Biến đổi khí hậu: Nỗi đau và sự lựa chọn nan giải của thế giới năm 2022

Thế giới năm 2022, ngoài xung đột tại Ukraine, khủng hoảng năng lượng... thì quan tâm hơn cả còn là những hệ lụy ngày càng khủng khiếp từ biến đổi khí hậu...

 

Thế giới năm 2022, ngoài cuộc xung đột tại Ukraine, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, lạm phát thì thu hút sự quan tâm hơn cả còn là những hệ lụy ngày càng khủng khiếp từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Mọi sự đang tồi tệ đến mức, các nhà khoa học cảnh báo rằng, Trái đất có thể đã đi đến điểm không thể quay trở lại của tình trạng ấm lên toàn cầu, còn người đứng đầu LHQ liên tục cảnh báo nhân loại đang đứng trước sự lựa chọn nan giải và khốc liệt: hợp tác hoặc diệt vong.

268 tỷ USD thiệt hại, hơn 100 triệu người phải rời bỏ nhà cửa bởi biến đổi khí hậu

Trong một năm 2022 như nhìn nhận của hãng thông tấn Pháp AFP- một năm “đa khủng hoảng”, thì cuộc khủng hoảng được xem là tồi tệ nhất, nan giải khó tìm ra lối thoát nhất lại không phải là cuộc xung đột dai dẳng tại Ukraine, cũng không phải là khủng hoảng năng lượng hay lạm phát tăng vọt với tốc độ tên lửa ở châu Âu mà là vấn nạn biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hifjur Rehman - 40 tuổi, sống trong gia đình có 3 đời làm nông - ngã gục trước cánh đồng bị lũ lụt phá hủy ở bang Assam, Ấn Độ. (Ảnh: New York Times)

Chính vấn nạn này đã biến năm 2022 thành năm của thiên tai và những hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng có. Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu khoa học Climate Central, trong năm nay, có 7,6 tỷ người, tương đương 96% dân số thế giới, chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, từ nắng nóng, hạn hán cho tới lũ lụt. Còn theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), số vụ thiên tai như hạn hán, lũ lụt, lở đất đã tăng vọt ở châu Á và châu Âu trong năm 2022 với hơn 100 vụ, trong đó 82% là lũ lụt và mưa bão.

“Các đợt nắng nóng kỷ lục tàn phá mùa màng từ châu Á đến châu Âu, Mỹ trong khi hạn hán khiến hàng triệu người tại Vùng Sừng châu Phi rơi vào cảnh đói ăn. Lũ lụt do biến đổi khí hậu gây ra đã khiến hơn 30% diện tích Pakistan ngập trong nước, ảnh hưởng đến 33 triệu người và gây thiệt hại kinh tế khoảng 30 tỷ USD. Những trận bão dữ dội tấn công Philippine, Mỹ; Thủ đô Seoul của Hàn Quốc bị ngập lụt... Tất cả đã cho thấy năm 2022 là năm của thiên tai hoành hành” - nhà khoa học khí hậu và là người đứng đầu Viện Pierre-Simon Laplace của Pháp, ông Robert Vautard, nhấn mạnh.Điều đáng chú ý là nhiệt độ toàn cầu trong năm 2022 ở mức cao hơn 1,15 độ C so với trung bình thời tiền công nghiệp.

Lũ lụt kinh hoàng tại Pakistan. (Ảnh: Reuters)Thiệt hại vật chất gây nên bởi thiên tai trong năm 2022 cũng được cho là lớn chưa từng có. Theo tập đoàn Swiss Re (Thụy Sĩ), tính từ đầu năm 2022 đến nay, các thảm họa tự nhiên và nhân tạo đã gây ra thiệt hại kinh tế 268 tỷ USD. Chỉ riêng cơn bão Ian đã gây thiệt hại vào khoảng 50 - 65 tỷ USD. Lũ lụt tại Pakistan dẫn đến thiệt hại 30 tỷ USD trong năm nay. Thiệt hại do hạn hán gây ra đối với riêng khu vực châu Âu được cho đã lên tới hơn 20 tỷ USD.

Nhưng trên cả những thiệt hại to lớn về vật chất, những hệ lụy khủng khiếp những sự mất mát không gì bù đắp nổi về người từ biến đổi khí hậu mới thực sự kinh hoàng. Theo Báo cáo hồi đầu tháng 12/2022 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), số người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì biến đổi khí hậu đã vượt qua con số 100 triệu người trong năm 2022. Cho tới những ngày cuối cùng của năm 2022, Pakistan vẫn chưa thể khắc phục được hậu quả trận lũ lụt lịch sử hồi giữa năm khiến hơn 1/3 diện tích đất nước bị ngập trong nước, khiến ít nhất 1.700 người dân nước này thiệt mạng và 33 triệu người chịu ảnh hưởng, trong đó có 7,9 triệu người bỏ nơi cư trú và khoảng 6 triệu người đối mặt với khủng hoảng lương thực. Quỹ Nhi đồng LHQ cảnh báo khoảng 3 triệu trẻ em tại Pakistan cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp do nguy cơ gia tăng các bệnh lây truyền qua đường nước, đuối nước và suy dinh dưỡng.Tại lục địa già, những đợt nắng nóng cực đoan đã khiến hơn 15.000 người ở châu Âu tử vong...

Hội nghị cấp cao về khí hậu COP27 đã bế mạc mà không đạt được kết quả ấn tượng nào. (Ảnh: UN)

Hợp tác giảm khí thải hay đẩy thế hệ tương lai vào diệt vong

Đó là sự lựa chọn, là câu hỏi đầy nhức nhối mà người đứng đầu LHQ - TTK Antonio Guterres đã nhiều lần đặt ra cho nguyên thủ các quốc gia trên khắp hành tinh này tại các cuộc họp thượng đỉnh toàn cầu trong năm qua.

Đi kèm với câu hỏi là cảnh báo của người đứng đầu LHQ, rằng dù các hội nghị khí hậu đã kéo dài nhiều thập kỷ và tới năm 2022 đã là COP lần thứ 27 nhưng những tiến bộ đạt được trong tiến trình này không đủ cứu Trái Đất thoát khỏi tình trạng nóng lên quá mức khi mà các quốc gia hành động quá chậm hoặc còn lưỡng lự. Người đứng đầu LHQ nêu rõ khí thải nhà kính vẫn tiếp tục tăng, nhiệt độ toàn cầu vẫn không ngừng tăng lên và Trái Đất đang di chuyển ngày càng nhanh đến những điểm tới hạn mà khí hậu sẽ biến đổi một cách không thể đảo ngược. “Thay đổi đang diễn ra ở tốc độ thảm họa, hủy diệt sinh mạng và sinh kế ở mọi lục địa”- ông Antonio Guterres cảnh báo. Cũng theo ông Antonio Guterres nếu nhân loại còn chưa đưa ra được sự lựa chọn đúng đắn cho tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu thì chính nhân loại đang tự đưa mình vào "cuộc tự sát tập thể".

Ngôi chùa trên đảo Louxingdun thường ngập một phần dưới nước hồ Poyang, nhưng giờ đây đang phải đối mặt với mực nước thấp do hạn hán khu vực ở Lộc Sơn, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Cùng với đó, giới chuyên gia cũng cho biết các trận lũ lụt, hạn hán và nắng nóng kéo dài trong năm nay cho thấy những cảnh báo về hệ lụy của tình trạng biến đổi khí hậu đã rất khủng khiếp nhưng đây mới chỉ là “sự khởi đầu”. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, trong những thập kỷ tiếp theo, sóng nhiệt và các dạng thời tiết cực đoan sẽ đe dọa sức khỏe và tính mạng cư dân trừ khi các quốc gia thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng thực sự quyết liệt để giải quyết biến đổi khí hậu.

Đó không phải là một cuộc khủng hoảng cấp tính mà là một cuộc khủng hoảng lâu dài. Nếu chúng ta không hành động đủ thì điều này sẽ gây ảnh hưởng đến chúng ta ở quy mô chưa từng có tiền lệ".

Giáo sư kinh tế vĩ mô Roel Beetsma tại Đại học Amsterdam (Hà Lan)

Hành động vì khí hậu: Bắt đầu từ đâu và như thế nào?

"Chúng ta cần hành động ngay, khí hậu Trái đất không thể chờ đợi" là câu khẩu hiệu xuất hiện thường xuyên trên biểu ngữ của những người biểu tình chống biến đổi khí hậu. Tại COP26 tại Glasgow hồi năm ngoái, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson từng xem đây là "cơ hội cuối cùng để cứu Trái Đất". Tuy nhiên, hành động chống biến đổi khí hậu như thế nào, bằng cách nào lại là câu hỏi cho tới nay vẫn chưa có được câu trả lời thấu đáo.

Các nạn nhân lũ lụt tập trung để nhận thực phẩm cứu trợ ở Pakistan. (Ảnh: Reuters)

Trong vô số cái vướng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cái vướng nhất, khó giải quyết nhất vẫn là câu chuyện “tài chính khí hậu” hay nói nôm na là “tiền đâu để chống biến đổi khí hậu?”. Những thảm họa thiên nhiên trên đây đã khơi lại cuộc tranh luận về việc ai sẽ phải chi trả cho những thiệt hại do thảm họa khí hậu gây ra. "Nếu các nước đang phát triển tiếp tục đầu tư cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong dài hạn và ngắn hạn, thì họ cần thấy những nguồn vốn đó chảy từ các nước phát triển, những người có trách nhiệm lịch sử lớn hơn đối với các nguyên nhân của biến đổi khí hậu. Cần phải có nguồn lực, sự hỗ trợ, công nghệ, nâng cao năng lực. Và điều thực sự quan trọng đối với tất cả chúng ta là hãy lưu ý rằng, không một quốc gia nào có thể một mình tìm đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Đó là một nỗ lực hợp tác. Chúng ta phải làm việc đoàn kết với tất cả các quốc gia. Và điều đó có nghĩa là những nước giàu hơn phải hỗ trợ những nước có ít phương tiện hơn để thực hiện thay đổi”- Tiến sĩ Tara Shine, chuyên gia của Change by Degrees, một công ty tư vấn về khí hậu nói thẳng về câu chuyện “trách nhiệm của nước giàu” trong vấn đề tài chính khí hậu. Trước đó, các quốc gia phát triển đã từng cam kết chi 100 tỷ USD mỗi năm để viện trợ cho các quốc gia nghèo nhằm giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các hệ thống năng lượng sạch hơn. Tuy nhiên, những cam kết đó tới naychưa được thực hiện đầy đủ, đòi hỏi về cái gọi là trách nhiệm,vì thế xem ra vô cùng khó khăn.

Một đứa trẻ bơi trong nước lũ do mưa lớn khi một chiếc xe buýt chở khách đi ngang qua, ở Manila, Philippines. (Ảnh: Reuters)

Mới đây nhất, dân tình đã từng khấp khởi hy vọng khi tại các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu tại COP27, các quốc gia đạt được một hiệp ước lịch sử để thành lập một quỹ khắc phục thiệt hại do khí hậu. Tuy nhiên, các chi tiết về nguồn tiền đến từ đâu và ai sẽ nhận được số tiền đó cho tới nay lại vẫn chưa được thống nhất.

Và chừng nào, sự thống nhất này còn chưa đạt được thì không ai có thể đảm bảo năm 2023 hay những năm sau nữa, có vượt “kỷ lục thảm họa thiên tai” như đã xảy đến trong năm 2022 vừa qua hay không, và nếu điều đó xảy ra, thì những nỗi đau như “những ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, những người thân yêu thiệt mạng vì bão và sinh kế bị hủy hoại do hạn hán” sẽ còn xảy đến./.

Hà Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận