"Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời". Thật thú vị, người đã bất ngờ “lẩy” hai câu trong truyện Kiều trong bài phát biểu tại tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 8 năm để bày tỏ tin tưởng vào tương lai phát triển của đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ cũng chính là người có chuyến thăm chưa hề có tiền lệ tới Việt Nam dự kiến vào những ngày tháng 9 này - Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt và những bước phát triển vượt bậc của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ
Cách đây 8 năm, từ ngày 6 - 10/7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ theo lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama. Thời điểm ấy, theo nhìn nhận của các chuyên gia và báo giới, đây là chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt bởi lần đầu tiên, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện một chuyến thăm chính thức đến Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là chuyến thăm lịch sử, với nhiều kết quả toàn diện và thực chất.
Thời điểm đó, theo nhìn nhận của báo giới, hình ảnh về “cái bắt tay lịch sử” giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ ngay tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng - là hình ảnh mang tính biểu tượng, cho thấy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã tiến những bước dài đầy ấn tượng, từ “cựu thù”, có hệ thống chính trị khác biệt, trở thành “bạn” và giờ đây là Đối tác toàn diện của nhau.
Viện dẫn hai từ “vượt bậc” để nói về sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là có cơ sở của nó. Tha thứ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Hòa giải, vượt qua thù hận là điều nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Nhưng, gần 5 thập kỷ qua, kể từ ngày chiến tranh kết thúc, hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đã nỗ lực hết sức, hết lòng để làm được điều đó. Những năm 1990, 1991, các quan chức ngoại giao hai nước lần đầu tiên gặp nhau để bàn về quan hệ hai nước, đàm phán đầu tiên về bình thường hoá quan hệ.
Và việc đêm 11/7/1995 (giờ Hoa Kỳ), Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam; rạng sáng ngày 12/7/1995 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, đã là dấu mốc lịch sử mang tính bước ngoặt trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Từ thời khắc ấy, quan hệ hai nước liên tục phát triển. Từ năm 2000, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thực hiện rất nhiều chuyến thăm lẫn nhau, trong đó, phía Việt Nam những chuyến thăm Hoa Kỳ nổi bật như: chuyến thăm năm 2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, xác lập quan hệ Đối tác toàn diện; chuyến thăm năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - lãnh đạo Đảng cao nhất lần đầu thăm chính thức Hoa Kỳ; và chuyến thăm năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên của một nước ASEAN tới Washington sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Cũng trong chuyến thăm tháng 7/2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện.
Về phía Hoa Kỳ, có một điều rất đáng lưu ý là kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, tất cả các tổng thống Hoa Kỳ, dù thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ, đều đã thăm Việt Nam - có lẽ cũng là nước Đông Nam Á duy nhất mà các đời tổng thống Mỹ đều có chuyến thăm chính thức.Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao là ông Bill Clinton (tháng 11/2000). Kể từ đó, mỗi đời tổng thống Mỹ đều sang Việt Nam như George W. Bush (tháng 11/2006), Barack Obama (tháng 5/2016). Riêng Tổng thống Donald Trump, trong nhiệm kỳ từ năm 2017 - 2021 đã hai lần sang thăm Việt Nam.
Chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Biden tới Việt Nam sắp tới đánh dấu ông là vị tổng thống Mỹ thứ hai kể từ năm 1995 đến Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu và nếu tính cả chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Kamala Harris tháng 8/2021, lần đầu tiên cả tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam trong cùng một nhiệm kỳ.
Tất cả những điều đó cho thấy Hoa Kỳ nhìn nhận và coi trọng vị thế cũng như vai trò của Việt Nam như thế nào. Từ sự thuận lợi ấy, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ liên tục phát triển về nhiều mặt, đặc biệt là kinh tế, thương mại. Hiện Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD.Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng hơn 240 lần từ khi bình thường hóa quan hệ, từ 451 triệu USD (năm 1995) lên hơn 123 tỷ USD vào năm 2022.
Nhưng trên hết, điều quan trọng nhất để nói về sự vượt bậc của mối Việt Nam - Hoa Kỳ đấy là việc, từ chỗ cách đó 4-5 thập kỷ, giữa hai nước hầu như chỉ là câu chuyện của hận thù, phần lớn những gì người Hoa Kỳ hiểu, biết về Việt Nam dường như chỉ như một cuộc chiến tranh hơn là một đất nước. Còn giờ đây, người Hoa Kỳ biết đến Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, hàng hoá Việt Nam, hai tiếng Việt Nam trở nên quen thuộc với nhiều người Hoa Kỳ, hàng hoá Việt Nam như quả vải, giờ đây, có cơ hội hiện diện tại nhiều siêu thị Hoa Kỳ.
Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và niềm tin về tương lai hai nước
Theo thông báo của cơ quan ngoại giao hai nước, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến sẽ thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 10 - 11/9. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyến thăm của Tổng thống Biden cũng rơi vào dịp kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.
Trước đó, trong thông điệp chúc mừng Việt Nam nhân Quốc khánh 2/9/2023, Ngoại trưởng Antony Blinken bày tỏ ông mong đợi "chuyến thăm lịch sử" của Tổng thống Joe Biden tới Hà Nội. Theo ông, chuyến thăm sẽ là dịp để hai nước điểm lại những gì đã đạt được và "lên kế hoạch cho tương lai chung của hai nước".
Tương lai chung ấy, theo nhìn nhận của phần đa các chuyên gia, các nhà quan sát là hết sức tích cực. TS Pooja Bhatt, nhà nghiên cứu tại New Delhi (Ấn Độ), cho rằng chuyến đi của ông Biden thể hiện sự gắn kết chiến lược của Mỹ đối với khu vực và Việt Nam nói riêng, việc ông Biden thăm Việt Nam ngay sau các cuộc họp liên quan tới G20 ở Ấn Độ "chứng minh tầm quan trọng của Hà Nội đối với việc tăng cường gắn kết của Hoa Kỳ trong khu vực ở nhiều cấp độ khác nhau". Còn nguyên đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường thì chia sẻ: Điều tôi ấn tượng và vui mừng nhất là mức độ quan tâm, hiểu biết cao về Việt Nam, là thái độ cởi mở, thẳng thắn và sự ủng hộ nhiệt tình quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ của hầu hết những người Hoa Kỳ tôi gặp. Quả thật, dư địa hợp tác giữa hai bên còn rất lớn".
Nói “dư địa hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ còn rất lớn”, lại nhớ đến buổi tiệc chiêu đãi trọng thể Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Chính phủ Hoa Kỳ tối tháng 7 cách đây 8 năm. Phát biểu tại buổi tiệc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng hai nước đã đi được những bước dài trong 20 năm bình thường hóa quan hệ và hôm nay đang đứng trước những cơ hội mới để thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện phát triển sâu rộng, thực chất và hiệu quả hơn.
Còn ngài Joe Biden - khi đó là Phó Tổng thống Hoa Kỳ - khi kết thúc bài phát biểu tại cuộc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã dẫn câu thơ trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du để bày tỏ tin tương vào tương lai phát triển của đối tác toàn diện Mỹ-Việt Nam:"Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời". Sương đang dần tan, hay nói như cựuTổng thống Bill Clinton, “ký ức băng giá về quá khứ đã bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ”./.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến sẽ thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 10 - 11/9. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyến thăm của Tổng thống Biden cũng rơi vào dịp kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.
|
Hà Anh