Chiến thắng Điện Biên cho thấy niềm tin vào chiến thắng, sự đoàn kết… của người Việt

Cách đây hơn 70 năm, niềm tin tuyệt đối vững chắc vào sức mạnh, tư tưởng chắc thắng Điện Biên Phủ là điều hiện diện trong tư tưởng của hầu hết người Pháp...

 

Khẳng định ấy của nhà báo, đạo diễn, nhà làm phim nổi tiếng người Pháp Daniel Roussel cũng là nhìn nhận của rất nhiều người Pháp về chiến thắng lừng lẫy mà quân đội Việt Nam đã làm nên trên chiến trường Điện Biên cách đây tròn 7 thập kỷ.

Từ việc “Không tìm thấy người Pháp nào nghi ngờ tính vững chắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”

Cách đây hơn 70 năm, niềm tin tuyệt đối vững chắc vào sức mạnh, tư tưởng chắc thắng là điều hiện diện trong tư tưởng của hầu hết người Pháp.

Thời điểm đó, tại nơi lòng chảo Mường Thanh, thực dân Pháp xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với những công sự bê tông kiên cố, tua tủa mọc ra bốn hướng. Đặc biệt, trong cứ điểm bố trí tới con số khổng lồ 16.200 quân với 21 tiểu đoàn thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam, gồm 49 cứ điểm hỗ trợ nhau, vòng trong, vòng ngoài. Hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 lần máy bay lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch.

Các tướng lĩnh Pháp họp bàn kế hoạch xây dựng chiến địa phòng thủ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1953. (Ảnh: Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp)Những con số ấy khiến từ Chính phủ Pháp đến hầu hết tướng lĩnh Pháp đều hết sức đắc ý. Trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, Chính phủ Pháp cho rằng, Việt Minh không có khả năng tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm như Điện Biên Phủ. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Plêven sau khi trực tiếp thực địa Điện Biên Phủ, trở về Paris lớn tiếng tuyên bố trước Quốc hội Pháp rằng: “Tôi không tìm thấy người nào nghi ngờ tính vững chắc của tập đoàn cứ điểm...”.

Các nhà chiến lược quân sự của Bộ Quốc phòng Pháp cũng đều tự tin khẳng định: Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam không thể tiến công tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nếu Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam chủ trương tiến công tập đoàn này theo nghệ thuật tiến công thông thường, nghệ thuật tiến công mà các học viện quân sự nổi tiếng ở châu Âu và Bắc Mỹ đã nghiên cứu, giảng dạy từ lâu rồi.

Quân Pháp bại trận trên chiến trường Điện Biên Phủ.Tướng Navarre - vị Tổng chỉ huy thứ bảy của Quân đội viễn chinh Pháp vùng Viễn Đông - “cha đẻ của Kế hoạch mang chính tên ông ta và là người chủ đông cái gọi là “con nhím Điện Biên Phủ” và Tướng Cogny, Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương, có lẽ là hai trong những tướng lĩnh Pháp tự tin và có nhiều tuyên bố chắc thắng nhất. Tướng Navarre từng tuyên bố: "Họ mà xuống (cứ điểm Điện Biên Phủ - PV) là chết với chúng ta...".

Còn Tướng De Castries thậm chí cho quân rải truyền đơn, thách thức quân đội Việt Nam, trong đó có đoạn: “Gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nghe tin ngài mang nhiều Đại Đoàn lên đây để giao chiến và định đem quân vào ăn Tết trong Điện Biên Phủ. Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp ngài. Ký tên: De Castries. Chỉ huy GONO".

Còn Tướng Cogny, ngày 2/1/1954, khi trả lời phỏng vấn hãng tin AP (Mỹ), viên tướng này khẳng định: "Bộ chỉ huy Pháp tin chắc sẽ đánh cho Việt Minh đại bại ở Điện Biên Phủ. Chúng ta chờ đợi những cuộc chiến đấu ác liệt và kéo dài. Nhưng chúng ta sẽ thắng”. Trước đó, Cogny tuyên bố cứ điểm Điện Biên Phủ sẽ là "cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh", và rằng: "Chúng ta đã có một hỏa lực mạnh đủ sức quét sạch đối phương đông gấp 4 - 6 lần…".

Tù binh Pháp được lực lượng Việt Minh áp giải qua cầu Mường Thanh sau thất bại ở Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. (Ảnh: Getty Images)Tới thừa nhận kinh hoàng: “Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy”

Chủ nhân của lời thừa nhận kinh hoàng ấy không ai khác cũng chính là người từng tự tin nhất về sự chắc thắng của “con nhím Điện Biên Phủ” - tướng Cogny. Điều đáng nói là “sự quay xe” chua chát ấy chỉ diễn ra chưa đầy 2 tháng sau đó. Vị Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương đã thốt lên với báo giới ngay khi cuộc chiến tại Điện Biên Phủ còn chưa kết thúc. “Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy, nhưng không phải là cái bẫy với Việt Minh nữa, mà đã thành một cái bẫy đối với chúng ta” - tướng Cogny thú nhận.

Và sau sự kiện ngày 7/5/1954, khi lá cờ chiến thắng của quân đội Việt Nam tung bay trên nóc hầm De Castries, mọi thú nhận chua chát như chực vỡ òa cùng với nỗi bàng hoàng khó giấu. Ngày 8/5/1954, tờ "Nhân đạo" của Đảng Cộng sản Pháp chạy tít dài "Điện Biên Phủ đã sụp đổ". Thủ tướng Joseph Laniel đăng đàn, mặt tái nhợt thông báo tới toàn thể người dân Pháp: "Cứ điểm trung tâm Điện Biên Phủ đã thất thủ sau 20 ngày đêm chiến đấu khốc liệt".

Đối với người Pháp, Điện Biên Phủ thực là một vết đen trong lịch sử. Mà phàm không ai muốn nói về vết đen của mình, nói như GS văn học Laurence Campa (Trường đại học Sorbonne Nouvelle - Đại học Paris 3), “người ta luôn khó nói về thất bại của mình”. Tuy vậy với một thất bại như Pháp đã từng ở Điện Biên Phủ, thì không thể không nói đến, dù muốn hay không.

Các tù binh xếp hàng dài rời khỏi Điện Biên Phủ sau khi cứ điểm này thất thủ.Sau bàng hoàng là những phân tích, quy trách nhiệm, lý giải cho hàng loạt câu hỏi rằng: Làm sao nước Pháp lại đi đến thảm họa này? Vì sao nước Pháp mắc kẹt trong những ảo tưởng và lừa bịp? Chúng ta có sai lầm không? Ai chịu trách nhiệm về trận thua (Điện Biên Phủ) đó? "Bộ tham mưu của tướng De Castries không chiến đấu đến người cuối cùng vì họ đã kiệt sức. Đây là một sự đầu hàng không hơn, không kém của một đội quân bạc nhược và vô vọng" - báo "Người quan sát" (Pháp) đổ lỗi.

Những lý giải không chỉ ngay sau ngày cuộc chiến kết thúc mà còn dai dẳng nhiều thập kỷ sau đó. 10 năm sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Jules Roy, cựu Đại tá không quân Pháp vẫn tự vấn: “Mặc dù nhiều tấn bom đã trút xuống các trục lộ giao thông nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ bị đứt... Tướng Navarre bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”. Nhà báo Jean-Henri Jauneaud, tác giả cuốn “Từ Verdum đến Điện Biên Phủ” thì viết “Điều đáng kinh ngạc hơn cả không phải là ở chỗ Việt Minh có các loại pháo đó, vì Bộ chỉ huy Pháp đã biết từ một năm trước, mà là ở chỗ làm sao Việt Minh lại đưa được một khối lượng lớn pháo hạng nặng và duy trì việc tiếp tế đạn cho chúng qua vùng núi cao, rừng rậm, chẳng có đường sá gì cả”.

Các vị trí của địch trên đồi Him Lam bị trúng đạn pháo của ta bốc cháy, các vị trí trên đồi này đã bị tiêu diệt ngay trong ngày 13-3-1954, ngày mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)Cùng với thừa nhận chua chát là những thán phục không thể che giấu. Tướng Raoul Salan, người trực tiếp cầm quân chỉ huy trên chiến trường Việt Nam, khi nói về nghệ thuật quân sự của đối phương cũng bày tỏ khâm phục: “Quân đội Việt Minh là một lực lượng bộ binh xuất sắc... Lính bộ binh chính quy Việt Minh theo quan niệm của tôi là địch thủ ghê gớm nhất mà Pháp đã gặp phải từ sau trận Verdun”. Còn GS Pierre Journoud nhìn nhận: “Trận chiến Điện Biên Phủ không chỉ tác động tới Việt Nam, Pháp mà tới cả thế giới. Đó là trận đánh của thế giới”. Và trên hết, nói như nhà báo, đạo diễn, nhà làm phim nổi tiếng người Pháp Daniel Roussel, chiến thắng Điện Biên Phủ là bài học và là nguồn cảm hứng cho nhiều phong trào giải phóng dân tộc của các quốc gia bị áp bức trên toàn thế giới tại châu Phi, Nam Mỹ… có niềm tin vào chiến thắng, về sự đoàn kết của toàn thể người dân trong một đất nước có thể đánh bại được chủ nghĩa đế quốc và thực dân./.

10 năm sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Jules Roy, cựu Đại tá không quân Pháp vẫn tự vấn: “Mặc dù nhiều tấn bom đã trút xuống các trục lộ giao thông nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ bị đứt... Tướng Navarre bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”.

Hà Anh

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận