Với truyền thông và dư luận hai nước Việt Nam - Iran, chuyến thăm chính thức Iran từ 8 - 10/8/2023 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là một chuyến thăm đặc biệt ý nghĩa bởi diễn ra đúng vào thời điểm hai nước đang long trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (4/8/1973 - 4/8/2023). Một tương lai hợp tác sâu sắc hơn, nồng ấm hơn… giữa hai quốc gia cách xa nhau về mặt địa lý đang trở thành hiện thực.
Giao thoa văn hoá và những gắn kết từ quá khứ
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm hai nước Việt Nam - Iran thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức được tổ chức tại thủ đô Hà Nội ngày 4/8 vừa qua, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Iran Nguyễn Văn Pha cho biết, nhân dân Việt Nam và Iran có mối quan hệ hữu nghị từ lâu đời. Giao lưu giữa nhân dân hai nước bắt đầu từ hơn 1.000 năm trước, khi các thương nhân Ba Tư tới kinh doanh, buôn bán tại Việt Nam, mở ra cánh cửa giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước. Những giao thoa về văn hóa, sự tương đồng trong lịch sử, cùng với khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là chất xúc tác, là nền tảng quan trọng để nhân dân Việt Nam và Iran xích lại và gắn bó với nhau.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Iran càng thêm gắn kết khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 4/8/1973. 50 năm là quãng thời gian không dài trong lịch sử giao lưu con người, văn hóa có bề dày hơn 1.000 năm giữa hai dân tộc. Nhưng nửa thế kỷ qua đã chứng kiến nhiều thành tựu quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Iran khi quan hệ chính trị, ngoại giao được củng cố, hợp tác nhiều mặt được tăng cường, giao lưu nhân dân giữa hai nước được mở rộng. Quan hệ chính trị được xem là những điểm sáng, thắt chặt sợi dây liên kết giữa hai nước. Ngày 13/2/1979, chỉ hai ngày sau khi cách mạng Hồi giáo thắng lợi, Việt Nam đã gửi điện mừng và công nhận nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Việc mở Đại sứ quán Iran tại Hà Nội năm 1991 và Đại sứ quán Việt Nam tại Tehran năm 1997, hai nước thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Iran tháng 9/2009, việc thường xuyên trao đổi đoàn và các chuyến thăm chính thức, nhất là ở cấp nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, cùng với việc ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng về hợp tác nghị viện, kinh tế, thương mại và văn hóa cũng như những nỗ lực chung của hai bên nhằm bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định và công lý toàn cầu là minh chứng cho sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và Iran.
Sự gắn kết giữa Việt Nam và Iran còn được thể hiện qua việc hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước cũng không ngừng được đẩy mạnh và đạt được những bước tăng trưởng tích cực. Hàng loạt các hiệp định, văn bản, thỏa thuận đã từng bước được ký kết, tạo điều kiện để hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên ngày càng đi vào thực chất như: Thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật (năm 1993); Hiệp định về thương mại (năm 1994), Hiệp định hợp tác văn hóa (năm 1995); Thỏa thuận tham khảo và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (năm 2000); Hiệp định vận tải hàng không (năm 2001); Hiệp định vận tải biển thương mại (năm 2002); Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thủy sản giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Iran; Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Thỏa thuận hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan; Bản ghi nhớ về hợp tác công nghệ, nghiên cứu và giáo dục (tháng 10/2014); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu công vụ (năm 2016)…
Bên cạnh đó, các lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước như văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ cũng đã và đang đạt được những thành quả đáng khích lệ. Tại thời khắc khó khăn nhất trong đại dịch Covid-19, Chính phủ và nhân dân Việt Nam vui mừng vì đã có thể san sẻ những nguồn lực nhưng còn khiêm tốn mà mình có được cho các nước khác, trong đó có nước bạn Iran. Về phần mình, Iran ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021...
Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị lần thứ 76 của ĐHĐ LHQ (tháng 9/2021), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian đã “cảm ơn lập trường có nguyên tắc của Việt Nam dành cho Iran tại LHQ”. Những bài học từ Việt Nam, từ những năm tháng bị cấm vận, hay những nỗ lực vươn mình tái thiết sau chiến tranh như được nhắc đến nhiều tại Iran… Tất cả khiến hai tiếng "Việt Nam" đang ngày càng gần gũi hơn với các thế hệ người dân Iran hôm nay, nghĩa tình Việt Nam - Iran, nửa thế kỷ qua, vì thế, ngày một thêm nồng ấm.
Làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước Việt Nam - Iran
Nửa thế kỷ qua, như nhìn nhận của Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari, mối quan hệ song phương giữa Iran - Việt Nam dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau mà không có bất kỳ sự khác biệt nào và dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là thời điểm thích hợp để suy ngẫm về hành trình đáng chú ý của tình hữu nghị và hợp tác mở ra giữa hai quốc gia.
Cột mốc hợp tác ấy được mở ra bằng chính Chuyến thăm Iran của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ những ngày tháng 8 này. Cột mốc đánh dấu một chương quan trọng trong lịch sử của hai dân tộc và phản ánh mong muốn chung của hai bên nhằm củng cố tình hữu nghị, nâng tầm hợp tác lên tầm cao mới, khai thác mọi tiềm năng trong quan hệ hai nước. Chuyến thăm mang đến cơ hội vô giá cho các cuộc đối thoại cấp cao, mở đường cho việc tăng cường quan hệ song phương trong các lĩnh vực hai nước cùng quan tâm, bao gồm các lĩnh vực chính trị, kinh tế và đặc biệt là quan hệ nghị viện.“Iran và Việt Nam có nhiều thế mạnh, tiềm năng bổ sung cho nhau có thể được khai thác để làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương. Bằng cách tập trung vào hợp tác kinh tế, năng lượng, nông nghiệp, giáo dục, văn hóa và công nghệ, cả hai nước có thể xây dựng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, tạo ra lợi ích chung cho nhân dân hai nước. Kinh tế của Iran và Việt Nam bổ sung cho nhau.
Là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam cần năng lượng và các sản phẩm hóa dầu hơn bao giờ hết, trong khi Iran là một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu lớn nhất với giá cả cạnh tranh, điều này có thể tạo cơ hội cho hợp tác hơn nữa giữa hai nước.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có thể cung cấp cà phê, chè và gia vị cho thị trường Iran. Iran có thể xuất khẩu sang thị trường Việt Nam các mặt hàng nông sản như táo, kiwi, anh đào… Bằng việc tăng cường hợp tác kinh tế, hai nước có thể tận dụng thế mạnh của nhau và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian tới, hai nước cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy sớm đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại ưu đãi và trong dài hạn là Hiệp định thương mại tự do nhằm tạo thuận lợi, tăng cường quan hệ thương mại. Cùng với việc mở rộng quan hệ chính trị và kinh tế, cũng cần chú trọng giao lưu nhân dân và phát triển ngoại giao văn hóa”.
Từ những chia sẻ ấy của Đại sứ Ali Akbar Nazari, một tương lai hợp tác sâu sắc hơn, thực chất hơn, nồng ấm hơn giữa hai nước Việt Nam - Iran sẽ sớm trở thành hiện thực./.
Hà Anh