“Nước xa mà lòng không xa/ Thật là bầu bạn, thật là anh em” - đó là hai câu thơ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm thán đọc trong ngày gặp lại Tổng thống Indonessia Sukarno - vị chính khách mà Bác Hồ xem là người bạn chí tình, người anh em kết nghĩa. Và hơn 6 thập kỷ sau đó, tình cảm quý giá đó không ngừng được vun bồi, củng cố và giờ đây, Việt Nam - Indonesia kết nối bền chặt bằng mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Mối bang giao được thắp lửa từ tình bạn đặc biệt giữa hai vị nguyên thủ
Cách đây gần 4 năm, hai nước Việt Nam - Indonesia đã cùng tổ chức một loạt sự kiện đặc biệt kỷ niệm tròn 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Indonesia lần đầu tiên và cũng tròn 60 năm Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Indonesia đến thăm Việt Nam. Trong loạt sự kiện ấy, có hội thảo mang tựa đề: "Tình bạn thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno”. Và tại cuộc hội thảo, rất nhiều chi tiết thú vị, mang ý nghĩa lớn tới mối quan hệ Việt Nam - Indonesia đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu tiết lộ.
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết, Giảng viên cao cấp Học viện báo chí tuyên truyền, cho biết, giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno không đơn thuần là mối quan hệ ngoại giao giữa 2 bậc nguyên thủ quốc gia mà còn là tình bạn chiến đấu, tình anh em kết nghĩa - một điều hy hữu trong lịch sử ngoại giao thế giới. Là bạn hữu, là anh em nên họ nói với nhau bằng tiếng nói của trái tim và cư xử với nhau rất đỗi thân tình. Thân thiết với nhau đến mức, Tổng thống Sukarno gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Paman Hồ, tức Bác Hồ như nhân dân Việt Nam thường gọi. Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gọi Tổng thống của Indonesia là Bung Karno (Bung là cách xưng hô trìu mến, phổ biến của người Indonesia trước những năm 1900). Coi nhau là anh em ruột thịt nên Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gọi Phu nhân Tổng thống là "thím", tức là vợ của em trai theo ngôn ngữ Việt và coi các con của Tổng thống như con mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kể lại lần Người sang Indonesia năm 1959: "Lúc Bác sang thăm Indonesia, chẳng những trong gia đình Tổng thống, từ bác gái cho đến các cháu coi Bác như một người anh em trong nhà mà cả Chính phủ, Quốc hội và tất cả nhân dân Indonesia cũng không xem Bác là người khách mà xem Bác là người anh em bạn hữu thân thiết của Indonesia". Trong chuyến thăm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được Tổng thống Sukarno dẫn đi tham quan các thành phố lớn như Bandung, Solo hay Surabaya - quê hương của Tổng thống và các công trình văn hóa của Indonesia. Đi đến đâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận được sự đón mừng nồng nhiệt, đầy ý nghĩa. Cảm kích trước tình cảm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hai dân tộc chúng ta có quan hệ với nhau từ xưa, đã gắn bó với nhau từ trong cuộc đấu tranh chống đô hộ thực dân giành độc lập dân tộc. Ngày nay, nhân dân hai nước chúng ta lại cùng sát cánh với nhau vì mục đích giống nhau là thống nhất và bảo vệ hòa bình. Chúng tôi nguyện ra sức củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị với nhân dân Indonesia anh em. Quan hệ hữu nghị giữa nhân dân chúng ta sẽ đời đời bất diệt, sự nghiệp chung của nhân dân hai nước nhất định thành công”. Cụm từ "nước Indonesia anh em" đã luôn thường trực trong ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đất nước Indonesia anh em, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận bằng Tiến sĩ danh dự duy nhất trong đời. Trong số nhiều nhà lãnh đạo các nước đến Việt Nam, Tổng thống Sukarno là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thơ nhiều nhất. Ngày gặp lại Tổng thống Sukarno - Bung Karno, người bạn chí tình, người anh em kết nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vui mừng đọc hai câu thơ thể hiện tấm lòng của mình rằng: “Nước xa mà lòng không xa/Thật là bầu bạn, thật là anh em”. Còn Tổng thống Sukarno thì xúc động bày tỏ: “Chúng ta là những người bạn, những người bạn chiến đấu”.
Dấu mốc 2013 và những tiến triển mạnh mẽ
Không ngừng được vun đắp bởi những vị lãnh tụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Indonesia không ngừng được củng cố và tăng cường trên nhiều lĩnh vực. Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1955. Sau năm 1975, Tổng thống Indonesia Suharto là nguyên thủ đầu tiên ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương thăm Việt Nam năm 1990. Quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2003.
Đặc biệt, bước chuyển mạnh mẽ trong quan hệ hai nước là việc năm 2013, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 27/6, từ quan hệ đối tác toàn diện, Việt Nam - Indonesia đã ra Tuyên bố chung thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, theo đó, Việt Nam trở thành Đối tác chiến lược duy nhất ở Đông Nam Á của Indonesia.
Kể từ dấu mốc năm 2013 đó, quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Indonesia phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc, được củng cố và tăng cường trong nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối... Mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia càng thêm vững chắc với việc năm 2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức Indonesia. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của Việt Nam thăm Indonesia kể từ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959. Không dừng lại ở đó, năm 2018, Tổng thống Joko Widodo có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến công tác nước ngoài đầu tiên tới Indonesia trên cương vị Thủ tướng.
68 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ song phương Việt Nam - Indonesia không ngừng lớn mạnh, hợp tác nhiều mặt không ngừng phát triển. Trên các diễn đàn đa phương, hai nước luôn có sự phối hợp chặt chẽ, đồng quan điểm trên nhiều vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, gắn với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực. Các chương trình hành động được ký kết đã đưa hợp tác song phương đi vào chiều sâu trên mọi lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, kinh tế, du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân. Quan hệ quốc phòng an ninh cũng được đẩy mạnh.
Một số địa phương hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác như giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tây Kalimantan; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Padang; thành phố Đà Nẵng và thành phố Semarang; tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Yogyakarta. Hai bên đã nối lại các đường bay thẳng giữa TP.HCM với Jakarta, Bali, giữa Hà Nội-Bali với các chuyến bay tần suất cao và đang nghiên cứu mở thêm các đường bay tới các địa điểm khác như Đà Nẵng, Yogyakarta.
Thương mại là một trong những điểm mạnh về hợp tác của Việt Nam và Indonesia. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia. Năm 2013, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 4,8 tỷ USD thì đến nay kim ngạch đã tăng gần 3 lần, đạt 14,1 tỷ USD vào năm 2022. Dự kiến, năm 2023 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Indonesia có thể đạt hoặc vượt mức 15 tỷ USD, sớm đạt được mục tiêu của lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra.
Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục phát huy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền chặt, tạo động lực đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Indonesia phát triển lên tầm cao mới. Việc ký kết chương trình hành động cho giai đoạn mới 2024-2028 sẽ làm sâu sắc hơn nữa các lĩnh vực hợp tác vốn đã khá toàn diện giữa hai nước, đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và cơ sở hạ tầng như lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí. |
Nhìn lại chặng đường bang giao hơn 6 thập kỷ qua của Việt Nam-Indonesia, nhiều nhà quan sát đã nhận định: Hiếm có mối quan hệ quốc tế nào có thể đặc biệt như vậy. Giờ đây, với những nỗ lực không ngừng từ hai phía, hoàn toàn có thể tin rằng tình hữu nghị Việt Nam - Indonesia sẽ được như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno: "tình hữu nghị giữa hai dân tộc muôn thu vững bền”./.
Hà Anh