Chống nạn di cư vì biến đổi khí hậu: Cần phản ứng xuyên biên giới!

'Di cư vì biến đổi khí hậu' đã trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối nhất mà nhân loại đang và sẽ còn phải hứng chịu.

 

“Di cư vì biến đổi khí hậu” đã trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối nhất mà nhân loại đang và sẽ còn phải hứng chịu.

Biến đổi khí hậu ngày càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng di cư

Nói tới nguyên nhân của nạn di cư, phần đa trong số chúng ta nghĩ tới các cuộc chiến tranh, xung đột. Đơn cử những năm qua, các nhà quan sát đều đồng nhất với nhận định rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine dẫn tới làn sóng di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2.

Nhưng giờ đây, như nhìn nhận của người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), giờ đây xung đột, đàn áp, phân biệt đối xử và bạo lực, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu, thường được trộn lẫn với các động cơ khác trong việc gây ra vấn nạn di cư. Trong đó, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân ngày càng khiến các nhà nghiên cứu quan ngại. Thậm chí, trên thực tế, như khẳng định của ông António Vitorino, Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc (IOM) khi chia sẻ với báo giới, số người phải di cư vì biến đổi khí hậu giờ đây nhiều hơn vì xung đột. David Miliband, Giám đốc điều hành của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, cũng cho rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, một số nguyên nhân dẫn đến số lượng người tị nạn là do xung đột và biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu có tác động trực tiếp và gián tiếp đến di cư và di cư bắt buộc. Nó thường dẫn đến sự dịch chuyển trong nước, đến dòng di cư trong các quốc gia”.

Người dân nhận lương thực cứu trợ tại Ayod, Nam Sudan. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Thống kê của IOM cho thấy, kể từ năm 2010, các hiện tượng thời tiết bất thường đã buộc khoảng 21,5 triệu người phải di dời mỗi năm. Theo dự báo hiện tại, hơn 200 triệu người có thể sẽ phải di dời trên khắp thế giới vào năm 2030, do nhiều yếu tố bao gồm khủng hoảng khí hậu.

Trước đó, hồi tháng 9/2021, báo cáo cập nhật Groundswell của Ngân hàng Thế giới (WB) đã khẳng định biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố thúc đẩy di cư ngày càng lớn, thậm chí ước tính, có thể khiến 216 triệu người trên 6 khu vực trên thế giới phải di cư nội địa vào năm 2050. Báo cáo Groundswell chỉ rõ: Các điểm nóng về di cư nội địa do biến đổi khí hậu có thể bắt đầu trở nên cấp bách sớm nhất vào năm 2030 và sẽ tiếp tục lan rộng, trở nên căng thẳng hơn vào năm 2050. Cụ thể, Báo cáo Groundswell dự báo, đến năm 2050, vùng châu Phi cận Sahara có thể có tới 86 triệu người phải di cư nội địa vì biến đổi khí hậu; ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 49 triệu người; Nam Á là 40 triệu người; Bắc Phi, 19 triệu người; châu Mỹ Latinh, 17 triệu người; và Đông Âu - Trung Á, 5 triệu người.

Người dân Sudan di cư do biến đổi khí hậu. (Ảnh: CNN)Những người đóng góp ít nhất vào cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng lại nằm trong số những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Tác động của biến đổi khí hậu và nạn di cư mới là điều đáng quan ngại. Trong năm 2022 đã có tổng số người buộc phải di dời trên khắp thế giới - bao gồm cả những người tị nạn chạy trốn qua các biên giới quốc tế - lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu người, chủ yếu ở các nước đang phát triển và là một trong những nhóm dân cư gặp rủi ro cao nhất do thời tiết khắc nghiệt.

Các thảm họa liên quan đến khí hậu năm ngoái bao gồm lũ lụt tàn phá ở Pakistan khiến hơn 20 triệu người phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo và hạn hán nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi, nơi gần 150 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói cùng cực. IOM cũng ước tính hơn 15 triệu người ở Somalia và Pakistan cần viện trợ nhân đạo do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gần đây.

“Điều đặc biệt gây tổn hại vì những người này (người di cư và người phải di dời) là những người dễ bị tổn thương nhất, ở những nơi có xung đột trên thế giới. Những người này đã đóng góp ít nhất vào cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng lại nằm trong số những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất”-Giám đốc điều hành của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế buồn bã chia sẻ.

Một nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng khô cằn ở ngoại ô thành phố Ahmedabad, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Ngày 3/7/2023 vừa qua, Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Turk đã lên tiếng cảnh báo biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác, trong đó có vấn nạn di cư. Cũng theo ôngVolker Turk, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, số người lâm vào cảnh nghèo đói trong tương lai có thể tăng thêm 80 triệu người nữa.

Giải quyết biến đổi khí hậu: giải pháp cốt lõi cần sự chung tay

Phát biểu tại phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, một cách bức xúc, ông Volker Turk nhấn mạnh giải quyết biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính nhân quyền, và rằng cần hối thúc các hành động thiết thực và khẩn trương để đảm bảo tương lai bền vững cho thế hệ sau. Tổ chức Di cư quốc tế thì cho rằng, trong bối cảnh 20 triệu người phải di dời mỗi năm do biến đổi khí hậu, nhu cầu cấp thiết là ngăn chặn các cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu và giải quyết các tác động của khí hậu đối với vấn đề di cư.

Người dân chờ nhận hàng viện trợ tại một trại tị nạn ở Baidoa, Somalia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, giải quyết các tác động của khí hậu đối với vấn đề di cưlại là vấn đề không hề dễ dàng. Muốn giải quyết vấn đề di cư cho biến đổi khí hậu thì lẽ đương nhiên cốt lõi là việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Dù vậy, chính Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trong cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ngày 15/6/2023 đã thừa nhận chương trình nghị sự về khí hậu đang bị xem nhẹ, thậm chí thế giới đi chệch hướng và thụt lùi trong việc đạt được các mục tiêu về khí hậu. Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh đã đến lúc thức tỉnh và hành động mạnh mẽ để xây dựng lại niềm tin dựa trên công bằng khí hậu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế theo hướng xanh hóa, thân thiện với môi trường. Tổng thư ký LHQ cũng đề xuất Hiệp ước đoàn kết về khí hậu và cũng đã nêu một Chương trình nghị sự tăng tốc để đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Hiệp ước và chương trình nghị sự bao gồm việc kêu gọi các chính phủ, ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và các bên liên quan khác thực hiện nghiêm túc các cam kết của họ.

Báo cáo Groundswell của WB hồi tháng 9/2021 cũng đã đưa ra một loạt các khuyến nghị chính sách có thể giúp làm chậm các yếu tố thúc đẩy di cư do biến đổi khí hậu và chuẩn bị cho các luồng di cư dự kiến, bao gồm: Giảm lượng khí thải toàn cầu và nỗ lực hết sức nhằm đáp ứng các mục tiêu về nhiệt độ của Thỏa thuận Paris; Đưa vấn đề di cư nội địa do biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển toàn diện lâu dài, quy hoạch phát triển xanh và bền vững…

Người di cư trên đảo Lesbos, Hy Lạp. Ảnh: AFP/TTXVN

Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Turk thì cho rằng nhân loại hiện có trong tay những công nghệ tân tiến và tối ưu nên hoàn toàn đủ khả năng để thay đổi thực trạng biến đổi khí hậu này. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi chấm dứt trợ cấp cho ngành nhiên liệu hóa thạch khi ngành công nghiệp này đang góp phần khiến lượng phát thải khí CO2 trên đà tăng và đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Ở một góc nhìn khác, Phó Giám đốc Tổ chức di cư quốc tế khu vực Đông Phi và vùng Sừng châu Phi, ông Justin McDermott thì cho rằng, một phản ứng xuyên biên giới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt làn sóng di cư, tị nạn ngày càng tăng và giảm thiểu tình trạng căng thẳng sắc tộc do biến đổi khí hậu gây ra ở khu vực này.

Ngày 22/6/2023, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva thông báo các quốc gia giàu đã đạt được mục tiêu phân bổ lại 100 tỷ USD trong các quỹ của tổ chức này để ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo đói tại các nước đang phát triển. Đây thực sự là tin vui với hàng triệu triệu người đang phải hứng chịu hệ lụy khủng khiếp gây ra bởi biến đổi khí hậu. Nhưng chừng ấy mới chỉ là thành quả bước đầu. Còn cần nhiều, nhiều hơn nữa sự chung tay, một phản ứng xuyên biên giới cho vấn đề giải quyết biến đổi khí hậu toàn cầu, cho rằng, mọi sự đều không hề dễ dàng./.

Theo nhận định của nhà khí hậu học người Nga Alexei Kokorin vừa được đưa ra ngày 2/7 vừa qua, vào cuối thế kỷ này, gần 3 tỷ người - tương đương khoảng 30% dân số thế giới - sẽ phải di cư vì khí hậu.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận