Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa cá nhân là thứ vi trùng rất độc, rất nguy hiểm

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa cá nhân làm cho con người trở nên suy đồi, thoái hóa, biến chất, thậm chí mất nhân tính.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc”, rất nguy hiểm, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực. Người nhấn mạnh: chủ nghĩa cá nhân làm cho con người trở nên suy đồi, thoái hóa, biến chất, thậm chí mất nhân tính. Đó thực sự là thứ “bệnh mẹ”, là “là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”, cần phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ.

Chủ nghĩa cá nhân: Khi việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình

Từ tác phẩm "Đường Kách mệnh" năm 1927, đến tác phẩm cuối cùng "Di chúc" và khoảng gần 200 bài nói, viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nhiều về đạo đức cách mạng và chủ nghĩa cá nhân.

Năm 1947 trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Chủ nghĩa cá nhân là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác.

Bác Hồ và cán bộ. (Ảnh tư liệu)

Đến năm 1948, trong bài “Chủ nghĩa cá nhân”, Người chỉ rõ những biểu hiện của căn bệnh chủ nghĩa cá nhân là: “Ngày thường, thì kỷ luật kém. Khi có vấn đề nghiêm trọng, thì hoang mang. Lúc tính toán công việc, thì đặt lợi ích của cá nhân mình, của nhóm mình lên trên lợi ích chung”. Căn bệnh ấy đưa cán bộ, đảng viên “đến chỗ trái kỷ luật, trái lợi ích của dân tộc”; sẵn sàng “đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc” và đi đến “lợi mình, hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật”.

Và đến tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người viết năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát, cho rằng "chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình.”.

Qua nhiều tác phẩm, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấy rõ chủ nghĩa cá nhân rất đa dạng, biến hóa khôn lường, muôn hình vạn trạng. Vì thế, Người không nêu ra định nghĩa cụ thể về chủ nghĩa cá nhân mà tùy vào từng hoàn cảnh, từng đối tượng để Người đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về chủ nghĩa cá nhân. Nhưng tựu trung nhất, như Người đã nhấn mạnh, chủ nghĩa cá nhân là “đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc”; “là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể” và điều đó, thường biểu hiện qua những căn bệnh như: Bệnh quan liêu, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, bệnh “hữu danh vô thực”, bệnh cận thị, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, bệnh a dua và kéo bè, kéo cánh,

Điều quan trọng nhất, Người khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc”, “là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác”; “là kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội”... Người nhấn mạnh:“Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”. Hơn thế, chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm” vô cùng nguy hiểm, trực tiếp cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Rèn đạo đức cách mạng để trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân

Là “thứ vi trùng rất độc”, “là bệnh chính, bệnh mẹ”; “là kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội”... vì thế, lẽ đương nhiên đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân là yêu cầu tất yếu; là công việc phải tiến hành thường xuyên.

Tuy nhiên, bởi chủ nghĩa cá nhân rất đa dạng, biến hóa khôn lường, muôn hình vạn trạng, vì thế, muốn đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn kiên trì, bền bỉ học tập, rèn luyện để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng. “Muốn gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi”- Người nhấn mạnh.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những tấm gương mẫu mực về phẩm chất đạo đức của người cách mạng, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; luôn luôn: 1) “Tự mình phải “hoà mà không tư”, “cả quyết sửa lỗi mình”, “vị công vong tư”, không hiếu danh, không kiêu ngạo”, “ít lòng ham muốn về vật chất”. 2) Đối người phải “với từng người thì khoan thứ”, “có lòng bày vẽ cho người”, “hay xem xét người”. 3) Làm việc phải “phục tùng đoàn thể”... và đó chính là “làm người đày tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân”.

Bác Hồ với đại biểu phụ nữ các dân tộc Tây Bắc (1959). Ảnh: Tư Liệu

Người cũng đặc biệt chỉ rõ: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình” . “Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”. Người nhấn mạnh, đây là nguyên tắc tối cao của Đảng, là tính Đảng. Mỗi đảng viên phải khắc ghi điều đó.

Bên cạnh đó, để nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và người dân, cần mở rộng dân chủ trong Đảng, trong xã hội, phát huy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong mỗi con người, mỗi tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Thực hành tự phê bình và phê bình đồng sự mình. Phê bình một cách thiết thực mà thân ái. Phê bình từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên”. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái

Nhiều thập kỷ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận diện, vạch trần thứ bệnh cực kỳ nguy hiểm là chủ nghĩa cá nhân, những điều Người căn dặn vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự tới công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày hôm nay.

Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Đạo đức cách mạng luôn luôn là nền tảng của một Đảng chân chính cách mạng. Nhấn mạnh điều đó vừa khẳng định những gì Đảng đã đạt tới trong chặng đường đã qua và cũng đặt ra yêu cầu Đảng phải ở tầm cao đạo đức và trí tuệ, phải là tấm gương và kiểu mẫu. Mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu để quần chúng nhân dân noi theo. Rèn luyện đạo đức cách mạng, song song với đó là quét sạch chủ nghĩa cá nhân phải luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đặc biệt với các cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp...

Một trang bản thảo bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (3/2/1969).Việc Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục chỉ ra thực trạng đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân của các hạn chế trong thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng là: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, "lợi ích nhóm", bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi” cho thấy rèn luyện đạo đức cách mạng và loại trừ chủ nghĩa cá nhân luôn luôn là hành trình cần được nghiêm túc tiếp nối.

55 năm trước, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” viết dịp kỷ niệm thành lập Đảng mùa Xuân năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ yêu cầu: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật” trong toàn Đảng và trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Kiên quyết cho được như lời dạy của Người thì công cuộc phòng chống suy thoái đạo đức cách mạng mới thực sự thành công./.

Nhiều thập kỷ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận diện, vạch trần thứ bệnh cực kỳ nguy hiểm là chủ nghĩa cá nhân, những điều Người căn dặn vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự với công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày hôm nay.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận