Vụ pháo kích thảm khốc nhắm vào bệnh viện Al-Ahli al-Arabi ở trung tâm thành phố Gaza tối 17/10 khiến ít nhất 500 người thiệt mạng đã là diễn biến tiếp theo cho thấy cuộc xung đột Israel - Hamas sẽ còn tiếp tục gia tăng. Hơn 2 triệu người dân Gaza tuyệt vọng trong nỗi khốn cùng, không chỉ bởi sinh mạng họ có thể bị lấy đi bất kỳ lúc nào mà còn bởi cuộc sống hiện giờ của họ cũng chẳng khác mấy việc đang mong án tử hình: đói, khát, và bệnh tật hành hạ.
“Không có nơi nào để đi, không có nơi nào để tránh bom và tên lửa”
“Thực tế là dân thường ở đây không có nơi nào để đi - không có nơi nào để tránh bom và tên lửa” - đó là lời khẳng định đầy đau đớn được Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo, bà Joyce Msuya thốt lên khi tận mắt chứng kiến những gì đang xảy ra tại Gaza.
Suốt từ hôm 7/10 kể từ khi xung đột Hamas - Israel bùng phát, số người chết ở cả hai phía không ngừng gia tăng nhanh chóng. Tính đến ngày 17/10, theo thống kê của cả hai bên, ít nhất 2.750 người Palestine và hơn 1.300 người Israel đã thiệt mạng kể từ khi xảy ra xung đột. Với vụ tấn công bệnh viện Al-Ahli al-Arabi ngày 17/10, con số này đang gia tăng nhanh chóng.
Theo nhiều nhân chứng, con số thực tế chắc chắn sẽ vượt qua gấp nhiều lần con số 500 người thiệt mạng mà chính quyền đưa ra, ít nhất có khoảng 1.200 người còn đang bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Cũng trongngày 17/10, LHQ cho biết Israel đã tấn công một trong những trường học nơi có ít nhất 4.000 người đang trú ẩn ở Gaza. Theo cơ quan này, 6 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ tấn công.
Những con số thương vong khủng khiếp này chắc chắn sẽ còn gia tăng, khi vụ tấn công bệnh viện Al-Ahli al-Arabi khiến mọi việc đã căng thẳng càng như thùng thuốc súng chỉ chực chờ bùng nổ dữ dội. Và khi chiến tranh, xung đột còn tiếp diễn, sinh mạng con người còn sẽ phải đổ xuống. Bốn phía đạn bom, không nơi nào tại dải Gaza là an toàn tại thời điểm này, các trận pháo kích có thể diễn ra bất kỳ lúc nào, vì thế, đúng như lời Trợ lý Tổng Thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo, người dân tại dải Gaza không biết đi đâu, về đâu. Họ không có sự bảo vệ của cơ sở hạ tầng vững chắc, không có còi báo động không kích hay hầm tránh bom. “Ở dải Gaza, chúng tôi không có gì cả. Chúng tôi không có nơi nào để đi, không có hầm tránh bom, không có nơi ẩn náu. Chúng tôi đang ở trên đường phố”- một cư dân ở dải Gaza than thở. Mạng người đang thực sự quá đỗi mong manh tại dải đất bé nhỏ này.
Cuộc sống không ra sống
“Không điện, không thức ăn, không nước, không gas, tất cả đều đóng cửa”- đó là thực tế khó tưởng tượng nổi nhưng đang xảy đến với 2,4 triệu người dân Gaza những ngày này.“Giờ chúng tôi phải lấy nước muối vào các can, tôi sẵn sàng uống nước muối. Làm thế nào được!"- anh Mohammad Jamal Saqr, một người dân ở phía Nam dải Gaza chia sẻ. Còn bà Juliette Touma, thuộc Cơ quan cứu trợ cho người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) thì bức xúc chỉ rõ về tình hình tồi tệ hiện nay tại Gaza: "Không gì được cung cấp vào Gaza kể từ ngày 7/10. Không có nhiên liệu, không có thực phẩm, không có nước, không một sự trợ giúp nào khác. Chúng ta đang nói về 2 triệu người ở dải Gaza không có nước. Nước là sự sống và sự sống đang cạn kiệt ở dải Gaza. Chúng tôi cũng biết rằng người dân đang sử dụng các nguồn nước bẩn, bao gồm cả nước giếng. Chúng tôi rất lo ngại các bệnh truyền nhiễm có thể lây lan qua đường nước".
Không chỉ có nước là sự sống. Việc nhà máy điện duy nhất ở dải Gaza ngày 11/10 hết nhiên liệu và ngừng hoạt động, đẩy cả dải Gaza vào tối tăm còn gây ra những bi kịch khó lường. Bi kịch ấy, như dẫn chứng của Fabrizio Carboni, Giám đốc khu vực của Uỷ ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC): “Các bệnh viện ở Gaza mất điện đã đe doạ tính mạng những đứa trẻ sơ sinh trong lồng ấp và bệnh nhân cần thở oxy. Dịch vụ chạy thận và chụp X-quang đều phải tạm dừng. Không có điện, bệnh viện có nguy cơ biến thành nhà xác”.
Cần hỗ trợ nhân đạo "ngay lập tức"
Ngày 13/10, chính quyền Palestine đã cảnh báo, nếu tình hình không được cải thiện nhanh chóng, hậu quả nhân đạo tại Dải Gaza sẽ vượt mọi sự tưởng tượng của nhiều người.
Tuy nhiên, các hoạt động cứu trợ của LHQ tại Gaza của Palestine gần như đang bị đình lại trong bối cảnh các cuộc không kích của Israel. Ngày 16/10, kênh Al Arabiya TV cho biết, ít nhất 100 xe tải chở hàng viện trợ đang có mặt tại cửa khẩu Rafah ở biên giới giữa Gaza và Ai Cập để chờ thiết lập hành lang nhân đạo. Tình hình càng căng thẳng khi Bộ trưởng Năng lượng Israel Katz hôm 12/10 khẳng định nước ông sẽ không cho viện trợ nhân đạo - bao gồm thực phẩm, nước uống, nhiên liệu và thuốc thang - vào Gaza trừ khi Hamas thả khoảng 200 người Israel bị bắt làm con tin.
Vụ tấn công bệnh viện tối 17/10 càng khiến việc “khơi thông cho dòng chảy nhân đạo” càng trở nên bức thiết. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các bên liên quan tại Dải Gaza thực hiện "lệnh ngừng bắn ngay lập tức để tạo điều kiện về thời gian và không gian cho các nỗ lực cứu trợ nhân đạo", nhằm "đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của người dân Gaza, phần lớn trong số họ là phụ nữ và trẻ em". Dự kiến, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ đến Ai Cập ngày 19/10 để thảo luận với Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi về các biện pháp đưa viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.
Tối 17/10, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới "kêu gọi Israel ngừng nhắm mục tiêu vào khu vực cửa khẩu Rafah" để tạo hành lang an toàn cho việc chuyển hàng viện trợ vào dải Gaza. Hiện các đoàn xe viện trợ đã bị mắc kẹt ở Ai Cập trong nhiều ngày qua. Trước đó, ngày 15/10, Giáo hoàng Francis kêu gọi thiết lập các hành lang nhân đạo cho dân thường ở dải Gaza bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi Hamas thả các con tin.
Các tổ chức của LHQ cũng liên tục kêu gọi các bên xung đột tạo điều kiện để hàng viện trợ nhân đạo đến được với người dân ở Gaza. Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn phá Gaza và mở cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập để cho phép đưa hàng viện trợ vào khu vực bị bao vây và phong tỏa. Cao ủy LHQ về Nhân quyền Volker Turk cho rằng việc Israel bao vây dải Gaza khiến người dân ở vùng lãnh thổ này không tiếp cận được nhu yếu phẩm là hành vi bị cấm theo luật quốc tế. Giám đốc viện trợ của LHQ Martin Griffiths hôm 16/10 cho biết, ông sẽ tới Trung Đông để hỗ trợ các cuộc đàm phán về việc đưa hàng viện trợ vào dải Gaza. Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã quyết định tăng gấp ba lần số tiền viện trợ nhân đạo cho dân thường ở dải Gaza, lên 75 triệu euro. Bà Ursula von der Leyern, Chủ tịch EC, cho biết đang triển khai một cầu hàng không nhân đạo của EU tới dải Gaza thông qua Ai Cập.
Ngày 17/10, quan chức phụ trách truyền thông khu vực của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Trung Đông và Bắc Phi cho biết hiện dự trữ lương thực ở dải Gaza chỉ đủ cho 2 tuần, trong khi các cửa hàng bán lương thực thực phẩm chỉ còn đủ nguồn cung trong gần 5 ngày, còn nguồn cung nhiên liệu đã cạn kiệt từ lâu. Hàng triệu người dân Gaza đang “bên bờ vực thẳm”, trong bức bối, tuyệt vọng và khốn cùng. Làm thế nào để hỗ trợ nhân đạo được ngay lập tức là điều bức thiết nhất lúc này./.
Theo Gisha - tổ chức phi chính phủ của Israel - có hơn 2 triệu người sống ở Gaza, khiến nơi đây trở thành “một trong những vùng lãnh thổ đông dân nhất thế giới”. Hơn 1,4 triệu cư dân ở dải Gaza là người tị nạn Palestine. UNICEF ước tính có khoảng 1 triệu trẻ em sống ở dải Gaza, nghĩa là gần một nửa số người ở Gaza là trẻ em, gần 40% dân số ở đây dưới 15 tuổi. Theo Ngân hàng Thế giới, lãnh thổ này có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới, khoảng 80% dân số dựa vào viện trợ quốc tế để tồn tại và tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
|
Nguyễn Hà