Với những người dân cũng như những chuyên gia am hiểu, thông thuộc về vùng cận Sahara, “kỷ lục: 7 nước đảo chính trong vòng hơn 3 năm” mà khu vực này đang nắm giữ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Đơn giản, nó là hệ luỵ nhãn tiền và tất yếu sẽ xảy đến của sự nghèo đói quá dai dẳng mà người dân vùng đất này phải hứng chịu.
Khu vực vô địch về… số vụ đảo chính
Theo nhiều số liệu, chỉ trong vòng hơn 3 năm qua, chính xác là từ tháng 8/2020, vùng cận Sahara hay khu vực cận Sahara châu Phi đã đã chứng kiến 8 cuộc đảo chính quân sự tại 7 quốc gia: Chad, Guinea, Sudan, Burkina Faso, Mali, Niger và Gabon.
Cuộc đảo chính mới nhất diễn ra ở Gabon. Theo đó, ngày 30/8, một nhóm sĩ quan quân đội cấp cao của Gabon tuyên bố họ đã nắm quyền điều hành đất nước. Động thái này diễn ra ngay sau khi cơ quan bầu cử nhà nước thông báo Tổng thống Ali Bongo đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Nhóm đảo chính tuyên bố tất cả các thể chế của Gabon đều bị giải thể, bao gồm chính phủ, Quốc hội, Tòa án Hiến pháp, Hội đồng Kinh tế và Xã hội và Môi trường, và Hội đồng Bầu cử, đồng thời kêu gọi người dân Gabon và các nước láng giềng giữ bình tĩnh. Lực lượng cầm đầu cuộc binh biến đã chỉ định Tư lệnh Lực lượng vệ binh cộng hòa, Tướng Enguema làm Tổng thống lâm thời trong quá trình chuyển tiếp của quốc gia Trung Phi giàu tài nguyên dầu mỏ này.
Điều đáng nói là cuộc đảo chính tại Gabon diễn ra chỉ hơn một tháng sau cuộc đảo chính tại Niger. Ngày 26/7/2023, lực lượng bảo vệ tổng thống của Niger đã bắt giữ Tổng thống Mohamed Bazoum. Đại tá Amadou Abdramane, người Phát ngôn của Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc (CNSP) tại Niger, tuyên bố trên truyền hình lật đổ tổng thống, đóng cửa biên giới quốc gia, đình chỉ các cơ quan nhà nước, bãi bỏ hiến pháp và ban hành lệnh giới nghiêm khi tuyên bố thành lập chính quyền quân sự. Đây cũng là cuộc đảo chính quân sự lần thứ 5 kể từ khi Niger giành độc lập vào năm 1960.
Trong vòng 3 năm, khu vực cận Sahara còn chứng kiến nhiều cuộc đảo chính quân sự đình đám nữa như hai cuộc đảo chính ở Burkina Faso: Ngày 24/1/2022, Tổng thống Roch Marc Christian Kaboré bị quân đội lật đổ, Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba nhậm chức tổng thống vào tháng 2 cùng năm.Đến ngày 30/9/2022, Đại úy Ibrahim Traoré thông báo trên truyền hình quốc gia rằng ông đã lật đổ nhà lãnh đạo quân đội, Trung tá Damiba. Ông Traore cũng cho biết các biên giới bị đóng cửa vô thời hạn và mọi hoạt động chính trị đều bị đình chỉ, đồng thời tuyên bố mình làm tổng thống chuyển tiếp cho đến cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 7/2024.
Trước đó một năm là cuộc đảo chính ở Sudan khi ngày 25/10/2021, các lực lượng quân sự Sudan bất ngờ bắt giữ Thủ tướng Abdalla Hamdok cùng các thành viên khác trong chính phủ nước này.Tướng Abdel Fattah al-Burhane, người đứng đầu Hội đồng Tối cao cầm quyền Sudan và là người điều hành chính quyền sau cuộc đảo chính quân sự, đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời thông báo giải tán hội đồng này cùng chính phủ chuyển tiếp ở Sudan, chỉ định Hội đồng Tối cao cầm quyền mới, trong đó ông vẫn đứng đầu hội đồng.
Cũng trong năm 2021 là cuộc đảo chính ở Guinea. Ngày 5/9/2021, Tổng thống Alpha Condé bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự, ngày 1/10, Đại tá Mamady Doumbouya, chỉ huy lực lượng đảo chính đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời nước này.
Tại một quốc gia châu Phi khác là Mali trong khoảng thời gian 2 năm 2020-2021 là hai cuộc đảo chính liên tiếp. Ngày 18/8/2020, Tổng thống Ibrahim Boubacar Keïta bị quân đội lật đổ, chính phủ chuyển tiếp được thành lập vào tháng 10. Ngày 24/5/2021, quân đội đã bắt giữ tổng thống và thủ tướng, Đại tá Assimi Goïta tuyên bố nhậm chức.
8 cuộc đảo chính tại 7 quốc gia trong vòng 3 năm- đó chỉ là những con số bước đầu. Thực tế hỗn loạn của vùng đất phi Châu nói chung, vùng cận Sahara nói riêng còn khủng khiếp hơn rất nhiều nếu biết rằng tính đến năm 2012, đã có hơn 200 cuộc đảo chính và nỗ lực đảo chính ở châu Phi. Cứ 55 ngày lại có một cuộc đảo chính xảy ra trong những năm 1960 và 1970, đồng thời hơn 90% các quốc gia châu Phi đã từng trải qua đảo chính.
Nhiều luận giải cho cái gọi là nguyên nhân dẫn tới “hiệu ứng domino” đảo chính ở châu Phi nói chung, khu vực cận Sahara nói riêng, trong số đó, nỗi đau từ sự nghèo đói dai dẳng và sự bất bình, phẫn nộ về giai cấp cầm quyền có thể được xem là những nguyên nhân căn cốt nhất.
|
Nghèo đói và sự bất bình: Căn cốt của sự phản kháng
Các nhà nghiên cứu quốc tế đã đưa ra nhiều luận giải cho cái gọi là nguyên nhân dẫn tới “hiệu ứng domino” đảo chính ở châu Phi nói chung, khu vực cận Sahara nói riêng, bao gồm hiện đại hóa, đa nguyên văn hóa, lòng tham và sự bất bình của binh lính, quản lý kém, tham nhũng, chế độ chuyên quyền, tăng trưởng kinh tế hạn chế và mức thu nhập thấp cùng các yếu tố khác. Tuy nhiên, trong số đó, nỗi đau từ sự nghèo đói dai dẳng và sự bất bình, phẫn nộ về giai cấp cầm quyền có thể được xem là những nguyên nhân căn cốt nhất.
Theo đánh giá mới nhất về triển vọng kinh tế ở khu vực này trong năm 2023, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tăng trưởng tại khu vực châu Phi cận Sahara vẫn chậm chạp bởi sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát cao, đầu tư giảm mạnh cùng với hoạt động kém hiệu quả của các nền kinh tế lớn nhất châu lục. Cụ thể, mức tăng trưởngđã giảm từ 6,8% trong giai đoạn 2010-2013 xuống còn 1,6% vào năm 2021, với sự suy giảm rõ rệt ở Đông và Nam Phi so với Tây và Trung Phi.
Báo cáo mang tên “Nhịp đập của châu Phi” công bố ngày 5/4/2023, WB đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Phi cận Sahara sẽ giảm xuống 3,1% vào năm 2023 từ mức 3,6% của năm 2022. Đặc biệt, WB nhấn mạnh, nợ vẫn tăng cao ở 22 quốc gia trong khu vực và lạm phát sẽ tiếp tục ở mức tương đối cao, trung bình 7,5% vào năm 2023, trong khi đó, lạm phát vẫn là một trong những thách thức cấp bách nhất của châu Phi.
Sự nghèo đói đang nhấn chìm cuộc sống người dân nhiều nước khu vực cận Sahara vào sự cùng cực. Đơn cử như tại Niger- nước nghèo đứng thứ 7 trong số các nước nghèo nhất thế giới, ước tính khoảng 25 triệu dân, trong đó có hơn 10 triệu người (41%) đang sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, và các khoản viện trợ từ nước ngoài chiếm đến 40% ngân khố quốc gia.
Không chỉ là gánh nặng kinh tế, các dự báo còn cho biết phần lớn vùng cận Sahara châu Phi đang phải đối mặt với các vấn đề về phát triển bền vững như: Mức độ ô nhiễm không khí cao, điều kiện vệ sinh kém, các mối đe dọa sinh thái tăng nhanh kết hợp với tốc độ gia tăng dân số. Chưa kể, giới khoa học nhận định, châu Phi có nguy cơ trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, dễ bị tổn thương lớn bởi biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Riêng với khu vực châu Phi cận Sahara, biến đổi khí hậu có thể gây mất ổn định thị trường trong nước, tăng tình trạng mất an ninh lương thực, hạn chế tăng trưởng kinh tế và tăng rủi ro cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các cơ quan của Liên minh châu Phi (AU) từng đưa ra cảnh báo cho biết: “Đến năm 2030, ước tính có tới 118 triệu người nghèo cùng cực sẽ bị tác động bởi hạn hán, lũ lụt và nắng nóng khắc nghiệt nếu không có các biện pháp ứng phó thích hợp” và ước tính rằng, khu vực châu Phi cận Sahara sẽ cần phải chi 30-50 tỷ USD mỗi năm, tương đương 2-3% GDP, cho việc thích ứng nhằm ngăn chặn những hậu quả thậm chí còn tồi tệ hơn.
Nghèo đói cùng cực, nên sự phản ứng tiêu cực gay gắt với chính quyền của người dân là điều dễ hiểu và những vụ bạo loạn, đảo chính xảy đến thường xuyên tại khu vực này như một lẽ đương nhiên. Trước những dự báo về tăng trưởng giảm sút và mức nợ gia tăng, WB đưa ra khuyến nghị, các chính phủ châu Phi phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn thu nội địa, giảm nợ và đầu tư hiệu quả để giảm nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, thực tế điều hành tại mọi quốc gia đều cho thấy, một khi bất ổn còn xảy đến thì một chính sách điều hành vĩ mô ổn định, hỗ trợ tăng trưởng là điều bất khả thi. Và vì thế, cái vòng luẩn quẩn nghèo đói- bất ổn sẽ còn tiếp tục xảy đến tại vùng cận Sahara, và mọi sự trông mong vào cánh tay hỗ trợ từ phương Tây sẽ đều khó khả thi và vô nghĩa./.
Hà Anh