Thiếu điện - nỗi ám ảnh mới của thế giới

Tình trạng thiếu điện đang trở thành nỗi lo với hầu hết các quốc gia.

 

“Có khoảng 675 triệu người trên toàn cầu đang không có điện để sử dụng” - đó là nhận định đầy ám ảnh đưa ra hôm 6/6 vừa qua. Cũng trong báo cáo này, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: Thế giới đang chứng kiến đà giảm tốc gần đây trong vấn đề điện khí hóa toàn cầu.

5 tháng, 114 ngày mất điện

Đó là nỗi thống khổ mà người dân Bangladesh đã phải hứng chịu trong suốt những ngày qua. Theo Cơ quan Power Grid Co của Bangladesh, việc cắt điện diễn ra phổ biến nhất vào buổi tối muộn và sáng sớm và người dân phàn nàn rằng việc mất điện không báo trước kéo dài từ 10 -12 giờ đồng hồ. Tình trạng mất điện thường xuyên khiến cuộc sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất của Bangladesh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thời tiết nắng nóng trên 40 độ C (năm nay, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nasrul Hamid cho biết là năm thời tiết nắng nóng gay gắt nhất trong 50 năm qua) cùng với việc cắt điện liên miên đã buộc Chính phủ phải ra quyết định đóng cửa hàng nghìn trường tiểu học và trung học ở nước này. Còn đa phần người dân nghèo Bangladesh thì thở than rằng đêm hầu như họ không thể chợp mắt vì quá… nóng. Thành phố cảng Chittagong cùng với trung tâm dệt may và dược phẩm Mymensingh nằm trong số những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 29/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)Theo lý giải của Chính phủ Bangladesh, việc cắt điện thường xuyên là giải pháp bất đắc dĩ cho tình trạng thiếu điện triền miên lâu nay. Nhà máy điện lớn nhất của nước này là Payra phải đóng cửa do thiếu than. Có 53 trong số 153 nhà máy điện của Bangladesh phải đóng cửa trong vài tuần qua để bảo trì hoặc thiếu nhiên liệu. Trong 100 nhà máy còn hoạt động, có 49 nhà máy hoạt động hết công suất, trong khi 51 nhà máy còn lại đang hoạt động ở mức một nửa công suất do thiếu nhiên liệu. Việc thiếu nhiên liệu lại là do… thiếu tiền. Đầu tháng 6/2023, nhà máy điện lớn nhất của Bangladesh đã phải tạm dừng hoạt động do chính phủ không thể nhập khẩu nhiên liệu. Công ty xăng dầu nhà nước Bangladesh đã viết tâm thư đến Bộ Điện lực vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, cảnh báo về việc không có khả năng thanh toán cho các công ty là Sinopec, Indian Oil và Vitol để cung cấp nhiên liệu do thiếu hụt ngoại tệ.

Điều đáng quan ngại là 2023 không phải là năm đầu tiên Bangladesh phải trải qua thảm cảnh thiếu điện. Năm ngoái, tình hình cũng không bớt tồi tệ hơn là bao khi trong 5 tháng cũng có tới 113 ngày… mất điện.

Nỗi lo không của riêng quốc gia nào

Điều đáng nói thiếu điện không phải là thảm cảnh riêng của Bangladesh mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải gánh chịu. Ấn Độ là một minh chứng điển hình. Chỉ tính riêng trong 3 ngày 16 - 18/6 vừa qua, nắng nóng và thiếu điện đã khiến 98 người dân nước này thiệt mạng. Số liệu của Cục Khí tượng Ấn Độ cho thấy, nhiệt độ cao nhất ở miền Bắc Ấn Độ thời gian gần đây lên tới 43,5 độ C, cao hơn mức trung bình của những năm trước. Mùa hè nóng như thiêu đốt đã gây ra tình trạng mất điện diện rộng, khiến người dân không có nước sinh hoạt, điện để bật máy lạnh hoặc quạt. Trước đó, thiếu điện từ lâu đã là vấn đề đau đầu đối với quốc gia Nam Á này. Tháng 12/2022, để đối phó với thiếu điện, chính phủ Ấn Độ đã công bố kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân để thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch. Cuối tháng 1/2023, Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các công ty điện trên cả nước không dừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than cho đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu điện cho đất nước.

Công nhân nhà điều hành lưới điện China Southern Power Grid kiểm tra dây cáp điện kết nối các tháp truyền tải ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Tại Nam Phi, thiếu điện cũng là một “từ khóa” vô cùng đáng quan ngại. Cuộc khủng hoảng thiếu điện đã diễn ra trong nhiều năm tại Nam Phi. Công ty Điện lực nhà nước Nam Phi Eskom ngay từ hồi đầu năm đã phải thực hiện việc cắt điện luân phiên hàng ngày trên toàn quốc. Ngày 9/2/2023, trong thông điệp quốc gia hàng năm được phát biểu trước Quốc hội tại Tòa thị chính thành phố Cape Town, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã phải tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia do tình trạng mất điện nghiêm trọng trên toàn quốc và nhấn mạnh Nam Phi đang phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng năng lượng sâu sắc và rằng việc thiếu điện đang gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với nền kinh tế và cơ cấu xã hội Nam Phi.

Tại Thái Lan, tình hình thiếu điện cũng hết sức đáng quan ngại. Ủy ban Điều tiết năng lượng Thái Lan (ERC) cho biết, năm 2023 này, nắng nóng cực đoan khiến nhu cầu sử dụng điện của nước này có thời điểm lên gần 35.000 MW chỉ trong một ngày, cao hơn tới 6% so với cùng kỳ năm 2022. Nắng nóng cũng khiến các hồ nước tại Thái Lan cạn kiệt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, gồm cả thủy điện. Thực tế đó đã khiến thời gian qua, một số địa phương tại Thái Lan đã xảy ra các sự cố điện lưới diện rộng khi chịu quá tải cục bộ. Giới chức nước này đã phải kêu gọi nông dân cân nhắc không canh tác lúa gạo vụ hai hoặc canh tác loại cây trồng khác sử dụng ít nước hơn để đảm bảo nguồn cung nước cho các hoạt động khác, bao gồm cả sản xuất điện.

Nhà máy điện than ở Grootvlei, Nam Phi. Hồi tháng 2/2023, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia do tình trạng mất điện nghiêm trọng trên toàn quốc và nhấn mạnh việc thiếu điện đang gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với nền kinh tế và cơ cấu xã hội. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hồi đầu tháng 6/2023, Tập đoàn Điện lực Israel thông báo, do nhu cầu tăng kỷ lục, cộng thêm sự cố gây ra bởi tình trạng quá tải, công ty Quản lý Hệ thống Điện buộc phải cắt điện luân phiên tại nhiều địa phương trên cả nước. Tập đoàn Điện lực Israel cũng đã ra thông báo đề nghị người dân tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết trong ngày.

Những cuộc biểu tình không dứt, những mạng người vĩnh viễn ra đi tại Ấn Độ, tình trạng thảm họa tại Nam Phi do việc cắt điện dự kiến sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở quốc gia công nghiệp hóa nhất châu Phi xuống chỉ còn 0,3% trong năm nay, những hệ lụy nghiêm trọng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất… tất cả đã khiến thiếu điện đang trở thành nỗi lo với hầu hết các quốc gia.

Bài toán chưa có lời giải

Những cuộc biểu tình không dứt, những mạng người vĩnh viễn ra đi tại Ấn Độ, tình trạng thảm họa tại Nam Phi do việc cắt điện dự kiến sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở quốc gia công nghiệp hóa nhất châu Phi xuống chỉ còn 0,3% trong năm nay, những hệ lụy nghiêm trọng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất… tất cả đã khiến thiếu điện đang trở thành nỗi lo với hầu hết các quốc gia.

Cửa hàng bán điện thoại trong bóng tối ở trung tâm thương mại tại Dhaka. (Ảnh: Reuters)

Để tìm lời giải cho bài toán thiếu điện, nhiều quốc gia đã, đang chủ động tìm cho mình những giải pháp riêng. Tại Thái Lan, chính quyền kêu gọi nông dân cân nhắc không canh tác lúa gạo vụ hai hoặc canh tác loại cây trồng khác sử dụng ít nước hơn để đảm bảo nguồn cung nước cho các hoạt động khác, bao gồm cả sản xuất điện. Tại Nhật Bản, Chính phủ yêu cầu các hộ gia đình và doanh nghiệp ở khu vực Tokyo tiết kiệm điện trong tháng 7 và tháng 8. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura cũng cho biết, chính phủ sẽ yêu cầu nỗ lực tiết kiệm điện, như tắt đèn ở các phòng và hành lang không sử dụng... Nam Phi thì chọn cách  khác khi quyết định tình trạng thảm họa quốc gia, và như lời Tổng thống Ramaphosa: “Tình trạng thảm họa sẽ cho phép chính phủ đưa ra các biện pháp thiết thực cần thực hiện để hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản xuất, lưu trữ và bán lẻ thực phẩm, bao gồm cả việc triển khai máy phát điện, tấm pin mặt trời và cung cấp điện liên tục”. Ngoài việc giám sát cuộc khủng hoảng năng lượng, Tổng thống cho biết ông cũng sẽ lập một bộ trưởng mới trong nhiệm kỳ tổng thống để tập trung hoàn toàn vào giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, phần đa cho tới nay vẫn chỉ dừng lại ở những giải pháp mang tính tình huống. Theo các chuyên gia, đó phải là những giải pháp mạnh mẽ, lâu dài hơn, đơn cử như câu chuyện xây dựng những ngôi nhà thân thiện với khí hậu như tại nhiều nước châu Âu với ban công, cửa chớp, hệ thống thông gió chéo giúp nhiều người châu Âu mạnh mẽ “nói không với điều hòa”. Trong cái nóng 40 độ C, chỉ có 1/10 hộ gia đình ở EU lắp máy điều hòa không khí.

Làm được điều đó, hẳn là phải rất quyết liệt. Nhưng với bài toán năng lượng và khí hậu không có sự quyết liệt sẽ khó mà thành, và rằng, như cảnh báo của Phó Tổng giám đốc WB, ông Guangzhe Chen, thế giới đang chứng kiến “đà giảm tốc gần đây trong vấn đề điện khí hóa toàn cầu”./.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận