Cách đây 4 năm, khi những nỗ lực ngăn chặn Israel xây dựng các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây và Đông Jerusalem thất bại, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tuyên bố: “Đường tới hòa bình Trung Đông đã bị chặn đứng”. Và giờ đây, tuyên bố đó có lẽ sẽ được nhắc lại khi cuộc xung đột Israel -Hamas bùng nổ dữ dội từ hôm 7/10 vừa qua, thổi bùng thêm ngọn lửa xung khắc vốn âm ỉ cháy suốt 75 năm qua giữa Israel với người Palestine và nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas.
“Vô cùng nghiêm trọng”
Đó là nhận định của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres trong một tuyên bố ngày 9/10 về tình trạng bạo lực hiện nay tại Gaza. Thực tế xung đột những ngày qua đã minh chứng cho nhận định của người đứng đầu LHQ. Theo số liệu thống kê do các bên đưa ra đến hết ngày 10/10, đã có hơn 1.000 người thiệt mạng trong đợt tấn công của lực lượng Hamas tại Israel từ hôm 7/10, trong khi phía Hamas cho biết ít nhất 830 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương trong chiến dịch quân sự đáp trả của Israel tại Gaza. Trong đó, đáng quan ngại, theo nhìn nhận của nhiều tổ chức quốc tế, phần lớn nạn nhân của cả hai bên cho đến nay là thường dân.
Không chỉ là những con số thương vong, một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ cùng những hệ lụy không nhỏ tới kinh tế toàn cầu cũng là những hậu quả nhãn tiền gây nên bởi cuộc xung đột tại Gaza. Văn phòng Điều phối Các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ước tính gần 200.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa tại Dải Gaza kể từ khi xung đột nổ ra giữa lực lượng Hamas và Israel. Người phát ngôn của OCHA Jens Laerke cảnh báo con số này sẽ còn tăng do xung đột vẫn đang tiếp diễn.Trong xung đột giữa Hamas - Israel, nhiều tòa nhà, trường học đã bị san phẳng. Không chỉ là mất chỗ ở, người dân nơi đây còn đang đối mặt với tình trạng thiếu nước và thiếu điện do lệnh phong tỏa.
Phát biểu tại họp báo ngày 10/10 ở Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tarik Jasarevic cho biết WHO đã ghi nhận 13 vụ tấn công vào các cơ sở y tế tại Dải Gaza kể từ cuối tuần qua và số vật tư y tế tại đây đã được sử dụng hết. "Trước cuộc không kích này của Israel, tình hình y tế ở Gaza đã rất tồi tệ trong gần 17 năm qua. Các cơ sở y tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc bao vây. Chúng tôi không được tiếp cận với nhiều loại vật tư, thuốc và thiết bị y tế"- ông Mohammad Abu Salmiya, Giám đốc Bệnh viện Al-Shifa ở Gaza, chia sẻ.
Những hệ lụy với nền kinh tế toàn cầu cũng không phải là ít. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa lên tiếng cảnh báo những nguy cơ có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel có thể gây áp lực khiến lạm phát gia tăng.Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế Agustin Carstens cho rằng cuộc xung đột ở Trung Đông có nguy cơ tạo ra những tác động khó dự đoán trước đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang chậm lại.
Tình hình sẽ còn căng thẳng và những hệ lụy sẽ còn thảm khốc bởi hai bên liên tiếp đưa ra những cảnh báo gay gắt, đặc biệt là những cam kết trả đũa mạnh mẽ từ Israel. "Những gì Hamas sớm nếm trải sẽ khó khăn và khủng khiếp. Chúng tôi sẽ thay đổi Trung Đông", Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố đanh thép ngày 9/10. Tư lệnh quân đội Israel và người đứng đầu Cơ quan Điều phối các hoạt động của Chính phủ tại các vùng lãnh thổ (COGAT), Thiếu tướng Ghassan Alian cũng đã đưa ra lời đe dọa quyết liệt không kém đối với các chiến binh Palestine: “Sẽ không có điện và nước ở Gaza, sẽ chỉ có sự hủy diệt. Các người muốn địa ngục, các người sẽ nhận được địa ngục".
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant trước đó cũng cho biết ông “đã ra lệnh bao vây toàn bộ Dải Gaza. Không điện, không thức ăn, không gas, mọi thứ đều đóng cửa". Về phía Hamas, ngày 9/10, người phát ngôn của cánh vũ trang Hamas Abu Ubaida tuyên bố lực lượng này sẽ không đàm phán về những người Israel bị bắt giữ khi đang hứng chịu hỏa lực và lưu ý Israel nên sẵn sàng trả giá để đổi lấy tự do cho những người bị bắt giữ. Cùng với những tuyên bố là những màn giao tranh, nã đạn pháo quyết liệt giữa hai bên. Ngày 10/10, quân đội Israel cho biết đã lần đầu tiên đáp trả bằng pháo kích từ khu vực Cao nguyên Golan chiếm đóng, cùng ngày, lực lượng Hamas cũng đã tiếp tục nã rocket về phía Israel.
Những ngày này, thế giới đang ráo riết cho những nỗ lực tìm giải pháp để hạ nhiệt cuộc xung đột. Nhưng một khi những mâu thuẫn giữa người Palestine và Israel còn không được giải tỏa, những đối kháng lợi ích còn chưa được loại bỏ thì chừng ấy, mọi sự dàn xếp hay thỏa thuận cũng chỉ là tạm thời.
|
Hòa bình cho Dải Gaza: Cơ hội ngày càng mong manh
Trước xung đột Israel-Hamas ngày một leo thang, trong một tuyên bố ngày 9/10, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nêu rõ tình trạng bạo lực hiện nay có nguyên nhân gốc rễ là cuộc xung đột lâu dài từ hàng chục năm trước và rằng đã đến lúc chấm dứt vòng luẩn quẩn này.
“Chấm dứt vòng luẩn quẩn” của những xung đột tại dải Gaza, tìm kiếm hòa bình cho Trung Đông đã là thông điệp được nhắc đến nhiều lần nhưng chấm dứt được hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Lịch sử xung đột dai dẳng suốt hơn 7 thập kỷ qua giữa Nhà nước Israel với người Palestine và nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas cho thấy nền hòa bình cho Trung Đông, không phải cứ muốn là được.
Càng nhìn rõ những căn nguyên của những xung đột tại Gaza càng thấy hành trình tìm kiếm hòa bình cho khu vực này vô cùng nan giải. Căng thẳng giữa Israel và người Palestine được xem là chính thức khởi phát từ hơn 7 thập kỷ trước, khi năm 1948 LHQ đã ra một nghị quyết phân chia vùng đất Palestine cho người Do Thái (Israel) và người Arab với Nhà nước Palestine (PA) với hy vọng chấm dứt xung đột nhiều năm giữa hai bên, thành phố Jerusalem được đề nghị đặt dưới quyền kiểm soát bởi lực lượng của LHQ do tính chất đặc biệt của nó. Tuy nhiên, dù người Do Thái đồng ý với phương án mà LHQ đưa ra và nhanh chóng thành lập Israel nhưng các nước Arab nhất quyết cho rằng, toàn bộ vùng đất này phải nằm dưới sự kiểm soát người Arab và không đồng ý về cái gọi là một nhà nước Do Thái trên vùng đất này.
Cũng từ phản ứng ấy, ngày 15/5/1948, liên minh các lực lượng từ Ai Cập, Jordan, Syria, Lebanon và Iraq đã tiến hành tấn công nhà nước mới của người Do Thái, còn gọi là cuộc chiến tranh Arab-Israel lần thứ nhất. Năm 1967, khối Arab do Ai Cập, Syria, Jordan dẫn đầu, cân nhắc một cuộc chiến mới chống lại Israel. Trong cuộc chiến này còn được gọi là cuộc chiến 6 ngày, Israel đã đẩy lùi các nước Arab và giành chiến thắng, chiếm đóng gần như toàn bộ Jerusalem, Dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây và Cao nguyên Golan, tuyên bố Jerusalem là thủ đô "không thể chia cắt".Lãnh thổ bị chiếm đóng, Palestine trở thành một quốc gia chỉ tồn tại trên danh nghĩa, với đường biên giới mơ hồ, việc phải sống lưu vong đã khiến sự phẫn nộ của người Palestine với Israel như “thùng thuốc súng” chỉ luôn chực chờ bùng nổ. Từ thời điểm ấy, các đợt đụng độ giữa người Palestine và Israel vì thế cứ diễn ra không ngừng.
Cũng trong khoảng thời gian đầy những uất ức, phản kháng ấy, phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của người Palestine ra đời. Với người Palestine đó là một phong trào yêu nước còn với Israel, đó không khác gì hơn những phần tử khủng bố. Cũng bởi hố sâu ngăn cách, mâu thuẫn đối kháng ấy, giữa hai bên không ngừng diễn ra những xung đột đáp trả lẫn nhau. Từ năm 2014 đến 2018 và mới đây nhất là năm 2021, những xung đột đáp trả gay gắt giữa hai bên không ngừng xảy ra, hàng vạn gia đình mất nhà cửa, hàng nghìn người dân vô tội thương vong.
Những ngày này, thế giới đang ráo riết cho những nỗ lực tìm giải pháp để hạ nhiệt cuộc xung đột. Nhưng một khi những mâu thuẫn giữa người Palestine và Israel còn không được giải tỏa, những đối kháng lợi ích còn chưa được loại bỏ thì chừng ấy, mọi sự dàn xếp hay thỏa thuận cũng chỉ là tạm thời. “Thùng thuốc súng Gaza” vì thế chưa bao giờ thôi âm ỉ, hòa bình cho Dải Gaza vẫn còn xa ngái lắm. Và như thế, những ước mơ như của em nhỏ Israa Al-qishawi, đang sống tại Dải Gaza: "Giờ chúng cháu ngủ vất vưởng ở đây. Có 30 người, chẳng đủ chỗ đâu. Cháu mong có thể sống cuộc sống của một đứa trẻ bình thường, không có chiến tranh, không có tên bay đạn lạc để chúng cháu được an toàn trở về nhà" - vẫn sẽ chỉ là giấc mơ./.
Hà Anh