Mỹ - UNESCO: 4 thập kỷ sóng gió và những cú 'bẻ lái' bất ngờ

Mỹ sẽ tái gia nhập UNESCO sau 5 năm 'cắt đứt quan hệ' được xem là cú 'bẻ lái' khá bất ngờ của Mỹ.

 

Tuyên bố mới đây của Chính quyền Tổng thống Biden rằng Mỹ sẽ tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) sau 5 năm “cắt đứt quan hệ” được xem  là cú “bẻ lái” khá bất ngờ của Mỹ. Dư luận đang băn khoăn không biết động thái này có đủ sức làm “nóng” mối quan hệ vốn chưa bao giờ thôi sóng gió Mỹ - UNESCO suốt 4 thập niên qua, và đâu là “động cơ” của sự hàn gắn này.

Mối quan hệ không ngừng giông bão

Với UNESCO, nước Mỹ là cái tên mang nhiều ý nghĩa, sở hữu tiếng nói có trọng lượng bởi quốc gia này không chỉ là thành viên sáng lập nên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc ngay sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúcmà còn thường xuyên là nước đóng góp tài chính thuộc hàng lớn nhất cho tổ chức này. Thời kỳ năm 2011 trở về trước, Mỹ thường đóng góp 22%, tức khoảng 1/5 ngân sách, tương đương 75 triệu USD mỗi năm cho UNESCO.

Mỹ đề nghị tái gia nhập UNESCO sau nhiều năm vắng bóng. (Ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên, mối quan hệ tưởng như rất gắn bó này bắt đầu có chiều hướng rạn nứt từ đầu những năm 1980. Năm 1983, chính quyền Tổng thống Ronald Reagan đã rút Mỹ ra khỏi UNESCO vì cho rằng tổ chức này đã chính trị hoá, ngả về phía Liên Xô. Thời điểm đó, theo Đài Al Jazeera, Mỹ cũng cáo buộc UNESCO có cung cách quản lý kém, tham nhũng.

Mối quan hệ UNESCO - Mỹ đứt đoạn từ thời điểm đó, mãi tận tròn 20 năm sau, năm 2003, chính quyền Mỹ thời Tổng thống George W. Bush lại quyết định tái gia nhập UNESCO với lý do rằng họ đã chứng kiến tổ chức này đã có những cải cách cần thiết.

Cú hàn gắn này cũng không kéo dài được bao lâu. Năm 2011, mâu thuẫn giữa hai bên lại bùng lên khi Mỹ tuyên bố hủy các đóng góp ngân sách hàng năm của mình cho UNESCO để phản đối việc UNESCO đã quyết định kết nạp Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. UNESCO thời điểm đó là cơ quan đầu tiên của LHQ chào đón Palestine với tư cách thành viên đầy đủ và vì thế, việc Palestine được kết nạp vào UNESCO có ý nghĩa chính trị rất lớn và mang tính biểu tượng về thắng lợi của người dân Palestine. Tuy nhiên, ít người biết rằng luật pháp Mỹ từ những năm 1990 đã có quy định, chính phủ Mỹ phải rút tiền tài trợ từ bất kỳ cơ quan nào của Liên Hợp Quốc thừa nhận Palestine là thành viên, trước khi nước này ký kết một hiệp ước hòa bình với Israel. Việc ngân sách bị cắt giảm đột ngột đã khiến UNESCO lúc đó rơi vào tình thế khó khăn.

Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thông báo về việc Mỹ muốn tái gia nhập tổ chức này trong phiên họp của UNESCO ở Paris (Pháp), ngày 12/6/2023.

Mọi căng thẳng giữa hai bên đã lên mức đỉnh điểm vào ngày 12/10/2017 khi chính quyền của ông Trump đã gửi thông báo rút khỏi UNESCO nhằm phản đối “hành động thiên vị chống lại Israel” và sự cần thiết phải “cải cách cơ bản” tại tổ chức này. Từ ngày 31/12/2018, Mỹ chính thức rời khỏi UNESCO. “Quyết định rút khỏi UNESCO "phản ánh những quan ngại ngày càng lớn của Mỹ đối với UNESCO, sự cần thiết của việc cải cách tổ chức này cũng như việc tổ chức này duy trì thành kiến chống Israel" - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ. Chỉ vài giờ sau khi Mỹ thông báo quyết định rút khỏi UNESCO, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng thông báo đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao nước này chuẩn bị xúc tiến các thủ tục cần thiết để rời khỏi UNESCO.

Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận đã chuyển thư ngỏ mong muốn tái gia nhập với UNESCO vào ngày 8/6 và đơn xin gia nhập của Mỹ sẽ được quyết định trong một cuộc bỏ phiếu giữa các quốc gia thành viên của UNESCO trong những tuần tới.

Trước quyết định của Mỹ, bà Irina Bokova - người đứng đầu UNESCO thời điểm đó đã lên tiếng cho biết bà lấy làm tiếc trước động thái của Mỹ, và rằng hợp tác của Mỹ với UNESCO vô cùng quan trọng, khi thế giới đang phải đối mặt với khủng bố và vi phạm quyền tự do. “UNESCO đóng vai trò là nền tảng cho các cuộc đối thoại liên văn hóa về nhân quyền, tự do ngôn luận, xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho giáo dục. Tôi cho rằng chúng ta cần sự đoàn kết của tất cả các quốc gia thành viên, đặc biệt là Mỹ - một thành viên sáng lập và cũng là quốc gia có nhiều đóng góp quan trọng nhất đối với tất cả nỗ lực này" - người đứng đầu UNESCO nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 22/3/2023 đã kêu gọi quốc hội phê duyệt 150 triệu USD để Mỹ tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). (Ảnh: Reuters)

Trở lại để tăng cường vị thế

Những tưởng sau cú mâu thuẫn, bất mãn đỉnh điểm như thế, cùng vô số lần tái hợp, hợp tan, mối quan hệ Mỹ - UNESCO sẽ khó cơ hội hàn gắn. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Nhiều thông tin cho biết, ngay từ thời điểm mới tiếp quản Nhà Trắng, chính quyền của ông Biden đã bày tỏ ý định tái gia nhập UNESCO. Tháng 3/2023, khi dự thảo ngân sách cho năm tài khoá 2024 được công bố, ý định này tiếp tục được bộc lộ rõ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề nghị khoản tiền 150 triệu USD trong ngân sách năm 2024 để thanh toán cho các khoản nợ và phí cho UNESCO từ năm 2011-2017 và sẽ tiếp tục đề nghị khoản tiền tương tự cho các năm tiếp theo cho đến khi trả hết khoản nợ 619 triệu USD. Đồng thời, Mỹ dự kiến sẽ phải chi 100 triệu USD/năm để duy trì tư cách thành viên được bỏ phiếu của tổ chức này. Thời gian gần đây, việc Trung Quốc ngày càng chứng tỏ vai trò lớn của mình tại UNESCO, đặc biệt đã trở thành nhà tài trợ chính của UNESCO, đóng góp tới 65 triệu USD trong tổng ngân sách 500 triệu của tổ chức này, đã khiến nước Mỹ không khỏi quan ngại. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách quản lý John Bass hồi tháng 3 nói rõ rằng, nếu Mỹ thật sự nghiêm túc trong việc cạnh tranh với Trung Quốc trong kỷ nguyên số, Washington không thể vắng mặt nữa. “Nếu thực sự nghiêm túc về cạnh tranh thời kỳ kỹ thuật số với Trung Quốc, từ quan điểm của tôi, chúng ta không thể vắng mặt lâu hơn nữa tại một trong những diễn đàn then chốt tạo tiêu chuẩn đối với giáo dục, khoa học và công nghệ. Có nhiều ví dụ khác trong sứ mệnh của UNESCO với sự vắng mặt của Mỹ là đáng chú ý và nó làm giảm năng lực của chúng ta trong quảng bá hiệu quả tầm nhìn về một thế giới tự do” - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nêu rõ. Ngoài ra, còn một lý do quan trọng thúc đẩy màn “comeback” của nước Mỹ, theo trang Axios là việc Mỹ nuôi ý định tranh cử một ghế trong ban điều hành UNESCO trong cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp tới.

Ngay từ thời điểm mới tiếp quản Nhà Trắng, chính quyền của ông Biden đã bày tỏ ý định tái gia nhập UNESCO. (Ảnh: Getty Images)

Rõ ràng là dù với động cơ gì thì tất cả đều nhằm một mục tiêu duy nhất: tái khẳng định vị thế của nước Mỹ tại UNESCO. "Tôi tin rằng chúng ta (nước Mỹ-PV) nên quay lại UNESCO - một lần nữa - không phải như một món quà cho UNESCO, mà bởi vì những điều đang diễn ra tại UNESCO thực sự quan trọng" - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố.

Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận đã chuyển thư ngỏ mong muốn tái gia nhập với UNESCO vào ngày 8/6 và đơn xin gia nhập của Mỹ sẽ được quyết định trong một cuộc bỏ phiếu giữa các quốc gia thành viên của UNESCO trong những tuần tới. Tuy nhiên hãng AP cho hay cuộc bỏ phiếu dường như là chỉ một hình thức vì không một nước nào phản đối sự quay lại của một quốc gia từng đóng góp tài chính lớn nhất cho tổ chức. Chỉ là việc còn nhiều vấn đề cần cả UNESCO và Mỹ cùng thảo luận giải quyết, trong đó có tiến trình Mỹ thanh toán khoản nợ cho UNESCO./.

Hà Anh

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận