Nước Mỹ năm 2023: Mâu thuẫn, tranh cãi, kiện tụng và mắc kẹt

Chính trường Mỹ năm 2023 có không ít sóng gió, điển hình là việc lần đầu tiên trong lịch sử Chủ tịch Hạ viện bị phế truất...

 

Chính trường Mỹ năm 2023 có không ít sóng gió, điển hình là việc lần đầu tiên trong lịch sử Chủ tịch Hạ viện bị phế truất, cũng như mâu thuẫn đảng phái trong nhiều vấn đề từ ngân sách cho đến việc ủng hộ Ukraine và Israel.

Mâu thuẫn, tranh cãi, kiện tụng kéo dài, luận tội đương kim Tổng thống

Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ hôm 28/9 đã mở phiên điều trần đầu tiên trong cuộc điều tra xem xét liệu ông chủ Nhà Trắng có tham gia vào các hành vi phạm tội có thể bị luận tội theo Hiến pháp Mỹ hay không. Theo đảng Cộng hòa, Ủy ban Giám sát Hạ viện đã phát hiện hàng loạt bằng chứng tiết lộ cách ông Biden lạm dụng chức vụ công để thu lợi tài chính cho gia đình, nói dối người dân Mỹ về việc ông biết và tham gia vào các âm mưu kinh doanh phi pháp của gia đình.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 13/12, chỉ một ngày trước khi nước Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua quyết định mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Biden, với 221 phiếu thuận và 212 phiếu chống. Cuộc điều tra nhằm xem xét liệu ông chủ Nhà Trắng có hưởng lợi bất chính từ các giao dịch kinh doanh nước ngoài của con trai Hunter Biden hay không.

Xét xử hình sự cựu Tổng thống

Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt vụ án dân sự và hình sự, tập trung vào cáo buộc nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020. Ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị buộc tội hình sự hồi tháng 3 khi bị truy tố 34 tội danh nghiêm trọng liên quan đến việc làm sai lệch hồ sơ trong một loạt kế hoạch bưng bít các khoản chi thanh toán cho ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Trong năm 2023, ông Trump tiếp tục bị truy tố hình sự trong 3 vụ án khác. Vụ thứ nhất là cáo buộc vi phạm nguyên tắc sử dụng tài liệu mật từ thời còn ở Nhà Trắng và hai vụ còn lại liên quan đến vai trò của ông này trong nỗ lực lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Trong đó, ông Trump bị cáo buộc đã kích động hoặc có liên quan đến vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 tại tòa nhà Quốc hội Mỹ và tìm cách gây sức ép giới chức bang Georgia kiếm thêm phiếu bầu cho mình.

Tổng thóng Biden đang vấp phải phản ứng dữ dội từ trong nước vì ủng hộ Israel trong cuộc chiến với Hamas. (Ảnh: REUTERS)Hỗn loạn và bế tắc tại Hạ viện

Các đảng viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã chứng kiến những biến động nội bộ nghiêm trọng trong năm, gây ra một loạt kịch tính diễn ra tại Hạ viện. Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy, đảng Cộng hòa, đã phải trải qua 15 vòng bỏ phiếu với hàng loạt cuộc thương lượng cả bí mật lẫn công khai để giành chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện thay thế cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi của đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, triều đại của ông McCarthy chỉ kéo dài chưa đầy một năm và cuộc bỏ phiếu hồi tháng 10 vừa qua đã biến ông này trở thành cựu Chủ tịch Hạ viện lần đầu tiên bị phế truất trong lịch sử. Sau khi bị bỏ trống trong ba tuần, chiếc ghế Chủ tịch Hạ viện cuối cùng đã có chủ sau 3 lần lựa chọn với Hạ nghị sĩ Mike Johnson bằng số phiếu 220/209. Tuy nhiên, hỗn loạn và bế tắc tại Hạ viện có nguy cơ kéo dài khi đảng Cộng hòa mặc dù chiếm đa số nhưng nội bộ chưa thể tìm được tiếng nói chung trong hàng loạt vấn đề như chính sách đối với hai cuộc xung đột hoặc trong dài hạn là đối phó với Trung Quốc.

Chính sách đối ngoại tích cực lẫn tiêu cực, mắc kẹt trong hai cuộc chiến

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt với hai cuộc chiến không có hồi kết mà nước Mỹ đang bị mắc kẹt nghiêm trọng. Thách thức lớn nhất hiện nay đối với Tổng thống Biden chính là khoản viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine cũng như tăng cường viện trợ quân sự cho Israel ngoài khoản viện trợ đã cam kết 3,8 tỷ USD hằng năm. Trong những tháng gần đây, sự ủng hộ dành cho viện trợ của Mỹ đã bắt đầu suy yếu, đặc biệt là trong số các đảng viên Cộng hòa. Thăm dò dư luận gần đây cho thấy có một nửa thành viên Cộng hòa và cử tri độc lập cho rằng Mỹ đang viện trợ quá nhiều cho Ukraine, ngược lại với kết quả thăm dò trong thời điểm cuối năm 2022.

Tổng thống Joe Biden cũng vấp phải phản ứng dữ dội trong nước vì ủng hộ chính phủ Israel. Hiện các cử tri trẻ, những người cấp tiến và một số quan chức trong chính phủ Mỹ đang gây áp lực lên Tổng thống Biden để yêu cầu một lệnh ngừng bắn. Một số nhà lãnh đạo cánh tả đã đi xa hơn khi nói rằng sự ủng hộ của ông Biden đối với Israel đe dọa đến việc tái đắc cử trong bầu cử năm tới.

Cơ hội ổn định quan hệ Mỹ - Trung

Ngày 25/11, tại một tòa nhà nhỏ ở điền trang Filoli kiểu Anh có tuổi đời hàng thế kỷ, cách trung tâm San Francisco, nơi tổ chức Thượng đỉnh APEC hàng chục km đã diễn ra cuộc gặp Biden - Tập Cận Bình. Cuộc gặp thượng đỉnh lần này đã đề xuất tầm nhìn mới cho quan hệ Trung - Mỹ, bao gồm cả việc xây dựng 5 trụ cột cho mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời chỉ ra phương hướng phát triển mối quan hệ giữa hai nước, trong đó có cả những ý tưởng mới về quan điểm “cùng gánh vác trách nhiệm của nước lớn”. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy và tăng cường đối thoại, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như thiết lập đối thoại liên chính phủ về trí tuệ nhân tạo, thành lập nhóm công tác hợp tác chống ma túy Trung - Mỹ, khôi phục liên lạc cấp cao giữa quân đội hai nước trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng, đồng ý tăng thêm nhiều chuyến bay…

Kinh tế phục hồi

Một trong những điểm sáng không chỉ đối với Mỹ mà còn toàn thế giới là nền kinh tế nước này vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt bất chấp sức ép từ xung đột, căng thẳng chính trị, tác động hậu Covid-19, lạm phát và lãi suất cao. Tốc độ tăng trưởng trong quý III đạt 5,2% giúp kinh tế Mỹ có thể kết thúc năm 2023 ở mức 2,4%, cao hơn rất nhiều so với một số nền kinh tế lớn khác như Anh, EU, Canada, Nhật Bản…

Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể giảm xuống 1,4% trong năm 2024 nhưng nhiều khả năng nước này có thể đạt được mục tiêu “hạ cánh mềm”, theo đó thành công trong việc làm giảm tốc tăng trưởng đủ để kiểm soát lạm phát mà không gây suy thoái. Song song với tăng trưởng, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đang giảm đi đáng kể, trong tháng 11 chỉ còn ở mức 3,1% so với mức 9,1% hồi tháng 6/2022. Giới phân tích kinh tế còn cho rằng Mỹ có thể đạt được mức độ lạm phát mục tiêu 2% trong vòng 6 tháng tới.

Vấn nạn xã hội gia tăng

Trong năm 2023, số lượng vụ tội phạm buôn lậu ma túy, fentanyl tăng nhanh, tình trạng xâm nhập trái phép vào biên giới phía Nam, tệ nạn trộm cắp, bạo lực súng đạn xảy ra thường xuyên với tần suất lớn ở nhiều địa phương gây mất trật tự an ninh cũng như gây tâm lý bất an cho người dân và xáo trộn trong xã hội nước này.

Mỹ đang có khoảng 650.000 người vô gia cư, tình trạng này đang ảnh hưởng đến chính sách tiền lương và trợ cấp xã hội của quốc gia và nhiều chính quyền bang. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 480 vụ xả súng hàng loạt, trong khi đó các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc hoặc quyền phá thai luôn phải đối mặt với các nhóm cực hữu chống phá cả bằng lời nói lẫn hành động.

Cuộc bầu cử Tổng thống “vô tiền khoáng hậu”

Mặc dù chưa có ứng cử viên chính thức, nhưng nhiều khả năng đây sẽ là trận "tái đấu" giữa Biden - Trump và đây sẽ là màn tái đấu thứ bảy trong lịch sử nước Mỹ và lần đầu tiên kể từ những năm 1950. Hai gương mặt sáng giá nhất cũng lại là những ứng cử viên nhiều tuổi nhất cho đến nay, ông Biden bước sang tuổi 81 còn ông Trump là 78 tuổi. Trong khi các cuộc thăm dò cho thấy tuổi tác của ông Biden được coi là đáng lo ngại hơn ông Trump, thì các tính toán chỉ ra rằng cả hai đều có nguy cơ cao gặp phải một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể làm thay đổi cuộc đua, thậm chí buộc các đảng phải lựa chọn một phương án thay thế ứng cử viên.

Một khả năng khác, đó là cựu Tổng thống Trump có thể bị kết án và ngồi tù. Hiện ông Trump đang phải đối mặt với 91 cáo buộc hình sự trong bốn phiên tòa riêng biệt, tất cả đều có thể diễn ra vào năm tới với mức án tối đa có thể lên tới hàng trăm năm. Trong lịch sử Mỹ, đã từng có tù nhân tham gia tranh cử Tổng thống nhưng việc có một Tổng thống đắc cử điều hành đất nước sau song sắt là điều chưa từng có người nào nghĩ đến.

Câu hỏi để ngỏ về cam kết an ninh và vai trò của Mỹ

Trong năm 2024, Chính quyền Tổng thống Joe Biden chắc chắn sẽ tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại can dự, xây dựng liên minh, từng bước khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới. Tuy nhiên, đối đầu và xung đột hiện tại với diễn biến khó lường đang đẩy nước Mỹ và cụ thể là Chính quyền Tổng thống Biden vào mớ bòng bong khó tìm lối thoát. Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng, chiến tranh Nga - Ukraine dai dẳng và phức tạp, xung đột ở Trung Đông có nguy cơ lan rộng mang lại bất ổn và rủi ro không chỉ cho nước Mỹ mà còn toàn thế giới. Với việc Tổng thống Biden ngày càng tập trung vào chiến dịch tái tranh cử vào năm tới, thì chính sách đối ngoại của Mỹ vào năm 2024 tìm kiếm một thế giới ổn định dường như khó có thể thành hiện thực.

Phạm Huân - Vũ Hợp

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận