Biến đổi khí hậu và trẻ em toàn cầu: Những hệ lụy không thể ngờ

Biến đổi khí hậu đang đẩy trẻ em trên thế giới vào những hệ lụy không thể ngờ…

 

Theo những khảo sát mới nhất của LHQ, hàng triệu trẻ em trên thế giới bị vi phạm những quyền cơ bản và hai thủ phạm chính yếu nhất, cướp đi của các em những quyền cơ bản nhất là chiến tranh và biến đổi khí hậu. Trong đó, biến đổi khí hậu đang đẩy trẻ em vào những hệ lụy không thể ngờ…

Đẩy trẻ em vào cảnh nghèo đói, tha hương

Cuối tháng 11/2023, tổ chức từ thiện Save the Children có trụ sở tại Anh đã đưa ra một thống kê khiến nhiều người choáng váng, đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan tại các quốc gia dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu đã đẩy trên 27 triệu trẻ em vào nạn đói chỉ trong vòng một năm. Điều đáng quan ngại, theo Save the Children, con số này tăng mạnh 135% so với năm 2021. Còn theo dữ liệu từ hệ thống giám sát nạn đói An ninh Lương thực (IPC) của Liên Hợp Quốc, trẻ em chiếm gần một nửa trong số 57 triệu người bị đẩy vào tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực do thời tiết khắc nghiệt trong năm 2022.

Người dân che ô tránh nắng nóng tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 21/5/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới đây cũng ước tính khoảng 1 tỷ trẻ em trên thế giới đang đối mặt nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Còn tổ chức Save the Children thì nhấn mạnh, tính trên toàn cầu, ước tính 774 triệu trẻ em, chiếm 1/3 tổng số trẻ em đang chịu tác động do nghèo đói và rủi ro cao từ biến đổi khí hậu.

Cụ thể, theo UNICEF, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã khiến 43,1 triệu trẻ em ở 44 quốc gia phải rời bỏ quê hương trong vòng 5 năm qua, trong đó 95% số trẻ em phải di tản do bão lũ. Trong hành trình di cư này, các em tiếp tục chịu tác động của bạo lực, hoặc thậm chí mất đi mạng sống. Điều đáng quan ngại hơn nữa, theo Quỹ Nhi đồng LHQ, hàng chục triệu trẻ em trên thế giới phải di dời chỗ ở do thiên tai cũng là những đứa trẻ thường gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần, đặc biệt là những tổn thương tâm lý do bị chia lìa khỏi cha mẹ và người thân hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người.

Biến đổi khí hậu đang đẩy trẻ em vào những hệ lụy không thể ngờ.

Cũng theo UNICEF, Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines là 3 nước có số trẻ em nhiều nhất phải di dời khỏi nơi ở của mình, ước tính gần 23 triệu trẻ em trong tổng số 43,1 triệu em trên toàn cầu. "Tình hình trẻ em ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương rất đáng báo động. Cuộc khủng hoảng khí hậu đang đặt cuộc sống của các em trước nhiều nguy cơ, khiến các em bị bỏ lỡ tuổi thơ, quyền được sống và phát triển. Các chính phủ, doanh nghiệp và các nhà tài trợ cần cùng nhau hành động một cách khẩn cấp để giải quyết các trở ngại chính trong quản lý rủi ro thiên tai và áp dụng các dịch vụ thông minh thích ứng với khí hậu để trẻ em có thể lớn lên trong một môi trường an toàn và lành mạnh", bà Debora Comini, Giám đốc khu vực UNICEF Đông Á và Thái Bình Dương nhấn mạnh.

Theo một số thống kê, có hơn 210 triệu trẻ em tại khu vực này có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy; 140 triệu trẻ em có nguy cơ cao bị thiếu nước; 120 triệu trẻ em có nguy cơ cao bị ảnh hưởng lũ lụt ven biển; 460 triệu trẻ em bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí.

Châu Phi cũng là nơi có trẻ em bị ảnh hưởng tồi tệ không kém. Như tại Kenya, 2,4 triệu trong tổng số 12 triệu trẻ em nước này đang sinh sống ở các vùng khô cằn hoặc bán khô hạn - nơi chịu hệ lụy nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tại Somalia, nơi được coi là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, vẫn đang phải gánh chịu ảnh hưởng do hạn hán và lũ lụt. Những trận mưa lớn và lũ lụt gần đây tại nước này đã khiến khoảng 650.000 người phải di dời, trong đó khoảng một nửa là trẻ em.

Trẻ em nhận bữa ăn từ thiện tại Howlwadag, phía nam thủ đô Mogadishu, Somalia. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN)

Theo một báo cáo mới của UNICEF, cứ 3 trẻ em thì có 1 trẻ - tương đương 739 triệu trẻ em trên toàn thế giới - đang sống ở những khu vực có tình trạng khan hiếm nước ở mức cao hoặc rất cao, trong đó có khoảng 436 triệu trẻ em đang sống ở những khu vực có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng do thiếu nước.

Bà Kijala Shako, thuộc Văn phòng khu vực Đông và Nam châu Phi của tổ chức “Save the Children" khẳng định, bởi biến đổi khí hậu, trẻ em gần như mất mọi thứ, từ cơ hội tiếp cận y tế, giáo dục cho đến thực phẩm và sự an toàn. Còn Tổ chức UNICEF thì ước tính khoảng 1 tỷ trẻ em trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ cực cao chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm gia tăng các nguy cơ với trẻ em như tình trạng khan hiếm nước dùng, bệnh tật, ô nhiễm không khí, các hình thái thời tiết cực đoan…, tất cả những yếu tố được coi là có ảnh hưởng đáng kể tới quá trình sinh trưởng của trẻ trong giai đoạn hoàn thiện cơ thể từ ý thức đến thể chất.

Tổ chức Save the Children cho biết một nửa số người phải di dời do lũ lụt tàn khốc ở Somalia là trẻ em. (Ảnh: AFP)

Cướp đi quyền được đến trường

“Không thể nào học ở trường trong cái nóng khắc nghiệt này. Giáo viên không thể dạy, học sinh không thể tập trung. Đúng hơn là mạng sống của chúng em đang gặp nguy hiểm”, Hena Khan, học sinh lớp 9 ở thủ đô Dhaka (Bangladesh) chia sẻ về lý do cô bé không thể đến trường trong hè này. Khan chỉ là một trong hơn 40 triệu học sinh phải nghỉ học trong những tuần gần đây vì nắng nóng buộc các trường học ở một số khu vực châu Á và Bắc Phi phải đóng cửa. Đây là năm thứ hai liên tiếp Bangladesh áp dụng biện pháp đóng cửa trường học do thời tiết khắc nghiệt.

Tháng 4 vừa qua, nhiều quốc gia ở châu Á đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khiến chính phủ quyết định đóng cửa trường học. Điều này đã cho thấy rõ hệ lụy đáng quan ngại của biến đổi khí hậu tới việc học tập của trẻ em châu lục này nói riêng, toàn cầu nói chung. Trước đó, vào đỉnh điểm của đợt hạn hán lịch sử ở vùng Sừng châu Phi năm 2023, tổng cộng đã có 2,7 triệu trẻ em ở Kenya, Ethiopia và Somalia bỏ học hoặc có nguy cơ phải nghỉ học vĩnh viễn

Năm 2023, UNICEF cảnh báo cuộc khủng hoảng khí hậu đã trở thành hiện thực đối với trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương. Các em phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt do những tác động của biến đổi khí hậu, khi trường học phải ngừng giảng dạy trực tiếp do nhiệt độ tăng cao để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Nắng nóng, mất điện khiến các em lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, dẫn đến việc học tập không hiệu quả. Điều đáng quan ngại là nắng nóng còn làm gia tăng khoảng cách tiếp cận giáo dục giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển, thậm chí giữa các quận, huyện giàu và nghèo ở cùng một nước.

Tháng 4 vừa qua, nhiều quốc gia ở châu Á đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khiến chính phủ quyết định đóng cửa trường học. Điều này đã cho thấy rõ hệ lụy đáng quan ngại của biến đổi khí hậu tới việc học tập của trẻ em châu lục này nói riêng, toàn cầu nói chung.

“Khi các hiện tượng thời tiết liên quan đến khí hậu xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, chúng ta sẽ thấy những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với cuộc sống của trẻ em” - Giám đốc điều hành của Save the Children, Inger Ashing lý giải. Còn Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho rằng những hậu quả gây ra cho trẻ em bởi biến đổi khí hậu thực sự khắc nghiệt.

Mọi trẻ em, ở bất kỳ đâu, đều có quyền được sống trên một thế giới hòa bình, có quyền hưởng một hành tinh an toàn và đáng sống. Trẻ em là tương lai của nhân loại, bảo vệ quyền trẻ em cũng là bảo vệ quyền con người ở giai đoạn sớm nhất để xây dựng một tương lai phát triển bền vững mai sau… Và việc bảo vệ trẻ em khỏi những hệ lụy của biến đổi khí hậu chính là một trong những phương cách để bảo vệ trẻ em, bảo vệ tương lai của thế giới.

“Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những tình trạng như vậy, tác động sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống con người và môi trường chúng ta đang sống” - chung tay chống biến đổi khí hậu toàn cầu không chỉ để bảo vệ hiện thực chúng ta đang sống mà bảo vệ cả tương lai của con em chúng ta. Thông điệp đó của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) có lẽ nên được nhân loại lắng nghe và lan toả./.

Hà Anh

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận