"Tôi vừa kích hoạt Điều 99 của Hiến chương LHQ - lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thư ký LHQ của tôi. Đối mặt với nguy cơ hệ thống nhân đạo ở Gaza sụp đổ nghiêm trọng, tôi hối thúc Hội đồng (Bảo an) giúp ngăn chặn thảm họa nhân đạo và kêu gọi tuyên bố ngừng bắn vì mục đích nhân đạo". Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres trước động thái được cho là hiếm có trong lịch sử LHQ vừa được ông đưa ra đêm 6/12 vừa qua.
Điều 99 - công cụ mạnh nhất của LHQ
Điều 99 được xem là một trong những công cụ mạnh nhất của LHQ cũng như người đứng đầu LHQ. Theo đó, Điều 99, Hiến chương LHQ nêu rõ: “Tổng thư ký có thể khiến Hội đồng Bảo an lưu ý về bất cứ vấn đề nào mà theo quan điểm của ông có thể đe dọa việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Theo đó, người đứng đầu LHQ có thể tự mình triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) để đưa ra cảnh báo về các mối đe dọa mới đối với hòa bình và an ninh quốc tế cũng như các vấn đề chưa có trong chương trình nghị sự của hội đồng này. Đây được xem là một quyền lực đặc biệt và là công cụ chính trị độc lập duy nhất được trao cho Tổng thư ký theo Hiến chương LHQ.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric nhấn mạnh: “Tổng thư ký đã chuyển một lá thư cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an viện dẫn Điều 99 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Đây là lần đầu tiên Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres làm điều này kể từ khi ông trở thành Tổng thư ký vào năm 2017. Đây cũng là lần đầu tiên văn phòng của ông Guterres viện dẫn điều khoản này một cách rõ ràng kể từ năm 1971 - thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng giữa Ấn Độ và Pakistan.
Tuy được xem là công cụ mạnh nhất của LHQ nhưng theo các chuyên gia, việc sử dụng Điều 99 không phải bao giờ cũng mang lại hiệu quả như mong muốn. Hồi năm 1989, HĐBA kêu gọi tất cả các bên ở Liban nỗ lực hướng tới lệnh ngừng bắn, khi đó Điều 99 đã được kích hoạt, tuy nhiên xung đột vẫn tiếp tục.Xung đột có kết thúc?
Đó là câu hỏi được hết thảy dư luận đưa ra khi Điều 99 được kích hoạt. Ngày 7/12, sau khi gửi thư cho HĐBA LHQ vào hôm trước, ông Guterres nhấn mạnh rằng tình hình ở Gaza đang xấu đi nhanh chóng. Đáp lại bức thư, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất có kế hoạch đưa ra một nghị quyết của HĐBA vào ngày 8/12 nhằm kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza. Đề xuất này sẽ kêu gọi tất cả các bên tuân thủ nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện còn ý muốn của các chủ thể đang đóng vai trò quyết định trong cuộc xung đột lại là câu chuyện khác. Ngày 5/12, trong một cuộc họp với các thành viên nội các chiến tranh, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ áp lực ngày càng tăng về việc dừng chiến dịch quân sự ở phía Nam Dải Gaza, cam kết sẽ tiếp tục cho đến khi Hamas bị tiêu diệt.
Trong khi đó, để có một nghị quyết về ngừng bắn tại Gaza được thông qua tại LHQ, cần ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết nào của 5 thành viên thường trực, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh. Vướng mắc lớn nhất là việc Mỹ đã yêu cầu sửa đổi phần lớn nội dung của bản thảo này, đồng thời cũng tuyên bố, nước này không ủng hộ hành động nào nữa của HĐBA về Gaza vào thời điểm hiện tại. Hiện một dự thảo nghị quyết khác do Ai Cập soạn thảo về tình hình ở Gaza vẫn đang trong quá trình thương thảo. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, chừng nào cả Mỹ và Israel đều giữ quan điểm cho rằng, ngừng bắn chỉ khiến Hamas hưởng lợi và chỉ ủng hộ những khoảng dừng nhân đạo tạm thời, để trao đổi con tin, thì một nghị quyết quốc tế về ngừng bắn tại Dải Gaza được phía Israel tuân thủ nghiêm là điều khó có thể thực hiện.
Theo người phát ngôn Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) James Elder, cách duy nhất để dải Gaza an toàn là ngừng bắn: "Chỉ có lệnh ngừng bắn mới có thể cứu được trẻ em ở Gaza lúc này. Vì vậy, cần nói rõ rằng, trong bối cảnh hiện tại của cái gọi là vùng an toàn, chúng không khoa học, không hợp lý và không thể thực hiện được. Và tôi nghĩ chính quyền cũng nhận thức được điều này".
|
Địa ngục trần gian Gaza và những tiếng khẩn cầu không có phản hồi
Sau 2 tháng xung đột Israel - Hamas, những cảnh quay từ trên không cho thấy Thành phố Gaza lớn nhất ở Palestine đã bị tàn phá nặng nề bởi các đòn tấn công đường không và pháo kích của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Trong một bản tin phát đi hôm 8/12, hãng Al Jazeera cho biết Gaza đã bị tàn phá sau hơn hai tháng ném bom không ngừng nghỉ của Israel. Nhiều khu vực đã bị san bằng, các bệnh viện, trường học và trại tị nạn trở thành mục tiêu bắn phá. Theo cơ quan y tế Gaza do Hamas điều hành, hành động trả đũa của Israel tới nay đã giết chết hơn 17.000 người, trong đó có hơn 7.000 trẻ em.
Hàng trăm ngàn người khác đã phải di dời trong Dải Gaza và hơn 46.000 người ở Gaza đã bị thương kể từ ngày 7/10, nhưng có chưa đến 1% số người bị thương được sơ tán qua cửa khẩu Rafah tới Ai Cập để điều trị.
Xung đột đã khiến hơn 60% nhà cửa tại Gaza bị phá hủy hoặc hư hại, khoảng 85% dân số phải di tản. Nhiều người Palestine phải dựng lều dọc theo con đường dẫn từ Rafah đến Muwasi, sống chen chúc, không có đủ thức ăn trong thời tiết giá lạnh. Tại phía Bắc Gaza, 97% hộ gia đình không có đủ thức ăn. Ở phía Nam, tỷ lệ này trong số những người phải rời bỏ nhà cửa là 83%.
Giám đốc viện trợ Liên hợp quốc Martin Griffiths cho hay, trẻ em, phụ nữ và đàn ông ở Gaza "không có nơi nào an toàn để đi và có rất ít thứ để sinh tồn". Phó Giám đốc WFP Carl Skau sau chuyến thăm Gaza đã đăng lên mạng xã hội Twitter: “Không có đủ thực phẩm. Mọi người đang chết đói”.
Phó Tổng thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo Martin Griffith nói rằng ông “chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy” và mô tả tình hình là “một cuộc thảm sát thực sự”. Còn Jens Laerke, người phát ngôn của văn phòng nhân đạo LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ cho biết: "Địa ngục trần gian đã quay trở lại Gaza".
Đau thương, tang tóc đang bao trùm khắp dải đất nhỏ bé Gaza. Trong khi đó, như nhìn nhận của Tiến sĩ Abdulkhaleq Abdulla, Giáo sư khoa học chính trị ở UAE, cuộc chiến thảm khốc ở Gaza đang bước vào tháng thứ ba mà không có dấu hiệu giảm bớt trong thời gian tới.
Không thể biết bao giờ xung đột kết thúc, cũng chưa thể biết ai thắng ai thua trong cuộc đối đầu đẫm máu và thảm khốc này. Nhưng nói như Tiến sĩ Abdulla, không cần phải nói, bên thua cuộc lớn nhất cho đến nay là Gaza, với mạng sống của 2,3 triệu người dân trở thành thảm họa không thể tưởng tượng nổi./.
Hà Anh