Qatar từ trước tới nay được liệt vào hàng một trong những nước giàu có nhất thế giới. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, quốc gia nhỏ bé nằm ở phía đông bán đảo Ả Rập này đã không bằng lòng với điều đó. Dưới sự điều hành của Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani, nhà lãnh đạo giàu tham vọng, bán đảo này không ngừng bằng mọi cách gia tăng vị thế và tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế cũng như tại khu vực.
Từ tham vọng của Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani
Cách đây tròn 10 năm, ngày 25/6/2023, Quốc vương Qatar Hamad bin Khalifa al-Thani đã chính thức truyền ngôi báu cho người con trai của ông, là Thái tử Tamim bin Hamad al-Thani, 33 tuổi. Thời điểm đó, Thái tử Tamim đã trở thành quốc vương trẻ tuổi nhất trong các nước quân chủ Arab ở vùng Vịnh. Là con trai thứ hai của Tiểu vương Hamad Al Thani với người vợ thứ hai, Thái tử Tamim đã được người cha trù định và chuẩn bị kỹ lưỡng để làm người kế vị cho mình.
Còn nhớ trong thời khắc đó, trong bài phát biểu được phát sóng trên Đài Truyền hình quốc gia Qatar, Quốc vương Hamad bin Khalifa Al Thani cho biết, việcông chuyển giao quyền lực cho Thái tử Tamim đồng thời cũng đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên đất nước nằm dưới sự quản lý của giới lãnh đạo trẻ.
Và đúng như kỳ vọng của người cha, Tamim bin Hamad al-Thani đã thực sự dần tạo nên một kỷ nguyên mới cho đất nước Qatar của mình, trong đó, dấu ấn lớn nhất, được nói đến nhiều nhất là việc quốc gia giàu mỏ này giờ đây không chỉ được vì nể bởi tiềm năng tài nguyên, bởi độ giàu có mà cả ở vị thế, vai trò kiến tạo, hoà giải quan hệ quốc tế.
Thực tế, dưới sự điều hành của Quốc vương Tamim bin Hamad al-Thani, củng cố vị thế của Qatar tại khu vực và trên phạm vi toàn cầu đã trở thành chiến lược phát triển mới của quốc gia này. Chiến lược ấy được Qatar thực thi và triển khai một cách lớp lang, bài bản. Đơn cử như việc Qatar liên tục đổ tiền vào trợ giúp tài chính các nước khó khăn. Năm 2018, Qatar đã cam kết tạo 10.000 việc làm cho công dân Jordan cũng như đầu tư 500 triệu USD vào quốc gia vùng Vịnh đang gặp khó khăn về tài chính này. Năm 2019, Qatar đã chi 500 triệu USD để mua trái phiếu của Chính phủ Liban nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước láng giềng. Cũng trong năm đó, Quốc vương Qatar đã ra lệnh lập quỹ hỗ trợ trị giá 20 triệu USD để giúp những người di cư châu Phi ở Libya hồi hương. Qatar cũng được biết đến là nhà tài trợ chính cho các dự án phát triển ở châu Phi… Việc là một quốc gia ở vùng sa mạc nắng nóng khắc nghiệt, cơ sở vật chất cũ kỹ, sân vận động xuống cấp, số lượng khách sạn ít ỏi và không có kinh nghiệm về du lịch nhưng lại móc hầu bao tới 300 tỷ USD cho cuộc chơi Worrld Cup 2022 cũng là cách để Qatar nâng tầm vị thế. Và thực tế cho thấy, sự quyết tâm của Qatar đã cho quả ngọt. World Cup 2022 không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển vượt bật của Qatar với những trung tâm mua sắm hào nhoáng hay sân bay đẳng cấp thế giới, mà còn thúc đẩy tầm ảnh hưởng và vị thế của nước này trong khu vực và cả thế giới.
Đặc biệt, nhiều năm qua, Quốc vương Hamad Al Thani đã chọn cách làm cầu nối hòa giải giữa các bên xung đột, để gia tăng, củng cố tầm ảnh hưởng của cá nhân cũng như của quốc gia trong khu vực và trên thế giới và thực tế, Qatar đã trở thành nhà trung gian hòa giải thành côngkhi dàn xếp được khá nhiều những cuộc xung đột lớn. Không thể không nhắc tới việc Qatar đã hoà giải thành công giữa Chính phủ Sudan với phiến quân ở vùng Darfur, giữa 2 nước láng giềng hiềm khích Eritrea và Ethiopia, giữa Mỹ với lực lượng Taliban ở Afghanistan, nội chiến tái diễn ở Liban… Mới đây, sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, Qatar đã duy trì các kênh với Điện Kremlin để cuối cùng cho phép nước này đàm phán về việc trao trả những đứa trẻ mà Nga đã chuyển khỏi các vùng giao tranh.
Thành công trong nỗ lực trung gian hòa giải cuộc xung đột Israel-Hamas một lần nữa giúp củng cố vị thế “tay chơi” quan trọng trên sân chơi địa chính trị toàn cầu của quốc gia giàu có này, đặc biệt là giúp Qatar trở thành một đối tác quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các giải pháp nhân đạo - một vị trí quan trọng trong một thế giới đang ngày càng có nhiều cuộc xung đột.
|
Thành công trong hoà giải xung đột giữa Israel và Hamas
Bản thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và Hamas, đạt được ngày 22/11, dù chỉ mang tính chất tạm thời nhưng đã là cú đột phá rất lớn trong cuộc chiến quá ư khốc liệt đang diễn ra tại Dải Gaza và chặn đứng được nguy cơ huỷ diệt cho dải đất nhỏ bé này. Sau bao mong mỏi, những con tin từ cả hai phía Israel và Hamas đều đã được trả tự do.
Với riêng Qatar, bản thoả thuận một lần nữa cho thấy quốc gia dầu mỏ này tiếp tục giữ vững vị thế là nhà trung gian hòa giải số 1 thế giới hiện nay. Thực ra trước đó, không chỉ Qatar mà nhiều quốc gia khác như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan… cũng bày tỏ mong muốn làm trung gian hoà giải cho Israel và Hamas, tuy nhiên, Qatar đã cho thấy, thực sự họ mới là “trùm cuối”.
Không khó để lý giải điều này. Trước hết là kỹ năng, bề dày kinh nghiệm trong hòa giải quốc tế. Chuỗi thành tích hòa giải kể trên là bản CV đáng nể giúp Qatar đánh bại nhiều ứng cử viên khác nếu xét về mặt kinh nghiệm. Nói như nhà phân tích Joost R.Hiltermann thuộc tổ chức International Crisis Group, “từ lâu làm trung gian đã là một trong số những kỹ năng đáng giá nhất của Qatar”. Còn như nhìn nhận của Thomas Juneau, một chuyên gia về chính trị Trung Đông tại Đại học Ottawa (Canada), “Toàn bộ chính sách đối ngoại của Qatar, thương hiệu, bản sắc của đất nước này đều dựa trên ý tưởng rằng nước này có thể nói chuyện với tất cả mọi người. Họ có thể đàm phán với cả Taliban, với Hamas, với phiến quân Libya.
Thứ nữa là mối quan hệ đặc biệt giữa Qatar và Hamas cũng như Palestine. “Qatar được coi là quốc gia duy nhất trong thế giới Arab có quan hệ khăng khít với người Palestine”, một nhà quan sát cho biết. Còn như nhìn nhận của PGS Andreans Krieg tại Đại học King’s College London (Anh), mối quan hệ giữa Qatar và Hamas là một phần quan trọng của chiến lược hòa giải. Đó là cơ sở để Qatar có vị thế độc quyền trong cuộc xung đột vì nước này có thể nói chuyện với cả hai bên theo cách mà không nước nào trên thế giới có thể làm được.
Bên cạnh đó, Qatar cũng được cho là có mối quan hệ cực tốt với Israel. Nên nhớ, Qatar là một trong những quốc gia A Rập đầu tiên thiết lập quan hệ với Israel. Thời gian qua, trong suốt thời gian xung đột, Qatar được cho là vẫn duy trì các kênh liên lạc với quốc gia Trung Đông này, các quan chức của Israel thậm chí vẫn lui tới Doha để bàn bạc về cuộc xung đột. Chính Qatar đã yêu cầu thành lập nhóm nhỏ để giải quyết vấn đề này một cách riêng tư với người Israel. Và để làm được điều này, nhà lãnh đạo Qatar và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có những cuộc đàm phán trong nhiều tuần.
Mối quan hệ thân thiết với nước Mỹ cũng là một lợi thế rất lớn nữa của Qatar. Chính Mỹ đã chính thức công nhận Qatar là đồng minh chủ chốt ngoài NATO, là quốc gia thứ ba ở khu vực vùng Vịnh, sau Kuwait và Bahrain. Trước đó, hồi năm 2018, Tổng thống Trump từng đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ - Qatar và nhấn mạnh hai nước đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm chấm dứt việc cung cấp nguồn tài chính cho các nhóm khủng bố ở Trung Đông. Cũng nhờ mối quan hệ thân thiết này, ngay sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10, Qatar đã liên lạc với Nhà Trắng, kêu gọi thành lập nhóm cố vấn giúp giải thoát con tin. Thời điểm xung đột leo thang căng thẳng, Ngoại trưởng Mỹ vẫn lui tới Doha để bàn về đàm phán con tin và ngăn xung đột mở rộng.
Những mối quan hệ hữu hảo, có thể nói chuyện với tất cả các bên ấy đã giúp Qatar thành công lớn trong nỗ lực dàn xếp giữa Israel và Hamas. Vai trò trung gian và chủ trì của Qatar trong các cuộc đàm phán khó khăn nhất được thể hiện rõ trong vòng 48 giờ sau cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel, khi Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố sẽ đóng vai trò trung gian cho nỗ lực trả tự do cho những người Israel bị Hamas bắt cóc.
Thành công trong nỗ lực trung gian hòa giải cuộc xung đột Israel-Hamas một lần nữa giúp củng cố vị thế “tay chơi” quan trọng trên sân chơi địa chính trị toàn cầu của quốc gia giàu có này, đặc biệt là giúp Qatar trở thành một đối tác quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các giải pháp nhân đạo - một vị trí quan trọng trong một thế giới đang ngày càng có nhiều cuộc xung đột./.
Hà Anh