Khủng hoảng thiếu ngủ tại Nhật Bản: Vấn nạn khôn lường từ 'văn hóa' kỳ lạ

Cuộc khủng hoảng thiếu ngủ tại Nhật Bản đã được chứng minh thực sự là vấn nạn xã hội đáng quan ngại và tiềm ẩn những hậu quả nặng nề.

 

Trong khi các chuyên gia y tế không ngừng khẳng định về tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khoẻ con người thì tại Nhật Bản, nhiều năm qua lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thiếu ngủ ngày càng diễn tiến trầm trọng.

45,5% người Nhật ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm

Dự án Kiểm tra Giấc ngủ Trẻ em được triển khai từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2024, đánh giá giấc ngủ của khoảng 7.700 học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại 68 trường trên cả nước Nhật Bản đã đưa ra kết quả cho thấy tất cả học sinh ở đất nước Mặt trời mọc đều không ngủ đủ giấc và khoảng 30% học sinh cấp 3 ngủ dưới 6 tiếng mỗi ngày.

Một nghiên cứu khác do Đại học Tokyo (Nhật Bản) vừa công bố hồi tháng 3/2024, xét trên những học sinh năm cuối các cấp học, kết luận học sinh lớp 6 trung bình ngủ 7,9 tiếng mỗi đêm. Con số này giảm còn 7,1 tiếng ở học sinh lớp 9 và chỉ còn 6,5 tiếng ở lớp 12. Còn theo Sách trắng được Nội các Nhật Bản thông qua vào ngày 13/10/2023, có 10% người Nhật Bản trả lời cho biết ngủ chưa đến 5 tiếng mỗi đêm, 35,5% ngủ từ 5 - 6 tiếng và 35,2% ngủ từ 6 - 7 tiếng.

Hình ảnh người ngủ gật dễ thấy trên các toa tầu điện ngầm tại Nhật Bản. (Ảnh minh họa: NYTimes)Điều đáng quan ngại là tình trạng thiếu ngủ trầm trọng không chỉ diễn ra ở độ tuổi học sinh. Theo tờ SCMP, người Nhật Bản gần như không ngủ đủ giấc và tình trạng "khủng hoảng thiếu ngủ" ở nước này đang diễn tiến ngày càng trầm trọng. Nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện vào năm 2021, cho thấy người Nhật ngủ trung bình 7 giờ 22 phút mỗi đêm, ít nhất trong số 33 quốc gia tham gia nghiên cứu. Theo thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản từ năm 2019, trung bình 37,5% nam giới và 40,6% phụ nữ nước này ngủ chưa đến 6 tiếng mỗi đêm.

Đáng quan ngại hơn nữa là cuộc khủng hoảng thiếu ngủ không phải mới xảy đến mà đã là thực tế tồn tại từ cả hơn mười năm trước đó tại Nhật Bản và diễn tiến theo chiều hướng ngày càng tồi tệ. Trong một nghiên cứu về giấc ngủ năm 2009 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Nhật Bản đã xếp hạng 28 trên 29 quốc gia được khảo sát, với thời gian ngủ kém xa so với thời gian ngủ của người Pháp và ngủ ít hơn 1 giờ so với người dân ở những quốc gia Đông Nam Á khác.

“Karoshi” - thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ những người chết vì làm việc quá sức do thiếu ngủ - trở thành vấn nạn tại đất nước mặt trời mọc. (Ảnh: AP, CNN)

Hậu quả khôn lường

Tháng 7/2013, dư luận Nhật Bản xôn xao trước tinnữ phóng viên Miwa Sado của Đài truyền hình NHK Nhật Bản được phát hiện đã tử vong trên giường trên tay cô vẫn còn đang cầm chiếc điện thoại di động. Nguyên nhân tử vong là do suy tim vì làm việc quá sức. Là một phóng viên chuyên đưa tin chính trị, cô đã làm thêm tới 159 giờ, gấp 5 lần thời gian trung bình trong khoảng thời gian bầu cử tại Nhật Bản.

Những trường hợp quá tải vì công việc, kiệt sức và thiếu ngủ tới mức trở thành nạn nhân của hiện tượng "karoshi", trong tiếng Nhật có nghĩa là chết do làm việc quá sức- đã không còn là phổ biến tại Nhật Bản. Ngày 13/10/2023, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã công bố Sách Trắng, trong đó đề cập tới thời gian làm việc của người dân nước này thường kéo dài một cách "tàn nhẫn”. Cũng theo Sách Trắng, tổng cộng 2.968 người Nhật Bản đã chết vì các vụ tự tử do karoshi (thuật ngữ tử vong do làm việc quá sức), tăng từ 1.935 người vào 2021. Sách Trắng của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng cho biết 10,1% nam giới nước này làm việc ít nhất 60 giờ một tuần và 4,2% phụ nữ làm việc trên 60 giờ mỗi tuần.

Inemuri - những người kiệt sức vì công việc, có thể bạ đâu ngủ đó đã trở thành một nét đặc trưng của Nhật Bản. (Ảnh: Getty)

Không dừng lại ở đó, các chuyên gia hàng đầu Nhật Bản về giấc ngủ cảnh báo cuộc khủng hoảng thiếu ngủ tầm quốc gia có thể gây hậu quả nặng nề cho xã hội. Tiến sĩ Masashi Yanagisawa, giám đốc Viện Y học Giấc ngủ Quốc tế thuộc Đại học Tsukuba cảnh báo thiếu ngủ liên quan tới các bệnh trầm cảm, ung thư, tim mạch, tổn thương hệ miễn dịch và nhiễm trùng, gây hậu quả là con người mất khả năng kiểm soát bản thân. "Có những sự liên quan rõ ràng giữa việc thiếu ngủ và nguy cơ mắc bệnh như trầm cảm cao hơn, hay một số bệnh ung thư, các vấn đề về tim mạch, tổn thương hệ thống miễn dịch và nhiễm trùng" - ông Yanagisawa cho biết.

Một số nghiên cứu khác cho thấy ngủ ít cũng ảnh hưởng tới năng suất lao động, khiến con người làm việc kém hiệu quả và dễ mắc sai lầm hơn, thậm chí việc thiếu ngủ có thể ảnh hưởng trí nhớ ngắn hạn và liên quan đến bệnh Alzheimer. Cuộc khảo sát cũng cho thấy, trong số những người lao động ngủ ít hơn 4 tiếng và 5 tiếng so với thời gian mà họ cho là lý tưởng, lần lượt có 27,4% và 38,5% được cho là có thể rơi vào tình trạng trầm cảm nặng hoặc rối loạn lo âu.

Con số hàng nghìn người chết mỗi năm liên quan tới karoshi, tới cuộc khủng hoảng thiếu giấc ngủ đã buộc các cơ quan chức năng Nhật Bản phải suy nghĩ tới những giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn nạn này.

Bài toán xã hội không dễ giải

Rõ ràng, với những hệ lụy trên, cuộc khủng hoảng thiếu ngủ tại Nhật Bản đã được chứng minh thực sự là vấn nạn xã hội đáng quan ngại và tiềm ẩn những hậu quả nặng nề. Con số hàng nghìn người chết mỗi năm liên quan tới karoshi, tới cuộc khủng hoảng thiếu giấc ngủ đã buộc các cơ quan chức năng Nhật Bản phải suy nghĩ tới những giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn nạn này.

“Karoshi” - thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ những người chết vì làm việc quá sức do thiếu ngủ - trở thành vấn nạn tại đất nước mặt trời mọc. (Ảnh: AP, CNN)

Tuy nhiên, thực tế tại Nhật Bản lại cho thấy đây là bài toán xã hội không dễ giải. Tại một đất nước có tiếng là “cuồng công việc” như Nhật Bản, việc ngủ trưa được coi là lười biếng, là nét xấu, có một giấc ngủ trưa “đúng nghĩa” được xem là “xa xỉ”, và thói quen “Inemuri” (được hiểu là “ngủ khi đang làm nhiệm vụ” hay “ngủ trong khi có mặt”) ngày càng phát triển, thì việc tìm giải pháp cho câu chuyện thiếu ngủ là không đơn giản.

Mới đây, đầu năm 2024, trong nỗ lực “tìm lại giấc ngủ” cho người Nhật, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra “Hướng dẫn về giấc ngủ để nâng cao sức khỏe”, trong đó khuyến nghị thời gian ngủ từ 9-12 tiếng/ngày đối với học sinh tiểu học và 8-10 tiếng/ngày đối với học sinh THCS và THPT. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi là phải tạo nên sự thay đổi căn bản trong tư duy của người dân Nhật Bản. “Suốt nhiều năm, người Nhật Bản được truyền dạy phải học hành chăm chỉ và làm việc siêng năng. Chăm chỉ được coi là một phẩm chất quan trọng, trong khi cuộc sống luôn có áp lực buộc mọi người phải làm nhiều hơn", ông Yanagisawa lý giải.

Cũng theo ông Yanagisawa: “Áp lực cũng đến từ bên trong của mỗi người, việc làm việc nhiều giờ có liên quan đến lòng tự trọng. Người Nhật Bản sẽ tự phê bình bản thân trong một nền văn hóa coi thái độ tích cực với công việc và chăm chỉ là một đức tính. Về cơ bản, một người đang ngủ bị cho là lười biếng.Tôi có thể nói rằng đại đa số học sinh Nhật Bản bị thiếu ngủ vì những quan điểm đó đã trở thành triết lý, thậm chí trở thành tiêu chuẩn cho đến hết cuộc đời của chúng”.

Chính bởi thói quen ít ngủ đã trở thành “nếp hằn trong tư duy” người Nhật, nên theo Giám đốc Viện Y học Giấc ngủ Quốc tế, điều khó nhất là thay đổi nếp nghĩ, tư duy của chính người Nhật cũng như các công sở Nhật. "Điều quan trọng là sự thay đổi cơ bản trong tư duy của mỗi người. Mọi người cần dành ra 8 tiếng mỗi ngày để ngủ như một khoảng thời gian quan trọng không thể đụng đến. Sau đó, họ mới sắp xếp mọi thứ khác như công việc, gia đình, giải trí xung quanh quỹ khoảng thời gian đó" - ông Masashi Yanagisawa nhấn mạnh.

Cũng theo ông Yanagisawa: Nếu sử dụng thuật ngữ tài chính, nhiều người coi việc ngủ như “quỹ đầu tư tùy ý” không quá quan trọng. Đó là một sai lầm lớn. Mọi người cần coi giấc ngủ như khoản vay mua nhà. Họ cần ưu tiên việc đó hàng ngày và ngủ đủ giấc. Mọi người cần dành 8 tiếng mỗi ngày cho việc ngủ coi đó như thời gian không thể thay thế”.

Thay đổi tư duy không bao giờ là việc dễ dàng, tuy nhiên, tác hại khôn lường của cuộc khủng hoảng thiếu ngủ buộc người Nhật Bản phải thay đổi, đó sẽ là sự lựa chọn duy nhất./.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận