Việt Nam - Mỹ Latinh: Xa mà gần…

Chuyến thăm Mỹ Latinh của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định mối quan hệ Việt Nam và các nước Mỹ Latinh tiếp tục khởi sắc và được nâng lên một tầm cao mới.

 

Cách nhau đến nửa vòng trái đất, xa xôi vạn dặm nhưng khoảng cách địa lý đã không thể cản đất nước hình chữ S và các quốc gia Mỹ Latinh ngày càng xích lại gần nhau, bằng mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, trên cơ sở những tương đồng về lịch sử, khát vọng dân tộc về độc lập, tự do và cả những khát vọng, mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới. Chuyến thăm chính thức Cuba, Argentina và Đông Uruguay của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong tháng 4 này tiếp tục củng cố, phát triển mối quan hệ ấy.

Từ đôi mắt xanh của nhà cách mạng và nhà văn hoá kiệt xuất Jose Marti

Tới thời điểm này, chưa đủ cứ liệu để khẳng định mối liên hệ giữa đất nước hình chữ S và các quốc gia Mỹ Latinh khởi đầu như thế nào nhưng theo nhiều tài liệu, José Marti, nhà cách mạng và nhà văn hoá kiệt xuất của Cuba và Mỹ Latinh, có thể được xem là một trong những người đầu tiên ươm mầm cho mối liên hệ ấy. Chuyện là không biết đã đặt chân lên đất nước Việt Nam hay chưa nhưng mùa Hè năm 1889, trong một bài viết dưới hình thức ký sự nhan đề ''Một cuộc dạo chơi trên đất của người An Nam'' (Un paseo por la tierra de los anamitas), đăng trên tạp chí Tuổi Vàng (La Edad de Oro), Jose Marti đã có những miêu tả khá cụ thể, tường tận về sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc và lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đến cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược Pháp sau này.

Các chiến sĩ Đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên-Huế nồng nhiệt đón mừng đồng chí Fidel Castro đến thăm Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. (Ảnh: TTXVN)

''Người An Nam nói rằng với những đôi mắt quả hạnh đào của mình, chúng tôi đã xây dựng nên pho tượng Phật đồ sộ bằng đồng ở Hà Nội, nét sinh động giống như người sống… chúng tôi đã xây dựng trên đường từ Sài Gòn đi Chợ Lớn ngôi chùa, trong đó, dưới hàng dãy bảo tháp, yên nghỉ những nhà thơ đã ca ngợi lòng yêu nước và tình yêu, những vị thần trước đã từng chung sống phúc hậu với mọi người và những bậc anh hùng đã từng giải phóng đất nước chúng tôi khỏi sự xâm chiếm của người Xiêm La và người Trung Hoa… Khi người Pháp đến cướp của chúng tôi Hà Nội, Huế, chiếm những thành phố có những lâu đài bằng gỗ, chiếm những bến cảng san sát nhà tre, tấp nập thuyền bè, đầy ắp những kho cá và thóc gạo, thì cũng với những đôi mắt quả hạnh đào, chúng tôi đã hy sinh hàng ngàn, hàng vạn người trong chiến đấu để chặn đứng quân xâm lược. Bây giờ bọn xâm lược là chủ của chúng tôi, nhưng ngày mai, ai mà biết được!'' - Jose Marti miêu tả Việt Nam như thế, bằng “đôi mắt xanh” hết mực tinh tường và tinh tế của mình. Cặn kẽ và tường tận đến mức, Lãnh tụ Cuba Fidel Castro sau này đã khẳng định Jose Marti chính là “người Cuba, người Mỹ Latinh đầu tiên phát hiện ra Việt Nam”.

Những chia sẻ sắt son, nghĩa tình thời gian khó

Nếu người ươm mầm cho mối quan hệ Việt Nam - Mỹ Latinh là Jose Marti thì Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam chính là người đã luôn luôn nỗ lực vun đắp để mối liên hệ ấy ngày càng phát triển. Hơn một thế kỷ trước, năm 1912, Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn của Việt Nam, trong hành trình tìm đường cứu nước của mình đã đặt chân đến Martinique thuộc vùng Caribe, Uruguay và Argentina. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là người đặt nền móng cho quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước Mỹ Latinh.

Thủy sản, đồ gỗ, dệt may, giày dép, nông sản, điện tử… là những ngành hàng mà Việt Nam xuất khẩu nhiều qua Mỹ Latinh. (Ảnh: KT)

Từ những nỗ lực của Jose Marti, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác của Việt Nam với các nước Mỹ Latinh ngày càng phát triển. Chuyến thăm và cuộc tiếp kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh của Chủ tịch Thượng viện Chile Salvador Allende vào năm 1969, chuyến thăm của Chủ tịch Fidel Castro đến vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973 sẽ mãi là biểu tượng cho tình đoàn kết và sự ủng hộ quý báu đó. Ngay trong khói lửa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba (1960), Chile (1971) và Argentina (1973).

Đặc biệt, trân quý nhất là trong những năm tháng chiến tranh đầy ác liệt, trong vô vàn khó khăn, thiếu thốn, đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam đã đón nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ vô cùng quý báu của các nước Mỹ Latinh. Đó là những phong trào phản chiến, bày tỏ sự ủng hộ sắt son với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam, góp phần hình thành một mặt trận của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam; đó là những sự giúp đỡ quý giá về vật chất… Khó có thể nào quên phút giây lãnh tụ Fidel không màng nguy hiểm đến với đất lửa Quảng Trị, cất lên câu nói đầy hào sảng “Vì Việt Nam, Cuba có thể hiến dâng cả máu của mình”.

Sau chiến thắng 1975, trong 5 năm (1975-1980), Việt Nam thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với 10 nước Mỹ Latinh. Việt Nam cũng đã sát cánh cùng các nước bạn bè Mỹ Latinh trong cuộc đấu tranh vì độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Các nước Mỹ Latinh đã ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập LHQ năm 1977, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chống lại các biện pháp bao vây, cấm vận.

Tin về chuyến thăm Mỹ Latinh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên tờ Voces Del Periodista. (Ảnh: Phi Hùng/PV TTXVN tại Mexico)

Kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới vào năm 1986, quan hệ với các nước Mỹ Latinh bước vào một giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ hơn và toàn diện hơn. Từ 1986 đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước Mỹ Latinh. Nhiều chuyến thăm cấp cao đã được thực hiện và đã góp phần quan trọng trong việc hình thành một số khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên. Bên cạnh sự phát triển quan hệ về chính trị, ngoại giao, sự hiểu biết, giao lưu và trao đổi về văn hóa giữa nhân dân Việt Nam và Mỹ Latinh cũng được tăng cường.

Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hầu hết các nước Mỹ Latinh. Phát biểu tại “Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2022 do Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân TP.HCM tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 21,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 12,5 tỷ USD, tăng 46,4% so với năm 2020, nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD, tăng 20,2.

Về đầu tư, Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện một số dự án đầu tư quan trọng tại Mỹ Latinh với số vốn hàng trăm triệu USD, điển hình là các dự án phát triển mạng viễn thông của Tập đoàn Viettel tại Peru và Haiti, các dự án của Tổng Công ty Viglacera và Công ty Thái Bình tại Cuba trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng tiêu dùng... Ở chiều ngược lại, hiện có 21 quốc gia Mỹ Latinh đầu tư tại Việt Nam với 114 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 671 triệu USD.

Việt Nam và các đối tác Mỹ Latinh cũng đang triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại để tạo đòn bẩy cho quan hệ kinh tế thương mại đầu tư, trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam cùng với Mexico, Chile, Peru là thành viên; Hiệp định Thương mại tự do với Chile (VCFTA) hay Hiệp định Thương mại với Cuba. Các hiệp định nói trên đã và đang mang lại những tác động tích cực, tạo động lực cho quan hệ thương mại - đầu tư song phương không ngừng phát triển…

Đưa mối quan hệ Việt Nam - Mỹ Latinh lên một tầm cao mới

Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Mỹ La-tinh, thành quả đạt được là không ít những phải thừa nhận rằng kết quả đó còn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Các nhà quản lý đánh giá, xét về trao đổi thương mại của Việt Nam, Mỹ Latinh vẫn luôn nằm trong các thị trường đạt tăng trưởng cao nhất. Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản..., Mỹ Latinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi... Đó là những khía cạnh cả hai bên cần tiếp tục nắm bắt, phát triển và tận dụng hết dư địa…ảnh 4: Các đại biểu phía Cuba đón Chủ tịch Quốc hội tại sân bay. (Ảnh: TTXVN)

Trở lại với chuyến thăm Mỹ Latinh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chuyến thăm chính thức Cuba, Argentina và Đông Uruguay của Chủ tịch Quốc hội trong tháng 4 này mang thêm nhiều ý nghĩa khi diễn ra đúng thời điểm kỷ niệm các sự kiện trọng đại: 60 năm Cuba thành lập Ủy ban Đoàn kết với miền Nam Việt Nam, 50 năm Lãnh tụ Fidel Castro Ruz lần đầu thăm Việt Nam, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Argentina và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Uruguay.

Chuyến thăm của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam, hơn thế, tiếp tục khẳng định mong muốn và quyết tâm từ cả hai phía, rằng mối quan hệ Việt Nam và các nước Mỹ Latinh sẽ tiếp tục khởi sắc và được nâng lên một tầm cao mới, tương xứng quan hệ chính trị tốt đẹp vốn có, phục vụ lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới. Việt Nam và các nước Mỹ Latinh, vì thế, tuy xa mà vẫn thật gần gũi…./.

Hà Anh

 

:

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận