Năm 2023 đang dần khép lại, với riêng châu Âu, đây là năm không có nhiều niềm vui: nền kinh tế mất đà tăng trưởng, dân tình thắt chặt chi tiêu, cuộc chiến dai dẳng tại Ukraine, xung đột tại Gaza đang khiến châu Âu phải đối mặt với nạn di cư và mối nguy khủng bố trực chờ. Mùa giáng sinh và năm mới đang đến rất gần, nhưng có vẻ mọi sự chỉ là một màu xám.
Mối nguy khủng bố trở lại
“Trong kỳ nghỉ lễ sắp tới, có nguy cơ rất lớn xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ở EU”- tuyên bố vừa được Ủy viên Nội vụ EU Ylva Johansson với các phóng viên ngày 5/12 đã thổi vào bầu không khí Giáng sinh đang cận kề những âu lo về nhiều sự bất ổn.
Thực ra không phải tới thời điểm này, mà cách đây vài tháng, những cảnh báo về nguy cơ khủng bố quay trở lại châu Âu đã liên tiếp được đưa ra khi chỉ trong vòng hai tuần của tháng 10/2023, liên tiếp những vụ tấn công, những lời đe doạ khủng bố xuất hiện hàng loạt tại nhiều quốc gia châu Âu như: Pháp, Đức, Bỉ, Thuỵ Điển…
Mới đây nhất, ngày 3/12, cảnh sát Pháp đã bắt giữ nghi phạm gây ra vụ tấn công bằng dao tại một địa điểm gần tháp Eiffel ở thủ đô Paris khiến 1 du khách Đức thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Nghi phạm là 1 người đàn ông 26 tuổi, quốc tịch Pháp. Khai báo với cảnh sát, đối tượng này nói rằng "cảm thấy buồn" vì quá nhiều người theo đạo Hồi thiệt mạng ở Afghanistan và Palestine và vì tình hình ở Dải Gaza.
Vụ việc này xảy ra chưa đầy 2 tháng sau khi một giáo viên thiệt mạng trong vụ tấn công bằng dao xảy ra ngày 13/10 tại một trường trung học ở thành phố Arras phía bắc, khiến một giáo viên thiệt mạng và hai người khác bị thương nặng. Việc hung thủ là một thanh niên khoảng 20 tuổi, là cựu học sinh của trường Gambetta, gốc Chechnya, theo đạo Hồi, đã hô to “Allah akbar” khi bị cảnh sát bắt giữ và được cho là đã nằm trong hồ sơ theo dõi đặc biệt của cảnh sát Pháp do mang tư tưởng cực đoan đã khiến chính phủ Pháp ngay sau đó phải kích hoạt tình trạng báo động an ninh quốc gia ở mức cao nhất. Một chi tiết đáng chú ý nữa là chỉ từ ngày 18 tới 29/10, có tới 70 vụ dọa đánh bom tại các sân bay ở Pháp.
Tại Thuỵ Điển, nguy cơ khủng bố cũng hiển hiện. Vụ xả súng nghiêm trọng ở trung tâm Brussels (Bỉ) tối 16/10 khiến 2 công dân Thuỵ Điển thiệt mạng và 1 người bị thương. Sau khi vụ việc xảy ra, một người tự xưng là Abdesalem Al Guilani đã đăng video lên mạng xã hội và thừa nhận là người đứng sau vụ xả súng. Trong video, người này cho biết anh ta là thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công và “chiến đấu vì thánh Allah”. Sau vụ việc trên, Bỉ đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất.
Cũng thời điểm này, tại Bỉ cũng đã xảy ra vụ xả súng ở Brussels khiến 2 người thiệt mạng. Một đối tượng nam giới tự nhận là thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyên bố thực hiện vụ tấn công này. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cũng cho rằng vụ xả súng xảy ra ngày 16/10 là một vụ tấn công khủng bố tàn bạo. Bỉ ngay lập tức cũng đã phải nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng này.
Tại Đức, mới chỉ tuần trước, cảnh sát nước này đã bắt giữ hai thiếu niên 15 tuổi và 16 tuổi vì cáo buộc lên kế hoạch tấn công "những kẻ ngoại đạo" cũng như nhắm mục tiêu vào một thánh đường Do Thái và một chợ Giáng sinh. Trước đó, ngày 25/10, cũng đã xảy ra vụ tấn công mà nghi phạm được cho là thành phần Hồi giáo cực đoan. Cũng trong tháng 10, hàng chục trường học tại các thành phố nước Đức cũng bị đe doạ đánh bom.
Trước những sự biến liên tiếp xảy ra, lại trong bối cảnh giáng sinh và kỳ nghỉ lễ năm mới sắp cận kề, Ủy viên Nội vụ EU Ylva Johansson cho biết Ủy ban châu Âu sẽ chi thêm 30 triệu euro (32,5 triệu USD) để tăng cường an ninh ở những khu vực dễ bị tổn thương, đặc biệt là nơi thờ cúng, và như khuyến cáo của Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser, “các cơ quan an ninh đang hợp tác rất chặt chẽ với nhau. Chúng ta phải đặc biệt theo dõi chặt chẽ mối đe dọa Hồi giáo ngay bây giờ”.
Tuy nhiên, không ai có thể lường hết trước được điều gì sẽ còn xảy ra, nhất là trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel trong cuộc chiến với Hamas. Như chia sẻ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, những vụ việc vừa qua cho thấy tất cả các nước châu Âu đều đang trở nên dễ bị tổn thương với sự trở lại của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Và những nỗi ám ảnh khủng bố năm xưa như vụ xả súng nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris đầu năm 2015 giết chết 12 người, loạt vụ tấn công của những phần tử đánh bom liều chết và các tay súng Hồi giáo cực đoan ở thủ đô nước Pháp tối 13/11 cùng năm, cướp đi sinh mạng của 130 người… lại hiển hiện với nhiều người dân châu Âu những ngày cuối năm này.
Đau đầu với vấn nạn di cư
Cũng trong dịp cuối năm này, một trong những vấn đề khiến lãnh đạo các quốc gia châu Âu cũng như EU đau đầu nhất là vấn nạn di cư đang ngày càng nóng trở lại với châu lục này. Cách đây 4 tháng, ngày 30/9, Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) cho biết lượng người di cư bất hợp pháp đến EU trong 6 tháng đầu năm 2023 là 132.370 người, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ quan tị nạn Liên minh châu Âu (EUAA) công bố số liệu chính thức cho thấy số lượng người di cư nộp đơn xin tị nạn tại khu vực này trong nửa đầu năm 2023 đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tới thời điểm cuối năm 2023, con số đó không ngừng gia tăng. Nhiều quốc gia, đơn cử Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ vỡ trận bởi lượng người di cư và xin tị nạn quá đông. Theo số liệu của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), trong thời gian từ tháng 1 đến đầu tháng 11/2023, Hy Lạp đã tiếp nhận 38.448 người di cư, tăng so với 18.700 người trong cả năm 2022. Đối với Italia, từ đầu năm đến nay, 145.000 người di cư đến quốc gia này qua đường biển, tăng mạnh so với năm 2022. Hòn đảo Lampedusa của Italia trên Địa Trung Hải từng chứng kiến cảnh 7.000 người trên 122 thuyền đổ bộ chỉ trong một tuần, nhiều hơn dân số thường trú trên đảo. Trong 8 tháng đầu năm 2023, Đức ghi nhận hơn 204.000 đơn xin tị nạn, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2022.
Hồi tháng 9, EU đã lên kế hoạch đối phó 10 điểm với nạn di cư. Tuy nhiên, dường như các quốc gia trong khối vẫn chưa tìm được sự đồng thuận cho một giải pháp toàn diện, vì thế, mối lo vẫn là mối lo mà thôi.
Kinh tế mất đà tăng trưởng, người dân co hẹp hầu bao
Số liệu mới nhất mà Cơ quan Thống kê châu Âu công bố ngày 5/10 cho thấy, chỉ số bán lẻ tại châu Âu tiếp tục giảm 0,9% trong tháng 8 so với tháng 7. Còn nếu tính riêng các nước sử dụng đồng tiền chung Euro, tiêu dùng sụt giảm 1,2%. Trên bình diện vĩ mô, dù tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế các nước Eurozone trong tháng 10 đã giảm xuống 2,9%, tiến sát mục tiêu 2%, tuy nhiên, kinh tế khu vực Eurozone tiếp tục trì trệ. Cụ thể, dữ liệu tăng trưởng kinh tế của eurozone do Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố cho thấy, kinh tế của 20 nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu một lần nữa chìm giữa khó khăn, khi trở lại suy giảm 0,1% trong quý III/2023.
Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone, chứng kiến sản lượng tăng trưởng giảm 0,1%. Trong khi nền kinh tế số 2 là Pháp chỉ tăng trưởng 0,1%, chậm lại so với mức 0,6% trong quý trước. Còn Italy chững lại ở mức 0% và được cho là gần rơi vào suy thoái. Ủy ban châu Âu vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế ở cả khối EU và khu vực đồng euro trong năm nay từ mức 0,8% xuống 0,6%.
Tất cả những con số ấy, cùng với việc tiền lương không theo kịp lạm phát đã buộc người dân châu Âu không còn cách nào khác là vẫn phải tiếp tục thắt chặt hầu bao của mình, giảm thiểu tối đa những khoản chi không cấp thiết. "Một loạt các cửa hàng bán đồ thời trang tầm trung đã phá sản. Đó là dấu hiệu cho thấy chi tiêu cho hàng hóa không thiết yếu đang suy giảm, cả trong quần áo, nước hoa, cũng như làm tóc", ông Alexandre Mirlicourtois, chuyên gia kinh tế, cho biết.
Kinh tế suy giảm, mối nguy khủng bố khôn lường, làn sóng tị nạn quá ư phức tạp… lục địa già đang đối diện với một mùa Giáng sinh nhiều màu xám./.
Hà Anh