Nước sạch: Nỗi âu lo sống còn của toàn cầu

Không có nước thì không có lương thực, không có hòa bình, không có sự sống, vì thế mỗi giọt nước cần được quản lý tốt.

 

“Không có nước thì không có thức ăn, không có hòa bình, không có sự sống, vì vậy, nước phải được quản lý tốt vì mỗi giọt đều quý giá”. Đó là nhấn mạnh của Tổng thống Indonesia Joko Widodo - nước chủ nhà của Diễn đàn Nước thế giới (WWF) năm nay. Tuy nhiên, dù đóng vai trò sống còn là vậy, nhưng với nhân loại nhiều năm qua, nước lại là nỗi âu lo thường trực chưa có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.

Nước: Bản lề cho sự thịnh vượng

Không phải vô cớ năm nay, chủ đề của Diễn đàn nước thế giới lần thứ 10, diễn ra tại Bali từ ngày 18 - 25/5 có chủ đề “Nước cho sự thịnh vượng chung”. Theo đó, nước chủ nhà lý giải, quản lý nước một cách hiệu quả có thể mang lại sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người. Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh: "Chủ đề của Diễn đàn năm nay là "Nước cho sự thịnh vượng chung" có thể được hiểu thành 3 nguyên tắc cơ bản, đó là: tránh cạnh tranh và thúc đẩy bình đẳng; ưu tiên hợp tác toàn diện, bao gồm việc sử dụng công nghệ và tài chính đổi mới; cũng như hỗ trợ hòa bình và thịnh vượng chung. Trong đó cả ba nguyên tắc đều chỉ có thể được thực hiện bằng một từ khóa, đó là “cộng tác”.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước đó, Ngày Nước Thế giới 22/3 năm 2024 được Liên Hợp Quốc phát động ̣cũng có chủ đề “Leveraging water for peace - Nước cho hòa bình” tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Cụ thể, LHQ tập trung lan toả các thông điệp: Nước - Cầu nối tới hòa bình và thịnh vượng; Hợp tác vì nước, duy trì hòa bình, thịnh vượng và ổn định xã hội;  Quản lý nước công bằng và bền vững góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội; Cân bằng nhu cầu về nước là thước đo của sự phát triển; An ninh nguồn nước là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng cho mọi quốc gia; Bảo vệ nguồn nước là bảo vệ chính cuộc sống chúng ta; Nếu tất cả chúng ta cùng chia sẻ, ai cùng sẽ có cơ hội sử dụng nước.

Cũng bởi tầm quan trọng đã được khẳng định từ lâu của nước, Ngày Lương thực Thế giới (16/10) năm 2023 vừa qua cũng chọn nước làm chủ đề tâm điểm. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), mọi hoạt động của con người đều sử dụng đến nước. Trung bình một ngày mỗi người cần uống từ 2 - 4 lít nước; để làm ra số lương thực cần dùng cho mỗi con người trong mỗi ngày phải mất từ 2.000 - 5.000 lít nước.

Nước sạch từ nguồn viện trợ được phân phối tại thủ đô Sanaa, Yemen. (Ảnh minh họa: THX/TTXVN)

Rõ ràng, vai trò của nước trong cuộc sống với an ninh lương thực, sức khỏe, hòa bình là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều khá lạ lùng là trên thực tế, không phải toàn nhân loại đều “ngộ” rõ vai trò quan trọng của nước. “Nhiều trong số các vấn đề của chúng ta nảy sinh bởi vì chúng ta không đánh giá đúng giá trị của nước; thường cho là nước không có giá trị gì cả”, Gilbert F. Houngbo, Chủ tịch Ủy ban về Nước của Liên hợp quốc, từng tuyên bố.

Nỗi âu lo toàn cầu

Nước bao phủ hơn 2/3 bề mặt của Trái đất, nhưng chỉ một phần rất nhỏ nước ngọt có sẵn để sử dụng. Hội nghị Nước LHQ tại New York (Mỹ) năm 2023 đã khẳng định cuộc khủng hoảng nước hiện nay là mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia. Đến năm 2030, nhu cầu nước ngọt trên toàn cầu được dự báo sẽ vượt nguồn cung tới 40%. Báo cáo do Viện Tài nguyên thế giới công bố hồi tháng 8/2023 cho biết thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước chưa từng có. Cụ thể, một nửa dân số thế giới đang đối mặt với tình trạng căng thẳng cao độ về nước trong ít nhất 1 tháng mỗi năm và tình trạng này dự kiến sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Báo cáo cũng cho biết, 25 quốc gia, chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới đang phải đối mặt với mức "căng thẳng cao cực độ" về tài nguyên nước. Trung Đông - Bắc Phi là khu vực có tới 83% dân số sống trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, trong khi con số này tại Nam Á là hơn 74%.

Một em nhỏ ở ngôi làng gần thị trấn Shahapur, quận Thane, bang Maharashtra, Ấn Độ đội bình đựng nước lấy từ giếng trong vùng. (Ảnh: ANI)Bên cạnh đó, còn có ít nhất 2 tỷ người trên toàn cầu sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm, khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn và bại liệt, trong khi khoảng 3,6 tỷ người không được tiếp cận hệ thống lọc nước hiệu quả. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, 1,4 triệu người tử vong mỗi năm và 74 triệu người bị giảm tuổi thọ do các bệnh liên quan đến nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém. Ô nhiễm và thiếu khả năng tiếp cận nước sạch, các cơ sở vệ sinh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới phụ nữ, trẻ em và người nghèo.

Các nghiên cứu khẳng định, việc tiêu thụ nước vô tội vạ và phát triển quá mức khiến nguồn nước ngày càng khan hiếm. Biến đổi khí hậu được cho là nhân tố chính gây nên tình trạng khan hiếm nước.

Thiếu nước cũng gây ra nguy cơ đối với an ninh lương thực. 60% các cây trồng cần tưới tiêu đang bị đe dọa do tình trạng căng thẳng về nước, khoảng 31% GDP của thế giới có thể phải chịu hậu quả của tình trạng này.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong phát biểu khai mạc Diễn đàn, đã nhấn mạnh không có nước thì không có lương thực, không có hòa bình, không có sự sống, vì thế mỗi giọt nước cần được quản lý tốt.

Hành động quyết liệt hơn để giải quyết vấn đề nước

Theo các chuyên gia, với tốc độ đầu tư và ý chí chính trị hiện nay, mục tiêu đảm bảo nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030 - mục tiêu thứ 6 trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) được LHQ đưa ra vào năm 2015 - sẽ không đạt được mục tiêu vào năm 2030. Vì vậy, đẩy nhanh tốc độ đầu tư, quyết liệt hơn trong hành động và mục tiêu là những điều LHQ đang kêu gọi.

Liên Hợp Quốc cảnh báo nguy cơ khủng hoảng do thiếu nước trầm trọng.

Để Mục tiêu SDG thứ 6 thành hiện thực đúng hạn, bên cạnh ý thức sử dụng nước tiết kiệm và đúng cách của mỗi cá nhân, các chuyên gia từ Viện Nước Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), từng chia sẻ, để có sự thay đổi thực sự bền vững, cần có những hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý và các chính phủ cần phải làm việc với nỗ lực gấp nhiều lần, đồng thời cần sự hợp tác giữa nhiều bên, gồm cả khu vực công, tư hay các tổ chức phi chính phủ.

Bên cạnh đó, theo Tổ chức WaterAid, để đạt mục tiêu tiếp cận nước sạch và vệ sinh vào năm 2030, thế giới cần phải tăng đầu tư gấp 3 lần, lên ít nhất 200 tỷ USD/năm.

Trở lại Diễn đàn nước thế giới lần thứ 10 này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong phát biểu khai mạc Diễn đàn, đã nhấn mạnh không có nước thì không có lương thực, không có hòa bình, không có sự sống, vì thế mỗi giọt nước cần được quản lý tốt. 230 phiên thảo luận theo chủ đề, 10 phiên họp đặc biệt và 55 sự kiện bên lề cũng chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất: tìm ra giải pháp, đổi mới và hành động chung trong thời gian sớm nhất giải quyết vấn đề nước.

Diễn đàn tập trung vào 4 vấn đề, đó là bảo tồn nước, nước sạch và vệ sinh; an ninh lương thực, năng lượng và giảm nhẹ thiên tai. Diễn đàn sẽ đưa ra các sáng kiến giải pháp và cam kết mới nhằm đạt được sự quản lý nước bền vững và công bằng. Theo Chủ tịch Hội đồng Nước thế giới Loic Faichon, Diễn đàn lần thứ 10 này có mục tiêu kép. Thứ nhất, khẳng định nước cũng như vệ sinh là những ưu tiên chính trị, ở mọi cấp độ, quốc tế, quốc gia và địa phương và những ưu tiên này đòi hỏi những hành động và giải pháp mang tính chính trị. Thứ hai, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp nước cho hàng triệu người đang thiếu nước, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa đổi mới, quản trị và tài chính.

Hợp tác hay giải pháp gì thì điều cốt lõi vẫn là sự quyết liệt và nỗ lực hơn nữa, như thế mới mong có sự chuyển biến trong vấn đề nước sách toàn cầu./.

Hà Anh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận