Quốc vương Brunei: Nửa thế kỷ trị vì và 'kho báu' vô giá…

Hơn nửa thế kỷ trị vì, người đứng đầu vương triều Brunei còn sở hữu một 'kho báu' khổng lồ mà không vàng bạc châu báu nào sánh bằng.

 

Nói tới Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah, truyền thông quốc tế thường viết về ông trên tư cách một trong những nhân vật giàu nhất thế giới. Điều đó đúng nhưng chưa đủ.

Hơn nửa thế kỷ trị vì, người đứng đầu vương triều Brunei còn sở hữu một “kho báu” khổng lồ mà không vàng bạc châu báu nào sánh bằng, đó là sự yêu kính và tự hào hết mực mà thần dân Brunei dành cho đức quân vương của mình.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 26 đến 28/3/2019.

Người tạo nên những đổi thay vượt bậc cho Brunei

Sinh năm năm 1946, vị Quốc vương thứ 29 của Brunei này là con trai lớn của Quốc vương Sultan Omar Ali Saifuddien III. Năm 1961, ông được phong làm Thái tử. Tuy nhiên, phải đến ngày 4/10/1967, sau lễ thoái vị của vua cha, Thái tử Hassanal Bolkiah mới từ Anh - nơi ông theo học phi công tại Trường Sĩ quân Lục quân Hoàng gia Sandhurst - về nước chính thức kế vị ngai vàng. Và thời khắc Hassanal Bolkiah lên ngôi vương cũng chính là thời khắc đánh dấu những đổi thay tích cực của đất nước nhỏ bé này.

Quốc vương Hassanal Bolkiah (áo đen, ngồi giữa) trong một cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN (Ảnh: ST FILE) Sự đổi thay lớn đầu tiên của Brunei dưới triều đại Hassanal Bolkiah là việc năm 1984, quốc gia này chính thức tách khỏi Anh quốc, tuyên bố độc lập. Một quốc gia độc lập non trẻ, điều cần nhất, tiên quyết nhất là sự ổn định. Sớm nhận thức rõ điều đó, không ngại những thị phi, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah khoác lên vai mình một lúc nhiều trọng trách - Quốc vương kiêm Thủ tướng, Bộ trưởng quốc phòng, Bộ trưởng ngoại giao và thương mại, Bộ trưởng tài chính, Tổng tư lệnh quân đội, Tổng thanh tra cảnh sát Hoàng gia. Và thời gian đã chứng minh, ông không hề ôm đồm. Một Brunei giàu có về tài nguyên thì đã hiện hữu từ lâu nhưng một Brunei vừa giàu có vừa có tốc độ tăng trưởng đáng khâm phục thì có thể nói mới từ vương triều Hassanal Bolkiah.

Là người con của đất nước Brunei, Quốc vương Hassanal Bolkiah thấu hiểu hơn ai hết lợi thế chẳng mấy quốc gia có được của đất nước mình: tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu lửa và khí đốt. Nhưng “của sẵn có” mà tiêu dùng vô tội vạ, khai thác không đúng cách, rồi cũng sẽ cạn. Quốc vương Hassanal Bolkiah sớm phải thực hiện chính sách kinh tế hiệu quả dựa vào khai thác tài nguyên một cách hợp lý. Nhờ vậy, từ những năm cuối 1990, đặc biệt là bước sang những năm 2000, Brunei đã dần có những bước tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Năm 2000 GDP bình quân đầu người của Brunei là 56.000 USD. Năm 2011, tăng trưởng GDP của Brunei là 2,97%, năm 2014 tăng lên 5,3%, tỷ lệ thất nghiệp 2,7%, tỷ lệ lạm phát là 0,2%. Trong giai đoạn từ 1999-2008, Brunei trở thành nước công nghiệp hóa mới. Brunei có Chỉ số phát triển con người (HDI) cao thứ hai ở Đông Nam Á (sau Singapore).

Quốc vương Hassanal Bolkiah trong bức ảnh chân dung chụp năm 1986 (Ảnh: HMJUBLIEEMAS) Một điểm nhấn ấn tượng nữa thời vương triều Hassanal Bolkiah cũng là một trong những động thái đã làm nên những đổi thay lớn cho Brunei là ngay từ đầu những năm 2000, Hassanal Bolkiah đã chủ trương Brunei phải xây dựng kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế, thoát khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu hỏa, phấn đấu trở thành một nền kinh tế lớn trong ASEAN. Để bắt đầu quá trình đa dạng hóa nền kinh tế, Brunei đã thành lập hội đồng phát triển chiến lược kinh tế Brunei (BEDB), xác định 4 ngành mũi nhọn phát triển là du lịch, dịch vụ tài chính, hậu cần quân sự và công nghệ phần mềm. Bên cạnh đó, kể từ năm 2011, Brunei đã bắt đầu quá trình soạn thảo Bộ Luật Cạnh tranh quốc gia; xây dựng kế hoạch “Tầm nhìn 2035" với nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn bằng cách phát triển môi trường kinh tế ổn định trong nước.

Không những trong lĩnh vực kinh tế, trên địa hạt văn hóa, tư tưởng, Quốc vương Hassanal Bolkiah cũng tạo không ít ấn tượng, đơn cử như việc năm 2014, ông quyết định cho ban hành đạo luật Hồi giáo Sharia. Cho dù gây nhiều tranh cãi, nhưng đúng như lời Quốc vương Hassanal Bolkiah, đạo luật này là cần thiết để chữa trị các căn bệnh của xã hội, đặc biệt là biện pháp tốt để kiềm chế tình trạng tội phạm đang tăng mạnh tại Brunei trong một thập kỷ qua cũng như giảm thiểu sự gia tăng ảnh hưởng độc hại từ nước ngoài.

Quốc vương Hassanal Bolkiah khi còn là Thái tử vui chơi cùng cha- Quốc vương Omar Ali Saifuddien III hồi tháng 2/1973 (Ảnh: HMJUBLIEEMAS) “Một nhà lãnh đạo tuyệt vời”

“Một nhà lãnh đạo tuyệt vời!” - đó là câu trả lời của hầu hết người dân Brunei khi được hỏi về vị Quốc vương hiện nay của họ. Vô số những câu chuyện được kể về cuộc sống riêng tư của ông như việc ông là một trong những Quốc vương giàu có nhất trên thế giới với khối tài sản ròng lên tới hơn 20 tỷ USD, nổi tiếng với thú chơi xe với bộ sưu tập khổng lồ lên đến 7.000 chiếc xe hơi, hầu hết là siêu xe và xe sang được ghi vào Guinness, rằng nếu ngài Quốc vương sử dụng mỗi ngày một chiếc xe, thì phải mất tới mười ba năm rưỡi để toàn bộ 7.000 xe được lăn bánh. Chưa hết, ông còn sở hữu hàng loạt phi cơ riêng cùng dinh thự lộng lẫy, từng nhiều lần tự điều khiển chiếc Boeing 747 sang trọng của mình khi thăm chính thức nhiều quốc gia… Rồi chuyện Cung điện hoàng gia của ông tại thủ đô Bandar Seri Begawan có tới 1.788 phòng, 257 bồn tắm, 5 bể bơi lớn, 110 gara ô tô, tất cả đồ nội thất trong dinh thự đều được mạ vàng và kim cương. Rồi chuyện ông chi tới 20 triệu USD cho hôn lễ của con gái…

Nhưng đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Đa phần những người dân Brunei đều thấu hiểu rằng đó chưa phải là những điều đáng nói nhất khi nói về vị Vua của họ. Với họ, sự giàu có của Hoàng gia Brunei nói chung, của Quốc vương Hassanal Bolkiah không đi ngược lại sự thịnh vượng và bình yên chung của đất nước. Với họ, sự tuyệt vời mà họ cảm nhận được từ Đức Quân vương của mình lại đến từ những điều tưởng chừng rất bình dị. Trong mắt nhìn của họ có những điều về sự giản dị của ông mà họ biết rất rõ như việc ông hoàn toàn không có đội cận vệ riêng (Lực lượng phụ trách bảo vệ quốc vương và hoàng gia không phải là dân Brunei mà là người dân tộc thiểu số Gurkha gốc Nepal thuộc biên chế Đơn vị dự bị người Gurkha).

Quốc vương và hoàng hậu Salena (ảnh: AFP)Với những người dân Brunei, cảm nhận lớn nhất về Đức Vua của họ còn là việc ông là “Nhà lãnh đạo gần dân nhất, vì dân nhất”. “Vì dân” bởi những điều ông mang lại cho thần dân của mình hơn nửa thế kỷ ông trị vì đều là những điều tốt nhất cho người dân Brunei. Tại đất nước này, hầu như mọi thứ đều miễn phí, từ y tế, giáo dục, đường sá cho đến các loại thuế, chính phủ cho người dân vay tiền không tính lãi để mua sắm siêu xe hoặc bất cứ gì họ thích. Vương quốc Brunei không biết đến nạn thất nghiệp cũng như lạm phát. Brunei từ lâu đã được mệnh danh là “Abode of Peace” - xứ sở bình yên cũng vì lẽ đó. “Gần dân” bởi còn lưu lại mãi trong ký ức người dân Brunei là hình ảnh vị đức Vua của họ cầm trên tay cuốn sách đứng giữa lớp học tận tình giảng từng câu chữ cho các em học trò nhỏ; “gần dân” bởi họ không quên mỗi lần đất nước rơi vào cảnh thiên tai là mỗi lần họ chứng kiến đức quân vương đích thân ra hiện trường thăm hỏi, động viên các nạn nhân.

Và sự khâm phục, tôn kính gần như tuyệt đối của thần dân chính là nhân tố lớn nhất giúp Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại vị vững chắc trên ngai vàng đến nay đã bước sang năm thứ 52. Cùng với Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II, Vua Thụy Điển Carl XVI… để được liệt vào danh sách những vị vua trị vị lâu nhất thế giới.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận