Cuộc chiến kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Trước sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo (Al), thế giới ngày càng quan tâm tới việc kiểm soát AI, thậm chí xem đây là cuộc chiến quyết liệt.

 

Trước sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo (Al), thế giới ngày càng quan tâm tới việc kiểm soát AI, thậm chí xem đây là cuộc chiến quyết liệt.

Tấm huân chương nào cũng có 2 mặt

Là sự mô phỏng các quá trình thông minh của con người bằng máy móc, đặc biệt là hệ thống máy tính, trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) có thể xem là bước tiến đột phá của công nghệ và có tác động tích cực, rộng rãi tới cuộc sống con người, đặc biệt là trong cuộc sống hằng ngày. Người dân bình thường, không phải là chuyên gia công nghệ, cũng đều có khả năng và cơ hội tiếp cận, vận dụng AI thông qua những ứng dụng sinh hoạt đơn giản như chụp ảnh trên điện thoại thông minh, phần mềm nhận diện khuôn mặt, các trợ lý ảo, các gợi ý về tin tức, các đoạn video, những trải nghiệm mua sắm trực tuyến và trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống như báo chí, y khoa, kinh tế…

Ngay từ năm 2019, một nhóm nghiên cứu cho biết họ đã xây dựng một hệ thống AI có thể tự động chẩn đoán những căn bệnh thường gặp ở trẻ em từ cúm, hen suyễn đơn giản cho đến bệnh nguy hiểm tính mạng như viêm phổi và viêm màng não. Còn mới đây, một bác sĩ giải phẫu thần kinh hàng đầu đến từ Anh cho hay, các ca phẫu thuật não - được biết đến với độ khó bậc nhất, cần sự tỉ mỉ và chính xác tuyệt đối - với sự hỗ trợ của AI có thể thực hiện được trong hai năm tới.

Ngày 14/6, các nghị sĩ Nghị viện châu Âu thông qua dự thảo luật quản lý trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: AP)

Báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng trí tuệ nhân tạo thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 7% trong vòng 10 năm tới và 300 triệu việc làm toàn thời gian sẽ được tự động hóa, đồng thời gia tăng những công việc mới. Với địa hạt báo chí, ảnh hưởng của AI, đặc biệt gần đây là ChatGPT đã không còn xa lạ. Với AI nói chung và ChayGPT nói riêng, cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức đang được thay đổi đáng kể. Thực tế cho tới nay, những cơ quan báo chí truyền thông như Axel Springer, BuzzFeed, Daily Mirror và Daily Express xuất bản những bài báo do trí tuệ nhân tạo viết ra đã không còn là thiểu số.

Nhưng tấm huy chương nào cũng có hai mặt. Giàu tiềm năng và ích lợi là vậy nhưng những rủi ro từ AI cũng không phải là ít. Lợi ích từ trí tuệ nhân tạo đến nay đã không thể phủ nhận. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn do đột phá công nghệ này gây ra cũng không phải là ít.

ChatGPT có thể giúp nhiều toà soạn cắt giảm nhân sự, tiết kiệm chi phí nhưng đồng thời cũng tạo ra những hiểm hoạ, đơn cử như các nội dung, hình ảnh bị coi là bôi nhọ hoặc sai lệch do AI viết ra. ChatGPT cũng đặt ra nhiều vấn đề như vi phạm quyền riêng tư, vấn đề bản quyền… Nguy hiểm hơn, theo cảnh báo của các chuyên gia, ChatGPT có thể được sử dụng trong các hoạt động tội phạm trên không gian mạng, thậm chí gây ra những mối nguy hiểm chết người, ảnh hưởng đến sự tồn vong của nhân loại.

Nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo Geoffrey Hinton mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng, AI có thể gây ra mối đe dọa khẩn cấp hơn cả biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mới đây cũng cảnh báo, các nền tảng công nghệ mới như AI đang góp phần khiến thông tin giả với các tư tưởng thù hận và dối trá tràn lan trên không gian mạng, qua đó kích động xung đột, bạo lực và giết chóc.

Hiểm họa khó lường từ AI

Nhận ra những hiểm họa nguy hiểm và khó lường từ AI, vào tháng 7 vừa qua, Nhật Bản kêu gọi đặc biệt thận trọng trong việc sử dụng AI của các học sinh phổ thông. Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cũng công bố các hướng dẫn, trong đó cho phép các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông sử dụng hạn chế AI. Trước đó, tháng 4/2023, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno tuyên bố chính phủ nước này sẽ cân nhắc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, phần lớn người Mỹ cảnh giác với AI. Trong một phát biểu hồi tháng 6/2023 với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia, Tổng thống Mỹ Biden đãnhấn mạnh, đây là thời điểm cần quản lý các rủi ro từ trí tuệ nhân tạo đối với xã hội, nền kinh tế và an ninh quốc gia. “Chúng ta cần quản lý các rủi ro đối với xã hội, nền kinh tế và an ninh quốc gia của chúng ta. Chính quyền của tôi cam kết sẽ bảo vệ các quyền và sự an toàn của nước Mỹ, từ quyền riêng tư đến giải quyết các thông tin sai lệch, để đảm bảo AI an toàn trước khi được công bố. Tháng 10/2022, chúng tôi đã đề xuất Dự luật về quyền AI để đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ quan trọng được tích hợp vào hệ thống AI ngay từ đầu” - Tổng thống Mỹ cảnh báo.

Các quốc gia tăng tốc kiểm soát AI.

Trước thực tế AI phát triển một cách không kiểm soát, có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho con người và xã hội, các quốc gia, các khu vực trên thế giới ngày càng quan tâm tới việc kiểm soát AI, thậm chí xem đây là cuộc chiến quyết liệt. 

Kiểm soát quyết liệt

Tuy nhiên, hiểm hoạ mà AI tạo ra giờ đây lớn tới mức, với nhiều quốc gia, tổ chức, đã không thể dừng lại ở sự thận trọng mà đã phải có những động thái quyết liệt, trong đó tập trung vào việc thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ để “siết” AI vào khuôn khổ, kiểm soát tác động tiêu cực tiềm tàng của AI mà không ảnh hưởng đến quá trình phát triển và đổi mới nhờ công nghệ.

Hồi tháng 6/2023, các thượng nghị sĩ Mỹ đã đưa ra hai dự luật khác nhau về trí tuệ nhân tạo. Mỹ cũng đang yêu cầu các cơ quan chính phủ soạn thảo hướng dẫn sử dụng trí tuệ nhân tạo an toàn.Hồi tháng 7/2023, một số công ty công nghệ, như Amazon, Alphabet, Meta và Microsoft đã đưa ra các cam kết tự nguyện thực hiện một số biện pháp nhất định nhằm sử dụng AI một cách an toàn.

Tháng 7/2023, Cục Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc (CAC) phối hợp với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cùng Bộ Khoa học và Công nghệ nước này đã ban hành quy định tạm thời về quản lý các dịch vụ AI tạo sinh.

Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành nơi dẫn đầu "cuộc chiến” kiểm soát trí tuệ nhân tạo khi đề xuất dự thảo Đạo luật Trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới vào ngày 21/4/2021. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen mới đây (ngày 13/9/2023) đã kêu gọi thành lập một hội đồng toàn cầu gồm các chuyên gia và đại diện công ty công nghệ để giải quyết những thách thức do công nghệ AIđặt ra. EU cũng dự kiến sẽ thông qua dự luật đầu tiên trên thế giới về quản lý công nghệ này vào cuối năm nay.

10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng được cho là đang đưa ra một dự thảo bí mật về "hướng dẫn đạo đức và quản trị AI", nhằm mục tiêu “đặt “lan can” cho một thế giới với AI an toàn hơn”. Bản dự thảo đã được chuyển cho các công ty công nghệ để lấy ý kiến phản hồi và dự kiến hoàn thiện vào cuối tháng 1/2024 tại Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN.

Mỗi quốc gia, mỗi khu vực đang có thái độ ứng xử khác nhau với trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, chung nhất vẫn là sự quyết liệt hướng tới giảm thiểu những hiểm họa, hệ lụy tiêu cực đồng thời tạo hành lang pháp lý để AI “chạy” một cách an toàn. Dù vậy, với sự phát triển như vũ bão và khó lường của AI, đó sẽ là cuộc chiến không dễ dàng./.

Nguyễn Hà

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận