Chống khủng bố gia tăng trở lại: Cần lắm cái bắt tay đồng lòng!

'Mặc dù thế giới đạt được một số thành tựu đáng kể trong những năm qua, song khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực vẫn bén rễ, phát triển'.

 

Hợp tác quốc tế là điều cần thiết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố nhưng tiến trình đối thoại về vấn đề này đang bị gián đoạn vì các căng thẳng ngày càng leo thang trên toàn cầu. Nhìn nhận này của người phát ngôn Điện Kremlin (Nga) Dmitry Peskov nhận được sự đồng tình của giới quan sát quốc tế bởi không khó để nhận ra, cơ chế hợp tác quốc tế chống khủng bố đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Khắp nơi âu lo bởi… khủng bố

Rạng sáng ngày 10/4/2024 theo giờ Việt Nam, UEFA Champions League trở lại với loạt trận tứ kết đầy hấp dẫn. Tuy nhiên, điều khiến các nhà tổ chức đau đầu, bận tâm nhất không hoàn toàn đến từ lượng khán giả đến sân hay chất lượng các trận đấu mà là những lời đe doạ đến từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Theo đó, nhóm khủng bố này đã đưa ra lời kêu gọi tấn công khủng bố vào 4 sân vận động sẽ tổ chức tứ kết Champions League. Theo đó, Al Azaim - nhánh truyền thông của IS đã đăng ảnh tay súng trùm kín mặt kèm lời đe dọa tấn công 4 sân vận động Emirates (Anh), Công viên các hoàng tử (Pháp), Metropolitano và Santiago Bernabeu (Tây Ban Nha), kèm thông điệp “Giết hết bọn chúng”.

Quân nhân Ghana tham gia một chương trình huấn luyện chống khủng bố, tháng 3/2023. (Ảnh: Reuters)Trước những đe dọa, các quốc gia nơi có các sân sẽ diễn ra các trận tứ kết đã phải vội vàng áp dụng những biện pháp an ninh ngặt nghèo nhất. Chính quyền các thành phố này đã kích hoạt chế độ giám sát an ninh lên mức cao nhất, bao gồm nhiều biện pháp như huy động thêm cảnh sát làm nhiệm vụ, kiểm soát chặt chẽ cổ động viên, rà phá chất nổ quanh sân. Ban tổ chức sân Bernabeu còn dự định đóng lại mái vòm để hạn chế sự hoạt động của các thiết bị bay không người lái, còn chính quyền Tây Ban Nha đã điều hơn 3.000 nhân viên an ninh để đảm bảo trật tự cho các trận đấu Real Madrid - Manchester City và Atletico - Borussia Dortmund.

Không chỉ đối với bóng đá, sau sự việc ngày 22/3/2024, nhóm Khorasan (ISIS-K), nhánh IS tại Afghanistan, nhận trách nhiệm đã tiến hành vụ khủng bố đẫm máu tại nhà hát Crocus City Hall (Nga) khiến 144 người chết, cả châu Âu đã phải ngay lập tức nâng cao cảnh giác trước nguy cơ khủng bố đang có xu hướng quay trở lại, các tổ chức chân rết IS đang âm thầm trỗi dậy với tham vọng mở rộng sự hiện diện ra khắp thế giới.

Trong đó, châu Âu là châu lục có nguy cơ lớn nhất và theo chỉ số khủng bố toàn cầu, Đức, Pháp và Anh là những quốc gia chịu ảnh hưởng từ nạn khủng bố nhiều nhất. Ngày 24/3/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto đã lên tiếng cảnh báo một cuộc tấn công khủng bố tương tự vụ xả súng tại nhà hát Crocus City Hall gần thủ đô Moskva (Nga) có thể xảy ra ở những quốc gia mà tổ chức khủng bố quốc tế Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện diện.

Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng Italy, IS chưa bị tiêu diệt và cuộc tấn công ngày 22/3 ở Nga là dấu hiệu cho thấy các cuộc tấn công tương tự hoàn toàn có thể xảy ra ở nhiều quốc gia khác. Hồi đầu tháng 3/2024, cảnh sát Italy đã bắt giữ 3 kẻ đang lên kế hoạch tấn công khủng bố. Các nghi phạm đã thành lập một chi nhánh liên kết với Lữ đoàn Tử vì đạo Al-Aqsa, một tổ chức khủng bố Hồi giáo có trụ sở tại Palestine.

Người dân đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall. (Ảnh: AP)

Tại Pháp, chỉ trong khoảng thời gian từ 18 - 29/10/2023, cảnh sát đã ghi nhận 70 vụ dọa đánh bom tại các sân bay ở đất nước này. Đức cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ khủng bố. Cũng vào tháng 10/2023, ít nhất 11 trường học ở các TP Augsburg, Regensburg và Cham (bang Bayern), Karlsruhe và Mannheim (bang Baden Wurttemberg), Solingen và Wuppertal (bang Nordrhein Westfalen),… lần lượt nhận được lời đe dọa đánh bom.

Tháng 12/2023, các thành viên Hamas bị bắt ở Đan Mạch, Đức và Hà Lan do bị nghi ngờ có liên quan một cuộc tấn công có kế hoạch nhằm vào các mục tiêu xử người Do Thái ở châu Âu.

Một châu lục cũng đang bị làn sóng khủng bố bủa vây là châu Phi. Kết luận được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) mới đây cho biết, vượt qua cả Trung Đông, khu vực Sahel và vùng cận Sahara của châu Phi trở thành “điểm nóng” mới, với gần một nửa số người thiệt mạng do tấn công khủng bố trên toàn thế giới là ở khu vực này.

Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ tấn công khủng bố trung tâm thương mại Crocus City Hall ở Krasnogorsk, ngoại ô Moskva, Nga ngày 23/3/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi (ACSS), số người chết liên quan đến khủng bố ở khu vực này đã tăng 20%, từ 19.412 người vào năm 2022 lên 23.322 người vào năm 2023. Burkina Faso, Mali, Niger và Somalia là những quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề nhất liên quan đến các tổ chức khủng bố al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng… 99% số ca tử vong tại 4 quốc gia này liên quan đến các cuộc tấn công của những nhóm cực đoan. Với 1.907 người chết liên quan đến khủng bố trong năm 2023, chiếm tới 25% số người trên toàn cầu, Burkina Faso đứng đầu danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres mới đây nhận định làn sóng khủng bố đang gia tăng ở khu vực châu Phi là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu. “Chỉ trong vài năm, châu Phi đã trở thành tâm điểm toàn cầu của chủ nghĩa khủng bố”, Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh. Tại hội nghị cấp cao về chống khủng bố của LHQ diễn ra hồi giữa năm 2023, các chuyên gia chống khủng bố cũng khẳng định châu Phi đang là điểm nóng khủng bố của thế giới. Một quan chức của LHQ nhận định châu Phi đã nổi lên như một chiến trường quan trọng của chủ nghĩa khủng bố và số lượng các nhóm khủng bố hoạt động tích cực tại khu vực này đã gia tăng đáng kể. Giám đốc điều hành Ủy ban Chống khủng bố của LHQ Natalia Gherman cũng khẳng định: "Châu Phi hiện chiếm gần một nửa số vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới. Các tổ chức khủng bố đang lợi dụng bất ổn chính trị để mở rộng bán kính ảnh hưởng, hoạt động và kiểm soát lãnh thổ ở vùng Sahel cùng vùng duyên hải Tây Phi".

Ngoài châu Âu, châu Phi, thách thức từ các nhóm khủng bố vẫn tồn tại ở Trung Đông, Đông Nam Á và Trung Á. Tại Nam Á, Afghanistan và Pakistan vẫn nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chủ nghĩa khủng bố.

Cảnh sát Pháp tuần tra trên quảng trường Trocadero ở thủ đô Paris ngày 25/3/2024. (Ảnh minh họa: THX/TTXVN)

Cần thêm nữa những cắi bắt tay thật chặt từ các quốc gia

Ngày 24/3 mới đây, Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ tấn công đẫm máu tại Nga. Chính phủ Pháp ra thông báo trên sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức một cuộc họp an ninh khẩn cấp sau vụ tấn công khủng bố ở Nga. Hệ thống cảnh báo khủng bố của Pháp có 3 mức, ở cấp độ cao nhất, Pháp thực hiện các biện pháp an ninh đặc biệt như tăng cường lực lượng vũ trang ở những nơi công cộng, bao gồm nhà ga, sân bay và các địa điểm tôn giáo.

Cơ quan chức năng của Bỉ cũng đưa mức độ đe dọa khủng bố ở nước này lên mức 3 trên thang 4 cấp độ. Ðức áp dụng các biện pháp tạm thời kiểm soát biên giới nhằm tăng cường an ninh dịp đăng cai EURO 2024 sắp tới.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát quốc tế, nỗ lực của những quốc gia như Pháp, Bỉ, Đức… là rất quan trọng nhưng chưa đủ trong cuộc chiến chống khủng bố. Nói như người phát ngôn Điện Kremlin (Nga) Dmitry Peskov, cuộc chiến chống khủng bố là tiến trình liên tục cần hợp tác quốc tế toàn diện nhưng hiện nay hợp tác không được thực hiện đầy đủ hoặc không được thực hiện vì căng thẳng chính trị leo thang trên toàn cầu.

Cảnh sát dẫn giải nghi phạm vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus City Hall ngày 24/3/2024. (Ảnh: AP)

Thực ra, nhiều năm trước, sau sự kiện 11/9 tại Mỹ, nhiều quốc gia châu Âu đã tăng cường năng lực cho các cơ quan tình báo và hợp tác với Mỹ trong các nhiệm vụ chống khủng bố ở nước ngoài. Tuy nhiên, sự phối hợp và hợp tác chưa đầy đủ giữa các nước châu Âu vẫn còn là một vấn đề. Thực trạng này cũng không khác mấy tại các châu lục còn lại.

Giới quan sát cho rằng, chủ nghĩa khủng bố lan truyền xuyên biên giới, trong khi bất đồng tạo ra rào cản giữa các nước. Bởi vậy, chìa khóa để giải quyết thách thức này là gác lại bất đồng, phát huy tinh thần hợp tác quốc tế và sức mạnh đa phương. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng nhấn mạnh: “Mặc dù thế giới đạt được một số thành tựu đáng kể trong những năm qua, song khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực vẫn bén rễ, phát triển. Do vậy, các quốc gia cần đồng lòng chống lại mối đe dọa toàn cầu này”. “Châu Phi, người dân ở khu vực này và cả thế giới mà chúng ta đang chung sống - hãy tiếp tục sát cánh cùng nhau và đưa ra các giải pháp mới để xóa bỏ bóng tối ấy, một lần và cho tất cả”, ông Guterres nói.

Chủ nghĩa khủng bố lan truyền xuyên biên giới, trong khi bất đồng tạo ra rào cản giữa các nước. Bởi vậy, chìa khóa để giải quyết thách thức này là gác lại bất đồng, phát huy tinh thần hợp tác quốc tế và sức mạnh đa phương.

Một số tín hiệu vui đã xuất hiện như việc đầu tháng 4 này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Nga đã lần đầu điện đàm cùng nhau kể từ tháng 10/2022, để trao đổi vấn đề chống khủng bố, rằng hai bên sẵn sàng "tăng cường trao đổi nhằm mục đích chống lại mối đe dọa này một cách hiệu quả nhất có thể". “Hãy tiếp tục sát cánh cùng nhau và đưa ra các giải pháp mới để xóa bỏ bóng tối khủng bố” - hy vọng thông điệp ấy sẽ được hết thảy các quốc gia lắng nghe và hành động./.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận