Làn sóng 'Thị thực vàng': Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm…

'Thị thực vàng' hay 'visa vàng' được xem là một trong những phương cách hữu hiệu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài giàu có cùng dòng tiền đầu tư khổng lồ.

 

Bắt đầu xuất hiện hơn một thập kỷ qua, và được xem là bùng nổ, thịnh hành vào khoảng 2, 3 năm trở lại đây, “thị thực vàng” hay “visa vàng” đã là chương trình được chính phủ nhiều quốc gia từ Á sang Âu liên tiếp áp dụng, xem đây là một trong những phương cách hữu hiệu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài giàu có cùng dòng tiền đầu tư khổng lồ. Tuy nhiên, người dân nhiều nước lại chẳng mấy vui vẻ với làn sóng này…

Muôn vẻ “thị thực vàng”

“Thị thực vàng” hay “Hộ chiếu vàng - Golden Visa” là tên gọi của những chương trình cấp giấy phép cư trú hay quyền công dân của một số quốc gia dành cho người nước ngoài miễn là họ đầu tư một khoản tiền nhất định hoặc đầu tư bất động sản tại chính quốc gia đó.

Chính phủ Tây Ban Nha vừa quyết định chấm dứt “thị thực vàng” cấp cho công dân ngoài Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn nguy cơ đầu cơ bất động sản. (Ảnh: AFP)Tại mỗi nước, giữa các nước, chương trình “thị thực vàng” là khác nhau khi mỗi chính phủ có mức quy định riêng biệt về việc các công dân, nhà đầu tư nước ngoài đổi lấy “thị thực vàng”. Đơn cử như hồi tháng 9/2023, Indonesia công bố chương trình thị thực vàng nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến sống, làm việc, học tập hoặc nghỉ hưu tại nước này. Theo đó, để được sống, làm việc, học tập hoặc nghỉ hưu tại Indonesia, các nhà đầu tư cá nhân phải thành lập một công ty có vốn đầu tư 2,5 triệu USD để nhận TTV trong 5 năm hoặc đầu tư gấp đôi để nâng thời hạn lên 10 năm hoặc họ có thể mua trái phiếu chính phủ với tổng giá trị từ 350.000 - 700.000 USD.

Trước đó, Thái Lan cũng cho ra đời chương trình thị thực Cư trú dài hạn (LTR), theo đó, đơn xin cấp thị thực LTR triển khai tới 4 nhóm, gồm chuyên gia có tay nghề cao, chuyên gia làm việc từ Thái Lan, công dân toàn cầu giàu có và người hưởng lương hưu giàu có. Yêu cầu cơ bản để được cấp “thị thực vàng” là phải chứng minh tài sản ít nhất 1 triệu USD và thu nhập hàng năm là 80.000USD. Tháng 3/2023, Malaysia cũng đã có những thay đổi đối với hệ thống cấp “thị thực vàng” My Second Home (MM2H) theo hướng linh hoạt hơn với tham vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trở lại. Để đăng ký thị thực MM2M, người nước ngoài phải chứng minh họ sở hữu tài sản lưu động trị giá 1,5 triệu ringgit (tương đương 354.000 USD). Các ứng viên cũng được yêu cầu chứng minh thu nhập hàng tháng ở nước ngoài ít nhất 40.000 ringgit (9.400 USD) và bắt buộc sống ở Malaysia trong tổng cộng 90 ngày mỗi năm. Trước đó, Malaysia đã triển khai chương trình MM2M từ năm 2002.

Tại Đảo quốc Singapore, từ 1/1/2023, chương trình “thị thực vàng” hay thẻ chuyên gia (Overseas Networks and Expertise pass) dành cho những người nước ngoài có thu nhập cao và vợ/chồng của họ trong thời hạn 5 năm cũng chính thức được triển khai.

Năm 2022, Thái Lan đã đưa ra một chương trình thị thực mới có giá trị lên tới 10 năm thu hút thêm nhiều chuyên gia nước ngoài tới Thái Lan làm việc. (Ảnh: Reuters)Tại châu Âu, làn sóng “thị thực vàng” thậm chí sôi động không kém. Tháng 11/2023, Hungary đã khởi động lại chương trình "Thị thực vàng" sau một thời gian gián đoạn. Theo đó, thị thực vàng có thể được chính phủ Hungary cấp cho nhà đầu tư mua cổ phiếu quỹ bất động sản Hungary trị giá 250.000 euro hoặc bất động sản trị giá ít nhất 500.000 euro. Ngoài ra, việc quyên góp 1 triệu euro cho các quỹ quản lý tài sản lợi ích công cũng có khả năng được nhận thị thực vàng.

Tại Hy Lạp, theo chương trình đầu tư định cư của Hy Lạp, những công dân ngoài Liên minh châu Âu (EU) khi đầu tư khoảng 275.000 USD vào lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư và gia đình sẽ có được thị thực vàng thường trú tại đất nước này. Thị thực vàng Hy Lạp được gia hạn 5 năm mỗi lần với điều kiện vẫn còn sở hữu bất động sản. Sau 7 năm sống tại đất nước này, nhà đầu tư có thể lấy quốc tịch Hy Lạp.

Các quốc gia khu vực Trung Đông cũng đặc biệt quan tâm tới chương trình này. Từ tháng 3/2023, Ai Cập đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người nước ngoài có quốc tịch Ai Cập bằng cách đầu tư 300.000 USD để mua bất động sản. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng đã có chương trình “visa vàng” từ năm 2019, Jordan đã có chương trình CBI vào năm 2018 và năm 2020 Qatar bắt đầu cung cấp quyền cư trú tạm thời lâu dài để đổi lấy quyền sở hữu bất động sản, Bahrain có chương trình “thị thực cư trú vàng” từ năm 2022, Ả Rập Saudi cũng đã đưa ra chương trình “cư trú cao cấp” năm 2023.

Người nước ngoài có thể được cấp quốc tịch nếu đầu tư 300.000 USD tại Ai Cập, ví dụ như mua bất động sản. (Ảnh: DW)Trào lưu đang hết thời…

Hơn mười năm qua, “thị thực vàng” đã trở thành xu hướng, trào lưu được các quốc gia từ Á sang Âu, Trung Đông hăm hở bắt nhịp. Nhiều quốc gia không giấu giếm mục tiêu xem “thị thực vàng” là “mồi câu” người giàu đến với nước mình, trở thành công dân của nước này, được quyền ở dài hạn, làm việc, đầu tư hoặc chi tiêu mua sắm. Mục tiêu của một số quốc gia như Indonesia thông qua chương trình còn là thu hút nhân tài toàn cầu.

“Thị thực vàng là một chính sách mới mà chúng tôi sẽ sớm triển khai để thu hút những tài năng chất lượng trong lĩnh vực số hóa, y tế, nghiên cứu và công nghệ. Chính sách này sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi, thu hút nhiều người nước ngoài hơn, bao gồm cả những người du mục kỹ thuật số và doanh nhân đầu tư vào Indonesia”, một quan chức nước này từng tuyên bố. Thậm chí có quốc gia còn không úp mở thông điệp: “Nếu bạn có tiền hoặc lương cao, chúng tôi luôn mở rộng cửa chào đón”.

Thực tế, nhiều quốc gia đã hưởng lợi từ trào lưu “thị thực vàng”. Đơn cử như Bồ Đào Nha. Theo dữ liệu của Cơ quan Di trú và Biên giới Bồ Đào Nha, tính đến đầu năm 2023, nước này đã cấp thị thực vàng cho khoảng 30.600 người và mang lại khoản đầu tư 6,8 tỷ euro. “Thị thực vàng và các giải pháp thuế khác đã đưa Lisbon lên bản đồ quốc tế. Nhờ đó, chúng tôi đã có thể tân trang lại toàn bộ trung tâm lịch sử và biến nó thành một thành phố xinh đẹp” - Giám đốc khu vực Lisbon của công ty bất động sản Savills (Anh), từng hồ hởi chia sẻ. Nhiều nước châu Âu khác cũng đã thu hút hàng tỷ euro đầu tư từ chương trình “thị thực vàng”.

Malaysia tham vọng giành lại giới đầu tư giàu có châu Á với “thị thực vàng” mới. (Ảnh tư liệu: THX/TTXVN)Tuy nhiên, tấm huy chương dù hào quang rực rỡ đến đâu, vẫn có thể có những mặt trái tăm tối. Trào lưu “thị thực vàng cũng vậy”. Không phải vô cớ mà đến hai năm qua, đã dần xuất hiện ngày càng nhiều quốc gia có động thái chấm dứt chương trình này. Mới đây nhất, ngày 8/4/2024 vừa qua, Tây Ban Nha, quốc gia từng cấp tới 14.576 thị thực cho những người giàu có mua bất động sản và thu về 500.000 euro, đã nói lời chia tay với chương trình "thị thực vàng" với lý do “ngăn chặn nguy cơ đầu cơ bất động sản” bởi thực tế, theo đương kim Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, trong 100 “thị thực vàng” thì có tới 94 thị thực liên quan đến đầu tư bất động sản.

“Điều này khiến nhiều người Tây Ban Nha khó tiếp cận nhà ở tại nhiều thành phố trên khắp đất nước”, ông Sánchez cho biết. Có một thực tế mà ông Sánchez chưa nói rõ đó là sau một thập niên, chương trình này đã thu hút hàng tỷ euro đầu tư, nhưng nó cũng góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở trầm trọng cho chính người dân Tây Ban Nha.

“Chống đầu cơ giá bất động sản và hạ nhiệt thị trường nhà ở quá nóng” cũng là lý do khiến đầu năm 2023 Bồ Đào Nha cũng buộc phải tuyên bố chấm dứt chương trình này. Dòng người nước ngoài đến sinh sống đã khiến hàng ngàn công dân Bồ Đào Nha có thu nhập thấp phải rời bỏ nhà cửa ở các thành phố như Lisbon. Trước Bồ Đào Nha, Ireland cũng có quyết định tương tự. Hy Lạp đã huy động được 4,3 tỷ euro đầu tư chỉ từ “thị thực vàng” trong giai đoạn 2021 - 2023 tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis xác nhận có tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng và áp lực trong thị trường cho thuê nhà.

Bắt đầu từ 16/3/2023, Chính phủ Bồ Đào Nha ngừng cấp ‘thị thực vàng’ để “chống đầu cơ làm tăng giá bất động sản”. (Ảnh: romashkinnn/Shutterstock)Rõ ràng, chương trình “thị thực vàng” đã là nguồn cơn gây ra những cuộc khủng hoảng nhà ở tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp… và khiến giấc mơ nhà ở ngày càng xa vời với nhiều người dân. “Người ngoài cười nụ… người trong khóc thầm”, thậm chí còn là bức xúc, tranh cãi… khi nói về chương trình “thị thực vàng” là vì vậy. Chưa kể, tại nhiều nước, chương trình còn đang bị lợi dụng bởi các nhóm tội phạm có tổ chức và quan chức tham nhũng. Những giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ chính sách thị thực và hộ chiếu hay điều chỉnh hợp lý việc trao cho công dân nước ngoài quyền công dân hoặc quyền cư trú nhằm đảm bảo cơ chế không bị lợi dụng để tạo điều kiện cho tham nhũng… là điều các quốc gia đang phải làm, dù không dễ./.

Hơn mười năm qua, “thị thực vàng” đã trở thành xu hướng, trào lưu được các quốc gia từ Á sang Âu bắt nhịp. Nhiều quốc gia không giấu giếm mục tiêu xem “thị thực vàng” là “mồi câu” người giàu đến với nước mình, trở thành công dân của nước này, được quyền ở dài hạn, làm việc, đầu tư hoặc chi tiêu mua sắm.  

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận