹ?” đã là một câu hỏi được đặt ra từ lâu. Giới phân tích Mỹ thì nhiều lần nhấn mạnh rằng, TikTok là một mối đe dọa gián điệp tiềm năng. Nhiều quan chức Mỹ thì kêu gọi cộng đồng tình báo đánh giá rủi ro mà TikTok có thể gây ra cho an ninh quốc gia bởi đó là một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu. Hồi năm 20219, ba thượng nghị sỹ Mỹ - Marco Rubio, Chuck Schumer và Tom Cotton - thậm chí từng kêu gọi chính phủ Mỹ tổ chức một cuộc điều tra về TikTok.

Năm 2020, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã yêu cầu ngăn chặn người dùng tải xuống WeChat, TikTok và cấm các giao dịch khác liên quan đến vấn đề này. Tháng 6/2021, Tổng thống Joe Biden cũng ra lệnh cho Bộ Thương mại Mỹ tiến hành xem xét các mối lo ngại về bảo mật liên quan đến các ứng dụng.

Thậm chí nỗi lo ấy không chỉ đến từ chính quyền, các quan chức mà cả người dân Mỹ. Cuộc thăm dò ý kiến người dùng độc quyền của Business Insider hồi năm 2021 đã chỉ ra rằng có đến gần một nửa số người Mỹ nghĩ rằng TikTok sẽ cung cấp dữ liệu cá nhân của họ cho chính phủ Trung Quốc (nếu như chính phủ yêu cầu). Cụ thể, khi được hỏi liệu họ có lo lắng khi mà “TikTok có thể chia sẻ dữ liệu của họ với chính phủ Trung Quốc” hay không, 24% hoàn toàn đồng ý và 24% khác có xu hướng đồng ý. Chỉ có 16% không đồng ý. Khi được hỏi liệu TikTok có gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia hay không, 17% người dân Mỹ được hỏi hoàn toàn đồng ý.

Không chỉ là nỗi lo an ninh quốc gia, việc thu thập dữ liệu cá nhân của TikTok cũng là một trong những nỗi quan ngại lớn nữa của nước Mỹ về mạng xã hội này. Nhật báo Mỹ The Wall Street Journal từng cảnh báo cách TikTok thu thập dữ liệu người dùng, bao gồm vị trí, lịch sử tìm kiếm, địa chỉ IP, các video được xem và thời lượng người dùng xem chúng. Từ đó, TikTok có thể đoán các đặc điểm cá nhân từ độ tuổi đến giới tính của người dùng dựa trên các thông tin khác mà nó thu thập. Nghiên cứu được công bố hồi tháng 1/2022 bởi công ty tiếp thị di động URL Genius đã cho rằng hai nền tảng mạng xã hội TikTok và YouTube theo dõi dữ liệu cá nhân nhiều hơn bất kỳ ứng dụng truyền thông xã hội nào khác.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray nói với các nhà lập pháp hôm 15/11 rằng, ông “cực kỳ lo ngại” về hoạt động của TikTok tại Mỹ. (Ảnh: AFP)Vào năm 2020, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump, đã xem xét cấm TikTok ở Mỹ vì lo ngại về chính sách bảo mật dữ liệu của ứng dụng, trước khi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden loại bỏ những mối đe dọa đó và ra lệnh xem xét các mối đe dọa bảo mật tiềm ẩn do các ứng dụng nước ngoài sở hữu.

Thậm chí từ hồi năm 2019, trong một lá thư gửi tới Quyền giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, các thượng nghị sĩ Mỹ đã nêu ra những lo ngại về việc TikTok thu thập dữ liệu người dùng. Bức thư cũng nghi ngờ rằng TikTok có thể là mục tiêu của các chiến dịch gây ảnh hưởng của nước ngoài. Cũng thời điểm ấy, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ cũng hối thúc các nhà điều tra xem xét vấn đề TikTok thu thập dữ liệu liên quan tới địa điểm của người dùng và các thông tin nhạy cảm khác.

Đau đầu tìm cách đối phó

Xem TikTok là môi đe doạ đến an ninh quốc gia, thu thập, sử dụng trái phép dữ liệu người dùng… nhưng “xử” TikTok như thế nào, rất lạ là, cho đến nay vẫn là nỗ đau đầu của nước Mỹ. Còn nhớ cách đây hai năm, hồi năm 2020, đích thân Phó tổng thống Mỹ khi đó là Mike Pence đã khẳng định nước này sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn với TikTok. Cũng thời điểm đó, nhiều quan chức Mỹ đã đề xuất lệnh cấm ứng dụng này. Tháng 8/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp để cấm mọi tổ chức và cá nhân giao dịch với công ty mẹ của TikTok, WeChat . Mọi thứ có vẻ rất quyết liệt nhưng đến tháng 6/2021, Nhà Trắng lại cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh rút lại việc cấm tải các ứng dụng Trung Quốc như TikTok, WeChat của chính quyền tiền nhiệm. Theo Nhà Trắng, thay vì cấm các ứng dụng phổ biến, Mỹ sẽ xây dựng một cơ chế đánh giá nguy cơ từ các ứng dụng nước ngoài. Mọi sự cứ luân hồi cấm rồi rút cho đến nay, chỉ một số bang của Mỹ tuyên bố “cấm cửa” TikTok vì lý do an ninh như Maryland, Carolina… Chính quyền các bang như South Dakota và South Carolina đã ký sắc lệnh cấm nhân viên và các nhà thầu của chính quyền không được lắp đặt hay sử dụng TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu của bang.

Một nhân viên bảo vệ tại văn phòng của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, tại Bắc Kinh năm 2020. (Ảnh: Reuters)

Rõ ràng, nước Mỹ đang rất “đau đầu” về sự hiện diện và ngày càng chứng tỏ sự thắng thế của TikTok. Điều này thể hiện qua số lượng cuộc họp về TikTok diễn ra ngày càng nhiều và chưa có kết quả cụ thể. Một điều luật để kiểm soát và ngăn chặn các ứng dụng như TikTok tuồn dữ liệu ra nước ngoài vẫn đang ở thể hoàn thiện.

Về phần mình, TikTok có vẻ vẫn khá bình thản và kiên định khẳng định không lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ tại Trung Quốc. Đại diện TikTok cho biết: "Chúng tôi tin rằng có thể đáp ứng đầy đủ các mối quan ngại hợp lý về an ninh quốc gia của Mỹ", rằng "chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc, và chúng tôi sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu". Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 9, bà Vanessa Pappas, Giám đốc điều hành của TikTok, khẳng định công ty bảo vệ tất cả dữ liệu người dùng ở Mỹ. Ngày 2/12/2022 vừa qua, TikTok ra tuyên bố cho biết ByteDance là một công ty tư nhân, còn công ty TikTok Inc, đơn vị cung cấp nền tảng TikTok tại Mỹ, là một công ty của Mỹ, chịu ràng buộc bởi luật pháp Mỹ. TikTok cũng đưa ra Báo cáo thường xuyên của họ chỉ ra rằng họ nhận được yêu cầu chi sẻ dữ liệu người dùng của các Chính phủ trên toàn thế giới chứ không riêng gì Trung Quốc./.

TikTok đã nhiều lần bị cáo buộc thu thập dữ liệu cá nhân trái phép diện rộng tại nhiều nước. Hồi trung tuần tháng 7/2022, công ty an ninh mạng Internet 2.0 trụ sở tại Australia công bố nghiên cứu cho hay “TikTok thực hiện quá nhiều hoạt động theo dõi người dùng và các dữ liệu được lưu trữ một phần hoặc toàn bộ trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc của nhà cung cấp ISP Alibaba”. Hồi tháng 5/2022, nghiên cứu từ nhóm chuyên gia từ Đại học KU Leuven (Bỉ), Đại học Radboud (Hà Lan) và Đại học Lausanne (Thụy Sỹ) đưa ra phát hiện cho thấy Meta và TikTok đang sử dụng các công cụ thoe dõi riêng để lấy dữ liệu từ nền tảng của mình và các website khác. Tháng 4/2021 TikTok phải đối mặt với một vụ kiện tại Anh với cáo buộc thu thập bất hợp pháp dữ liệu cá nhân của hàng triệu trẻ em ở châu Âu. Tại Cộng hoà Séc, đã tiến hành thu thập dữ liệu của khoảng 2 triệu người dùng, trong đó chủ yếu là thanh thiếu niên dưới 24 tuổi.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận